Monthly Archives: November 2018

Instagram giải cứu ngành trồng hoa Mỹ

Trang trại hoa Wicked Tulips Flower ở Mỹ có diện tích khoảng 2 ha, trông không khác gì những trang trại hoa khác với 600.000 cây hoa tulip nở rộ. Tuy nhiên, trang trại này đang trở nên nổi tiếng nhờ việc bán vé cho khách vào tham quan và chụp ảnh với hoa.

Wicked Tulips Flower nay phụ thuộc vào nguồn thu nhờ việc bán vé hơn là bán hoa như truyền thống trước đây. Wicked Tulips Flower tuyên bố họ đang kinh doanh sự trải nghiệm và nơi đây thực sự đã trở thành một điểm du lịch tham quan nổi tiếng với khoảng 11.000 người theo dõi (follower) trên Instagram, mạng xã hội chuyên về chia sẻ hình ảnh và video.

Nguồn thu mới, hướng đi mới

Việc bán vé cho khác thích chụp ảnh với hoa tưởng chừng như là một hoạt động phụ trợ nay đã trở thành phao cứu sinh cho nghề trồng hoa ở nước Mỹ. Các thống kê chỉ ra rằng những người trẻ tuổi – nhóm khách hàng tiềm năng lớn nhất của ngành kinh doanh hoa – không mua nhiều hoa nữa. Ngành công nghiệp trồng và bán hoa nay đối mặt nguy cơ buộc phải thu gọn quy mô sản xuất vì thiếu hụt khách hàng. Các đơn vị kinh doanh đang phải nỗ lực để thuyết phục khách hàng mua hoa nhiều hơn bằng các chiến dịch tiếp thị tốn kém. Trong bối cảnh đó, dịch vụ cho khách tham quan và chụp ảnh cùng hoa trở thành “người hùng” không ai ngờ trước. Không những giúp mang lại nguồn thu lớn, dịch vụ này còn mang đến những mối quan hệ gắn bó giữa khách hàng tiềm năng và nhà sản xuất, cùng với khả năng tiếp thị lan tỏa trên mạng xã hội hoàn toàn miễn phí.

Khách đến tham quan và chụp ảnh ở trang trại Wicked Tulips Flower ở Rhode Island, Mỹ. Ảnh: WTFF.

Brigid Stevens, Phó chủ tịch thương hiệu của công ty bán lẻ hoa The Bouqs, cho biết: “Khách hàng của chúng tôi nằm trong độ tuổi 18 – 35, đa phần là những người đam mê phong cách sống thiên về cảm xúc, sáng tạo ra nhiều điều mới mẻ. Dịch vụ chụp ảnh cùng hoa giúp họ tạo ra câu chuyện của riêng mình, với dấu ấn cá nhân đậm nét”. Hiện trang Instagram của The Bouqs đã có hơn 120.000 follower.

Quỹ hỗ trợ nghề hoa Mỹ (AFE) là một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, chuyên tài trợ các dự án nghiên cứu trong ngành trồng hoa và làm vườn, với mục tiêu tối đa lợi ích của người trồng cây, các nhà bán sỉ, các công ty bán lẻ, liên minh các tổ chức công nghiệp và người dân. Năm 2016, AFE đã ban hành một kế hoạch hành động dài 72 trang có tiêu đề “Các phương thức tiếp thị để gia tăng khách hàng mua hoa”. Kế hoạch này chủ yếu cung cấp các đề xuất giúp những người trồng hoa thu hút các khách hàng trẻ thông qua các chiêu quảng cáo độc đáo trên truyền thông xã hội. AFE tập trung vào những lợi ích của hoa và cũng khuyên mọi người nên tận dụng các xu hướng văn hóa đang lên trên nền tảng truyền thông xã hội. Mục đích là để cho những người trẻ tuổi bắt đầu xem hoa là một phần của phong cách sống hiện đại ngày nay. Theo AFE, ngày nay giới trẻ, những người biết cắm hoa và có kiến thức về hoa cũng rất thích chia sẻ ảnh chụp với hoa của họ trên Instagram.

