Monthly Archives: March 2018

QR Code – trợ thủ đắc lực của thương mại điện tử

Các công ty giao nhận thương mại điện tử ở Việt Nam ủng hộ sự phổ biến của hình thức thanh toán QR Code.

Lacoste thay logo cá sấu bằng sao la Việt Nam

Vừa qua, hình ảnh sao la Việt Nam đã bất ngờ xuất hiện trên chiếc áo polo của Lacoste

Những công ty nổi tiếng thế giới bị công nghệ “đe dọa”

Thương mại điện tử, các dịch vụ chia sẻ hay truyền thông xã hội đang ngày càng tác động lớn tới các thương hiệu hàng đầu thế giới và “thổi bay” hàng tỷ USD vốn hóa.

Những công ty nổi tiếng thế giới bị công nghệ "đe dọa"

Thương hiệu thời trang Thuỵ Điển H&M đang thất thế trước các đối thủ nhanh nhạy hơn với xu hướng trực tuyến. Nguồn: Bloomberg

Những tác động đó phản ánh rõ ràng nhất ở kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu.

Hãng dịch vụ marketing và quảng cáo hàng đầu thế giới WPP Plc

Gã quảng cáo khổng lồ WPP Plc có trụ sở tại London (Anh) ngày 1/3 vừa khiến các nhà đầu tư choáng váng khi đưa ra cảnh báo lần thứ ba trong vòng một năm về doanh thu thấp hơn dự báo, đẩy giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017. Trong một năm qua, vốn hóa của hãng quảng cáo lớn nhất thế giới đã “bốc hơi” một phần ba, xuống chỉ còn 11,5 tỷ USD.

Đi lên từ con số 0 và phát triển qua hơn 3 thập kỷ thông qua hàng loạt thương vụ thâu tóm, WPP đã trở thành một đế chế thống trị ngành quảng cáo thế giới. Tuy nhiên, thế giới giờ đây đã thay đổi đáng kể so với 30 năm trước.

Ngành công nghiệp này bắt đầu chứng kiến sự thoái lui của nhiều khách hàng lớn trong bối cảnh cạnh tranh trực tuyến đang dần “rút kiệt” mảng kinh doanh cốt lõi của họ. Unilever Plc – gã khổng lồ về hàng tiêu dùng toàn cầu và cũng là khách hàng lớn của WPP đang dần rút về các chiến dịch quảng cáo tốn kém nhằm giảm chi phí.

Thương hiệu thời trang H&M

Hãng thời trang Thụy Điển Hennes & Mauritz AB (H&M) từng thành công với công thức tăng trưởng trong ngành thời trang “ăn liền”, đó là: liên tục mở các cửa hàng mới với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, phủ khắp các trung tâm thành phố và trung tâm mua sắm trên thế giới với những chiếc quần jeans giá 20 USD hay áo phông giá 5 USD.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang bắt đầu thất thế trước sự trỗi dậy của các hãng thương mại điện tử như Amazon và những đối thủ nhanh nhạy hơn với xu hướng trực tuyến như Zara của hãng bán lẻ thời trang Inditex, cùng với hàng loạt chuỗi cửa hàng giảm giá như Primark của Associated British Foods Plc.

Trong năm 2017, cổ phiếu của H&M giảm 33% khi Công ty phải vật lộn để theo kịp xu hướng với các khoản đầu tư lớn vào thương mại điện tử và mô hình cửa hàng mới.

Cuối tháng 1 vừa qua, cổ phiếu này chứng kiến đợt giảm mạnh nữa khi H&M hãm lại chiến lược trên và bắt đầu đóng bớt các cửa hàng. Các quỹ đầu cơ liên tiếp bán tháo cổ phiếu này và cho rằng tình hình có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa.

Hãng cho thuê xe Hertz Global Holdings

Hertz với gần 10.000 điểm cho thuê xe trên toàn thế giới đang chịu ảnh hưởng lớn trước sự trỗi dậy của các loại hình chia sẻ phương tiện trên nền tảng công nghệ mới. Các dịch vụ gọi xe như Uber và Lyft dần thu hút ngày càng nhiều khách hàng tại các điểm sân bay – địa bàn mà Hertz và nhiều đối thủ từng có lượng đơn thuê xe khổng lồ.

