Việt Nam đứng thứ 3 trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế nhanh nhất thế giới năm 2017.
Kết quả trên được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đưa ra trong báo cáo “Điểm nhấn du lịch 2018”, xem xét, thống kê lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới năm 2017.
Theo đó, cùng với Ai Cập (tăng 55,1%) và Togo (tăng 46,7%), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 (tăng 29,1%) trong top 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2017.
Việt Nam đang là một trong những lựa chọn hàng đầu của du khách quốc tế. Ảnh: Ngọc Dương.
Tiếp theo là Georgia (tăng 27,9%), Palestine (tăng 25,7%), Niue (tăng 25,4%), Nepal (tăng 24,9%), Israel (tăng 24,6%), Quần đảo Bắc Mariana (tăng 24,3%), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 24,1%) và Iceland (tăng 24,1%).
Đồng thời, với tốc độ tăng trưởng 30%/năm, Việt Nam cũng có mặt trong top 6 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới, đứng đầu châu Á.
Cũng mới đây, ngành du lịch Việt Nam tự hào lần đầu tiên vinh dự nhận giải “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 25 (World Travel Awards) diễn ra tại Hồng Kông (Trung Quốc) hồi đầu tháng 9.
Những tín hiệu đáng mừng trên cho thấy du lịch Việt đang ngày càng khẳng định vị thế, quyết ghi danh vào bản đồ du lịch thế giới.
Mark Cuban nói rằng những người trẻ muốn bắt đầu công ty riêng của mình thì điều đầu tiên là tập trung vào điều gì đó mà họ quan tâm và có năng lực thật sự ở công việc đó.
Mark Cuban
Sớm biết tự kiếm tiền và tiết kiệm để mua những món đồ mình thích từ thời niên thiếu, tỷ phú Mark Cuban đã đang trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ về câu chuyện khởi nghiệp và bài học tài chính. Ông đã có những chia sẻ về giấc mơ làm giàu và con đường sở hữu hàng tỷ đô la trong tay của mình.
Mark Cuban sinh ngày 31/7/1958, lớn lên trong một gia đình làm việc ở Pittsburgh, Pennsylvania. Giờ đây, ông là một trong những tỷ phú nổi tiếng trên thế giới. Lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, để có được ngày hôm nay, Cuban đã phải trải qua không ít khó khăn. Mark Cuban là doanh nhân, nhà sản xuất phim và là chủ sở hữu của đội bóng rổ NBA’s Dallas Mavericks với khối tài sản giá trị ròng 3,7 tỷ đô la, tính đến tháng 8 năm 2018.
Theo đuổi kinh doanh từ thời niên thiếu
Năm 12 tuổi, Cuban đã đi bán những túi đựng rác để tiết kiệm tiền mua đôi giày ông yêu thích và duy trì niềm đam mê bóng rổ. Những năm trung học, ông tiếp tục kiếm thêm tiền bằng cách trở thành nhân viên bán tem và tiền xu.
Mark Cuban theo học tại trường đại học ở Pittsburgh và Bloomington, Indiana. Vì nhà nghèo không có đủ tiền ăn học, ông đã nỗ lực bằng mọi cách để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Lúc đó, công việc là quản lí một quán bar, dạy khiêu vũ và tổ chức các bữa tiệc cho tầng lớp thượng lưu. Cuban nói rằng các công việc dạy cho ông biết niềm vui của khách hàng luôn mang lại những kết quả tuyệt vời và quản lí một doanh nghiệp có nhiều công việc nhưng rất bổ ích.
Sau khi tốt nghiệp với bằng quản lý kinh tế, Cuban chuyển đến Dallas, Texas, làm việc cho một công ty phần mềm nhưng không lâu sau thì bị sa thải. Nhưng điều này đã làm khơi dậy niềm đam mê lĩnh vực khoa học công nghệ trong con người ông và quyết định tạo dựng công ty máy tính riêng MicroSolutions vào năm 1983.
