Author Archives: nam hoang

giới thiệu bản thân

5 Kỹ Năng Nhà Tuyển Dụng Trông Đợi Từ Ứng Viên Nhưng Không Nói Ra

Trong bất kì tình huống tuyển dụng nào, việc đưa ra các yêu cầu luôn dễ hơn là việc diễn giải chúng. Bạn sẽ luôn gặp phải những nhà tuyển dụng yêu cầu Z nhưng chỉ thể hiện là họ cần A,B,C. Trên trang web dịch vụ hỏi đáp Quora, có một câu hỏi thế này: “Dưới góc nhìn của CEO, những kỹ năng nào nhiều nhân viên thiếu sót nhất?”. VietnamWorks HR Insider xin được tổng hợp và lược dịch một số câu trả lời thú vị nhất:

1. Làm những việc bạn nói bạn sẽ làm

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực sự rất nhiều dân văn phòng không thể thực hiện lời hứa công việc của mình. Để làm được điều này, cần phải xác lập kì vọng rõ ràng. Nếu bạn đã hứa với sếp thứ hai sẽ làm xong, thì hãy làm xong trong ngày đó. Còn nếu đã thấy không đủ thời gian để hoàn thành vào thứ hai, thì hãy hứa vào một ngày khác phù hợp hơn với khối lượng công việc của bạn. Hãy trở thành một người đáng tin cậy, bởi vì trong văn phòng rất ít người mà sếp có thể tin tưởng – đó là sự thật. Điều này không có nghĩa bạn sẽ im lặng với tất cả công việc được giao: bạn phải cho sếp biết bạn có làm được trong thời gian sếp mong muốn hay không.

2. Tự quản lý bản thân

Nếu sếp bạn chẳng bao giờ phải nhắc nhở bạn về công việc, họ sẽ có thời gian đầu tư vào các công việc chiến lược quan trọng. Và chính bạn cũng sẽ tránh được những cuộc đối thoại khó khăn với sếp, chẳng hạn như: “Công việc anh giao cho em đến hạn rồi sao chưa thấy em báo cáo gì cả?” Chỉ cần bạn tự quản lý tốt bản thân, bạn sẽ trở thành “nhân viên sáng giá” trong mắt của sếp cũng như của tất cả đồng nghiệp. Tự quản lý bản thân cũng bao gồm các kĩ năng khác như việc tạo và theo sát một lịch trình làm việc cá nhân chặt chẽ và quản lý email tốt. Nếu bạn có một lịch trình làm việc tốt, sếp chỉ cần nhìn sơ qua là có thể biết bạn đang làm việc ít hay đang bị quá tải. Nếu bạn quản lý email tốt, trong vòng 30 giây bạn phải tìm được email mà bạn muốn tìm, chứ không phải mất thời gian mò mẫm.

3. Giải quyết các vấn đề không có giải pháp rõ ràng

Viết nội dung quảng cáo nào cho hay hoặc cần phải gửi những thông điệp bán hàng nào đến khách hàng này – những vấn đề như vậy chỉ là số ít trong số những vấn đề phải giải quyết trong văn phòng ngày nay. Để thăng tiến lên những cấp bậc cao, bạn cần phải giải những bài toán mang tính chất hơi mơ hồ và không có cách giải rõ ràng, trắng – đen tách biệt. Ví dụ: làm thế nào để tuyển dụng người tốt hơn, làm thế nào để website này có thể thu hút hơn, hay làm thế nào để tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Để giải quyết các vấn đề này, bạn cần làm 3 bước:

  • Vẽ ra lộ trình những việc cần làm để giải quyết vấn đề, và ưu tiên làm những việc nào trước
  • Viết ra những mục tiêu rõ ràng trong kế hoạch, và đặt ra thời hạn cho mỗi mục tiêu hợp lý
  • Vận động sự hỗ trợ của các thành viên khác trong phòng ban để đạt được mục tiêu