Hỗ trợ khởi nghiệp

Được thành lập vào 2012 với sứ mệnh “phá vỡ hoàn toàn ngành kinh doanh hoa trị giá 100 tỉ đô la Mỹ toàn cầu, công ty khởi nghiệp bán lẻ hoa trực tuyến The Bouqs sử dụng mạng xã hội để tiếp thị theo một cách trực tiếp hơn. Khách hàng của The Bouqs chủ yếu là nữ giới trong độ tuổi 18 – 35 và tăng trưởng đều đặn trong vòng sáu năm qua. Họ đang tiếp cận khách hàng trẻ bằng cách thuê những tài khoản nổi tiếng trên Instagram tổ chức các sự kiện cắm hoa và phát những video về sự kiện trên nền tảng mạng YouTube.

The Bouqs tiếp cận khách hàng trẻ bằng những sự kiện được đăng trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: The Bouqs.

Những sự kiện này thường gồm những hoạt động phong phú, giúp khách hàng có thể gặp gỡ những người trồng hoa để học hỏi, chẳng hạn như làm sao để hồi sinh các cây hoa hồng bị héo. Cửa hàng hoa trực tuyến của The Bouqs đang nỗ lực định vị hình ảnh chính họ như một cơ sở kinh doanh hoa đáng tin cậy và tiếp thị trực tiếp sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Họ đã thành công trong việc tự tiếp thị trong kinh doanh hoa bằng cách tập trung vào trải nghiệm, biến người tiêu dùng thành những người sáng tạo sau đó người tiêu dùng sẽ đăng những hình ảnh hoạt động sáng tạo với hoa lên Instagram.

Công ty này còn nhanh chóng nắm bắt được những xu hướng tâm lý của người dùng, chẳng hạn như ý thức bảo vệ môi trường đang ngày một phổ biến. Khách hàng giờ đây bắt đầu quan tâm không chỉ là họ đã mua gì mà còn chú trọng việc thứ đó đã được tạo ra như thế nào, nguồn gốc từ đâu. Khách hàng là những người nổi tiếng lại càng muốn chọn thương hiệu đại diện cho giá trị của họ. Để chiều lòng khách, The Bouqs làm việc trực tiếp với các đối tác nông nghiệp để đảm bảo hoạt động kinh doanh không ảnh hưởng đến sự bền vững của môi trường, biến nó thành thế mạnh để hút người mua.

The Bouqs hiện là một trong số hàng loạt các dự án khởi nghiệp kinh doanh hoa dựa trên tiếp thị qua Instagram xuất hiện trong vài năm qua ở Mỹ. Nhiều dự án kiểu này đã gặt hái được thành công nhanh chóng, từ BloomNation ở Santa Monica cho đến BloomThat ở San Francisco. Một số cửa hàng hoa trực tuyến mới ra mắt cũng đang phát triển mạnh trên Instagram như Lewis Miller (114.000 followers), Erin Benzakein of Floret (533.000 followers), và Nicolette Camille (160.000 followers).

Linh Nguyễn

Đích đến chung của những gã khổng lồ thương mại điện tử

Sự phát triển của công nghệ thông tin và điện thoại di động, cùng sự dịch chuyển thế hệ tiêu dùng chủ lực, đã đặt ra đích đến mới cho những gã khổng lồ thương mại điện tử: xây dựng mô hình kinh doanh Online to Offline (O2O), nhằm mang lại trải nghiệm mua sắm trơn tru và hoàn thiện hơn cho khách hàng.

