Monthly Archives: December 2018

Tỷ phú Lý Gia Thành: Tỉnh táo với tài chính của bản thân và chớ dại “đốt tiền” vào thứ này

Theo tạp chí Forbes, doanh nhân Lý Gia Thành – cựu Chủ tịch CK Hutchison Holdings và CK Asset Holdings – hiện vẫn dẫn đầu danh sách tỷ phú giàu nhất Hongkong, nắm giữ trong tay khối tài sản 34,9 tỷ USD. Ông luôn được giới kinh doanh kính trọng và đánh giá là một trong những nhà đầu tư có ảnh hưởng nhất ở châu Á.

Được mệnh danh là “siêu nhân kiếm tiền” của mảnh đất giao thoa Đông – Tây, Lý Gia Thành đã phải trải qua bao khổ cực từ nhỏ và tự thân trải nghiệm những góc tối của cuộc sống. Tuy đã “về hưu” nhưng ông vẫn trở thành cố vấn cho tập đoàn cũng như rất thích được chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân về tài chính và nghệ thuật sống cho thế hệ sau. Dưới đây là chia sẻ của ông về quan điểm tiền bạc và lối sống:

Tỉnh táo với nguồn tài chính của bản thân

– Bất kể thu nhập hằng tháng của bạn là bao nhiêu, hãy chia nó thành năm khoản chi nhỏ khác nhau. Bạn có thể phân theo mức độ 30%, 20%, 15%, 10% và 25% theo từng mục đích dưới đây:

1. Khoản tiền đầu tiên: chi phí sinh hoạt

Hãy sống đơn giản. Các bữa ăn trong ngày không cần quá cầu kỳ, chỉ cần đủ chất. Khi bạn vẫn còn trẻ, khỏe mạnh và thích ứng tốt, nạp vào cơ thể một lượng thức ăn vừa phải đã có thể đủ năng lượng làm việc trong một ngày dài. Không nên tốn quá nhiều tiền vào việc ăn uống linh đình, hội họp với bạn bè. Nên nhớ, ngoài ăn uống, bạn còn hóa đơn điện nước, điện thoại, dịch vụ khác… cần đến “sự góp mặt” của lương. Vì vậy, đây là khoản chi đầu tiên mà chúng ta cần lưu tâm nhất.

Tỷ phú Lý Gia Thành – “siêu nhân kiếm tiền” giàu có bậc nhất Hong Kong đưa ra lời khuyên mà ai ai cũng nên ghi nhớ.

2. Khoản thứ hai: giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ cá nhân

Mỗi tháng, hãy mời khoảng hai người ra ngoài ăn trưa/tối. Nhưng, bạn chỉ nên mời những người thông minh, nhạy bén hơn, giàu có hơn bạn, hoặc đã giúp đỡ mình trong sự nghiệp. Hãy chắc chắn rằng họ luôn làm việc chăm chỉ và có cái nhìn bao quát hơn bạn về các vấn đề trong xã hội. Làm điều này mỗi tháng và sau một năm, “cổ tức” bạn nhận được đó là sức ảnh hưởng, danh tiếng sẽ lan rộng và phát triển nhanh chóng.

3. Khoản thứ ba: học hỏi

Mỗi tháng hãy dành một số tiền để mua sách. Vì tiền luôn có giới hạn, nên bất cứ khi nào mua sách, hãy cố gắng đọc và “thẩm thấu” hết các bài học, chiến lược được cung cấp trong đó và truyền lại cho người khác theo cách của riêng bạn. Ngoài ra, cố gắng tiết kiệm tiền để tham dự một khóa đào tạo được nhiều người thành công tìm đến. Ví dụ, Warren Buffett từng tham dự khóa học nói trước công chúng của Dale Carnegie. Điều đó giúp bạn không chỉ có được kiến ​​thức, mà còn tìm ra những người bạn cùng chí hướng.

4. Khoản thứ tư: du lịch – đặc biệt là ở nước ngoài

Hãy cho phép bản thân đi du lịch ít nhất một lần trong năm. Du lịch sẽ tặng bạn thêm trải nghiệm. Sau một vài năm, đến nhiều quốc gia, gặp nhiều người, quan điểm về cuộc sống sẽ thay đổi đa chiều và giúp bạn trưởng thành hơn. Cũng nhờ vậy, mà có thể liên tục nạp năng lượng cũng như mài giũa cho bản thân.