4. Kỹ năng bán hàng

Có thể bạn đang tự hỏi, tôi làm kế toán thì cần gì phải có kỹ năng bán hàng? Kỹ năng bán hàng ở đây nên được hiểu với nghĩa rộng hơn là kĩ năng trình bày, thuyết phục người đối diện giống như một tay bán hàng lành nghề. Trong một công ty mấy tram, hoặc có khi đến mấy nghìn người, hàng ngày có rất nhiều quyết định được đưa ra, nhiều mong muốn được thổ lộ từ các nhân viên. Tuy nhiên, không phải tất cả những đều đó đều được chấp thuận hay thực hiện. Bạn phải có khả năng thuyết phục người khác, cho dù đó là đồng nghiệp, sếp hay ban giám đốc về những quyết định, mong muốn của bản thân. Bạn nghĩ rằng phòng kế toán cần thay đổi quy trình để làm việc hiệu quả hơn? Hay phòng kinh doanh cần có nhiều ngân sách hơn cho đội ngũ bán hàng? Hoặc phòng marketing cần nhiều nhân sự hơn? Tất cả những điều này đều nhằm mục đích giúp công ty phát triển và làm việc tốt hơn, nhưng nếu bạn không có khả năng thuyết phục thì cấp trên sẽ không bao giờ để bạn thực hiện những điều đó.

5. Sự chuyên nghiệp kiểu Mỹ

Sự chuyên nghiệp ngày nay đang bị đánh giá thấp bởi người ta quá quan tâm đến cá nhân mình trong công việc. Bạn không thoải mái làm việc này? Bạn cảm thấy khó làm việc kia? Bạn thấy sếp khiến bạn áp lực? Mọi chuyện đều có cách giải quyết, nhưng hãy nhớ trong tập thể, bạn không phải là trung tâm của vũ trụ. Một tác giả khi trả lời câu hỏi về kĩ năng quan trọng, đã trình bày rất rõ ràng: sự chuyên nghiệp kiểu Mỹ, bao gồm 3 yếu tố chính mà nhiều nhân viên hay bỏ quên:

  • Shut up (nguyên văn) – dịch sát nghĩa là “im lặng đi”: hầu hết các công việc không cần phải có những cuộc đối thoại dài dòng. Nói quá nhiều hoặc liên tục than phiền không phải là cách giải quyết vấn đề
  • Get over themselves – đừng đặt bản thân lên cao quá: trong công việc, các ý kiến cá nhân không phải lúc nào cũng được xem là quan trọng, và các tình huống của mỗi người (cảm xúc, vấn đề riêng tư) không liên quan gì đến công việc.
  • Be productive – hãy đạt năng suất làm việc tốt: có mặt ở văn phòng không có nghĩa là bạn đang làm việc, cũng như sự tự tin chưa chắc đã là năng suất làm việc tốt.

Quan điểm này có phần khắt khe những cũng đáng để suy nghĩ trong thời đại hiện nay, khi nhà quản lý phải quan tâm quá nhiều đến “cảm xúc” của nhân viên để rồi kết quả năng suất làm việc vẫn không cao như mong đợi.

Trên đây là 5 kỹ năng gợi ý để bạn phát triển và gây ấn tượng với mọi nhà tuyển dụng và quản lý. Hầu hết những điều trên đều khá dễ thực hiện, nhưng hầu hết mọi người đều đang KHÔNG thực hiện, do thiếu sự nghiêm khắc với bản thân hoặc do thiếu động lực làm việc. Hãy vượt lên những thói quen chưa tốt để trở thành một nhân viên chuyên nghiệp và hoàn thiện hơn.

Nguồn: HR Insider

7 tố chất quan trọng của nhân sự startup

Ý tưởng và kế hoạch có hay ho cách mấy mà tìm không được đúng người để thực hiện thì cũng hóa ra “xôi hỏng bỏng không”.

Bạn vừa khởi nghiệp và đang có ý định tuyển thêm vài nhân viên, nhưng bạn không chắc rằng mình cần tìm người như thế nào. Việc thuê đúng nhân viên vào thời điểm khởi đầu là rất quan trọng vì những người này sẽ giúp bạn định hình tương lai của công ty bạn theo nhiều cách khác nhau. Bạn cũng sẽ không cần phải nghĩ chuyện tìm người thay thế, mà sẽ có thời gian cho những chuyện lớn khác.

Vào lúc này, hãy dành ưu tiên cho những cá nhân dễ thích nghi và đa tài. Họ có thể là chuyên viên trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, nhưng bất kỳ việc nào bạn giao cho họ thì bạn có thể an tâm là sẽ được hoàn tất xuất sắc.

Điều tốt nhất cho bạn là tuyển được một nhóm có tiềm năng trở thành CEO, những người hiểu được toàn thể công việc kinh doanh và có khả năng bổ sung các giá trị cần thiết bất cứ khi nào cần.