Thoạt nhìn, cả hai thị trường tiêu dùng lớn nhất nhì thế giới dường như đang hướng tới hai con đường khác biệt. Black Friday, Cyber Monday và ngày Lễ tạ ơn, ba dịp lễ mua sắm lớn nhất từng mang về tổng doanh thu 14,48 tỉ đô la Mỹ, đều đang tập trung vào khách hàng online, giữa bối cảnh các cửa hàng thực tại Mỹ đều đang “chết mòn”. Trong khi đó, Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc, lại đầu tư hơn 8 tỉ đô la Mỹ vào các cửa hàng thực trong khoảng thời gian 2016-2017.

Đó là trên bề mặt. Thực chất, cả hai thị trường bán lẻ Trung Quốc và Mỹ đều hướng tới một mục tiêu chung: áp dụng mô hình kinh doanh Online to Offline (O2O), nhằm đáp ứng trơn tru mọi nhu cầu của thế hệ trẻ sành công nghệ, nhóm khách hàng chủ lực hiện tại, đồng thời đảm bảo một tương lai phát triển bền vững.

Sự trỗi dậy của điện thoại di động

3/4 thế hệ Millenials chia sẻ rằng họ thích mua sắm trên điện thoại hơn trên máy tính. Các nhà bán lẻ cùng các công ty công nghệ như Google và Apple đang bắt đầu quan tâm tới mối tương quan giữa doanh thu và lượt truy cập website. Đó là lý do số lượng các ứng dụng mua sắm trên điện thoại di động ra đời ngày một đông đảo, từ đó giúp quá trình mua sắm của khách hàng trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.

Công nhân Trung Quốc sắp xếp các hộp hàng tại một công ty giao hàng ở Chiết Giang (Trung Quốc). Ảnh: STR / AFP / Getty Images.

Tại Trung Quốc, sự trỗi dậy của điện thoại đi động hết sức rõ ràng. Năm 2013, chỉ 21% doanh số của ngày Lễ độc thân đến từ mua bán thông qua điện thoại di động. Nhưng sau đó, con số này liên tiếp nhảy vọt: 42,6% năm 2014, 68% năm 2015, 82% năm 2016 và 90% năm 2017. Trong quãng thời gian bốn năm, doanh số bán hàng trong ngày Lễ độc thân nhanh chóng tăng gấp ba lần.

Trong khi đó, vào Cyber Monday tại Mỹ, mua sắm trên điện thoại di động cũng đóng góp 64% lượng truy cập các trang web bán hàng năm 2017, tăng 10% so với năm 2016. Xét về doanh số, doanh thu đến từ kênh bán hàng điện thoại di động chiếm 43% năm 2017, tăng khoảng 10% so với cùng kì năm ngoái.

Phát triển mô hình kinh doanh Online to Offline (O2O)

Những khách hàng trẻ thuộc thế hệ Millenials là những người rất nhạy với các dịp sales kích cầu. Thế nhưng dù có thể đang sải bước trong một cửa hàng bán lẻ ngoài đời thực, họ vẫn sẵn sàng săn lùng và so sánh giá cả trên mạng để tìm ra nơi bán giá tốt hơn. Như vậy bài toán đầu tiên đặt ra là đặt ra rào chắn ngay trên mạng và giữ chân khách hàng.

Amazon đã nhanh chóng tìm ra đường đi nước bước mới để giải bài toán trên. Năm 2017, gã khổng lồ công nghệ nhận được bằng sáng chế cho phát minh “Hệ thống kiểm soát mua hàng online tại cửa hàng thực”. Hệ thống này sẽ dùng wifi để rà soát nội dung tìm kiếm trên điện thoại khách hàng trong khi họ mua sắm tại cửa hàng của Amazon, từ đó can thiệp vào quá trình mua sắm bằng cách đưa ra các gợi ý hay thông báo các chương trình giảm giá. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro khách hàng tìm kiếm các “món hời” từ website của các đối thủ cạnh tranh.