5. Khoản thứ năm: đầu tư

Liên tục cố gắng gửi tiền tiết kiệm hằng tháng vào tài khoản ngân hàng. Sử dụng số tiền này cho vốn khởi nghiệp ban đầu – chẳng hạn như một doanh nghiệp nhỏ. Nếu có phá sản thì cũng chỉ mất đi ít tiền. Sau một vài năm, bạn có thể bắt đầu tiết kiệm cho mục đích lâu dài. Nó sẽ là khoản tiền đề phòng khi có khó khăn xảy đến và đảm bảo sự ổn định trong chất lượng cuộc sống của bạn.

– Ngay cả khi thu nhập hằng tháng của bạn tăng lên, vẫn phải tiếp tục làm việc chăm chỉ. Bạn nên cố gắng tìm một công việc bán thời gian, tốt nhất là bán hàng. Bán hàng là một thử thách, nhưng nó là một kỹ năng quan trọng để cải thiện cuộc sống. Bạn sẽ có khả năng đàm phán thành công trong các cuộc thương thảo cũng như gặp được người có giá trị vô cùng quý giá với bạn ví dụ như một nhà đầu tư nào đó hay đối tác làm ăn tin cậy.

– Luôn cố gắng thể hiện giá trị của bạn và trở thành người làm việc hiệu quả. Mở rộng mạng lưới giao tiếp. Tăng giá trị của mình bằng cách đầu tư vào chính bản thân. Khi bạn trở nên tuyệt vời hơn, mọi người sẽ bắt đầu chú ý và thu nhập cũng sẽ tăng lên, từ đó tạo ra được một khoản tiền tiết kiệm dành cho việc mua nhà, xe hơi và giáo dục chất lượng cao cho con cái. Luôn đầu tư vào học tập, kỹ năng mềm, đi du lịch, tìm trải nghiệm và phấn đấu vì tương lai. Biết đâu bất ngờ, sau vài năm đi làm, bạn sẽ được đào tạo chuyên sâu và có cơ hội tham gia các dự án lớn hơn.

Lời khuyên về nghệ thuật sống

– Có một câu nói nổi tiếng của trường Harvard: Tương lai của một người được quyết định bằng cách họ dành thời gian rảnh của mình từ 10g tối đến 12g đêm. Sử dụng khung giờ này để tìm tòi, suy nghĩ, rút kinh nghiệm cho bản thân và tham gia vào các cuộc nói chuyện có mục đích gây dựng sự nghiệp. Nếu bạn kiên trì những hoạt động này, thành công sẽ đến gõ cửa vào một ngày không xa.

– Không phải lo lắng về nghèo khó và những vấp ngã khi còn trẻ. Bạn vẫn còn thời gian để đầu tư vào chính mình, nâng cao sự khôn ngoan và tầm vóc cao hơn người khác. Cố gắng tích lũy kinh nghiệm để có thể phân biệt giữa những gì là quan trọng và đáng để đầu tư. Muốn thoát nghèo, trước tiên các bạn trẻ nên suy nghĩ kỹ về mức độ cần thiết cho một khoản chi để tránh những tiếc nuối sau khi “vung tiền quá trán” mà không đem lại lợi ích cho bản thân.

– Không chi tiêu quá nhiều vào quần áo, giày dép hoặc vật chất xa hoa. Bạn có thể mua nhiều thứ yêu thích khi trở nên giàu có. Nhưng, hãy dành ra một khoản tiền nhỏ và mua quà cho những người thân yêu của bạn. Giải thích cho họ lý do tại sao bạn phải tiết kiệm và nói về mục tiêu, ước mơ và kế hoạch đầu tư trong tương lai.

– Khi bạn nghèo, hãy cứ đối xử tốt với người khác. Đừng chờ đền ơn. Còn khi giàu có, đừng khoe khoang. Mọi chi tiêu lúc ấy, hãy coi nó là một bí mật.

– Khi công việc đã ổn định, hãy theo đuổi ước mơ của bạn. Đã đến lúc tự sải đôi cánh và nắm lấy mơ ước của mình rồi! Có thể sử dụng số tiền còn lại để thực hiện những dự định ấp ủ từ lâu. Hãy chắc chắn rằng bạn sống một cuộc sống thật đặc biệt và không phải là bản sao của bất cứ ai!

