Monthly Archives: December 2016

Công thức kinh doanh đơn giản từ Hãng thời trang Shimamura

Không quá kiểu cách, thân thiện và giá rẻ, đó chính là công thức thu lợi nhuận bền vững của Hãng thời trang Shimamura trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang đi xuống, giúp chuỗi kinh doanh quần áo lớn thứ hai của nước này vượt lên cả đối thủ Fast Retailing – chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo đình đám – trong 5 quý gần đây.

Trong khi tiêu dùng của các hộ gia đình tại Nhật Bản giảm liên tục suốt 11 tháng của năm tài khóa kết thúc hồi tháng 9 vừa qua, và giá tiêu dùng (CPI) cũng giảm liên tiếp 7 tháng, doanh thu của Shimamura vẫn tăng mạnh.

Trong 3 quý đầu năm nay, doanh thu của Hãng tăng trung bình 6,2% mỗi quý, trong khi con số này của Fast Retailing (sở hữu doanh thu thường niên gấp 3 lần Shimamura) chỉ là 5,4%.

Trong 6 tháng tính đến 20/8 vừa qua, thu nhập ròng của Shimamura tăng 46% lên 16,7 tỷ yen, vượt mục tiêu đề ra là 14,8 tỷ yen. Hãng này dự kiến lợi nhuận trong cả năm nay sẽ là 46,2 tỷ Yên, tăng 15,8% so với năm trước.

Shimamura đạt mức lợi nhuận trên một phần là nhờ đồng yen tăng giá, khiến nguyên liệu nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ Trung Quốc, về Nhật Bản trở nên rẻ hơn. Trong năm nay, đồng yen tăng so với tất cả các đồng tiền khác ở châu Á và tăng 15% so với đồng CNY của Trung Quốc.

Một năm qua, cổ phiếu Shimamura chỉ giảm 3,1%, thấp hơn nhiều so với mức giảm 15% của Fast Retailing. 5 trong số 13 nhà phân tích cổ phiếu của Bloomberg nhận định nên mua vào cổ phiếu của Shimamura, các ý kiến còn lại cho rằng nên tiếp tục nắm giữ.

Chiến lược kinh doanh nào đã giúp hãng thời trang này chiếm được thị phần từ tay một đối thủ lớn?

Shimamura mở cửa hàng quần áo đầu tiên tại Tokyo năm 1978, tức 15 năm sau khi có cửa hàng tại quận Saitama. Từ thập niên 90, hãng bán lẻ này bắt đầu mở ra nhiều cửa hàng trên toàn nước Nhật và cho đến cuối năm 2015, đã có 2.000 cửa hàng Shimamura và một vài hãng thời trang khác.

Theo Euromonitor International, năm 2011, với 4%, lần đầu tiên Shimamura dẫn trước World Co. trong cuộc đua thị phần ngành quần áo, nhưng vẫn bị Fast Retailing bỏ xa với 12%.

“Fast Retailing đang đi trên một con đường khác, giống như bay trên mây vậy, còn chúng tôi chỉ là một công ty bình thường”, chủ tịch Masato Nonaka nói và cho biết: “Chúng tôi không thể bắt chước họ. Chúng tôi phải tự đi trên con đường của riêng mình”.

Chiến lược của Shimamura là rất rõ ràng: giá rẻ và nhắm đúng đối tượng mục tiêu. Họ không có nhà thiết kế thời trang tên tuổi, không có người mẫu nổi tiếng để quảng cáo. Hầu hết cửa hàng trong hệ thống 2.000 chi nhánh của Hãng được đặt tại các khu dân cư, thay vì ở các trung tâm mua sắm cao cấp. Hàng hóa của họ, từ những chiếc áo cardigan giá 1.140 yen cho đến những chiếc quần skinny giá 900 yen, chủ yếu đến từ các nhà sản xuất giá rẻ nước ngoài.