Amazon cũng có Flow, một ứng dụng ra đời năm 2014, giúp khách hàng tạo ra danh sách những gì cần mua bằng cách quét (scan) hình dạng các sản phẩm của Amazon trên điện thoại. Như vậy nếu sản phẩm tại cửa hàng thực không may hết hàng, người tiêu dùng vẫn có thể đặt mua online.

Nguồn: Statista.

Không thua kém, Alibaba cũng đang hết sức hào hứng với việc phát triển mô hình kinh doanh O2O. Tại 13 siêu thị Hema Xiansheng, người mua hàng có thể dùng ứng dụng Hema để quét mã vạch sản phẩm để tìm kiếm thông tin sản phẩm hay để thanh toán. Đổi lại, ứng dụng này sẽ thu thập thông tin mua sắm của khách hàng để phụ vụ cho công tác marketing. Chuỗi siêu thị Hema cũng cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi sau khi khách hàng đã mua sắm tại cửa hàng.

Không như các thế hệ trước, Millenials rất kiên nhẫn đợi chờ các sản phẩm giảm giá. Ước tính thế hệ này chỉ “lỗ” khoảng 236 đô la Mỹ khi mua hàng. Điều này đồng nghĩa với việc họ ít khi mua hàng nguyên giá mà sẽ chờ đợi chúng giảm giá trong tương lai. Trong khi đó, thế hệ trước đó là Baby Boomers lại “mua hớ” những 413 đô la Mỹ, con số này của thế hệ X lên tới 585 đô la Mỹ.

Hiểu được tâm lý này, Alibaba sẵn sàng “trải ghế” trên mạng để khách hàng ngồi đợi giảm giá. Vào ngày lễ độc thân, ứng dụng mua sắm Tmall của Alibaba loại bỏ hạn mức số hàng khách có thể giữ trong giỏ. Người mua giờ đây có thể mua nhiều sản phẩm hơn trong cùng một giao dịch. Lúc cao điểm của ngày Lễ độc thân năm 2017, Alibaba đã từng xử lý 256.000 giao dịch trong một giây. Con số này giải thích cho doanh thu khổng lồ kênh bán hàng trên điện thoại di động mang lại.

August Rick

Các nhóm kín: Xu hướng nhất thời hay tương lai của quảng cáo mạng xã hội?

Những thay đổi thuật toán của Facebook cùng tình trạng mất niềm tin của người dùng sau hàng loạt bê bối của các trang mạng xã hội đã tạo điều kiện cho các nhóm kín phát triển. Nhưng liệu đây chỉ là xu hướng tức thời, hay sẽ là hướng đi mới trong tương lai của các thương hiệu quảng cáo trên Facebook?

Tháng 3.2017, tạp chí du lịch Condé Nast Traveler đã làm một điều vô cùng khác biệt.

Thay vì thu hút thêm độc giả mới bằng các quảng cáo kích thích nhấp chuột và mã giảm giá, tạp chí này lại đề nghị độc giả tham gia vào nhóm kín trên Facebook của họ – “Hội những bạn gái thích đi du lịch”. Để được xét duyệt làm thành viên, độc giả phải giải thích tầm quan trọng của nhóm với họ và trả lời các câu hỏi về quy tắc của nhóm.

Ngày nay, “Hội những bạn gái thích đi du lịch” có hơn 50.000 thành viên và đạt được mức tương tác mọi thương hiệu đều thèm thuồng: 3/4 thành viên đều là những người dùng tích cực hằng ngày. Ý tưởng này thành công tới nỗi ngay sau đó tạp chí này đã tiếp tục mở rộng thêm 7 nhóm kín khác.

Nhóm kín trên Facebook không còn là một điều mới mẻ. Đó là không gian để những người có cùng điểm tương đồng tụ họp và thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau, từ sở thích cho tới thú cưng và những người nổi tiếng. Vì nhiều nguyên nhân, các nhóm kín gần đây vụt trở thành những điểm sáng trên mạng xã hội.

