Author Archives: Hung Dao

Công nghệ đang thao túng tâm trí bạn như thế nào?

Ngày nay, con người vẫn luôn chủ quan và tự tin khi cho rằng mình làm chủ mọi hoạt động trên các ứng dụng điện tử, và các thuật toán ra đời suy cho cùng cũng chỉ khiến cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn mà thôi. Nhưng dưới góc độ công nghệ, liệu bạn có đang thực sự quyết định hành vi của mình?

Nhận được nhiều đề xuất không có nghĩa là bạn có nhiều sự lựa chọn

Hãy thử tưởng tượng khi bước vào một nhà hàng, bạn được nhân viên phục vụ đưa cho một menu với rất nhiều đồ ăn ăn hấp dẫn: 10 món khai vị, 15 món chính và 5 món tráng miệng. Lúc này, với vị thế là khách hàng, bạn thấy mình có trong tay quyền tự do quyết định món ăn nào sẽ được dọn lên mà không hề biết rằng tất cả menu trên thực tế đã được sắp xếp bởi nhà hàng.

Trong công nghệ cũng vậy, thuật toán đề xuất danh mục kiểm soát những gì được gửi đến màn hình, do đó, nó cũng kiểm soát luôn lựa chọn của chúng ta. Bằng cách này, chúng ta đã quên đi những vấn đề còn quan trọng hơn nằm ngoài danh mục ấy.

  • Còn có những lựa chọn nào mà chúng ta không biết tới?
  • Vì sao chúng ta được cung cấp những lựa chọn này mà không phải lựa chọn khác?
  • Liệu những lựa chọn này có thực sự đáp ứng nhu cầu của chúng ta hay không hay chỉ đóng vai trò là yếu tố gây xao nhãng?

Cùng xem lý thuyết trên được ứng dụng vào app Foody như thế nào nhé! Bạn muốn tìm một quán cafe để tán gẫu với bạn bè dịp cuối tuần và công cụ đầu tiên bạn nghĩ đến là Foody. Bạn hài lòng với việc mình được tự do tìm hiểu và chọn bất kỳ quán cafe nào trên Foody. Nhưng hãy để ý mà xem, với mỗi quán cafe, Foody không chỉ hiển thị địa điểm mà còn có cả menu các loại đồ uống. Bất ngờ thay, đa phần các bạn lại bị cuốn vào việc so sánh đồ uống giữa các cửa hàng với nhau. Cuối cùng, bạn đi đến quyết định chọn “Ama Coffee” bởi những hình ảnh giới thiệu hấp dẫn mà Foody đăng tải.

Trong quá trình này, Foody đã tác động lên tâm trí của bạn như thế nào?

Thứ nhất, bạn rơi vào ảo tưởng “Foody đang thể hiện đầy đủ mọi lựa chọn cho việc tìm địa điểm”. Vì vậy, bạn đâu còn để ý, ngay bên đường đối diện kia thôi, có hẳn một triển lãm tranh đang phục vụ bánh ngọt và cafe. Sự tự do lựa chọn của bạn thực ra đã bị thu hẹp.

Thứ hai, bạn rời xa mục đích ban đầu là tìm kiếm “nơi phù hợp nhất để nói chuyện” và bị cuốn vào mục đích tìm kiếm “nơi có loại đồ uống hấp dẫn nhất”. Như vậy, những lựa chọn Foody đưa ra thực ra không ăn nhập gì mấy với nhu cầu của bạn.

Ai cũng muốn trải nghiệm trò chơi “quay số trúng thưởng ”

Bạn có biết rằng tại Mỹ, các máy quay số trúng thưởng còn kiếm được nhiều tiền hơn cả 3 ngành kinh doanh bóng chày, rạp chiếu phim và công viên giải trí gộp lại?

Máy quay số trúng thưởng “gây nghiện” bằng cách đưa ra những kết quả (giải thưởng) ngẫu nhiên cho mỗi lần chơi. Khi bỏ vào 1 đồng xu và gạt gần quay số, chúng ta háo hức chờ đợi điều gì sẽ xảy đến tiếp theo.

Công nghệ áp dụng điều này bằng cách đưa cho chúng ta một chiếc “máy quay trúng thưởng” tí hon, chính là chiếc smartphone yêu quý ở bên ta hàng ngày. Mỗi lần lướt newsfeed hay kiểm tra email là mỗi lần chúng ta chờ đợi xem mình sẽ nhìn thấy tấm hình nào, nhận được bao nhiêu likes hay bao nhiêu email mới. Mỗi lần một khác và không có cách nào dự đoán trước những gì chúng ta sắp sửa thấy, và đó là cái cách công nghệ trói buộc tâm trí người dùng vào ứng dụng này tới ứng dụng khác.