Trong bối cảnh đối tượng khách hàng mà các chuỗi thời trang nhanh thường hướng đến là nhóm người trẻ tuổi, thì xu hướng “già hóa” dân số tại Nhật đã trở thành thách thức lớn. Bên cạnh đó, chi phí truy cập intenet trên điện thoại di động tăng cao cũng khiến cho giới trẻ Nhật Bản ít tiêu tốn vào quần áo hơn. Tuy vậy, Chủ tịch Nonaka – người đã gắn bó với Shimamura hơn 30 năm – nhận định rằng, tình trạng này không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của một công ty bán đồ giá rẻ như Shimamura.

“Chúng tôi không đánh bạc, chúng tôi chỉ đi thẳng vào mảng mà mình có thể giành phần thắng và làm những gì mình am hiểu”, Chủ tịch Nonaka chia sẻ trên Bloomberg: “Đó là chính sách nền tảng của chúng tôi”.

Các nhà đầu tư và giới phân tích cũng cho biết, Shimamura và đối thủ Uniqlo rất khác nhau về định hướng phát triển. “Họ hoàn toàn khác nhau, cả ở những việc đã làm trong quá khứ lẫn những dự định cho tương lai. Trong khi Uniqlo có doanh số quốc tế chiếm tỷ lệ lớn thì Shimamura lại chủ yếu hoạt động ở nội địa”, Dairo Murata – nhà phân tích tại JP Morgan Securities nhận xét.

2 năm trước, Shimamura đã số hóa hệ thống quản lý hàng tồn kho. Hiện nay, họ sử dụng thuật toán để đưa ra quyết định triển khai các chiến dịch giảm giá, khuyến mãi. Dù vậy, Công ty vẫn chưa bán hàng online, nhiều cửa hàng của họ tại Trung Quốc vẫn đang chật vật do thiếu nhận diện thương hiệu suốt 4 năm qua kể từ khi thành lập. Do đó, Chủ tịch Nonaka cho biết, Công ty dự định sẽ đóng cửa các cơ sở hoạt động không tốt, thay vào đó là việc bổ sung các danh mục sản phẩm còn thiếu. Và hiện tại, Shimamura vẫn có thể hài lòng với mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng sau mùa hè.

“Việc bán hàng của chúng tôi đang rất thuận lợi. Tôi có thể chỉ nói là ‘tốt’, nhưng sự thật là chúng tôi đang bán rất chạy. Điều đó khiến tôi không thể ngừng mỉm cười được”, ông Nonaka nói.

Kinh doanh trực tuyến tạo hiệu quả lớn cho SME

Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới đã xác định được một loạt các vấn đề cần giải quyết, đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ít có khả năng nhận thức được những cơ hội kinh doanh ở phạm vi quốc tế. Họ đối mặt với nhiều thách thức khi cố gắng thiết lập phạm vi sản xuất kinh doanh trên thị trường thế giới, đặc biệt là việc tham gia vào mạng lưới phân phối sản phẩm.

Hiện tại, internet đang cung cấp một giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề này vì tạo điều kiện cho SME có thể tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới. Một nghiên cứu của eBay tại 22 quốc gia trên toàn cầu cho thấy, các SME tiến hành kinh doanh trực tuyến đã xuất khẩu tới 97% khối lượng hàng hóa của mình. Trong khi đó số doanh nghiệp không tham gia kinh doanh trực tuyến chỉ xuất khẩu được 2 – 28% số hàng hóa.

Vì vậy kinh doanh trực tuyến rõ ràng mang đến nhiều thuận lợi cho SME khi muốn xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp ở các nước đang phát triển có số nhân viên dưới 10 người, chỉ có 25% các công ty này có trang web riêng. Đây là con số rất khác biệt đối với các doanh nghiệp có trên 250 nhân viên, với tỷ lệ 85% có trang web của công ty.