Chỉ trong một năm, số lượng người dùng nhóm kín mỗi tháng trên Facebook tăng 40%, lên tới con số 1,4 tỉ người, tương đương hơn một nửa lượng người dùng toàn Facebook. Ảnh: Shutterstock.

Chỉ trong năm qua, số lượng người dùng nhóm kín mỗi tháng trên Facebook tăng 40%, lên tới con số 1,4 tỉ người, tương đương hơn một nửa lượng người dùng toàn Facebook. Trong số đó, 200 triệu người gia nhập các nhóm kín “không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của họ”. Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg kì vọng số thành viên của các nhóm kín “không thể thiếu” sẽ tăng lên một tỉ người trong vòng năm năm.

Phía sau cơn sốt

Yếu tố đầu tiên lý giải sự phát triển vượt trội của các nhóm kín chính là việc Facebook thay đổi thuật toán. Trước khi vụ bê bối Cambridge Analytica bị phanh phui, nền tảng mạng xã hội này đã thay đổi thuật toán, ưu tiên những tương tác với gia đình, bạn bè và nhóm kín, hạn chế tần suất xuất hiện của các thông tin truyền thông công khai đến từ các doanh nghiệp và thương hiệu. Nói cách khác, trang chủ cá nhân thường xuyên xuất hiện các bài đăng từ nhóm kín và ít hơn những bài từ các trang Facebook doanh nghiệp.

Cùng lúc đó, Facebook đang thử nghiệm tách nhóm kín thành một tab riêng trên ứng dụng, tạo điều kiện cho người dùng tiếp cận nhiều nhóm kín cùng lúc và khám phá các nhóm mới dễ dàng hơn. Mạng xã hội này cũng cung cấp các công cụ mới giúp người điều hành quản lý nhóm hiệu quả hơn.

Nguyên nhân sâu xa hơn thúc đẩy sự phát triển của các nhóm kín đến từ ý nghĩa của các trang mạng xã hội. Mạng xã hội vốn dĩ cần là một chốn an toàn giữa thế giới mạng để người và người, không ít trong số đó là gia đình và bạn bè, giao tiếp với nhau. Thế nhưng tất cả dường như đang phát triển lệch hướng so với lý lẽ tồn tại ban đầu. Theo thời gian, Facebook trở thành một tấm rào lưới, nhốt người dùng trong một bể những quảng cáo nhử nhấp chuột và tin rác gây phiền toái. Thông tin cá nhân của họ bị tước đoạt, trở thành mồi ngon cho các công cụ quảng cáo đang đói khát người mua tiềm năng.

Hệ quả của hướng đi sai lầm này thể hiện rõ trong năm 2018. Đây là một năm khủng hoảng nghiêm trọng của các trang mạng xã hội, trong đó các vụ bê bối và hệ quả của những vụ bê bối trước đó liên tiếp nổ ra trên mọi nền tảng, đẩy niềm tin của người dùng vào mạng xã hội rơi xuống vực thẳm.

Tất cả những diễn biến trên trở thành lý do tạo nên sức hút không thể chối từ cho các nhóm kín. Mọi thứ trong nhóm kín mang lại cảm giác như những ngày đầu mạng xã hội ra đời: các đoạn đối thoại “thực” hơn và có giá trị hơn, những bài đăng quảng cáo và marketing được hạn chế hết mức có thể.

Lấy ví dụ là một nhóm kín 6.000 thành viên có tên gọi Girl Gang Vancouver Group. Nhóm kín này là một trang cộng đồng tiếng tăm của nữ giới làm việc trong ngành truyền thông và công nghệ. Đây là nơi họ chia sẻ các thông tin tuyển dụng, các nguồn tài liệu hữu ích cho công việc và thông báo các sự kiện và những trò chuyện trao đổi ngoài đời thực. Tại đây người quản lý nhóm đề ra các quy định nghiêm ngặt và các thành viên đều tuân thủ, vậy nên trang chủ của nhóm chứa đựng rất nhiều thông tin thiết thực và đúng trọng tâm.