Năm qua, cổ phiếu Hertz đã sụt 20% và quý IV/2017, hãng này ghi nhận khoản lỗ nặng hơn so với dự báo của giới phân tích.

Sự bùng nổ của dịch vụ gọi xe đẩy Hertz rơi vào thời kỳ đen tối nhất. Cựu CEO John Tague của hãng này đã phải bổ sung thêm đội xe để giành lại thị phần. Tuy nhiên, khi mà hành khách ngày càng chuyển sang dùng các dịch vụ gọi xe như Uber nhiều hơn, Hertz càng gặp khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh cũng như giữ cho giá cổ phiếu ổn định.

Nhiều cổ đông của Hertz lo sợ rằng sự suy giảm trong hoạt động cho thuê xe mới chỉ là điểm khởi đầu. Hertz cùng với các đối thủ có thể sẽ bị các startup gọi xe ứng dụng công nghệ “hất cẳng” ra khỏi thị trường.

Dù vậy, hy vọng cho Hertz vẫn còn. Năm ngoái, cổ phiếu này có được cú hích lớn khi Bloomberg đưa tin về việc Hertz đang phát triển một đội xe tự lái cho Apple.

Xerox và Fujifilm

Sự thống trị của email cùng các phương tiện giao tiếp điện tử khác đồng nghĩa với việc các công ty in ấn và photocopy đang chết dần. Đó là một trong những nguyên nhân đằng sau thương vụ công ty Fujifilm Holdings Corp Nhật thâu tóm cổ phần của hãng máy in – photocopy biểu tượng của Mỹ – Xerox trong liên doanh Fuji Xerox với giá 6,1 tỷ USD.

Việc kết hợp 2 công ty nhằm cắt giảm chi phí và có được lợi thế về quy mô trong bối cảnh nhu cầu máy in – photocopy văn phòng xuống thấp chưa từng thấy.

fujifilm

Theo Gartner, từ năm 2016 – 2021, số lượng máy in và máy photocopy giao toàn cầu được dự báo sẽ giảm 2,3%. Năm ngoái, doanh thu của mảng này của Fujifilm đã giảm hơn 7%.

Để tồn tại, công ty Nhật đang tập trung vào các dịch vụ quản lý in và hình ảnh y tế. Hãng này cũng đang mở rộng ra lĩnh vực y tế với hi vọng có thể thúc đẩy doanh thu nhờ nhu cầu các sản phẩm như siêu âm và nội soi.

Thương vụ của Fujifilm với Xerox sẽ đánh chấm hết cho sự độc tôn của công ty biểu tượng của Mỹ. Máy in và photocopy của Xerox từng phổ biến tới mức tên của công ty này được dùng như một động từ trong tiếng Anh.

Những ẩn số phía sau báo cáo tài chính ngân hàng

Các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn cuối công bố báo cáo tài chính năm 2017, trong đó ngân hàng nổi lên như là ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng nổi bật và tỷ lệ nợ xấu giảm về mức lý tưởng.

Những ẩn số phía sau báo cáo tài chính ngân hàng

Ảnh: Quý Hòa

Tuy nhiên để đánh giá thực chất hoạt động của một ngân hàng thì không chỉ nhìn vào con số lợi nhuận cũng như tỷ lệ nợ xấu được công bố trên báo cáo.

Thông thường nhà đầu tư khi đọc báo cáo tài chính thường chỉ quan tâm đến bảng cân đối kế toán và kết quả kinh doanh, tuy nhiên còn 2 báo cáo rất quan trọng mà ít nhà đầu tư nào chịu xem kỹ hoặc chưa hiểu rõ là bảng lưu chuyển tiền tệ và bảng thuyết minh báo cáo tài chính.

Cần biết rằng bảng lưu chuyển tiền tệ ghi nhận dòng tiền thực ra, thực vào của một doanh nghiệp, do đó sẽ phản ánh thực chất hiệu quả hoạt động của tổ chức. Cụ thể, nếu khoản mục thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trên bảng lưu chuyển tiền tệ thấp hơn nhiều so với thu nhập trên báo cáo kết quả kinh doanh, cho thấy khả năng ngân hàng đang ghi nhận thu nhập ảo vì thực tế chưa thu được lãi từ khách hàng.