Nhiệm vụ của tổ chức WTO là thiết lập quy tắc thương mại toàn cầu và tạo ra một hệ thống trong đó mang lại cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp. Vì vậy toàn bộ 164 thành viên của WTO trên thế giới đang ngày càng quan tâm để làm cách nào thúc đẩy SME nước mình hoạt động hiệu quả, đặc biệt là trong việc khai thác tiềm năng của kinh doanh trực tuyến và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Ông Roberto Azevedo – Giám đốc Ngân hàng Thế giới chi nhánh Indonesia trong một bài viết trên báo Jakarta Post cho rằng, tại các nước phát triển trên thế giới, các SME tạo ra khối lượng hàng hóa lên tới 78% và 34% trong số đó được xuất khẩu, còn đối với các quốc gia đang phát triển thì con số này thấp hơn.

Một cuộc khảo sát đối với 25.000 doanh nghiệp nhỏ ở các nước đang phát triển cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp này chỉ chiếm 7,6% tổng số hàng hóa của họ, tại châu Phi con số nói trên chỉ chiếm có 3%.

Vấn đề ở đây là một số rào cản thương mại tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến hoạt động của SME. Việc đáp ứng một số tiêu chuẩn pháp lý cần thiết đối với các loại hàng hóa tại những thị trường khác nhau là một trong những khó khăn của SME, đồng thời ngay cả chi phí tìm kiếm thông tin về các tiêu chuẩn này cũng bị hạn chế. Điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các SME tại các quốc gia đang và chậm phát triển.

Các công ty lớn hơn có thể tiếp cận nguồn kinh phí từ chính phủ, nhưng đối với SME điều này không hề dễ dàng và do đó họ khó có điều kiện để tiếp cận, mở rộng sản xuất kinh doanh ở nước ngoài. Việc giảm thuế sẽ là một sự hỗ trợ lớn đối với SME, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin và nâng cao khả năng đào tạo của doanh nghiệp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý ở trong nước cũng như trên phạm vi quốc tế.

SME hiện đang gặp phải một bất lợi khác nữa là việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Trên phạm vi thế giới, các ngân hàng từ chối hơn 50% các yêu cầu về tài chính từ SME, so với chỉ 7% đối với các công ty đa quốc gia. SME cho rằng đây là một rào cản lớn về khả năng sản xuất kinh doanh của họ, vì vậy các chính phủ cần vào cuộc, có sự quan tâm và tạo điều kiện để họ phát huy khả năng của mình.

Ngành in bế tắc nguồn nhân lực

Những năm gần đây, số doanh nghiệp (DN) thuộc ngành in tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng mỗi năm, các cơ sở đào tạo nhân lực ngành in chỉ mới đáp ứng được 1/10 nhu cầu nhân lực của ngành.

Theo các số liệu thống kê về ngành in thương mại thế giới của IBIS World, nhu cầu của ngành in bao bì vẫn phát triển ổn định đã bù vào những mất mát đến từ truyền thông điện tử. Tổng doanh thu của toàn ngành trong năm 2016 dự kiến đạt khoảng 961 tỷ USD. Công nghệ in offset vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 48%, các phương pháp in khác là 36%.

Theo ông Nguyễn Văn Dòng – Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu đối với các sản phẩm in bao bì và in thương mại cũng tăng, tiềm năng xuất khẩu của các sản phẩm in ấn Việt Nam cũng rất lớn. Hiện Việt Nam có trên 2.000 đơn vị có máy in công nghiệp với doanh thu mỗi năm đạt trên 40.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Từ đầu năm 2014, ngành in Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi. Nếu phát triển tốt ngành công nghiệp in gia công xuất khẩu, dự kiến ngành in Việt Nam có thể tăng doanh thu khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, để đạt được con số tăng trưởng này, DN ngành in cần có kế hoạch giải quyết dứt điểm khó khăn về nhân lực – thách thức lớn nhất của ngành.