Tâm lý lo sợ nếu bỏ lỡ một chi tiết quan trọng

Một trong những cách mà các website hay ứng dụng xã hội như Facebook, Instagram xâm nhập tâm trí người dùng đến từ chính tâm lý sợ bỏ lỡ 1% thông tin quan trọng của họ.

Vì sao bạn không thể tắt điện thoại dù chỉ 1 tiếng? Đơn giản vì bạn tin rằng, rất có thể sau 30s khi tắt điện thoại, bạn sẽ nhận được một cuộc gọi, một tin nhắn vô cùng quan trọng, như thông báo trúng số chẳng hạn. Việc ngừng check email một ngày có khả năng sẽ khiến 1 cơ hội việc làm hấp dẫn bị nhấn chìm trong đống thư quảng cáo. Hay Facebook – nơi mọi câu chuyện trên thế giới được cập nhật từng giây trong một status, làm người ta có xu hướng lao vào check thông báo ngay lập tức bởi họ lo sợ rằng biết đâu trong những câu chuyện được tăng tải ngoài kia sẽ có mình trong đó.

Nhưng trên thực tế, không phải tất cả các noti của facebook đều quan trọng, đôi khi chỉ là việc cô bạn cùng lớp đăng đàn bóc phốt một quán trà sữa gần trường trong group “hội những người thích ăn uống”. Tuy nhiên, nhờ thấu hiểu “nỗi lo” của người dùng, facebook đã biến tâm lý “sợ hãi” trở thành động lực để chúng ta hoạt động tích cực hơn trên nền tảng này.

Bạn cần biết rằng chúng ta không phải sinh ra để sống từng khoảnh khắc với nỗi lo có thể bị lỡ mất gì đó. Một khi buông bỏ nỗi lo đó, bạn sẽ thoát ra khỏi những ám ảnh kia nhanh đến nhường nào.

Sự công nhận từ xã hội

Đa số mọi người, nhất là giới trẻ đều có xu hướng cảm thấy tổn thương nếu không được xã hội công nhận vì ai cũng muốn mình được đánh giá cao bởi một nhóm người nào đó, đặc biệt trên các mạng xã hội. Vô hình chung, việc chúng ta có được người khác công nhận hay không lại nằm trong tay của những nhà công nghệ.

Khi bạn được một cậu bạn khác tag trên mạng xã hội, bạn sẽ nghĩ rằng đây là một hành động được quyết định bởi cậu ta. Nhưng không, trước khi đưa ra quyết định đó, Facebook mới thực sự là người chỉ dẫn cậu ta hành động như vậy bằng cách tự động gợi ý khuôn mặt của những người nên tag (chẳng hạn bằng cách hiển thị khung hình kèm theo nút xác nhận chỉ với một cú nhấp chuột, “Tag ai đó trong ảnh này”). Nhờ vậy, tài khoản của bạn được xuất hiện trong một bức ảnh của người khác và bạn nghĩ rằng người đăng tấm hình này chắc hẳn rất quan tâm tới mình.

Hay như việc bạn đăng một bức ảnh selfie sành điệu, instagram biết được rằng “đây là lúc người dùng cần sự công nhận nhất”. Vì vậy, instagram đưa ảnh của bạn lên newsfeed của những người khác. Càng nhiều người like, bình luận, ảnh của bạn càng hiện lâu trên mục trang chủ của instagram. Rồi mỗi khi nhận được thông báo, bạn sẽ quay lại kiểm tra ngay và không rời khỏi đó được nữa.

Hiệu ứng Tit-for-tat

Nếu vào một ngày bạn nhận được thông báo có anh chàng điển trai nào đó vừa nhấn nút follow tài khoản instagram của mình, sẽ thật không công bằng nếu bạn từ chối việc follow lại tài khoản của anh ấy. Những người làm thuật toán gọi đó là “Tit-for-tat” (hiệu ứng có đi có lại). Đa phần chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của người khác, đặc biệt trên mạng xã hội.