– Đừng sống trong những sai lầm trong quá khứ. Không nên buồn phiền hay cứ đắm chìm mãi trong một quyết định sai hoặc tình huống đáng tiếc nào xảy đến mà chúng ta không thể thay đổi được. Mọi người đều phải mắc lỗi, điều quan trọng là những gì chúng ta học được từ những sai lầm. Khi bạn bỏ lỡ cơ hội, đừng băn khoăn – không phải mọi cơ hội đều dành cho bạn.

– Khả năng mỉm cười khi bạn bị hiểu lầm là rất hiếm – nhưng đó lại là dấu hiệu của một sự giáo dục tốt. Khi bị một ai đó đổ lỗi hay phân biệt đối xử, bạn mỉm cười bình tĩnh, đó là dấu hiệu của sự rộng lượng. Nếu bị lợi dụng và bạn mỉm cười, đó là dấu hiệu của sự cởi mở. Luôn nở nụ cười trước mọi khó khăn, thách thức sẽ giúp bạn trở nên lạc quan hơn và dễ dàng cân bằng mọi chuyện, dù cho nó là chuyện bất ngờ.

Phù thủy Jony Ive và quan điểm về ý tưởng sáng tạo

Tự nhận bản thân là kẻ thờ ơ với công nghệ, nhưng chiếc máy tính Mac ra đời năm 1988 đã giúp ông tìm ra hướng đi của cuộc đời mình.

Hội Liên Hiệp Cambridge, thuộc trường Đại học Cambridge là nơi tổ chức những cuộc hội thảo về các chủ đề được xã hội quan tâm. Ngày 19/11/2018, Jony Ive, nhà thiết kế danh tiếng của Apple đã có bài phát biểu tại đây.

Khán phòng Hội được chia thành 2 hàng ghế ngồi đối diện nhau với sức chứa 400 người. Ngày hôm đó chật kín không còn một chỗ trống. Phần lớn thính giả là sinh viên.

Ive đứng ở trung tâm khán phòng, quay qua quay lại để có thể giáp mặt cả 2 hàng ghế. Ông mặc đồ thanh lịch và nhẹ nhàng, chủ yếu là tông xanh nhạt với áo vest xanh, sơ mi xanh nhạt và cà vạt.

Jony Ive – nhà thiết kế đứng đằng sau thành công của iPhone. Ảnh: Time Magazine.

Một gã thờ ơ với công nghệ

“Những nhà thiết kế như chúng tôi tạo ra công cụ, để bạn có thể ngồi, ăn, sống bên trong đó. Những công cụ giúp việc giao tiếp, học hỏi, sáng tạo và cải thiện bản thân trở thành hiện thực. Các công cụ chúng tôi tạo ra có thể rất mạnh mẽ, đẹp đẽ, và trong nhiều trường hợp, chúng thậm chí không cần đi theo logic”, Ive nói, mở đầu bài diễn thuyết.

Dù cho rằng bản thân là người thờ ơ với công nghệ, cuộc gặp gỡ đầu tiên của Ive với Apple Mac đã thay đổi ông rất nhiều.

“Với chiếc Mac ra mắt năm 1988, tôi học được 2 điều. Đầu tiên, tôi thực sự thích dùng cỗ máy này. Đó là một công cụ mạnh mẽ giúp tôi thiết kế và sáng tạo. Thứ nhì, điều này khá xấu hổ, rốt cuộc tới tận năm cuối cùng của 4 năm đại học tôi mới nhận ra rằng muốn trở thành ai là quyền của bạn”.

“Tôi cảm thấy có một mối liên kết thực sự với những người đã chế tạo ra chiếc máy này. Và lần đầu tiên, tôi bắt đầu quan tâm tới những thứ to tát như là nhân loại và khả năng của bản thân”.

Điều này khiến Ive muốn tìm hiểu nhiều hơn về những người làm việc tại Apple. Năm 1992, ông chuyển đến California.

Jony Ive nhận học bổng Giáo Sư Hawking vào năm 2018. Ảnh: Apple.

Sáng tạo là thứ mong manh

“Tôi tận hưởng niềm vui lớn lao từ những ý tưởng nhỏ nhoi nhất, từ những tiếng nói thầm lặng nhất bên trong mình, phát triển thành một sản phẩm đẹp đẽ và có ảnh hưởng”. Theo Ive, dù dự án bắt đầu vào khoảng năm 2002 đến 2003, những ý tưởng về giao diện iOS đã xuất hiện từ rất lâu.