Cuban nói: “Khi đó tôi chẳng có gì cả, vì vậy cũng chẳng có gì để mất. Điều đó khiến tôi nỗ lực hết mình. Tôi đã tự học lập trình và học liên tiếp trong nhiều giờ mà không cần nghỉ ngơi bởi tôi thực sự yêu thích và dành nhiều tập trung cho nó. Đó cũng là khi tôi nhận ra mình thực sự giỏi lĩnh vực này“.
Ông nhận làm tất cả mọi dịch vụ về tin học gia đình và máy tính. Năm 1990, ở tuổi 32, Mark Cuban chính thức trở thành triệu phú khi công ty CompuServe hỏi mua lại MicroSolutions với giá 30 triệu đô la.
Nhận thấy khả năng thay đổi thế giới của Internet, năm 1995, Cuban dốc toàn lực thành lập công ty Broadcast.com. Chỉ vài tháng sau, khi được niêm yết trên thị trường chứng khoán, Broadcast.com đã đạt 200 đô la một cổ phiếu. Năm 1999, công ty đã được bán cho Yahoo với giá 5,7 tỷ đô la, giúp ông trở thành một tỷ phú ở tuổi 41. Ông Mark Cuba quyết định mua một chiếc máy bay riêng với giá 40 triệu đô la.
Năm 2000, ông mua một số cổ phần lớn trong đội bóng rổ Dallas Mavericks với giá 280 triệu đô la.
Ông Barker, phó chủ tịch điều hành của cơ quan PR thể thao M&C Saatchi Sport & Entertainment nói rằng Mark Cuba mua Mavericks đã gây trấn động trong làng thể thao Mỹ vì đây là đội bóng sức chơi yếu, có thể sẽ là một thất bại lớn.
Năm 2011, cùng với nỗ lực của Cuban, Mavericks đã giành chức vô địch giải bóng rổ quốc gia đầu tiên (NBA). Hiện tại, đội có doanh thu hàng năm là 233 triệu đô la và tạp chí Forbes đánh giá thương hiệu ở mức 1,9 tỷ đô la.
Vào năm 2018, NBA là môn thể thao có ảnh hưởng nhất với giới trẻ Hoa Kỳ. Cuba là một phần quan trọng trong quá trình tiến hóa đó.
Hiện nay, ông cũng có nhiều cam kết kinh doanh và thương vụ đầu tư khác, nắm giữ vai trò là một trong những nhà đầu tư lớn trên chương trình truyền hình Shark Tank, phiên bản Mỹ của Dragons ‘Den của Anh. Đồng sở hữu của nhóm truyền thông 2929 Entertainment, chủ tịch hãng truyền hình cáp và vệ tinh của Mỹ AXS và viết sách hướng dẫn kinh doanh.
Nhìn lại bản thân, Cuban nói rằng nguồn cảm hứng của ông là Ted Turner, người sáng lập kênh truyền hình CNN. Ông chia sẻ: “Turner đã làm theo cách của mình mà không quan tâm những gì bất cứ ai nói về ông ta. Ông ấy làm việc chăm chỉ và chơi hết mình. Đó là những điều tôi ngưỡng mộ“.
Lời khuyên khởi nghiệp cho giới trẻ
Ông Cuban nói rằng những người trẻ muốn bắt đầu công ty riêng của mình thì điều đầu tiên là tập trung vào điều gì đó mà họ quan tâm và có năng lực thật sự ở công việc đó.
Ngoài việc chuẩn bị vững chắc, một doanh nhân có tầm phải có sự kiên trì. Như đối với Cuban, đầu tư cho công việc và kiên trì với những gì mình theo đuổi: “Bạn chỉ cần làm đúng duy nhất một lần thôi. Rồi sau đó ai cũng sẽ nói bạn đã may mắn như thế nào“.
Chấp nhận dành thời gian để học hỏi những người xung quanh mình, kể cả trong công việc hay trong cuộc sống. Ngay cả khi đã là một tỷ phú, Cuban vẫn tiếp tục học hỏi những điều mới nhất đang diễn ra trong ngành công nghệ.