Bạn có thể thấy trên LinkedIn, Facebook hay bất kỳ một trang mạng xã hội nào, mục “chấp nhận lời mời kết bạn” luôn đi kèm với “đề xuất kết bạn”. Việc bạn nhận được “friend request” từ một chàng trai chưa chắc anh ta đã thực sự muốn biết và kết nối với bạn mà chỉ đơn giản vì tài khoản của bạn xuất hiện trong danh sách đề xuất của anh ta. Nói cách khác, LinkedIn biến việc hai bạn muốn kết nối thành “nghĩa vụ” phải đáp lại sự đề xuất từ người còn lại.

Hãy tưởng tượng mà xem, bạn đang bị đưa vào một thế giới của sự “cho đi – gả lại”, bạn lòng vòng hàng giờ quanh facebook chỉ để “trả like” và “rep comment”. Tất cả quá trình này được Facebook tìm hiểu và thiết kế sao cho thời gian người dùng hoạt động trên nền tảng là lâu nhất, tạo ra nhiều lợi nhuận nhất cho doanh nghiệp.

Chiếc bát không đáy

Có một quan niệm phổ biến trong giới công nghệ “cách tốt nhất để khiến một người luôn tiêu thụ sản phẩm là khiến họ sử dụng nó kể cả khi họ không có nhu cầu”.

Giáo sư Brian Wansink của Đại học Cornwell đã chứng minh điều này trong nghiên cứu của mình và cho thấy bạn có thể lừa mọi người tiếp tục ăn súp bằng cách cho họ một cái bát không đáy và tự động đầy lên trong khi họ ăn. Với những chiếc bát không đáy này, người ta sẽ ăn nhiều hơn 73% calo so với bình thường và đánh giá lượng calo họ đã ăn thấp hơn 140 kl so với thực tế.

Nếu như newsfeed của Facebook được thiết kế để lấp đầy mọi thông tin mà bạn quan tâm, khiến bạn cứ kéo mãi không thôi thì Youtube lại có chế độ “auto-play”, tự phát các chương trình mà không cần đợi suy nghĩ của bạn cho những video tiếp theo. Bạn bị thu hút bởi các nội dung đề xuất tự động, bạn liên tục xem chúng mà không nghĩ gì về sở thích hay nhu cầu ban đầu của bản thân. Thật bất ngờ, đó chính là phương thức mà công nghệ giữ chân và thao túng tâm trí bạn.

Các công ty công nghệ thường tuyên bố rằng “chúng tôi chỉ giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc xem những video họ muốn” trong khi thực ra là họ lại đang phục vụ lợi ích kinh doanh của mình. Còn chúng ta lại không thể đổ lỗi cho họ, bởi vì ta càng “xem dễ dàng hơn” thì doanh thu của họ càng tăng, vẹn cả đôi đường.

Xen mục đích của bạn vào mục đích của doanh nghiệp

Có một cách khác để công nghệ thao túng tâm trí của người dùng chính là lợi dụng mục đích của bạn khi truy cập vào ứng dụng, rồi khiến những lý do ấy gắn liền với mục đích kinh doanh của ứng dụng.

Lấy ví dụ trong hành vi mua sắm thực tế, giả sử đa phần lý do khiến một người vào cửa hàng Circle K là để mua chai nước lọc. Tuy nhiên, Circle K lại mong muốn tối đa hóa sức mua của người dùng bằng cách đặt sản phẩm nước uống vào góc cuối cửa hàng. Đồng nghĩa, để mua nước, bạn sẽ phải đi qua gian hàng bán snack, bim bim và rất nhiều đồ ăn vặt. Nói cách khác, Circle K không thể để mục đích mua nước lọc của bạn tách rời mục đích kinh doanh chung của họ.

Các thiết kế công nghệ cũng tương tự, khi bạn muốn tìm thông tin về một sự kiện trên facebook, như đại nhạc hội “Heineken Countdown” 31/12 chẳng hạn, nơi đầu tiên bạn cần đến là newsfeed của facebook. Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn lập tức tìm kiếm sự kiện bằng cách gõ tên nó vào ô tìm kiếm, tuy nhiên cũng có khả năng cao bạn sẽ lại bị thu hút bởi một vài mẩu tin thú vị nào đó hiện trên newsfeed. Như vậy, mục đích của bạn (tìm kiếm event) phần nào sẽ bị điều hướng bởi mục đích của Facebook (giữ chân bạn càng lâu trên nền tảng càng tốt).