Giả sử trong năm, ngân hàng dự thu lãi từ tín dụng đến 10.000 tỷ đồng, nhưng dòng tiền thực của thu lãi trên bảng lưu chuyển tiền tệ chỉ có 9.000 tỷ, như vậy 1.000 tỷ thực tế vẫn chưa thu được nhưng vẫn được ghi nhận vào thu nhập để tính toán lợi nhuận, trong khi đây là khoản có thể gặp rủi ro không thu được, hoặc ít nhất cũng cho thấy ngân hàng đang bị chiếm dụng vốn và tỷ lệ lãi thực thu ở mức thấp nên hiệu quả kinh doanh không cao.

Cũng có trường hợp thu nhập lãi trên bảng lưu chuyển tiền tệ cao hơn so với trên kết quả kinh doanh, điều này được giải thích là trong năm, ngân hàng có thể đã thu được những khoản lãi quá hạn hoặc những khoản lãi đã thoái thu trước đây, do đó lãi thực thu cao hơn nhiều so với lãi dự thu từ tín dụng.

Tương tự, có thể nhìn vào khoản mục lãi và phí phải thu trên bảng cân đối kế toán để đánh giá hiệu quả thu lãi của tổ chức tín dụng. Nếu con số này quá lớn so với quy mô dư nợ hiện tại cho thấy hiệu quả thu lãi của ngân hàng không tốt. Có thể nhiều khoản lãi dự thu đã được ghi nhận và hạch toán vào thu nhập và lợi nhuận của những năm trước, tuy nhiên thực tế cho đến nay vẫn chưa thu được và những khoản này nếu xử lý bằng cách thoái thu có thể ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh trong năm.

Đây là lý do vì sao trước đây có luận điểm cho rằng ngân hàng đang ăn mòn vào lợi nhuận trong tương lai. Một ngân hàng hoạt động bình thường thì tỷ lệ các khoản lãi và phí phải thu trên dư nợ bình quân chỉ ở mức 2 – 3%, nếu trên 5% là cần chú ý và nếu trên 10% là rủi ro cao.

Theo quy định của Bộ Tài chính, sau 6 tháng lãi dự thu nếu chưa thu được hoặc khi chuyển nợ quá hạn thì phải thoái ra, tuy nhiên thực tế là nhiều tổ chức tín dụng vẫn chưa chuyển đúng nợ quá hạn và cũng không muốn thoái thu lãi do lo ngại ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận.

Về nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu thì cần đọc thuyết minh báo cáo tài chính để biết chi tiết từng nhóm nợ, trong đó nếu nợ nhóm 5 cao là cần đặc biệt chú ý, vì nợ nhóm 5 theo quy định hiện tại sẽ trích lập chi phí dự phòng đủ 100%. Tuy nhiên, nợ xấu trong chất lượng nợ vay có thể vẫn chưa phản ánh đầy đủ chất lượng tín dụng thực tế của đơn vị, vì có thể đơn vị vẫn chưa chuyển nhóm theo đúng quy định. Các khoản vay đã được tái cơ cấu có thể chưa thể hiện đúng nhóm, trong khi đây là những khoản cũng có rủi ro cao.

Nhà đầu tư cũng cần nhìn vào lượng trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để tính toán chất lượng tín dụng của đơn vị. Nếu trái phiếu đạc biệt của VAMC cao đồng nghĩa với đơn vị đã bán nợ khá lớn cho VAMC. Thông trường giá trị trái phiếu có thể bằng 90 – 95% giá trị nợ gốc bán.

Đọc thuyết minh cũng cho thấy các khoản nợ khoanh đang chờ xử lý nếu có của tổ chức tín dụng. Thực tế vẫn còn một số ngân hàng đang có những khoản vay đối với tập đoàn nhà nước trước đây như Vinashin hay Vinalines đang được khoanh lại chờ xử lý theo sự cho phép của Chính phủ.

Các khoản mục cam kết ngoại bảng cũng cần được chú ý, nhất là cam kết bảo lãnh vay vốn và cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng. Nhiều khoản bảo lãnh của ngân hàng cho khách hàng dù không thu được theo đúng hạn nhưng vẫn chưa chuyển sang cho vay bắt buộc vì lo ngại phải chuyển thành nợ xấu và trích lập dự phòng, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Trong thuyết minh phải giải thích rõ chất lượng của những khoản cam kết ngoại bảng này.