Trong khi đó, PGS-TS. Ngô Anh Tuấn – Chủ tịch Hội In TP.HCM, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành in ngày càng tệ. Số lượng đào tạo các cấp trình độ của ngành là 300 – 400 người/năm, không đủ đáp ứng nhu cầu nhân lực gần 4.000 người mỗi năm. Vòng lẩn quẩn về nguồn lực và sự phát triển liên tục lặp lại. DN trả lương không cao do sản xuất khó khăn. DN muốn có nguồn nhân lực nhưng không sẵn lòng bỏ tiền đào tạo. Nhà trường tuyển sinh khó khăn. Kinh phí thu từ hoạt động đào tạo không đủ bù chi. Đời sống giáo viên còn khó khăn. Cơ sở vật chất cho đào tạo không đạt dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực chưa cao”.

Lao động của ngành in được cung cấp từ bốn nguồn: các cơ sở đào tạo, các DN lấy lao động của nhau (dịch chuyển lao động), DN tự đào tạo, DN cử người đi học khi nhà cung cấp chuyển giao thiết bị.

Về cơ sở đào tạo – nguồn cung cấp nhân lực chính của ngành, hiện cả nước có 2 đơn vị đào tạo bậc đại học, 1 đơn vị đào tạo bậc cao đẳng và 4 trường trung – sơ cấp nghề in.

Mỗi năm Đại học Bách Khoa Hà Nội đào tạo được khoảng 25 kỹ sư ngành in, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đào tạo khoảng 50 kỹ sư, phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp đều được các công ty nước ngoài tuyển dụng. Trường Cao đẳng In Hà Nội thì từng bị xem xét có nên duy trì hay không.

Trường Trung cấp bao bì An Đức của Liksin đã ngưng tuyển sinh từ năm 2015, Trường Trung cấp Sài Gòn 3 và Trung tâm đào tạo ITAXA (sơ cấp nghề 9 tháng) cũng gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.

Về tự đào tạo, hiện nay, hầu như những DN ngành in phát triển tốt trên thị trường đều đã tự bỏ chi phí ra đào tạo. Công ty In Huynh đệ Anh Khoa (Anh Khoas Brother), chuyên in xuất khẩu tại TP.HCM, mỗi năm bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Năm 2016, Công ty đã thuê chuyên gia Mỹ, Nhật, Hà Lan và Việt Nam đến đào tạo để đạt được chứng chỉ PSO của Fogra (chứng chỉ cao nhất về hệ thống quản lý chất lượng in và ISO 12647-2 chuyên ngành in).

Tuy nhiên, do đa số DN ngành in là DN nhỏ và vừa, không thể ngay lập tức đầu tư thay đổi công nghệ, cải tiến kỹ thuật, đào tạo lao động tay nghề cao, nên cần tìm kiếm sự hợp tác từ phía các công ty và tổ chức nước ngoài để có sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ, cùng với đó là đặt hàng các trường đại học và cơ sở dạy nghề để có nguồn nhân lực là sinh viên tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Dòng nhấn mạnh: “Doanh thu ngành in năm 2016 dự kiến đạt hơn 60.000 tỷ đồng. Để có thể nắm bắt cơ hội trong môi trường kinh tế hội nhập, DN ngành in không còn cách nào khác là phải chủ động tìm kiếm các giải pháp để giải bài toán nguồn nhân lực, rào cản lớn nhất nhiều năm qua, thì mới mong giành được thị phần trong thị trường đầy tiềm lực này”.

8 kỹ năng giúp đổi đời chỉ cần học trong 6 tháng

Trong 6 tháng tới, chỉ cần tập trung học 1 trong 8 điều sau đây, bạn sẽ có một cuộc đời mới mẻ, đầy màu sắc đến bất ngờ.

Trước hết, hãy xác lập cho mình một động lực để cố gắng theo đuổi những kỹ năng này. Bài viết dưới đây sẽ cho biết bạn cần phải bắt đầu học chúng như thế nào và tạo thêm cảm hứng cho bạn trên hành trình thú vị sắp đến.