Tạm kết

Trên đây chỉ là chỉ là 6 trong hàng ngàn cách công nghệ đang sử dụng để thao túng tâm trí người dùng. Bạn có bất ngờ không khi những thuật toán mà chúng ta tin tưởng rất nhiều, những thuật toán được in vào từng thớ vải của cuộc sống, chỉ là một “cú lừa” của các nhà làm công nghệ?. Liệu rằng trong tương lai, những thuật toán trên có chiếm ưu thế trong việc định hình xã hội của chúng ta? Câu trả lời trên vẫn còn là một ẩn số mà chỉ có từng cá nhân mỗi người dùng mới tự tìm ra giải pháp cho riêng mình.

Cuộc đời nhiều cống hiến của nhà sáng lập hãng bia Carlsberg

J.C. Jacobsen khắc tên trong lịch sử ngành bia khi thúc đẩy nhiều phát kiến khoa học như men bia thuần chủng, thang đo pH đầu tiên trên thế giới…

Không chỉ là một nhà lãnh đạo kinh doanh tài năng, một người làm bia đầy sáng tạo, Jacobsen còn là một công dân tích cực trong các hoạt động cộng đồng, khoa học, văn hoá ở quê hương Đan Mạch cũng như châu Âu.

Hơn 170 năm đã qua, nhưng tầm ảnh hưởng và tham vọng của Jacobsen đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bia trên toàn thế giới vẫn còn ghi dấu ấn lên ngành bia toàn cầu.

Sự thay đổi làm nên bước ngoặt của ngành bia

Jacob Christian Jacobsen sinh năm 1811 tại Copenhagen (Đan Mạch), là nhà sáng lập hãng bia Carlsberg danh tiếng.

Khi bố của ông mất vào năm 1835, Jacobsen lên điều hành xưởng bia của gia đình. Bằng đam mê về bia và sự hứng thú với các môn khoa học tự nhiên từ rất sớm, ông đã bước vào một hành trình tìm tòi không ngừng nghỉ để phát triển chất lượng bia.

J.C. Jacobsen sinh năm 1811 tại Đan Mạch. Cuộc đời của ông được xem là bản “anh hùng ca” của làng bia thế giới.

Ngay từ thời niên thiếu, Jacobsen đã chăm chú quan sát cha mình kiên trì sáng tạo, tìm phương pháp sản xuất để bia ngon hơn.

Vào những năm đầu thế kỉ 19, trào lưu uống bia của dân Copenhagen là loại bia dùng phương pháp lên men nổi hay “bia trắng” nhưng Jacobsen lại có đam mê với phương pháp lên men chìm, hay còn gọi là lên men từ đáy thùng bia (bottom-fermented) kiểu bia đen vùng Bavaria. Xuất phát từ tham vọng đem đến một loại bia hoàn hảo nhất, Jacobsen quyết định tập trung nghiên cứu và chế tác loại bia theo phương pháp này của riêng ông. Sau quá trình dày công nghiên cứu tại Đức, Jacobsen đã thành công tạo ra bia đen với chất lượng ngon hơn, đặc trưng hơn.

Hai năm sau, ông khai trương nhà máy bia hiện đại đầu tiên trên đồi Valby ở ngoại ô Copenhagen. Xưởng bia mới được lấy tên từ đứa con trai 5 tuổi – Carl, và một từ trong tiếng Đan Mạch nghĩa là “ngọn đồi” – Berg. Và như thế, Carlsberg được thành lập năm 1847.

Từ đó đến nay, hãng bia danh tiếng nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng bia, sự thay đổi trong tư duy đã trở thành kim chỉ nam để các nhà máy của tập đoàn Carlsberg trên toàn thế giới theo đuổi thành công.

Bảo tàng Carlsberg tại Đan Mạch.

Thành công đến từ niềm đam mê và các phát kiến khoa học

Với quan niệm “ai tinh thông về hóa học, có kinh nghiệm thực tế và hiểu biết về nghề sẽ thành người dẫn đầu ngành bia châu Âu tương lai”, J.C. Jacobsen xem khoa học chính là chiếc chìa khóa trong hành trình kiến tạo thay đổi. Ông tin rằng, quy trình làm bia có thể được cải thiện nhờ áp dụng khoa học.

Năm 1875, Jacobsen thành lập phòng thí nghiệm Carlsberg để nghiên cứu về đại mạch, cách nấu bia và quá trình lên men.

Tại đây, các nhà khoa học hàng đầu đã tiến hành nhiều nghiên cứu chuyên sâu về sản xuất bia và nhanh chóng ghi tên vào lịch sử ngành bia với các phát minh có tính đột phá, nổi bật nhất là men bia thuần chủng và thang đo độ pH đầu tiên trên thế giới.