Dưới đây là 7 tố chất quan trọng nhất mà bạn cần chú ý.

1. Không ngại vất vả
Ngay từ đầu, bạn sẽ cần những nhân viên tháo vát. Thay vì ném tiền bạc và thời gian một cách vô tội vạ vào các vấn đề, những người này sẽ tìm kiếm một giải pháp thực sự có hiệu quả. Hãy hỏi những ứng viên của bạn về những tình huống mà họ đã vận dụng được sự sáng tạo để giải quyết vấn đề.

Sau đây là vài câu hỏi dùng để kiểm tra xem ứng cử viên có thực sự tháo vát hay không:
– Điều gì bạn thích làm nhưng lại khó để nắm vững?
– Vì sao bạn thích làm việc này?
– Bạn bắt đầu niềm đam mê đấy như thế nào?
– Tại sao bạn lại tiếp tục theo đuổi, hoặc tại sao bạn lại quyết định dừng?

2. Biết tiết kiệm
Các nhân viên đầu tiên của bạn nên biết cách quan tâm tới từng đồng ra vào trong quá trình kinh doanh, như thể quan tâm đến túi tiền riêng của mình vậy. Bất cứ khi nào họ mua dụng cụ, vật liệu hoặc sử dụng dịch vụ bằng tiền của công ty, họ luôn cân nhắc giá tốt nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Đừng rơi vào cái bẫy suy nghĩ rằng tài khoản của bạn sẽ luôn dễ dàng được rót tiền. Bên cạnh đó, mỗi đồng tiền bạn vất vả kiếm được phải được chi vào đúng mục đích để giúp công ty phát triển và thịnh vượng.

Những nhân viên có lương tâm sẽ hiểu được điều này. Bất cứ một dự án khởi nghiệp cũng đều có những khó khăn tài chính. Những người biết tìm cách để vượt qua sự thiếu hụt này sẽ là những nhân sự không thể thiếu.

3. Sẵn sàng cống hiến
Những nhân viên đầu tiên của bạn cần phải là những người được thôi thúc vì những động lực khác thường. Ứng viên lý tưởng là người sẽ muốn trở thành một phần trên con đường khởi nghiệp của bạn. Họ luôn háo hức đối mặt với thách thức và được bước trên những chặng đường chưa ai đi.

Tiền bạc và danh vọng không phải là sự thu hút chính đối với những người này. Những nhân viên này muốn chứng minh năng lực và lý tưởng bản thân. Họ sẵn sàng từ chối mức lương cao hơn từ các công ty khác để đến với bạn.

4. Có khả năng tập trung
Những ứng viên được thuê ban đầu nên có khả năng tập trung cao độ vào một mảng nhất định nào đó trong việc kinh doanh, điều có thể khiến bạn khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh và giúp doanh nghiệp của bạn thành công.

Khách hàng của bạn quan tâm đến điều gì nhất? Tại sao họ lại chọn bạn chứ không phải các đối thủ khác? Đây là những điều mà nhân viên của bạn nên quan tâm. Khả năng tập trung chính là đòn bẩy mấu chốt để thúc đẩy công việc kinh doanh của bạn.

Ví dụ, khi bạn cần một nhân viên marketing online, tốt nhất hãy chọn người có khả năng tập trung vào việc hiểu biết và nắm bắt tất cả các kênh thu thập khách hàng, rồi ngay sau đó xoáy sâu vào những kênh có thể đem lại giá trị cao nhất cho công ty. Bằng không, bộ phận marketing của bạn sẽ cứ chi tiền vào những chiến dịch và kênh thu thập vô bổ, kém hiệu quả.

5. Dám nghĩ dám làm
Những nhân sự ban đầu nên có đủ thông minh để tự đưa ra quyết định. Họ không cần phải họp hay thông qua tầng tầng lớp lớp giấy tờ nào để hoàn thành mọi việc cả. Họ biết những gì họ cần làm, và họ sẽ thực hiện ngay khi có thể. Thuê những người biết làm, đừng mướn những người chỉ biết nói.

Khi bạn đang đánh giá ứng viên, hãy tìm những người không chỉ sẵn sàng hành động mà còn có thể đưa ra được những nhận định đáng tin tưởng. Việc khởi nghiệp bao giờ cũng là một cuộc đua siêu tốc. Vì thế, bạn cần những người có khả năng suy nghĩ và hành động thật nhanh.