“Đó là một dự án mà chúng tôi có thể diễn tả bằng từ “đa chạm”. Nhiều người vẫn còn nhớ lần đầu tiên trải nghiệm giao diện đó. “Đa chạm” là cho phép bạn trực tiếp chạm và tương tác với các nội dung bạn muốn như là phóng to, thu nhỏ hình ảnh, lướt qua các mục bằng ngón tay của mình”.

“Nó (iOS) có giao diện độc đáo, chưa bao giờ xuất hiện từ trước đến nay. Vậy nên, hãy xác định cụ thể chức năng của một ứng dụng, chứ đừng diễn tả đại khái. Thế là chúng tôi bắt đầu xem xét việc tạo ra các ứng dụng hữu dụng, hấp dẫn và trực quan. Thế là quá rõ, bạn cần có một nơi để đưa chúng lên kệ và App Store ra đời”, Ive cho biết.

Nhưng cần có thời gian để ý tưởng trở thành hiện thực. “Trong thực tế, các công nghệ cần thiết mất nhiều năm trời để đuổi kịp ý tưởng. Thành thật mà nói, trong quá trình làm, nhiều khi chúng tôi cũng suýt bỏ cuộc”.

Những ý tưởng, như Ive nói, không ra đời để giải quyết vấn đề.

“Nhóm càng lớn, ý kiến càng bị nhầm lẫn với ý tưởng. Ý kiến diễn đạt trong nhóm lớn phải hướng tới những thứ định lượng được, có thể đo lường rồi triển khai.”

“Chẳng ai yêu cầu chúng tôi giải quyết vấn đề. Ý tưởng ra đời chưa phải để đáp ứng cho việc phát triển công nghệ. Chúng không phải chỉ mơ hồ trong một vài tuần hay một vài tháng, ý tưởng bạn có vẫn rất mong manh sau nhiều năm trời”.

“Việc hợp tác với nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau là một trong những điều tôi thích nhất khi làm việc ở Apple. Tuy nhiên nó cũng đặt ra nhiều thử thách khi làm việc trong một nhóm lớn. Nhóm càng lớn, ý kiến càng bị nhầm lẫn với ý tưởng. Ý kiến diễn đạt trong nhóm lớn phải hướng tới những thứ định lượng được, có thể đo lường rồi triển khai”.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi những thứ như kích thước, trọng lượng, tốc độ, dung lượng pin, lịch triển khai, giá thành”. Chỉ có tầm nhìn và mục đích chung là chưa đủ, ông cho biết.

‘Hãy tạo ra những thứ tuyệt vời’

Ông cũng cho biết cách làm việc của mình đôi khi có những nghịch lý khá khó chịu.

“Có một xung đột nền tảng giữa 2 cách suy nghĩ hết sức khác nhau. Đó là cách suy nghĩ tò mò và suy nghĩ tập trung giải quyết vấn đề. Tò mò, đó là thứ năng lượng động viên, nhưng lại hết sức tham lam và đẩy bạn lạc trong đống hỗn độn các ý tưởng”.

“Suy nghĩ giải quyết vấn đề dựa vào các kế hoạch và dự định. Thường thì điều này mâu thuẫn với sáng tạo. Thực lòng mà nói tôi không thể tìm thấy 2 cách làm việc, 2 sự tồn tại nào đối lập hơn tò mò và giải quyết vấn đề.

“Bạn thấy đó, khi cần giải quyết các vấn đề khó, bạn phải kiên quyết, đôi khi cứng đầu vô lý. Nhưng để giải quyết các vấn đề khó cần có các ý tưởng mới. Thế là bạn chuyển sang chế độ cởi mở, tò mò và bắt đầu nghĩ ra các ý tưởng. Việc này không chỉ diễn ra 1, 2 lần trong dự án kéo dài hàng năm, nó diễn ra đều đặn mỗi ngày. Cá nhân tôi thấy việc chuyển đổi qua lại này hóa ra lại là một yêu cầu tuyệt vời của công việc”.

Ive đề cao tinh thần học hỏi, cho đó là năng lượng vượt qua mọi thử thách. Ảnh: Apple.

Ive kết thúc bài diễn văn của mình bằng việc đề cập tới Steve Jobs. “Tôi sẽ đọc cho bạn nghe một vài thứ mà người đồng hành, người bạn của tôi, Steve Jobs đã nói 10 năm trước. Tôi nghĩ lời kết của ông ấy là vô cùng hợp lý cho buổi nói chuyện này”.