Quan trọng hơn hết, những phát minh mang tính cách mạng này đều được chia sẻ cho các nhà máy bia trên toàn thế giới sử dụng miễn phí. Bởi nhà sáng lập Carlsberg quan niệm: “Không một thành quả nào từ hoạt động của phòng thí nghiệm, về lý thuyết cũng như thực hành, cần được giữ bí mật”.

Quỹ Carlsberg góp phần lưu giữ tinh hoa cho tương lai

Đằng sau nỗ lực không ngừng suốt 170 năm qua chính là sứ mệnh mà J.C. Jacobsen mong muốn thực hiện trong cuộc đời: lưu lại tinh hoa cho thế hệ tương lai. Di sản mà ông để lại là công ty bia Carlsberg lớn mạnh và đã trở thành một trong ba hãng bia lớn nhất trên thế giới ngày nay. Để có được thành quả này không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Quỹ Carlsberg.

Hiện nay, Quỹ Carlsberg vẫn giữ vững tầm quan trọng, là kim chỉ nam cho hoạt động của công ty bia Carlsberg.

Ngay từ những năm cuối của thế kỷ 19, J.C. Jacobsen đã sớm nhận ra con đường đúng đắn nhất để nhà máy bia luôn sản xuất được những sản phẩm có chất lượng và những nghiên cứu khoa học kĩ thuật của ngành bia sẽ luôn được phát triển và ứng dụng trong xã hội, đó là cần phải đặt công ty bia dưới sự giám sát, quản lý và cố vấn của một đơn vị độc lập. Thời bấy giờ, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Đan Mạch chính là sự lựa chọn hoàn hảo nhất để gửi gắm đứa con tinh thần của Jacobsen.

Bằng một chứng thư tặng phẩm gửi đến Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Đan Mạch vào năm 1876, Quỹ Carlsberg được Jacobsen chính thức thành lập với mục đích quản lý phòng thí nghiệm Carlsberg và đóng vai trò cung cấp nguồn tài chính hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học của nhà máy bia. Với sự giám sát và quản lý nghiêm ngặt, Quỹ Carlsberg hoạt động đúng như kỳ vọng của nhà sáng lập, giúp Carlsberg luôn có những sản phẩm bia chất lượng vượt trội, thừa hưởng các thành tựu nghiên cứu khoa học tân tiến nhất.

Trong di chúc trước khi mất vào năm 1887, J.C. Jacobsen viết: “Tôi muốn phát triển nghệ thuật làm bia đến độ hoàn hảo nhất có thể”. Tâm nguyện và cuộc đời của J.C. Jacobsen không chỉ là kim chỉ nam cho sự phát triển của tập đoàn Carlsberg nói riêng mà còn trở thành nguồn cảm hứng tuyệt vời, là bản hùng ca đem đến những thay đổi cho ngành bia thế giới.

Nam Anh

Điều gì chờ đợi ngành bán lẻ Việt Nam trong năm 2019?

Tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng của cả nước luôn tăng trưởng dương và luôn cao hơn mức tăng trưởng của GDP.

Mật độ cửa hàng xét về thu nhập còn dư địa không nhiều

Trong những năm qua, số lượng đơn vị bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng, đứng đầu là các trung tâm thương mại với tốc độ đạt 11,3%/năm (CAGR). Trong khi đó, số lượng các đơn vị chợ truyền thống có xu hướng chững lại (0,9%/năm CAGR) và dần sụt giảm trong thời gian gần đây.

Đây cũng là ngành thu hút lượng lớn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Từ tháng 1/2015, các doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài được phép thành lập ở Việt Nam đồng thời, doanh nghiệp 10 nước ASEAN sẽ được bãi bỏ hàng rào thuế quan khi tham gia khu vực mậu dịch chung ASEAN, 100% dòng thuế nhập khẩu ở hầu hết các mặt hàng cũng được xoá bỏ vào năm 2018. Môi trường thuận lợi giúp bán lẻ luôn là ngành thu hút đầu tư nước ngoài.

Làn sóng các giao dịch M&A trong ngàng bán lẻ đã dậy lên từ đầu năm 2016 và tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây như một kênh đầu tư hấp dẫn. Theo số liệu của VCBS, nếu năm 2005 chỉ có 18 thương vụ M&A với tổng giá trị là 61 triệu USD thì đến năm 2017, với tổng giá thị M&A lên đến 10,2 tỷ USD.