6. Phù hợp với giá trị và văn hóa của công ty

Sự hòa hợp văn hóa sẽ đóng vai trò quyết định xem nhân viên mới sẽ hòa nhập tốt như thế nào với đội ngũ đang có của công ty.

Một cách đánh giá nhanh chóng mà bạn có thể dùng là đặt ra 2 câu hỏi sau:
– Bạn có muốn uống bia với người này không?
– Bạn cảm thấy như thế nào nếu đi dã ngoại với người này?

Cuối cùng, liệu bạn có khả năng làm việc cùng nhau mà không quay ra sát phạt nhau được không? Và liệu họ có giúp cho đội nhóm và công ty của bạn trở nên tốt hơn không?

Trong khi đó, sự hòa hợp về giá trị sẽ đảm bảo cho nhân viên luôn đồng lòng theo đuổi nhiệm vụ của bạn và mục đích của công ty. Hòa hợp văn hóa là thứ có ý nghĩa ở tầm công việc hàng ngày, còn hòa hợp về giá trị có ý nghĩa về lâu dài. Hãy xác định cụ thể các giá trị mà bạn theo đuổi: Tại sao bạn lại chọn ngành kinh doanh này? Và bạn đang cố gắng đạt được mục đích gì?

Tuy nhiên, việc tuyển dụng hướng đến phù hợp văn hóa và giá trị không có nghĩa là việc bạn chỉ thuê người tương đồng với bản thân mình. Họ cần phải có khả năng làm việc được với bạn, và chia sẻ được những giá trị của bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ phải giống y hệt bạn. Hãy hướng đến sự đa dạng trong việc tuyển dụng nhân viên, sao cho mọi người có thể khác nhau về điểm này hay điểm kia nhưng đều theo đuổi chung một mục đích.

7. Khiêm tốn
Trong giai đoạn đầu thành lập công ty, bạn sẽ thấy mình như một diễn viên phải đóng nhiều vai khác nhau. Một phút trước, bạn còn đang thảo luận về những hợp đồng trị giá triệu USD nhưng có thể vài phút sau, bạn lại phải bận rộn rửa chén cho buổi tiệc của công ty.

Mọi nhân viên nên sẵn sàng đóng góp theo nhiều cách khác nhau, đôi khi chỉ đơn giản là biết giữ cho nhà bếp luôn sạch sẽ. Những công ty khởi nghiệp thành công là nơi có được những nhân viên không để tính tự mãn chen chân vào con đường thành công.

Theo Entrepreneur

 

Tháng 9-12/2016: Nhu cầu tuyển nhân sự cao cấp tăng nhanh

Trong 4 tháng cuối năm 2016, nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh từ lĩnh vực sản xuất đến bán lẻ, thương mại đến bất động sản. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của nhân sự Việt khi vươn tới các vị trí này là khả năng sử dụng tiếng Anh hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc điều hành Navigos Search, nhận định về cơ hội và thách thức của thị trường nhân sự cao cấp VN trong thời điểm cuối năm 2016. Điểm nổi bật là sự gia tăng nhu cầu nhân sự cao cấp với ứng viên người Việt trên toàn quốc.

“Tại thị trường phía Nam, nhiều công ty luật có nhu cầu tuyển dụng cao các vị trí liên quan đến pháp chế. Trong khi đó, một số dự án sản xuất điện tử mới của Hàn Quốc đang tuyển tất cả các vị trí của dự án tại thị trường phía Bắc” – bà Nguyễn Thị Vân Anh nói.

Cũng theo đại diện của Navigos Seach, nhu cầu tuyển dụng ngành ICT rất cao, đặc biệt trong các lĩnh vực về ứng dụng di động. Nhiều công ty không tiếc tiền để chiêu mộ nhân tài với mức lương tháng đàm phán lên tới hàng ngàn USD khi đáp ứng điều kiện bắt nhịp và triển khai có hiệu quả ngay các dự án dang dở.

Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của ứng viên được Công ty cung cấp dịch cụ nhân sự cao cấp này lưu ý là: Khả năng sử dụng tiếng Anh.

Đánh giá của Navigos Seach, cụm từ “Không tìm đủ nhân sự đáp ứng được yêu cầu” có lẽ là câu nói được nghe nhiều nhất từ khách hàng khi cùng nhau chia sẻ về khó khăn trong tuyển dụng.