1. Tốc độ đọc

Bill Gates đã chia sẻ rằng nếu được chọn một siêu năng lực, ông sẽ muốn có được khả năng đọc nhanh hơn. Một trong những yếu tố mạnh mẽ làm nên các thành công vượt bậc của Bill chính là sự hiểu biết.

Khả năng xử lý thông tin nhanh hơn từ sách, báo, và các báo cáo sẽ giúp chúng ta học nhanh hơn, từ đó cải thiện từng khía cạnh trong cuộc sống giúp mọi việc được thuận lợi hơn.

Bắt đầu học từ đâu: Ngày càng có nhiều người nhận ra tầm quan trọng của việc đọc nhanh nên những khóa học giúp cải thiện tốc độ đọc cũng đang dần trở nên phổ biến hơn. Với quỹ thời gian hạn hẹp, khi bạn có thể đọc nhanh nghĩa là bạn sẽ học được nhiều hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn. Một vài khóa học miễn phí như Read Speeder hoặc ứng dụng Spritzlet sẽ hỗ trợ bạn.

2. Nói chuyện trước công chúng

Nghiên cứu cho thấy rằng có những người cực kỳ sợ phải nói trước đám đông. Thật đáng sợ khi đứng trước hàng trăm người và “phơi bày” hoàn toàn bản thân mình. Đó là khi bạn dễ bị tổn thương nhất và việc học cách làm thế nào để nói chuyện trước đám đông thực sự là một cuộc cách mạng.

Warren Buffett đã đưa ra lời khuyên cho những sinh viên mới tốt nghiệp rằng một trong số các kỹ năng bạn cần có để thành công chính là nói trước công chúng. Tất cả mọi thứ từ giao tiếp, sự tự tin và khả năng thuyết phục được nâng cao khi bạn phát triển kỹ năng nói trước đám đông.

Bắt đầu học từ đâu: Có những cộng đồng lớn như Toastmasters đã tổ chức các cuộc gặp gỡ trên toàn thế giới. Bạn sẽ tìm thấy những diễn giả tuyệt vời giúp cho những người mới bắt đầu hoặc đang mong muốn nâng cao khả năng của bản thân có một môi trường để học hỏi và trải nghiệm.

3. Tiếng Tây Ban Nha

Nếu thông thạo tiếng Tây Ban Nha, bạn sẽ có cơ hội giao tiếp được với trên 500 triệu người trên thế giới.

Không quan trọng là bạn sống ở đâu, việc sử dụng tiếng Tây Ban Nha ngày càng trở nên cần thiết hơn. Hãy nhìn tỷ lệ phần trăm dân số có nguồn gốc Tây Ban Nha và nền kinh tế đang dần lan rộng nhanh chóng trên toàn thế giới của nước này, bạn sẽ cảm thấy việc học tiếng Tây Ban Nha là hoàn toàn cần thiết.

Nếu bạn đang sống ở Mỹ, điều này thậm chí còn quan trọng hơn vì có đến 30% dân số là người Hispanic – những người mang văn hóa hoặc nguồn gốc Tây Ban Nha bất kể chủng tộc.

Chắc chắn, tiếng Trung Quốc là một ngôn ngữ quan trọng cần tìm hiểu, nhưng cũng cực kỳ khó khăn để thành thạo ngôn ngữ này. Nếu chúng ta đo lường mức độ quan trọng và thời gian để tìm hiểu thì có lẽ Tây Ban Nha sẽ là một trong ngôn ngữ được chọn lựa đầu tiên.

Một trong những lý do lớn nhất mà mọi người không bao giờ có thể nói lưu loát bất kỳ ngôn ngữ nước ngoài nào là bởi 2 yếu tố: sử dụng sai phương pháp và không dành đủ thời gian.