Giai đoạn 2015 – 2017, số lượng các siêu thị, đại siêu thị và trung tâm thương mại tăng trưởng với CAGR 2015 – 2017 lên tới 36,8% so với mức 16,2% trong giai đoạn 2012 – 2014 với động lực đến từ các thương vụ M&A của các nhà đầu tư ngoại, thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh doanh mới này.

Số lượng các cửa hàng tiện lợi bắt đầu tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2015 – 2016 với tốc độ trung bình 78%/năm và chững lại trong năm 2017 (16,5%). Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu bán l (khoảng 0,4%, theo Euromonitor) nhưng đây là loại hình chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất, với tốc độ tăng trưởng kép CAGR giai đoạn 2012 – 2017 đạt 48%.

Sự tăng trưởng này đã thu hút các nhà đầu tư ngoại với các thương hiệu quốc tế như Family Mart, Circle K, Shop&Go và B’s Mart, GS25…Trong khi đó, các doanh nghiệp nội như Vingroup hay MWG cũng không muốn bỏ lỡ miếng bánh này với các chuỗi Vinmart + và Bách hóa xanh.

Tuy nhiên, theo VCBS, mô hình này hiện đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn vì số lượng tham gia quá nhiều trong khi sức mua của người tiêu dùng chưa thể tăng tương ứng và cạnh tranh với mô hình siêu thị và tiệm tạp hóa truyền thống.

“Nếu so sánh mật độ cửa hàng tiện lợi và thu nhập so với các nước trong khu vực, đặc biệt các nước có văn hóa tiêu dùng gần giống với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia hay Phillipines, mật độ cửa hàng tiện lợi của Việt Nam nếu xét về thu nhập hiện đang ở mức tương đương với các nước trong khu vực, hoặc còn dư địa nhưng không nhiều.

Thực tế có thể thấy, các thương hiệu ngoại khi mới vào thị trường đều đưa ra kế hoạch mở cửa hàng với số lượng rất lớn, nhưng sau thời gian hoạt động, con số thực hiện được lại khá khiêm tốn”, báo cáo của VCBS nêu.

Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng hỗ trợ ngành bán lẻ

Triển vọng ngành bán lẻ năm 2019 được các chuyên gia VCBS nêu trong báo cáo là thu nhập bình quân tăng hỗ trợ cho ngành bán lẻ. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, khoảng 40% dân số sẽ trở thành tầng lớp trung lưu trước năm 2021. Tổng chi tiêu của hộ gia đình được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 11,4% trong giai đoạn 2017 – 2021, theo Euromonitor.

Thứ 2, dư địa mở rộng thị trường nhờ đô thị hóa tiếp tục diễn ra. Khu vực nông thôn chiếm khoảng 65% tổng dân số cả nước, được coi là một thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Thêm vào đó, cả thu nhập bình quân và chi tiêu bình quân của người dân có xu hướng tăng trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, báo hiệu nhu cầu mua sắm sẽ tăng theo. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh (từ mức 20% năm 1998 lên mức 37,5% năm 2017), và ước tính sẽ lên đến 37,4% trong năm 2021, theo BMI kỳ vọng khu vực nông thôn sẽ chuyển mình lên nông thôn mới, thành thị.

Thứ 3, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng hỗ trợ sự phát triển của ngành. Tính đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tiêu dùng chiếm 18% trong tổng dư nợ tín dụng, cao hơn mức 11,4% của 2016. Mặt bằng lãi suất trong nửa đầu năm 2018 duy trì ổn định và được dự báo chỉ tăng nhẹ trong nửa cuối năm.

Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, khoảng 40% dân số sẽ trở thành tầng lớp trung lưu trước năm 2021.

Đây được coi là yếu tố hỗ trợ tích cực cho các công ty trong ngành khi phải duy trì mức lãi suất cao trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, xu hướng liên kết với nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ để đẩy mạnh dịch vụ cho vay tiêu dùng lãi suất 0% kích thích tiêu dùng của người dân, từ đó thúc đẩy doanh số bán lẻ.

Cuối cùng là triển vọng ở mô hình siêu thị mini. “Như chúng tôi đã phân tích ở trên, mô hình siêu thị mini với các thương hiệu như Bách Hóa Xanh, Satra Food, hay Vinmart + đều sở hữu những điểm đặc trưng với mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống nên vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá tốt”, báo cáo của VCBS nêu.