Đơn cử như ngành nhiệt điện, việc tìm kiếm các vị trí quản lý nhân sự cấp cao thực sự khó khăn và có sự cạnh tranh gay gắt khi có yêu cầu rất cao về kinh nghiệm chuyên môn và kỹ năng tiếng Anh. “Do vậy, ứng viên tiềm năng trên thị trường chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay”.

“Việc không thành thạo tiếng Anh đang thực sự là rào cản vô hình cho sự phát triển của nguồn nhân sự người Việt. Rất khó để người Việt có thể cạnh tranh ngay được trên sân nhà nếu như chúng ta không sử dụng được tiếng Anh một cách thành thạo. Thực tế đang chứng minh việc không giỏi tiếng Anh có thể gây ra những hệ quả tiêu cực cho đội ngũ nhân sự người Việt trong bối cảnh hội nhập như hiện nay” – bà Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ.

Nguồn: Dân trí

Công Việc Thực Tập Đã Giúp Mình Nhiều Như Nào?

Hiểu bản thân hơn

Vào thời điểm năm cuối đó, mình đang rất lơ mơ với việc mình sẽ làm gì sau khi ra trường. Học về Truyền thông thì đương nhiên là nên nhắm cơ hội vào làm trong các phòng Marketing hoặc các agency lớn. Nhưng thời điểm đó mình tự audit lại bản thân, thấy mình hợp với công việc hỗ trợ người khác, tuy chưa biết cụ thể là gì. Vậy nên mình quyết định thay vì đi thực tập ở một agency quảng cáo, mình làm thực tập cho phòng Tư vấn hướng nghiệp của trường.

Lúc mình quyết định như vậy, nhiều người cũng ngạc nhiên. Vì học thì ở Hà Nội, mà lại quyết định khăn gói vào Sài Gòn thực tập. Rồi thì chọn chỗ nào không chọn lại chọn làm ở một chỗ nghe chẳng có vẻ gì là ‘truyền thông’ hay ‘sáng tạo’ cả. Nhưng mình kệ. Lúc đó đang thích thì phải thử. Phải làm rồi thì mới biết là mình hợp hay không. Ngày đầu tiên đi làm cũng hoang mang lắm, không biết công việc thực tập thật ra là làm gì. Ngây thơ đến mức bị mấy anh chị list ra một list các loại cafe họ thích uống và địa điểm mua, bảo mình là sáng nào cũng cần chuẩn bị những thứ đó trên bàn (troll thôi) – thế mà làm mình tin sái cổ.

Thế nhưng trăm hay không bằng tay quen. Làm một thời gian rồi mình cũng quen với môi trường ở đây. Mình học được rất nhiều thứ mà mình chưa biết khi còn đi học. Từ chuyện nhỏ nhặt như dấu chấm ở cuối mỗi gạch đầu dòng cho đến cách đặt label email, tổ chức một buổi họp phải có agenda, action plan như thế nào, vân vân và mây mây. Và quan trọng hơn cả là sau kì thực tập, mình đã tìm ra đúng niềm đam mê của mình. Đó không phải là truyền thông, là sáng tạo như mình nghĩ, mà đam mê thực sự của mình là được đem các kĩ năng, kiến thức của bản thân để giúp những người trẻ, những người đi sau được thành công hơn trong con đường sự nghiệp của họ.

Nhiều bạn tìm đến mình với câu hỏi là GPA của em thấp quá, em sợ không tìm được thực tập. Đừng lo các em ạ, GPA hay ngành học không quyết định được 100% em là ai và em sẽ làm gì sau này đâu. Tất cả những gì các em cần làm là khám phá, khám phá và khám phá. Phải tin tưởng vào bản thân, làm việc chăm chỉ và học một thứ mới mỗi ngày.

 Làm việc với nhiều kiểu người

Nếu bạn là người đọc nhiều tin tuyển dụng, chắc chẳng lạ gì với cụm từ ‘teamwork’ rồi đúng không. Teamwork là đòi hỏi bạn phải biết làm việc nhóm, và không chỉ làm làm việc nhóm với bạn bè hay những người mình đã quen đâu nhé, bạn phải sẵn sàng làm việc nhóm với tất cả mọi người.