Tương lai của nhóm kín

Những tín hiệu khả quan kể trên đặt ra câu hỏi: Liệu nhóm kín có đúng là chiếc phao cứu sinh cho những doanh nghiệp tìm đến khách hàng thông qua mạng xã hội?

Facebook đã không ngần ngại vớ lấy chiếc phao này. Cuối năm 2017, mạng xã hội này đã cho phép các trang Facebook của doanh nghiệp được tạo và quản lý nhóm. Trước đó đây là đặc quyền dành riêng cho các tài khoản cá nhân. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội nhằm bù đắp lại những tương tác quảng cáo đã mất kể từ khi Facebook thay đổi thuật toán.

Đến hôm nay, kết quả vẫn còn chưa ngả ngũ, bởi bên cạnh nhiều trường hợp thành công, vẫn có những doanh nghiệp thất bại nặng nề. Đơn cử như Fitbit, công ty sản xuất thiết bị theo dõi sức khỏe thông minh. Công ty này đã tạo ra hơn chục nhóm kín cho các nhóm đối tượng khách hàng sinh sống tại nhiều thành phố lớn. Thế nhưng tương phản với hàng triệu lượt like trên trang Facebook, các nhóm kín của họ lại ảm đạm chỉ với vài trăm thành viên tham gia và viết bài đăng.

Liệu nhóm kín có đúng là chiếc phao cứu sinh cho những doanh nghiệp tìm đến khách hàng thông qua mạng xã hội? Ảnh: Phượng Nguyễn / Zing News.

Các thương hiệu muốn thành công tại mảnh đất mới mẻ của nhóm kín cần phải làm việc cật lực để duy trì trạng thái cân bằng: vừa cần tạo ra được không gian thoải mái để người dùng bộc lộ bản thân, vừa phải quản lý chặt chẽ thành viên cùng bài đăng để các nội dung đăng tải không bị pha loãng và sai lệch với tôn chỉ hoạt động của nhóm.

Việc mở rộng quy mô các nhóm kín cũng là một thách thức không hề nhỏ. Quản lý trang sẽ cần đối phó với một lượng lớn những gương mặt thành viên mới, phê duyệt một khối lượng khổng lồ những bài đăng mới, không ít trong số đó là những bài đăng quảng cáo hay spam.

Xét cho cùng, tiềm năng của nhóm kín trên Facebook sẽ phụ thuộc vào việc liệu người quản lý nhóm có nắm chắc trong tay sức mạnh độc đáo của mạng xã hội hay không: liệu họ sẽ đề cao kết nối con người với con người theo cách thức nhân bản nhất, hay sẽ chăm chăm trục lợi người dùng một cách lộ liễu và ngã vào vết xe đổ trước đây.

Ryan Holmes

Amazon sẽ trực tiếp bán các sản phẩm của Apple

Dù là trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới, người dùng trước đây không thể tìm mua các sản phẩm Apple thông qua Amazon.

Thực tế, Apple chưa từng bán bất kỳ thiết bị nào của họ thông qua website hay ứng dụng Amazon. Nếu có sản phẩm nào xuất hiện, đó chắc chắn là do một đơn vị khác kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử này.

Tuy nhiên theo Phone Arena, thực tế này sẽ sớm thay đổi khi Amazon và Apple đã bắt tay hợp tác, mang các sản phẩm thương hiệu “táo khuyết” trực tiếp lên sàn thương mại trực tuyến lớn nhất thế giới. Như vậy, người dùng sẽ được mua iPhone Xs, Xs Max, Xr, Apple Watch Series 4 hay iPad Pro mới cùng nhiều thiết bị mới tại đây.

iPhone cùng nhiều sản phẩm khác của Apple sẽ được kinh doanh trực tiếp trên Amazon. Ảnh: AFP.