Bên cạnh đó, mô hình kết hợp với tiệm tạp hóa truyền thống cũng được xem là điểm khác biệt. Điển hình như Saigon Co.op đã thực hiện chiến lược liên kết với các cửa hàng tạp hóa bằng việc nhượng quyền thương hiệu Co.op Smile cho các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ nhằm tận dụng được điểm bán, lượng khách hàng sẵn có của các đại lý truyền thống, nhưng thay vào đó sẽ hiện đại hóa việc quản lý và điều hành các cửa hàng này theo tiêu chuẩn của siêu thị mini nhằm khắc phục hạn chế của các cửa hàng truyền thống.

Thế Giới Di Động: Lớn nhất nhưng vẫn nhanh nhất

Năm 2019, Thế Giới Di Động tiếp tục “truyền thống vượt kế hoạch” với mục tiêu đạt hơn 100.000 tỷ doanh thu chỉ trong 11 tháng.

Với quy mô doanh thu khủng đã lên tới hàng tỷ đô, Thế Giới Di Động vẫn đi nhanh và thần tốc hơn người ta tưởng. Kết thúc 2018, giờ là lúc người ta sẽ hỏi: 2019 MWG sẽ tiếp tục đi nhanh nhờ đâu?

CEO trẻ tuổi chinh phục đỉnh cao hơn 100.000 tỷ

MWG mới đây bổ nhiệm ông Đoàn Văn Hiểu Em vào vị trí Tổng giám đốc của hai chuỗi thegioididong.com và Điện máy Xanh.

Ở tuổi 36, đây có lẽ là một trong những CEO trẻ tuổi nhất giữ vai trò lãnh đạo của một công ty có doanh thu hàng tỷ đô.

Ngay sau khi “nhậm chức”, tân CEO đã bắt tay vào một loạt các hành động tạo ra kết quả: mở mới, chuyển đổi và nâng cấp cửa hàng, thay đổi cách sắp xếp hàng hóa nhằm tăng diện tích trưng bày, thêm sản phẩm mới và nhắm tới nhóm khách hàng mới…

Theo đó, vị tân CEO cho biết mục tiêu hơn 100.000 tỷ doanh thu với phần đóng góp lớn của bán lẻ điện thoại và điện máy sẽ có thể thực hiện được trong năm 2019.

Bách hóa Xanh mục tiêu tăng trưởng hơn gấp đôi

Năm 2019 doanh thu Bách hóa Xanh sẽ chiếm vị trí “quán quân” về tốc độ tăng trưởng, dự kiến tăng hơn gấp đôi. Cùng với đó, Bách hóa Xanh vẫn đảm bảo hiệu quả khi mặc dù chưa phải là chuỗi có số lượng nhiều nhất trong hệ thống tập đoàn Thế Giới Di Động nhưng chắc chắn là chuỗi đứng đầu về lưu lượng khách ghé thăm. Tính trung bình, mỗi cửa hàng thu hút hơn 500 lượt khách/ngày, doanh thu trung bình đạt 1,2 tỷ/tháng, những con số mà khó có chuỗi cửa hàng thực phẩm nào theo kịp.

Với việc tăng tốc mở rộng ở phía Nam và thử nghiệm một mô hình chuẩn đi các tỉnh, Bách hóa Xanh chắc chắn sẽ mang MWG tiến xa hơn kể từ 2019. Và vì thế, mặc dù đã là doanh nghiệp lớn, chắc chắn người ta sẽ còn phải ngạc nhiên về khả năng đi nhanh của Thế Giới Di Động.

Thanh Thảo

Bí quyết tư duy của người thành công: Đặt câu hỏi đúng

Một đặc tính tuyệt vời của não bộ là nếu bạn đặt câu hỏi, nó sẽ đưa ra câu trả lời. Đó chính là lý do vì sao việc đặt câu hỏi đúng rất quan trọng.

Trong 2 thập kỷ qua, Gerhard Gschwandtner – tác giả sách, nhà sáng lập, CEO Selling Power Magazine – đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu về cách tư duy của người thành công và phương pháp để “sao chép” chúng.

Nhờ quá trình nghiên cứu đó, ông đã khám phá ra một mô hình hấp dẫn và hữu ích, cho thấy cách mà những niềm tin từ bên trong tác động đến hành động của mỗi người.