Công việc thực tập của mình may mắn đó là mình là người duy nhất hỗ trợ Truyền thông cho gần 10 anh chị trong phòng. 10 người là hơn 5 dự án khác nhau, nhờ đó mình được hoạt động riêng lẻ và độc lập với các anh chị ở mỗi dự án. Mỗi người lại có một cách tiếp cận công việc khác nhau, cách nói chuyện khác nhau, cách giao deadlines khác nhau, các khen khác nhau nên từ đó mình tự tiếp thu, điều chỉnh bản thân sau cho phù hợp. Nếu công việc thực tập bạn gặp được một anh chị sếp tốt sẵn sàng chỉ dạy cho bạn, cũng như bạn chịu khó quan sát và học hỏi không chỉ chuyên môn mà còn ở cách thức làm việc, chắc chắn bạn sẽ áp dụng được rất nhiều cho công việc sau này (giống như cách mình đang áp dụng cho các dự án riêng của mình).

 Bạn sẽ được học giao tiếp

Giống như ‘teamwork’, ‘communication’ là kĩ năng bạn bắt buộc phải có dù bạn đang định chọn công việc nào. Không chỉ đơn thuần là có giỏi giao tiếp hay không mà bạn còn phải biết cách điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với mỗi người. Ví dụ với các anh chị trong phòng nơi mình thực tập, có người thích làm việc qua email, có người lại thích gọi đến tận nơi giao việc trực tiếp. Có người thích gửi email phải chào hỏi thưa gửi đầy đủ, có người lại chỉ cần viết nhanh vài dòng tập trung vào nội dung là được. Không có gì đúng hay sai ở đây cả, mà quan trọng là bạn phải tập nhìn, quan sát và điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp.

‘Communication’ là chìa khoá để tránh khỏi xung đột trong công việc. Nếu bạn được giao việc nhưng có gì không hiểu, hãy hỏi lại. Mình biết tính người Việt Nam mình hay nể và ngại, ngoài ra lại thấy mình đang là intern cấp dưới nữa, nên ai ở trên nói gì cũng nghe, nói gì cũng làm, đôi khi không hiểu cũng làm. Thế là thành ra mất hay, có khi vừa tốn thời gian của bạn mà công việc lại không hiệu quả. Vậy nên nếu có gì không hiểu, hãy hỏi nhiệt tình vào nhé. Giống như bạn hay đọc blog của mình, nếu có gì chưa hiểu về quá trình tìm việc, cách viết CV, phỏng vấn các thứ thì cứ thoải mái liên hệ với mình.

 Không ngừng học hỏi, không được bỏ cuộc

Khi phỏng vấn thì rất nhiều bạn háo hức, mong được nhận để đi làm ngay. Những ngày đầu tại công ty cũng có vẻ vui. Nhưng chỉ sau 2-3 tuần, một số bạn bắt đầu chuyển sang trạng thái chán. Lý do thì nhiều vô kể, vì công việc không hợp ngành mình học, vì sếp khó tính, vì bạn toàn phải làm việc chả liên quan, vì A, vì B, vì C.

Quan điểm cá nhân của mình là, nếu bạn đã quyết định chọn gắn bó với một công việc, hãy gắn bó với nó ít nhất 4 tháng. 4 tháng là con số tối thiểu để bạn nắm bắt được hết công việc, cũng như để bạn có thể tự tin phần nào để nói rằng mình đã hợp hay chưa. Còn các vấn đề mà bạn đang kêu than? Nếu sếp khó tính, hãy thử xem lại xem sếp vì sao lại như thế, tại mình hay tại 2 bên chưa hiểu nhau? Nếu công việc lặt vặt nhiều quá, hãy xem bạn đã đủ khả năng để đảm nhiệm các trọng trách lớn hơn chưa, nếu rồi hãy đề đạt. Đừng ngại.

Ngoài ra, trong thời gian thực tập, hãy cố gắng học. Không những học chuyên môn, mà học cả từ những kinh nghiệm của các anh chị đi trước. Mời các anh chị một buổi ăn trưa hoặc cafe, chém gió và xin anh chị chia sẻ kinh nghiệm làm việc, từ đó rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân mình.