Khoản phải thu trên cân đối kế toán cũng là khoản mục cần được lưu tâm vì nhiều ngân hàng có số dư rất lớn do dùng để che giấu nhiều khoản mục có khả năng mất mát hoặc thậm chí là các khoản nợ xấu. Mục tài sản có khác thường là các khoản ủy thác đầu tư, nghiệp vụ repo (nghiệp vụ phái sinh từ các nghiệp vụ cho vay có đảm bảo hay ủy thác đầu tư), tài sản cấn trừ nợ nhưng chưa sang tên cho ngân hàng. Nghiệp vụ repo thực chất cũng là cho vay và do đó cũng có thể gặp phải những rủi ro tín dụng.

Nhà đầu tư học gì từ thư Warren Buffett gửi cổ đông?

Trong bức thư gửi cổ đông mới đây của mình, Warren Buffett đã cho rằng các trái phiếu kho bạc nhìn có vẻ an toàn, nhưng trên thực tế có thể gây rủi ro cho danh mục đầu tư có chứa chúng.

Nhà đầu tư học gì từ thư Warren Buffett gửi cổ đông?

Đôi khi, những bài học tốt nhất vẫn có giá trị khi được học lại nhiều lần.

Những bức thư của Warren Buffett gửi cổ đông của Berkshire Hathaway luôn là thứ được rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị đón đọc mỗi năm.

Trong suốt nhiều năm qua, nhà đầu tư huyền thoại đã không ngừng chỉ trích những khoản phí cao một cách vô lý mà các nhà quản lý quỹ đang thu từ những nhà đầu tư.Trong bức thư năm nay, vị tỷ phú tiếp tục đề cập tới vấn đề này.

Ngoài ra, Warren Buffett cũng nhấn mạnh tới rủi ro của những trái phiếu mà nhìn có vẻ an toàn. Ông cũng tiếp tục khuyên nhà đầu tư nên gắn bó với một chiến lược đầu tư đơn giản.

Về các khoản phí mà các nhà đầu tư vào quỹ đang phải chịu, Warren Buffett viết “lợi nhuận thì năm có năm không, nhưng các khoản phí thì luôn phải nộp”, bởi phần lớn các quỹ tính phí trên giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bức thư năm nay của huyền thoại xứ Omaha ngắn hơn đáng kể, chỉ có 17 trang, so với 29 trang của bức thư năm ngoái. Lần này, ông cũng không bình phẩm gì về một số khoản nắm giữ lớn nhất của Berkshire.

Để minh họa cho phê phán của mình với các nhà quản lý quỹ, vị chủ tịch và CEO của Berkshire đã từng đánh cược cho mục đích từ thiện với công ty quản lý quỹ Protégé Partner. Ông thách thức nhà quản lý tài sản ở đây lựa chọn một nhóm các quỹ phòng hộ có thể đánh bại một quỹ đầu tư theo chỉ số S&P 500 trong 10 năm. Vụ cá cược kết thúc vào ngày 31/12/2017, và kết quả là chỉ số S&P 500 đã chiến thắng một cách dễ dàng.

Ông cũng kể ra một bài học khác từ vụ cá cược này. Trong 5 năm qua, 2 bên đã mang số tiền đặt cược để đầu tư vào cổ phiếu của Berkshire, thay vì đầu tư vào trái phiếu kho bạc bởi lợi suất trái phiếu kho bạc giảm. Kết quả vượt trội của cổ phiếu Berkshire khiến giá trị số tiền từ thiện mà quỹ của Buffett nhận được từ vụ cá cược cao hơn gấp đôi so với cam kết ban đầu là 1 triệu USD. Qua đó, ông tiếp tục khuyên các nhà đầu tư nên gắn bó với cổ phiếu mặc dù đây là phương tiện rủi ro hơn trong ngắn hạn.

Lỗi lầm tệ hại

Ông cho rằng thật là một sai lầm tệ hại với các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn lại cho đo lường rủi ro của danh mục đầu tư bằng tỷ lệ trái phiếu so với cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình. Trớ trêu thay, đây lại là cách mà các quỹ hưu trí, quỹ tài trợ đại học hay các quỹ tiết kiệm tư nhân đang làm. Warren Buffett viết “thông thường, các trái phiếu được xếp hạng cao trong một danh mục đầu tư lại làm gia tăng rủi ro cho danh mục đó”. Đối với Warren Buffett, việc danh mục không sinh lời cũng là một loại rủi ro, như ông đã từng đề cập.