Theo dự kiến, Amazon sẽ bắt đầu bán thiết bị Apple trong vài tuần tới, bắt đầu tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Ấn Độ.

Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Với Amazon, hãng sẽ được phép đăng tải các sản phẩm của Apple để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm đang tới gần. Còn về phần “táo khuyết”, đơn vị sẽ hưởng lợi về doanh số đối với các thiết bị được đăng bán trên Amazon, nơi có lượng truy cập và đơn hàng khổng lồ.

Tuy nhiên, người dùng sẽ không thể tìm thấy loa thông minh Home Pod của Apple trong số sản phẩm kinh doanh trực tiếp tại Amazon. Nguyên nhân bởi thiết bị này đang cạnh tranh trực tiếp với Echo, loa thông minh đang dẫn đầu ngành hàng của Amazon và cũng do chính công ty này sản xuất. Không chỉ Home Pod, dòng Google Home cũng không được kinh doanh.

Nhiều nghệ sĩ Việt khóa Facebook vì sợ bị đánh sập

Giữa tháng 11, nhiều nghệ sĩ Việt bị kẻ xấu “đánh sập” tài khoản cá nhân dựa vào lỗ hổng chính sách của Facebook. Để tránh việc này, một số nghệ sĩ chọn cách vô hiệu hóa tài khoản.

Trả lời phóng viên, nữ ca sĩ Phương Ly cho biết cô đã chủ động khóa tài khoản để tránh kẻ xấu hack Facebook cá nhân.

Trước đó, tài khoản Facebook của giọng ca Mặt trời của em đăng tải bài viết về việc cô liên tục bị thêm vào các trang Facebook với ý đồ “đánh sập”.

“Sáng giờ sơ sơ được làm admin của chục cái page. Cả tuần qua là khỏi đếm… Ply (Phương Ly – PV) nghiện nặng Facebook các bác ơi. Canh Facebook dữ lắm. Đừng làm vậy với Ly, tội Ly”, nữ ca sĩ viết.

Tương tự Phương Ly, nữ diễn viên hài Thu Trang, streamer Đặng Tiến Hoàng và nhiều nghệ sĩ khác cũng đã lên tiếng về việc họ liên tục bị thêm vào các fanpage.

Phương Ly đã chủ động khóa tài khoản để tránh bị tấn công.

Giữa tháng 11, làn sóng đánh sập Facebook của người nổi tiếng được nhiều hội nhóm hacker tố chức. “Có nhiều nguyên do để đánh sập Facebook của một cá nhân. Tuy nhiên, “đánh thuê” là nguyên nhân chính”, P. Cương, người chuyên cung cấp các dịch vụ mở khóa Facebook tại TP.HCM cho biết.

Mức giá cho những “đơn hàng” khóa tài khoản một ai đó dao động từ 3-7 triệu đồng. “Chi phí để lấy lại tại khoản có thể lên đến 100 triệu đồng. Thế nhưng tỷ lệ lấy lại được Facebook rất thấp bởi mạng xã hội này đang siết chặt chính sách kháng nghị”, P. Cương nói thêm.

Cũng theo ông Cương, giới làm dịch vụ đang mở chiến dịch lớn, đánh sập hàng loạt tài khoản nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng tại Việt Nam để xem Facebook có tiếp tục siết chặt chính sách kháng nghị nữa hay không.

Việc thêm tài khoản cá nhân của ai đó làm quản trị viên một fanpage nằm trong quy trình tấn công. Trong giới làm dịch vụ Facebook, chiêu trò này được đặt tên “khóa 030” (ba số cuối liên kết kháng nghị của Facebook).

Lỗ hổng “030′ đang được nhiều kẻ xấu khai thác để hãm hại người dùng.

“Lổ hổng “khóa 030″ có thể được hiểu là tài khoản của người dùng đã vi phạm chính sách của Facebook và không thể đăng nhập”, ông Cương nói.