Con người chỉ giữ lại 5% những gì chúng ta học được từ các bài giảng, 20% những gì học được từ các ứng dụng (tín hiệu thị giác), nhưng đến 90% những gì chúng ta học được từ việc sử dụng thành thạo một ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ. Điều đó có nghĩa là để thành thạo một ngoại ngữ đòi hỏi bạn phải đầu tư nhiều hơn, tạo nhiều điều kiện, môi trường sử dụng thực tế để não học nhanh hơn.

Học tiếng Tây Ban Nha, bạn có thể giao tiếp với 500 triệu người trên thế giới

Bắt đầu học từ đâu: Nếu bạn muốn một cách hiệu quả nhất để học một ngôn ngữ, cách tốt nhất là hãy học hỏi trực tiếp và trao đổi thực tế với những người bạn nước ngoài.

Trang web lớn như Rype giúp luyện tập tiếng Tây Ban Nha cho những người bận rộn, giải quyết vấn đề thiếu thời gian và mang lại cơ hội vận dụng vào thực tế cho bạn. Với Rype, bạn có thể thiết lập lịch học để bất cứ lúc nào trong ngày, bất cứ ngày nào trong tuần, dù bận rộn cách mấy cũng sẽ có những thời gian biểu phù hợp cho bạn.

4. Khả năng tính toán

Nếu bạn đang muốn kinh doanh, khả năng tính toán là một trong những điều cốt lõi giúp bạn thành công. Bạn không cần phải là một chuyên gia, nhưng cần thiết phải nắm chắc những điều cơ bản.

Kỹ năng này cũng có thể được sử dụng để quản lý tài chính cá nhân của bạn, đáp ứng các mục tiêu tài chính và giúp kiểm soát cuộc sống tốt hơn.

Bắt đầu học từ đâu: Nếu bạn không được học kế toán ở trường cũng không cần phải lo lắng. Bạn có thể có thể tự học qua sách vở hoặc tìm hiểu các khóa học kế toán miễn phí trực tuyến.

5. Microsoft Excel

Hầu hết mọi người đều có hiểu biết cơ bản về Microsoft Excel. Đây là một khởi đầu tốt bởi có rất nhiều chức năng hữu ích còn chưa được sử dụng hết có thể giúp cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn rất nhiều

Bất cứ khi nào bạn đang tìm kiếm một công việc thì khả năng sử dụng thành thạo Excel sẽ rất hữu dụng. Nhiều tập đoàn dựa trên Excel để tổ chức và quản lý nhiều bộ phận của doanh nghiệp.

Bắt đầu học từ đâu: Bạn có thể tìm thấy rất nhiều nguồn, video trực tuyến miễn phí để tìm hiểu. Hãy thử với các ứng dụng Excel Exposure, Lynda, và Excel with Business.

6. Blog / Vlog

Viết blog là một công cụ mạnh mẽ nếu bạn muốn truyền tải ý tưởng, xây dựng thương hiệu hoặc phát triển kinh doanh. Kể từ khi ra đời, blog đã trở thành một phần riêng tư của mỗi người và quan trọng trong đời sống.

Bắt đầu học từ đâu: Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu viết blog ngay hôm nay. Tất cả bạn cần là một hệ thống quản lý nội dung hoàn toàn miễn phí như WordPress. Cách tốt nhất để bắt đầu học viết blog là chỉ cần bắt đầu viết.

Có những kỹ thuật giúp bạn quảng bá blog của mình, nhưng cách tốt nhất để phát triển blog là viết những nội dung có sức ảnh hưởng lớn.

7. Tập thể hình

Vận động viên thể dục thể hình, diễn viên điện ảnh Arnold Alois Schwarzenegger

May mắn là nó không đòi hỏi bạn phải mất nhiều chất xám hay stress như khi viết code, không mất thời gian như học một ngôn ngữ mới.

Tập thể hình không có nghĩa là nhất định bạn sẽ có một vóc dáng đẹp như Arnold Schwarzenegger, nhưng bạn sẽ nhanh chóng thấy kết quả hơn bất cứ mục tiêu nào trong đời bạn. Việc bạn cần làm chỉ là bắt đầu tập luyện và tập đúng phương pháp.