Mark Cuban cũng chia sẻ một bài học tiền bạc quan trọng dành cho các CEO tương lai. Nếu không thanh toán các khoản nợ ngay, hoặc ít nhất là thanh toán đúng hạn thì các khoản nợ tín dụng sẽ tự gia tăng nhanh chóng. Tương tự như vậy, nếu người vay nợ không trả lãi đúng hạn thì cuối cùng họ sẽ phải trả số tiền lãi lớn hơn rất nhiều so với dự định.
Ông cũng khuyên các bạn trẻ tích cực đọc sách mỗi ngày. Và cuốn sách Cashing in on the American Dream: How to Retire at 35 (Giấc mơ đất Mỹ: Làm sao để nghỉ hưu khi 35 tuổi) của tác giả Paul Terhost là cuốn sách hay nhất và chính nó đã giúp ông kiếm được số tiền triệu đô la đầu tiên.
Mặc dù nghỉ đại học để khởi nghiệp thành công, song tỷ phú Bill Gates vẫn thừa nhận rằng, việc học đại học sẽ dẫn tới một con đường thành công hơn nhiều. Đặc biệt, ông khuyên các sinh viên hãy biết “chọn bạn mà chơi”.
Tỷ phú Bill Gates là người đã từ bỏ trường đại học Harvard danh tiếng để lựa chọn con đường khởi nghiệp khó khăn hơn. Mặc dù không học đại học, song Gates vẫn nổi tiếng là người có nỗ lực học tập suốt đời và ông còn cho rằng, mọi người trẻ đều nên ghi danh vào các trường đại học.
Vào năm 2015, ông đã viết trên blog của mình rằng: “Mặc dù tôi bỏ học đại học và may mắn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực phần mềm, nhưng việc đi học và tốt nghiệp cũng có thể dẫn tới một con đường thành công”.
“Sinh viên tốt nghiệp đại học có nhiều khả năng tìm được việc làm xứng đáng hơn, kiếm được thu nhập cao hơn, và thậm chí, tấm bằng đại học là minh chứng cho thấy họ sở hữu một cuộc sống lành mạnh, ổn định hơn so với những người không có bằng cấp. Họ là những người trực tiếp mang kỹ năng và sự chuyên nghiệp vào lực lượng lao động của nước Mỹ, giúp nền kinh tế phát triển và tăng khả năng cạnh tranh. Và, điều đó có lợi cho tất cả mọi người”, Gates viết.
Đồng thời, tỷ phú Bill Gates cũng có một số lời khuyên cho những người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường: Hãy chọn bạn bè một cách cẩn thận và tôn trọng tính đa dạng. Ông khẳng định: “Bạn càng sớm đạt được 2 điều này, cuộc sống của bạn sẽ càng trở nên phong phú.”
1. Hãy lựa chọn bạn bè cẩn thận
“Bạn nên tiếp xúc và kết giao với những người dám thách thức bạn, có thể dạy bạn và thúc đẩy bạn. Bởi vì họ sẽ giúp bạn trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân”, Gates chia sẻ.
Lời khuyên đó của Gates cũng là điều mà tỷ phú Warren Buffett rất ủng hộ. Trong một cuộc trò chuyện với sinh viên Đại học Columbia cùng với Gates vào năm 2017, Buffett nói: “Bạn sẽ bước đi cùng hướng của những người mà bạn kết giao. Vì vậy, điều quan trọng là phải chọn bạn mà chơi, hãy tìm đến những người tốt hơn mình và những mẫu người mà bạn muốn trở thành để kết giao.”
2. Tôn trọng sự đa dạng
“Việc học hỏi giúp chúng ta tôn trọng sự khác biệt cũng như phát hiện ra tài năng của người khác”, Gates chia sẻ trên Instagram. Đây cũng là điều mà ông tự rút ra được sau nhiều năm xây dựng sự nghiệp.