Cũng theo ông Cương, đây là trường hợp thường xảy ra với những tài khoản bị cho là vi phạm chính sách (hoặc bị kẻ gian “bẫy” để Facebook hiểu nhầm tài khoản đó vi phạm).

Kẻ tấn công tìm cách kết bạn với nạn nhân. Sau đó, họ đưa tài khoản nạn nhân vào vị trí quản trị viên của một trang Facebook. Tiếp đến, những người này đăng tải lên trang những hình ảnh về súng ống, ấu dâm, khiêu dâm….

Với chính sách kiểm duyệt của Facebook, những trang và quản trị viên đăng tải những nội dung này sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.

Thông thường kẻ xấu sẽ thực hiện hành vi này trong khoảng 2-4h sáng. Trong khung giờ này người dùng thường sẽ không biết được tài khoản của họ bị tấn công. Vì vậy, sáng hôm sau, khi đăng nhập, chủ tài khoản chỉ có thể nhận được thông báo khóa.

Hơn 20 nghệ sĩ, người nổi tiếng tại Việt Nam bị cài đặt làm quản trị viên một fanpage lạ. Kẻ xấu dùng cách này để khiến Facebook khóa tài khoản của người dùng.

Đêm 12/11, phóng viên ghi nhận một đoạn video từ A.T, người chuyên làm dịch vụ Facebook tại TP.HCM. Video thực hiện bằng cách quay màn hình. Nội dung nói về việc hơn 20 nghệ sĩ Việt đang làm quản trị viên cho một trang Facebook (fanpage). Video được đăng tải trong nhóm kín của cộng đồng làm dịch vụ Facebook.

Trong đoạn clip xuất hiện nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng như Thu Trang, Huỳnh Lập, Đặng Tiến Hoàng (VirusS), Angela Phương Trinh, Lan Khuê, Khởi My, Hari Won, Hoàng Thùy Linh… chờ bị “đánh sập”.

Trước đó, hàng loạt tài khoản cá nhân của các nghệ sĩ, người nổi tiếng như Sơn Tùng M-TP, Hòa Minzy, Thái Vũ (Faptv), Karik, Misthy, Cris devil, Linh Ngọc Đàm, Nguyễn Thanh Tùng, Uyên Pu… bị khóa tài khoản cùng cách thức trên.

“Từ chiều tối đến sáng, tài khoản Facebook của tôi bị thêm vào gần chục fanpage. Sáng ra tài khoản bị Facebook báo vi phạm chính sách. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, không ai dám dùng Facebook nữa vì không được bảo vệ”, streamer Uyên Pu chia sẻ.

Hiện một số nghệ đã chủ động khóa tài khoản khi không dùng đến để tránh bị cài làm quản trị viên của các fanpage lạ.”Đây cũng là cách duy nhất hiện nay để tránh bị thêm vào các fanpage làm quản trị viên. Nếu lo sợ mất tài khoản, khi không sử dụng, người dùng cần vô hiệu hóa tài khoản”, ông Cương cho biết.

Nhiều người nổi tiếng bị cài đặt quyền quản trị trong một fanpage lạ để chờ Facebook khóa tài khoản.

“Lỗ hổng này tồn tại từ rất lâu nhưng Facebook vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để. Điều này khiến những người quản lý trang cá nhân cho nghệ sĩ như chúng tôi luôn bất an vì kẻ xấu có thể ‘xử đẹp’ nghệ sĩ bất của lúc nào”, H.A quản lý của một ca sĩ tại TP.HCM cho biết.

Liên tục vấp phải các bê bối về nội dung và tin giả, Facebook đang cố siết chặt các hình thức kiểm duyệt. “Tuy nhiên, lỗ hổng nằm ở việc Facebook cho phép những tài khoản bạn bè cài đặt quyền quản trị viên mà không cần bất kỳ xác nhận nào”, ông Cương nói thêm.

Hiện Facebook vẫn chưa lên tiếng về lỗ hổng này.