Bắt đầu học từ đâu: Bạn có thể tìm hiểu cách luyện tập để có một cơ thể tuyệt vời và tất cả những bí quyết miễn phí được chia sẻ trên YouTube, như kênh odybuilding.com.

8. Chỉnh sửa hình ảnh và video

Chúng ta đang sống trong một thế giới kỹ thuật số với các kênh như Youtube, Instagram, Facebook… Tất cả đều sử dụng chủ yếu hình ảnh và video.

Trong thực tế, phương tiện truyền thông xã hội đã ngày càng không còn chuộng hình thức chia sẻ văn bản và hầu như tất cả mọi thứ đều hướng đến hình ảnh và video.

Bắt đầu học từ đâu: Để chỉnh sửa ảnh, bạn có thể sử dụng Photoshop. Để chỉnh sửa video, bạn có thể sử dụng iMovie hoặc Final Cut Pro. Hãy nhớ, có hàng chục các công cụ phần mềm chỉnh sửa video và chỉnh sửa ảnh, nhưng điều quan trọng không phải ở công cụ nào mà là kỹ năng của bạn.

Hãy thử tìm hiểu các trang web giáo dục như CreativeLIVE hoặc Skillshare, nơi bạn có thể học hỏi từ các chuyên gia cách tốt nhất để sử dụng các phần mềm thiết kế.

Người dùng thích vị Pepsi hơn nhưng tại sao lại chọn Coca-Cola?

Hơn một nửa số người được hỏi khẳng định họ thích vị của Pepsi hơn Coca-Cola. Đây quả thực là một điều tuyệt vời phải không? Vậy là Pepsi có cơ hội đánh bại Coca-Cola trên toàn thế giới. Nhưng không. Điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả.

* Nội dung trích từ cuốn sách “Điều gì khiến khách hàng chi tiền?”, tác giả Martin Lindstrom.

Vào năm 1975, vụ Watergate vẫn còn khiến nước Mỹ bàng hoàng. Margaret Thatcher được bầu làm lãnh đạo đảng bảo thủ ở Vương Quốc Anh. Tivi màu bắt đầu xuất hiện ở Australia. Ca sĩ nhạc rock Bruce Springsteen cho ra đời album Born to run. Và các vị lãnh đạo của công ty Pepsi cho ra đời một chiến dịch quảng cáo rầm rộ mang tên Thách thức Pepsi (Pepsi Challenge).

Chiến dịch này như thế nào? Rất đơn giản, hàng trăm đại lý của Pepsi dựng bàn ghế ở các khu trung tâm thương mại và siêu thị trên khắp thế giới, phát hai cốc nước ngọt miễn phí cho tất cả mọi người đi qua và tò mò dừng lại xem. Một cốc đựng Pepsi, còn cốc còn lại là Coca-Cola. Câu hỏi đặt ra là họ thích vị của cốc nước ngọt nào hơn. Nếu kết quả thu về khả quan như họ hi vọng thì Pepsi có khả năng đánh bại được vị thế độc tôn trong ngành nước ngọt mà Coca-Cola đang chiếm giữ.

Khi phòng tiếp thị của công ty công bố kết quả, lãnh đạo của Pepsi đã rất hài lòng nhưng lại cũng vô cùng bối rối. Hơn một nửa số người được hỏi khẳng định họ thích vị của Pepsi hơn Coca-Cola. Đây quả thực là một điều tuyệt vời phải không? Vậy là Pepsi có cơ hội đánh bại Coca-Cola trên toàn thế giới. Nhưng không. Điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả.