Ví dụ, trí thông minh cũng có rất nhiều hình thức khác nhau chứ không đơn thuần là chỉ số IQ. Và, bản thân sự thông minh thiên bẩm cũng không quan trọng như chúng ta từng nghĩ. Vào tháng Hai, Bill và Melinda Gates đã nói chuyện với nhà soạn nhạc “Hamilton” Lin-Manuel Miranda tại trường Hunter College ở Manhattan, New York. Trong cuộc trò chuyện đó, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã hỏi ông một câu: “Nếu có thể quay ngược thời gian và đưa ra một lời khuyên cho Bill Gates thời trẻ, ông sẽ nói điều gì?”
Đáp lại, Gates nói, ông ước giá như mình hiểu rõ hơn về giá trị của các loại hình thông minh khác nhau. Người đồng sáng lập Microsoft thừa nhận rằng: “Tôi đã từng rất ngây thơ khi nghĩ về các kỹ năng khác nhau. Tôi cũng từng cho rằng nếu ai đó có chỉ số IQ cao, thì đồng nghĩa với việc họ có thể giỏi mọi thứ. Và, ý tưởng rằng bạn cần vận dụng nhiều loại kỹ năng khác nhau trong cuộc sống luôn khiến tôi ngạc nhiên cho đến mãi sau này. Tôi ước tôi biết điều đó sớm hơn”.
Tài sản của Bezos lớn đến mức 88.000 USD đối với ông cũng chỉ như một USD với người Mỹ bình thường.
Jeff Bezos – nhà sáng lập kiêm CEO đại gia thương mại điện tử – Amazon là người giàu nhất thế giới hiện tại, với khối tài sản hiện lên tới 168 tỷ USD, theo Bloomberg.
Bezos thành lập Amazon – nguồn tài sản lớn nhất của ông – năm 1994. Cha mẹ Bezos khi ấy đã rất sốc vì con trai bỏ công việc thoải mái ở Wall Street để bán sách online.
Amazon làm IPO năm 1997. Đến nay, sau khi điều chỉnh qua các đợt chia tách, giá cổ phiếu này đã tăng hơn 97.000%. Suốt hai thập kỷ qua, Amazon cũng mở rộng sang nhiều lĩnh vực, từ sản xuất hàng điện tử tiêu dùng, điện toán đám mây đến chuỗi cửa hàng thực phẩm.
Bezos hiện là cổ đông lớn nhất của Amazon, với 16%. Ông cũng đầu tư vào nhiều công ty khác, cả ở cấp độ cá nhân lẫn qua công ty Bezos Expeditions.
Năm 1998, Bezos đổ tiền vào Google. Một triệu USD của ông khi đó cũng đủ biến Bezos thành tỷ phú, chưa kể đến khối tài sản tại Amazon.
Một trong những khoản đầu tư cá nhân nổi bật nhất của Bezos gần đây là mua tờ Washington Post với giá 250 triệu USD năm 2013.
Tài sản của Bezos lớn đến mức, theo Business Insider, 88.000 USD đối với ông cũng chỉ như 1 USD với người Mỹ bình thường.
Bezos cũng là một trong những chủ đất lớn nhất Mỹ. Trong đó có một bất động sản gồm 2 căn nhà trên diện tích 21.400m2 tại bang Washington, không xa trụ sở của Amazon tại Seattle.
Bezos cũng sở hữu một căn biệt thự kiểu Tây Ban Nha tại Beverly Hills, California.
Ngoài ra, ông còn có một trang trại ở Van Horn, Texas và một căn nhà khác ở thủ đô Washington.
Bezos khá tiết kiệm với phương tiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên, ông lại sở hữu một chiếc chuyên cơ Gulfstream G650ER giá 65 triệu USD.
Ông chủ Amazon cũng có khẩu vị khá khác người, khi từng ăn sáng bằng bạch tuộc.
Bezos không làm từ thiện nhiều như các tỷ phú top đầu khác, như Warren Buffett hay Bill Gates. Dù vậy, ông cũng hỗ trợ nhiều tổ chức, như Mary’s Place – cung cấp nơi ở và đào tạo nghề cho người vô gia cư hay TheDream.US – hỗ trợ những người di cư bất hợp pháp đến Mỹ khi còn nhỏ.