Lời khuyên về việc tập trung vào cổ phiếu của Warren Buffett đến trong bối cảnh chưa đầy một tháng trước thị trường cổ phiếu Mỹ vừa trải qua ngày sụt giảm tồi tệ nhất trong 7 năm qua. Ông cảnh báo và phản đối việc sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư vào cổ phiếu bởi nó có thể làm trầm trọng thêm sự tổn thương khi thị trường xảy ra biến động.

Ông cho rằng thậm chí khi khoản vay mượn là nhỏ và vị thế của nhà đầu tư đang hoàn toàn không bị đe dọa ngay lập tức bởi thị trường sụt giảm, tâm trí họ vẫn có thể bị giao động và sợ hãi khi đầu tư dựa trên tiền vay nợ. Một tâm trí như vậy không thể nào đưa ra những quyết định tốt.

Ông cũng dành nhiều phần trong bức thư để giải thích kết quả kinh doanh của Berkshire trong năm 2017, được hỗ trợ bởi một khoản thu khổng lồ từ cuộc đại tu chính sách thuế được thực hiện trong năm bởi chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm trong tập đoàn có trụ sở tại bang Omaha này lại báo cáo một khoản lỗ kế toán hiếm hoi trong nhiều năm.

Ngoài ra, bức thư cũng đề cập tới một số thách thức trong việc tìm kiếm các thương vụ lớn trong năm qua. Hiện tại, lượng tiền và tương đương tiền của Berkshire đã đạt tới 116 tỷ USD tại thời điểm cuối năm. Nhưng Buffett nói hầu hết các doanh nghiệp mà ông xem xét để mua trong năm vừa qua đều quá đắt.

Ông viết “Chúng tôi cần thực hiện một số vụ thâu tóm lớn. Nhưng chúng tôi chỉ thấy thỏa mãn chừng nào có thể giải ngân số tiền dư thừa của Berkshire vào những tài sản sinh lời hiệu quả”.

Tuy vây, trong năm qua, Buffett đã thực hiện một thương vụ mà ông cho là hợp lý khi mua một phần cổ phiếu trong một doanh nghiệp sở hữu chuỗi trạm dừng xe tải có tên Pilot Flying J. Ông viết “Tôi không thể nào cưỡng lại việc thực hiện thương vụ này”.

Đây là một công ty bán xăng và dầu diesel có tới hơn 5.200 trạm bơm trên những tuyến đường liên bang ở Mỹ.

Kế hoạch thành công

Buffett viết rằng mục tiêu của Công ty là nhằm gia tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong tập đoàn, ngoài lĩnh vực bảo hiểm, thông qua những thương vụ thâu tóm. Các mảng hoạt động ngoài bảo hiểm của Berkshire hiện được điều hành bởi Greg Abel – người đã được đề cử để phụ trách vị trí này trong tháng 1 vừa rồi. Trong khi đó, mảng bảo hiểm được quản lý bởi Ajit Jain. Cả hai cũng được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị như một phần kế hoạch chuẩn bị cho tương lai tại Berkshire.

Ông viết “Các bạn và tôi đều rất may mắn khi có Ajit và Greg làm việc tại Berkshire. Mỗi người trong số họ đều đã ở Berkshire nhiều thập kỷ, và dòng máu của Berkshire đã chảy trong mạch máu của họ. Tính cách và tài năng của mỗi người đều rất phù hợp với Berkshire. Điều đó nói lên tất cả”.

Vị doanh nhân 87 tuổi này nhắc lại rằng trong khi ông ấy “chưa bao giờ cảm thấy tốt hơn”, công ty đã có kế hoạch hành động trong trường hợp ông đột xuất không thể tiếp tục điều hành công ty được nữa.

Ông viết “các nhà quản lý của chúng tôi hiểu được những điều này. Và tất cả các ứng viên được giới thiệu đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho Berkshire và là những người mà tôi hoàn toàn tin tưởng”.