Trong cuốn sách Trong chớp mắt (Blink), Malcolm Gladwell đã đưa ra một phần lý giải, Pepsi Challenge chỉ là một cuộc thử nghiệm nhanh (Sip Test) hoặc cái mà ngành công nghiệp soda gọi là “Bài test tập trung” (Central Location Test-CLT). Tác giả cho biết Nguyên Giám đốc phát triển sản phẩm mới của Pepsi, Carol Dollard, đã lý giải khác biệt giữa thử nhanh một cốc với việc uống cả lon nước ngọt.

Trong một bài thử nhanh, người ta có xu hướng thích sản phẩm có vị ngọt hơn (trong trường hợp này là Pepsi) nhưng khi họ phải uống cả một lon, thì họ luôn có xu hướng lo ngại về nguy cơ tăng lượng đường trong máu. Đó là lý do tại sao, theo Gladwell, Pepsi thắng thế khi cho khách hàng nếm thử sản phẩm nhưng Coca-Cola vẫn tiếp tục dẫn dắt thị trường.

Năm 2003, tiến sĩ Read Montague, Giám đốc phòng thí nghiệm thần kinh hình ảnh con người, Trường Y Khoa Baylor College ở Houston đã quyết định kiểm chứng lại kết quả của chiến dịch ở mức độ sâu hơn.

Đầu tiên, ông hỏi những người tình nguyện xem họ thích Coca-Cola hay Pepsi hơn. Kết quả gần như chuẩn xác với những gì người ta thu được từ thử nghiệm gốc trước đây, hơn một nửa bỏ phiếu cho Pepsi. Não bộ của họ cũng vậy. Phần hạch hạch trong não bộ những người tham gia đều hoạt động tích cực, đây là vùng não bộ bị kích thích khi chúng ta nếm được mùi vị gây cảm giác thích thú.

Thật hấp dẫn nhưng đó chưa phải là tất cả. Tiến sĩ Montague đã thực hiện giai đoạn 2 của thử nghiệm. Ông quyết định cho tất cả đối tượng tham gia thử nghiệm biết trước là họ sẽ uống Pepsi hay Coca-Cola. Kết quả là: 75% người được hỏi khẳng định họ thích Coca-Cola hơn.

Một thương hiệu gắn kết chúng ta về mặt cảm xúc sẽ luôn chiến thắng ở mọi thời điểm.

Bên cạnh hoạt động của vùng hạch hạnh nhân, dòng máu còn chảy qua phần vỏ não dưới trán, nơi chịu trách nhiệm xử lý suy nghĩ ở cấp độ cao hơn và nhận thức ở cấp độ sâu sắc hơn. Hai khu vực của não bộ đã tham gia vào cuộc chiến thầm lặng giữa lý trí và cảm tính. Trong cuộc giằng co ấy, xúc cảm đã nổi lên đè bẹp câu trả lời lý trí nghiêng về Pepsi. Đó chính là khoảnh khắc Coca-Cola giành chiến thắng.

Tất cả các yếu tố tích cực liên quan đến sản phẩm Coca-Cola của đối tượng tham gia thử nghiệm (lịch sử hình thành, logo, màu sắc, thiết kế, mùi vị, tuổi thơ, kỷ niệm với Coca-Cola, quảng cáo,…) đã đánh bại lý trí và ý thích hương vị Pepsi của họ. Tại sao lại như vậy? Bởi vì các cảm xúc chính là cách mà bộ não chúng ta giải mã giá trị sự vật. Một thương hiệu gắn kết chúng ta về mặt cảm xúc sẽ luôn chiến thắng ở mọi thời điểm.

Một lần nữa, kết quả thu được cho thấy tác động khủng khiếp từ cảm xúc đối với mỗi quyết định đưa ra hàng ngày. Như George Loewenstein, một nhà kinh tế học hành vi của Đại học Carnegie Mellon khẳng định: “Hầu hết bộ não của chúng ta được điều khiển bởi một quá trình tự động, bởi suy nghĩ cân nhắc có chủ tâm. Rất nhiều điều xảy ra trong não bộ hoàn toàn cảm tính, không thể nhận thức được”.