“Sống có nhiều cách. Người ta biểu đạt sự biết ơn của mình cũng thông qua nhiều cách khác nhau. Nhưng có một cách tôi tin rằng người ta dùng để biểu hiện sự biết ơn của mình tới toàn nhân loại, đó là làm ra một thứ gì đó đẹp đẽ và tuyệt vời rồi đưa nó cho mọi người”.

“Bạn chưa từng bắt tay hay gặp mặt họ, chưa từng nghe câu chuyện của họ hay kể cho họ câu chuyện của mình. Nhưng bằng cách tạo ra một thứ tràn đầy tâm huyết, bạn đã truyền tải được thông điệp. Đó là cách mà nhân loại chúng ta chuyển tải sự biết ơn sâu sắc tới phần còn lại”.

Đại Việt

Kinh tế Việt Nam và kịch bản Samsung

Nhu cầu điện thoại di động chững lại có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Samsung tại Việt Nam.

Vừa qua, hai nhà cung cấp của Apple là Lumentum và Foxconn đã giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2019. Theo đó, sẽ là cần thiết nhìn nhận lại hoạt động của Samsung Electronics.

Áp lực cạnh tranh của Samsung chắc chắn đang tăng lên khi Huawei vượt Apple một lần nữa trong quý III/2018 và vẫn là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới trong hai quý liên tiếp.

Huawei hiện đã gần bắt kịp Samsung. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNBC, Giám đốc Điều hành của Huawei Richard Yu cho biết: “Năm tới, chúng tôi sẽ rất gần với vị trí số một, có lẽ chúng tôi sẽ ngang bằng với Samsung. Và ít nhất là một năm sau, có lẽ chúng tôi có cơ hội (là số một), [vào cuối] năm 2020”.

Samsung chiếm 6,1% tổng vốn FDI tại Việt Nam trong 10 năm qua, đã đầu tư tổng cộng 17 tỉ USD trong giai đoạn này.

Công ty chiếm gần 28% xuất khẩu của Việt Nam. Công ty khổng lồ điện tử đã giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc.

Samsung đã tạo ra hơn 160.000 việc làm tại Việt Nam, chiếm 50% tổng số lao động của mình.

Ở miền Bắc của Việt Nam, chỉ riêng tại nhà máy Thái Nguyên, Công ty tuyển dụng hơn 60.000 người. Căng tin của nhà máy sử dụng khoảng 13 tấn gạo để phục vụ cho công nhân mỗi ngày. Nhà máy này sản xuất nhiều điện thoại di động hơn bất kỳ nhà máy nào khác trên thế giới.

Ngành sản xuất điện thoại di động và công nghiệp điện tử là một phần quan trọng trong lĩnh vực chế biến và sản xuất, chiếm 18,8% GDP của Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng thường xuyên hằng năm trên 10%. Để đánh giá tầm quan trọng của Samsung đối với nền kinh tế Việt Nam, người ta chỉ cần nhìn vào quý I/2017, khi tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1% do doanh số bán hàng của Galaxy Note 7 sụt giảm.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Samsung Việt Nam đã tạo ra 23,5 tỉ USD doanh thu từ phân khúc di động, chiếm 53% doanh thu sản xuất điện thoại di động toàn cầu của Samsung. Tuy nhiên, trong báo cáo quý III/2018, Công ty cho biết doanh thu và lợi nhuận hoạt động trong 9 tháng đầu năm giảm lần lượt 5,4% và 8,1% so với năm ngoái.

Điều này có thể ảnh hưởng đến Samsung tại Việt Nam khi phân khúc di động đóng góp 78% doanh thu doanh thu Samsung tại Việt Nam. Phân khúc màn hình hiển thị của Samsung có doanh thu tăng mạnh trong quý III do nhu cầu về iPhone XS và XS MAX.

Samsung cũng có thể nhận được cú hích vì khách hàng lớn nhất của mình, Apple, tạo ra doanh thu gấp ba lần so với doanh thu từ khách hàng lớn thứ 2. Thu nhập dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm trong vài quý tới cho đến khi Samsung ra mắt điện thoại thông minh màn hình gập. Trong khi chờ đợi, các nhà phân tích dự đoán các trở lực sau đây:

  1. Nhu cầu thấp hơn trên toàn cầu khi nhiều thị trường đạt đến độ bão hòa.
  2. Nhu cầu với mẫu Note 9 mới không cao, mẫu này có thiết kế tương tự như thiết kế năm ngoái nhưng lại có giá cao hơn.
  3. iPhone mới với một màn hình lớn sẽ được tung ra vào năm tới, hứa hẹn cho phép người dùng sử dụng 2 SIM.