Mô hình tư duy kim tự tháp

Gerhard Gschwandtner nhận thấy não bộ con người hoạt động như một chiếc kim tự tháp với những niềm tin, khả năng tư duy tồn tại ở 3 cấp độ:

– Niềm tin được “cấy” vào

Đây là những niềm tin bạn hấp thu từ môi trường xung quanh, như văn hóa bản địa, những người gần gũi (cha mẹ, người thân…). Một vài trong số những niềm tin này hữu ích và đúng đắn, ngược lại, một số khác có thể gây hại cho bạn.

Thách thức ở đây là: “chỉ tưới nước cho hoa và đừng chăm sóc cỏ dại”. Nghĩa là bạn phải chọn tiếp thu những điều đúng đắn và nói “Không” với những kinh nghiệm bất hợp lý.

Ví dụ, người cha quá cố của tôi tin rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì nếu dồn hết tâm trí vào nó. Nhưng cũng giống như những người ở thế hệ cũ khác, ông có một tư tưởng phân biệt chủng tộc dù chỉ theo một cách khá thầm lặng. Tôi đã tiếp thu quan điểm sống tích cực và từ chối tư tưởng phân biệt chủng tộc của ông.

– Niềm tin được ghi dấu lại

Đây là cấp độ cao nhất của những niềm tin được “cấy” vào não. Chúng được tạo ra khi bạn có ấn tượng đặc biệt về một người hướng dẫn hoặc một người thầy giỏi.

Những kinh nghiệm này hoàn toàn có khả năng thay đổi cuộc đời bạn. Ví dụ, một số người đã thay đổi hẳn cách sống, cách nghĩ chỉ nhờ vào một buổi trò chuyện, sau khi đọc một quyển sách hoặc nghe một bài phát biểu.

– Niềm tin từ cảm hứng

Cấp độ cao nhất của mô hình kim tự tháp này là những niềm tin được tạo ra từ nguồn cảm hứng. Những niềm tin này còn mạnh mẽ hơn cả những kinh nghiệm từ môi trường sống hoặc một số bài học từ những người có tác động lớn đến cuộc đời bạn.

Tất cả chúng ta luôn có điều gì đó rất đặc biệt mà có thể được gọi là “điều kỳ diệu từ bên trong”. Đó có thể là tài năng nào đó luôn muốn được bộc lộ ra bên ngoài hoặc những ước mơ giúp chúng ta khám phá ra hướng đi mới cho cuộc đời.

Thách thức ở đây là phải phân biệt được đâu là những niềm tin giúp cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn.

Đặt những câu hỏi đúng để nâng cao hiệu suất làm việc của não

Một đặc tính tuyệt vời của bộ não con người là, nếu bạn đặt câu hỏi, nó sẽ đưa ra câu trả lời. Đó chính là lý do vì sao việc đặt câu hỏi đúng rất quan trọng.

Tận dụng “nguyên lý” này, việc áp dụng những câu hỏi đúng sau đây sẽ giúp bạn định hướng tốt hơn cho cả 3 cấp độ tư duy trên, từ đó tăng cường hiệu suất làm việc của não:

– Những câu hỏi cho cấp độ 1:

Niềm tin nào từ thời thơ ấu của tôi đã được chứng minh là hữu ích nhất?
Niềm tin nào từ thời thơ ấu đã cản trở sự tiến bộ của tôi nhất?
Giờ đây tôi có thể làm gì để củng cố, tăng cường niềm tin hữu ích nhất?
Giờ đây tôi có thể làm gì để loại bỏ những niềm tin sai lệch?

– Cấp độ 2:

3 quyển sách nào tác động đến tôi nhiều nhất?
3 kinh nghiệm nào đã cho tôi những bài học hữu ích nhất?
Giờ đây tôi có thể làm gì để tăng cường sức ảnh hưởng của những niềm tin đã tiếp thu?
3 người hướng dẫn nào phù hợp nhất (tác giả sách, chuyên gia, nhà tư vấn…) sẽ giúp tôi hoàn thành những mục tiêu hiện tại?

– Cấp độ 3:

Điều gì tôi có thể làm và tin rằng mình không thể thất bại?
Điều gì đang níu giữ, khiến tôi không thể vực dậy và làm theo nguồn cảm hứng của mình?
Những lĩnh vực nào trong cuộc sống cá nhân có thể hướng tôi đến nguồn cảm hứng đó?
Kế hoạch nào giúp tôi hiện thực hóa nguồn cảm hứng đó?