 Hãy học cho mình tính cách ‘Resilience’

Trong công việc thực tập của mình, không dưới 5 lần mình được đọc, được nghe, được khuyên về từ ‘Resilience’ này. Mình không biết dịch ra tiếng Việt như nào, nhưng đại ý của nó là ‘khả năng phục hồi’. Trong công việc cũng như cuộc sống, bạn chắc chắn sẽ thất bại đôi lần. May mắn thì 1-2 lần thôi, kém may hơn thì nhiều lần. Nhưng đó là chuyện thường tình thôi, đừng nản nhé. Chẳng có ai là hoàn hảo cả. Quan trọng là bạn biết đứng lên từ thất bại, can đảm nhìn vào xem vì sao mình thất bại để không lặp lại những sai lầm đó nữa. Và hãy tin tưởng bản thân. Chính bạn mà không tin vào bản thân mình, thì ai dám tin vào bạn nữa đây.

Theo anhtuanle.com

Sự khác nhau giữa nghề nghiệp và công việc

Có bao giờ trên đường đời tấp nập, bạn vô tình …thắc mắc sự khác nhau giữa nghề nghiệp và công việc chưa ? Tôi thường hay nghe anh chị em, những người đã đi làm nhiều năm nói rằng, “nghề nó chọn người” và rằng làm nghề gì, nó phụ thuộc vào cái “nghiệp” của riêng người ấy.

Xin phép được giấu tên. Tôi từng gặp, những người yêu lắm thích lắm những công việc về ô tô như phụ kiện ô tô, sửa chữa ô tô, buôn bán ô tô… người đó có thể bắt đầu sự nghiệp bằng “nghề ô tô” nhưng loanh quanh thế nào, sau vài năm người thì đứng lớp làm thầy giáo, người lại loanh quanh ở tiệm bán vàng (kinh doanh vàng). Có người làm kinh doanh cũng khá tốt, làm giáo viên cũng “vang bóng một thời” thế mà sau mười năm gặp lại, tôi lại thấy anh đang làm trụ trì một chùa ở ngoại thành thành phố. Ngay cả tôi cũng vậy, cũng từng đi thi Sư Phạm thật, cũng nhiều người gặp tôi đứng lớp hơn một năm, rồi đi trông thi, công tác tại một trường có tên rất “Ha-oai” tại Hà Nội… mọi người gặp tôi trong bối cảnh lớp và trường nhiều đến mức ai cũng nghĩ chắc tôi là giáo viên, nhưng thế quái nào tôi lại làm… nghề khác, tôi là một marketer.

Là một marketer được 5 năm thì có đến 3 năm tôi kiêm nhiệm cả công việc của chuyên viên tuyển dụng – đào tạo, tuyển từ cộng tác viên, đại diện thương hiệu đến cấp độ trưởng phòng, giám đốc kinh doanh. Tuy 3 năm chưa phải là nhiều, nhưng cũng có lúc sếp cũ tôi bảo “hay em chuyển hẳn sang làm nhân sự vị trí tuyển dụng đào tạo đi, chị thấy em hợp với nghề đó..” Nghề nhân sự, nghe cũng có vẻ hay, thời còn đi học, điểm quản trị nhân lực của tôi cũng thuộc hạng không tồi (đến giờ này tôi vẫn còn tự hào vì môn đó là một trong những môn điểm cuối kỳ của tôi cao nhất, tất nhiên là sau môn chuyên ngành) Tôi cũng tham dự một vài module về quản lý nhân sự như ứng dụng luật trong quản lý nhân sự –  một nội dung quan trọng đối  với hoạt động quản lý nhân viên tại mọi doanh nghiệp. Tôi quay clip nhập vai phỏng vấn của khá nhiều học viên lớp Tuyển dụng nhân sự cơ bản, xem đi xem lại nhiều lần vì tôi phải cắt và biên tập lại hầu hết các video đó. Cũng có lúc, tôi có ý định đi học hẳn một khóa Nghề nhân sự chuyên nghiệp để đổi nghề, biết đâu marketing chỉ là công việc, còn nghiệp của tôi gắn liền với nghề nhân sự, với tuyển dụng – đào tạo thì sao. Sự bộn bề của cuộc sống, sự bận rộn của nghề nghiệp, sự nể nang bạn bè trong các phi vụ ăn chơi, rồi thì gia đình, sự nghiệp mà tôi vẫn nghĩ đó là sự nghiệp níu kéo nên đến tận giờ này tôi vẫn chưa học trọn vẹn một khóa Nghề nhân sự nào cả, cho đến ngày hôm nay, khi mà tôi đọc được câu chuyện dưới đây:

Đó là sự khác nhau giữa nghề nghiệp và công việc.