Nguồn: Bloomberg.

Mặc dù doanh thu năm nay của Samsung giảm so với cùng kỳ do thị trường điện thoại di động bão hòa, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong các lĩnh vực khác như thủy sản và dệt may (do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc). Tăng trưởng GDP trong quý III/2018, tăng 6,9% so với 6,7% của quý II.

Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đang cố gắng đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp khác để ít phụ thuộc vào các công ty nước ngoài lớn như Samsung hay Formosa. Điều này có thể mất thời gian nhưng nó cần phải được thực hiện để giúp cân bằng nền kinh tế.

Những công ty chú trọng khách hàng nhất châu Á

Khách hàng là thượng đế ở hầu khắp các thị trường trên thế giới. Và điều này đặc biệt đúng với châu Á.

Không giống với những nơi khác, người tiêu dùng ở khu vực này thường xuyên gắn liền với các thiết bị di động, sẵn sàng chi tiêu nhiều tiền để mua sắm các nhãn hiệu cao cấp. Trong thị trường như thế, những công ty thành công nhất là những công ty thật sự chú trọng đến khách hàng và tạo ra trải nghiệm tích cực cho họ. Đó là những nhận định của Blake Morgan, một chuyên gia về trải nghiệm khách hàng. Theo Morgan, dưới đây là 10 công ty đang làm tốt nhất việc chú trọng khách hàng ở khu vực châu Á.

Ngân hàng DBS tiên đoán nhu cầu của khách hàng

Khách hàng luôn được đặt lên trên và là trọng tâm của ngân hàng Singapore này. DBS thành lập một Ủy ban Trải nghiệm khách hàng (Customer Experience Council) do tổng giám đốc (CEO) đứng đầu. Bộ phận này chủ động tiên đoán và đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Bằng cách lắng nghe khách hàng, DBS đã thực hiện cải thiện chất lượng dịch vụ với những hành động thiết thực như giảm thời gian khách hàng phải chờ đợi ở các chi nhánh và trên điện thoại, tạo ra trải nghiệm ưu việt khi sử dụng ứng dụng của ngân hàng. Nhờ thực hiện tốt phương châm “khách hàng là ưu tiên hàng đầu” mà DBS luôn đứng đầu bảng trong danh sách những công ty làm hài lòng khách hàng nhất ở khu vực châu Á.

Celcom Axiata Berhad quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng ở cửa hàng

Là công ty viễn thông không dây lâu đời nhất ở Malaysia, Celcom hiểu được tầm quan trọng của việc gắn kết với khách hàng. Trong khi các công ty khác chỉ tập trung vào việc tạo ra trải nghiệm “số” cho khách hàng thì Celcom lại nhận thấy rằng khách hàng của mình có vẻ thích sử dụng các kênh giao dịch truyền thống bên ngoài có nhiều tương tác giữa người với người hơn. Vì vậy, công ty này đã cải tạo hình ảnh của các cửa hàng bên ngoài, đơn giản hóa quy trình đăng ký hay thay đổi các gói kết nối không dây, hoàn thiện các chương trình đào tạo nhân viên nhằm trang bị cho họ năng lực hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Tuy vẫn quan tâm đến kênh giao dịch trực tuyến nhưng hệ thống cửa hàng bên ngoài mới là nơi mà Celcom đang đem lại những trải nghiệm thật sự tích cực và dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng.

Maybank liên kết với các startup trong lĩnh vực công nghệ để hỗ trợ khách hàng

Với thái độ cởi mở và không ngừng sáng tạo, ngân hàng này thường xuyên lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng, sau đó liên kết với các công ty mới thành lập trong lĩnh vực công nghệ để đưa ra những cải tiến mới về sản phẩm và dịch vụ. Trên thực tế, Maybank đã giành được rất nhiều giải thưởng về trải nghiệm khách hàng.

Coca-Cola Nhật sử dụng ứng dụng qua thiết bị di động để kết nối với khách hàng

Coca-Cola có thể nổi tiếng như một công ty nước giải khát hàng đầu thế giới, nhưng chi nhánh tại Nhật của công ty này lại được biết đến nhiều hơn qua việc sử dụng truyền thông xã hội để kết nối với khách hàng. Ứng dụng ON dành cho thiết bị di động của Coca-Cola tại Nhật đã có hơn 5 triệu lượt tải về, giúp khách hàng tìm địa điểm của các máy bán hàng tự động, thử nghiệm các mùi hương mới và nhận các giải thưởng cho việc dùng sản phẩm mang nhãn hiệu này. Cách suy nghĩ mới mẻ của Coke đã mang đến niềm vui cho khách hàng và giúp công ty tạo ra một cộng đồng người hâm mộ.

Mobitel cung cấp dịch vụ địa phương mang tính cá nhân

Các trung tâm dịch vụ khách hàng của Mobitel, công ty viễn thông không dây, được chia thành nhiều trung tâm nhỏ phục vụ cho từng thị trường địa phương sử dụng ngôn ngữ riêng, qua đó phục vụ tốt hơn từng nhóm khách hàng của mỗi vùng. Mobitel còn thành lập Trung tâm Trải nghiệm khách hàng, tạo điều kiện cho khách hàng thử nghiệm sản phẩm mới và được giải đáp các thắc mắc trước khi quyết định mua hàng.

Bộ Nguồn nhân lực Singapore chủ động liên hệ với khách hàng

Việc một cơ quan chính phủ lọt vào danh sách những công ty chú trọng đến khách hàng nhất ở châu Á có vẻ là một điều lạ. Tuy nhiên, theo Morgan, cách làm việc hướng đến khách hàng của cơ quan này là một điều đáng để các doanh nghiệp cũng như các tổ chức công ghi nhận và học hỏi. Cụ thể, Bộ Nguồn nhân lực Singapore đã thành lập Phòng Phản hồi khách hàng chuyên tìm hiểu khách hàng và đáp ứng các nhu cầu của họ. Với phương châm gắn kết với khách hàng và xem khách hàng là những đối tác, Bộ Nguồn nhân lực Singapore đã cung cấp cho họ những dịch vụ thân thiện và hiệu quả mà hiếm một cơ quan chính phủ nào làm được.

Titan đem đến nụ cười cho khách hàng

Mục tiêu của công ty bán lẻ đồng hồ và đồ trang sức lớn nhất Ấn Độ này là làm cho khách hàng hài lòng và vui vẻ mỗi khi họ rời một cửa hàng của Titan. Nhân viên của Titan ở hơn 1.400 cửa hàng luôn tập trung vào việc tìm ra những khoảnh khắc tạo niềm vui cho khách hàng bằng những lời tư vấn và dịch vụ mang tính cá nhân cao. Việc quan tâm đến khách hàng được thể hiện ở mọi khía cạnh và hoạt động của công ty, từ thiết kế cửa hàng đến sản phẩm và thái độ phục vụ của nhân viên.

ANZ Đài Loan đem đến cho khách hàng trải nghiệm đa kênh

Hiểu được khách hàng có xu hướng giao dịch dưới nhiều hình thức khác nhau ở các nước khác nhau, ngân hàng này đã tạo ra cho họ trải nghiệm đa kênh. ANZ luôn tạo ra những quy trình nhất quán và liền lạc dù cho khách hàng giao dịch qua điện thoại, kênh trực tuyến hoặc trực tiếp. ANZ cũng chủ động giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến khách hàng, giúp khách hàng cải thiện trải nghiệm ngân hàng của họ.

Ocean Network Express không muốn quá lớn để phục vụ khách hàng chu đáo hơn

Xuất khẩu là một lĩnh vực lớn ở châu Á vốn không thể thiếu sự hỗ trợ của dịch vụ vận tải. Ocean Network Express (ONE) chú trọng đến việc đặt khách hàng lên ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu của công ty vận tải này là phát triển đủ lớn mạnh để đương đầu với cạnh tranh nhưng vẫn duy trì quy mô vừa đủ nhỏ để có thể cung cấp những dịch vụ đáng tin cậy và có tính cá nhân cao đến khách hàng. ONE xây dựng một cấu trúc tổ chức tinh gọn để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sự hỗ trợ mà họ cần. Tất cả nhân viên của ONE đều được huấn luyện và trao quyền để giải quyết bất cứ vấn đề nào của khách hàng. Trong thị trường vận tải quốc tế rộng lớn, ONE chứng minh rằng việc quan tâm đến những chi tiết nhỏ cho từng khách hàng cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho doanh nghiệp.