“Con có thấy sự khác nhau giữa nghề nghiệp và công việc không?” Ngày nọ người cha giàu hỏi.

Tôi hơi bối rối và hỏi lại, “Không phải hai thứ là một sao cha? Không phải nghề nghiệp giống công việc sao?”

Người cha giàu lắc đầu nói, “Nếu con muốn thành công trong đời, con cần biết sự khác nhau đó.”

“Có gì là quan trọng?” Mike hỏi và cả hai đứa nhún vai, chờ bài học của cha vì biết nó sẽ đến cho dù chúng tôi có muốn nghe hay không.

“Cha ruột của con thường nói gì về chuyện tìm việc làm?”

Nghĩ một chút tôi trả lời, “Cha con vẫn nói là đi học và học cho giỏi vào để tìm được việc làm tốt.”

“Thế cha con có nói Làm bài tập đi để có việc làm tốt không?”

“Vâng có,” tôi trả lời “Cha con có nói những điều như thế”

“vậy cái khác nhau giữa nghề nghiệp và công việc là gì?” Người cha giàu hỏi lại.

“Con không biết”, Với con thì cái nào cũng là công việc thôi.”

“A, con hiểu cha muốn nói gì rồi,” Mike thốt lên. “Nghề nghiệp là việc con làm được trả lương. Còn công việc thì con không được trả lương, ví dụ bài tập về nhà. Công việc là những gì con làm để chuẩn bị cho nghề nghiệp của mình.”

Người cha giàu gật đầu, “Đúng vậy. Đó là sự khác nhau giữa công việc và nghề nghiệp. Con ăn lương từ nghề của mình nhưng con chẳng được trả lương cho việc của mình.” Nhìn tôi, ông hỏi, “Thế con có được trả tiền để dọn cỏ, hay mẹ con có được trả tiền để làm việc nhà không?”

“Dạ không,” tôi trả lời. “Trong nhà con không có chuyện đó. Con còn chẳng được cho tiền tiêu vặt nữa là.”

“Vậy con có được trả tiền để làm bài tập không?”Người cha giàu hỏi. “Cha con có cho con tiền để con đọc sách không?”

“Dạ không,” tôi trả lời giọng nghi ngờ. “Ý cha là bài tập về nhà cũng là bước chuẩn bị cho nghề nghiệp của con?”

“Đúng vậy đấy,” người cha giàu mỉm cười .” Về chuyện tiền bạc , càng làm nhiều bài tập, con càng kiếm được nhiều tiền trong nghề nghiệp. Nhưng ai không làm bài tập sẽ kiếm được ít tiền hơn, cho dù là làm công hay làm chủ.”

Nghĩ ngợi một lúc, cuối cùng tôi nói, “ Vậy có thực là nếu con không làm bài tập về nhà khi đi học, con sẽ không có nghề lương cao?”

“Phải, ý cha là thế,” Người cha giàu nói. “Ít nhất, nếu con không làm bài tập thì con sẽ không thể trở thành bác sĩ, kế toán hay luật sư. Nếu con đi làm công, con sẽ gặp khó khăn trên đường thăng tiến và ít lương bổng nếu con không có kỹ năng được đào tạo đàng hoàng hay bằng cấp đại học.”

“Và nếu muốn trở thành chủ doanh nghiệp, chúng con cần làm nhiều loại bài tập khác nữa”

Người cha giàu gật đầu nói, “ Và nhiều chủ doanh nghiệp thôi việ mà không làm bài tập. Vì thế mà rất nhiều doanh nghiệp nhỏ thất bại hoặc rất vất vả chuyện tài chính.”

“Vì thế mà cha đang ép chúng con làm bài tập để trở thành chủ doanh nghiệp.”

“Chính xác,” người cha giàu nói. “ Và vì thế mà cha không trả tiền cho các con. Làm việc không lương cho họ chính là các con đang làm bài tập. Nhiều chủ doanh nghiệp không hiểu chuyện làm việc không lương. Họ cho rằng cái gì họ làm cũng phải được trả tiền chứ. Vì thế mà họ thất bại. Họ tiếp tục suy nghĩ theo cách của người làm công. Họ muốn được hưởng lương đều đặn.”

” Trích dạy con làm giàu – Robert T.Kiyosaki & Sharon L. Lechter”