Intuit Singapore xem việc chăm sóc khách hàng là ưu tiên hàng đầu

Chi nhánh châu Á của công ty dịch vụ tài chính này thật sự “sống” với một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản của mình: Quan tâm khách hàng. Với phương châm đặt khách hàng vào vị trí trọng tâm, Intuit Singapore hiểu rằng việc chăm sóc, quan tâm khách hàng mang tính cá nhân sẽ giúp công ty khác biệt trong cạnh tranh và luôn lắng nghe, đáp ứng các nhu cầu của từng cá nhân.

Nhất Nguyên / Forbes

25 công ty có doanh thu lớn hơn một số quốc gia

Những công ty lớn như Apple, Microsoft, Google hay Walmart đều có doanh thu hàng năm thuộc hàng “khủng”, và bạn sẽ bất ngờ nếu biết chúng còn vượt qua GDP (Gross Domestic Product – tổng sản phẩm quốc nội) của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong năm 2017, Walmart kiếm được nhiều tiền hơn cả nước Bỉ. Dựa trên thống kê từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), hãy xem những công ty lớn khác còn “vượt mặt” nhiều quốc gia về doanh thu hàng năm là ai, theo tổng hợp của trang Business Insider.

25. Spotify (4,794 tỷ USD) – GDP của Mauritanie (4,755 tỷ USD). Theo Business Insider, nếu là một quốc gia, Spotify sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 151 trên thế giới.

24. Netflix (11,693 tỷ USD) – GDP của Malta (11,278 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Netflix sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 126 trên thế giới.

23. Tesla (12 tỷ USD) – GDP của Albania (11,865 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Tesla sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 125 trên thế giới.

22. Visa (18,358 tỷ USD) – GDP của Bosnia (16,917 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Visa sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 115 trên thế giới.

21. El Corte Inglés (18,503 tỷ USD) – GDP của Libya (18,539 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 114 trên thế giới.

20. Starbucks (22,386 tỷ USD) – GDP của Trinidad và Tobago (22,296 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 104 trên thế giới.

19. McDonald’s (22,820 tỷ USD) – GDP của Papua New Guinea (22,586 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, McDonald’s sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 103 trên thế giới.

18. Mercadona (25,061 tỷ USD) – GDP của Nepal (21,132 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Mercadona sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 102 trên thế giới.

17. BBVA (30,229 tỷ USD) – GDP của Estonia (23,348 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, BBVA sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 99 trên thế giới.

16. Inditex (30,355 tỷ USD) – GDP của Paraguay (27,424 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Inditex sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 98 trên thế giới.

15. Nike (34,400 tỷ USD) – GDP của Cameroon (32,230 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Nike sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 96 trên thế giới.

14. Coca-Cola (35,410 tỷ USD) – GDP của Bolivia (34,053 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Coca-Cola sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 95 trên thế giới.

13. Iberdrola (37,299 tỷ USD) – GDP của Ivory Coast (36,375 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 91 trên thế giới.

12. Facebook (39,3 tỷ USD) – GDP của Serbia (38,3 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Facebook sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 90 trên thế giới.

11. Repsol (49,747 tỷ USD) – GDP của Lebanon (49,611 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 81 trên thế giới.

10. Walt Disney (55,137 tỷ USD) – GDP của Bulgaria (53,236 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Walt Disney sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 78 trên thế giới.

9. Banco Santander (58,089 tỷ USD) – GDP của Panama (57,821 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 75 trên thế giới.

8. Telefonica (62,341 tỷ USD) – GDP của Luxembourg (58,655 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 74 trên thế giới.

7. Johnson & Johnson (76,450 tỷ USD) – GDP của Ethiopia (73,151 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 67 trên thế giới.

6. Microsoft (89,950 tỷ USD) – GDP của Slovakia (89,806 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Microsoft sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 65 trên thế giới.

5. Alphabet (110,9 tỷ USD) – GDP của Puerto Rico (105,035 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 59 trên thế giới.

4. Amazon (117,9 tỷ USD) – GDP của Kuwait (110,873 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Amazon sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 58 trên thế giới.

3. Apple (229,234 tỷ USD) – GDP của Bồ Đào Nha (205,269 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Apple sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 47 trên thế giới.

2. Volkswagen (276,264 tỷ USD) – GDP của Chile (250,008 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 43 trên thế giới.

1. Walmart (485,873 tỷ USD) – GDP của Bỉ (468,148 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 24 trên thế giới.