Ông còn đóng góp số tiền lớn cho Trung tâm nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, Đại học Princeton và Quỹ của Đại học Washington.
Dự án tham vọng nhất của Bezos là Blue Origin – công ty nghiên cu du lịch vũ trụ.
Vì sự đam mê với vũ trụ, Bezos còn tài trợ cho chương trình tìm kiếm “những phần còn lại của động cơ tên lửa đẩy của phi thuyền Apollo dưới đáy Đại Tây Dương” từ năm 2013.
Có 2 thứ đã dẫn lối cho vị chủ tịch của Jollibee – Tony Tan Caktiong, trên con đường xây dựng công ty: Kinh nghiệm và vị giác của ông.
Khi Jollibee quyết định nhảy sang làm hamburgers thay vì kem vào những năm cuối thập niên 1970, nhà sáng lập của họ Tony Tan Caktiong và vợ của ông Grace đã nếm thử tất cả các loại burgers khác nhau mà họ có thể tìm thấy ở Manila nhằm biết được tất tần tật những hương vị burgers đang có mặt trên thị trường lúc đó.
3 tài sản trong tay ông chủ Jollibee
Ngày nay, dù đã là chủ tịch của Jollibee, Tony Tan Caktiong vẫn đang tiếp tục thực hiện những cuộc khảo sát thị trường với cách làm tương tự. Điểm khác biệt duy nhất nằm ở quy mô: Tony Tan Caktiong thử nhiều món ăn hơn ở nhiều quốc gia khác nhau.
Trong những năm gần đây, người đàn ông đứng sau chuỗi cửa hàng fast-food phổ biến nhất ở Phillipines dành phần lớn thời gian của mình ở nước ngoài để nếm thử tất cả các món ăn từ Dim Sum tới bánh Taco. Tony Tan Caktiong làm tất cả việc này để hiện thực hóa giấc mơ biến Jollibee trở thành một đế chế toàn cầu trong ngành F&B.
Nhà sáng lập Jollibee Tony Tan Caktiong. Ảnh: Getty.
“Chúng tôi vẫn luôn đi nhiều nơi và thử những món ăn mới, rồi lại tiếp tục và thốt lên: Món này thật tuyệt”. Tony Tan Caktiong nói như vậy với các phóng viên vào cuối tháng sáu, ngay trước chuyến bay đến Hong Kong và Trung Quốc đại lục, những nơi được ông xem là trụ cột trong sự phát triển toàn cầu của Jollibee.
Khi Tony Tan Caktiong tìm được những thứ làm mình thật sự thích thú, ông ấy sẽ yêu cầu các ngân hàng đầu tư hoặc các nhà cung ứng kết nối với những mục tiêu tiềm năng đó.
Trong cuộc săn lùng để mua lại những công ty mới, Tony Tan Caktiong có trong tay 3 thứ: Khoản tài chính 1 tỷ USD, hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B và … vị giác của mình.
Từ đứa trẻ kén ăn đến ông chủ trong ngành hàng ăn uống
Tony Tan Caktiong được sinh ra trong một gia đình nhập cư đến từ tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc. Bố của ông từng làm đầu bếp tại một tu viện Phật giáo ở Manila trước khi tự tay mở một nhà hàng ở Davao, miền nam Phillipines.
Chính điều này đã giúp Tony Tan Caktiong có cơ hội quan sát cách vận hành một nhà hàng từ bé. Ông cũng sở hữu một khả năng trời phú trong việc đánh giá các món ăn.
Tony Tan Caktiong là con thứ 3 trong một gia đình 7 anh em. Năm 2013, ông kể với phóng viên của Forbes: “Mẹ của tôi nói rằng tôi là đứa khó nuôi nhất trong nhà vì tôi là đứa trẻ khó tính trong việc ăn uống trong khi các anh em của tôi lại sẵn sàng ăn bất cứ thứ gì”.
Một cửa hàng Jollibee. Ảnh: AveAsia.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, Tony Tan Caktiong bắt đầu sử dụng những khả năng này của mình để khởi nghiệp. Năm 1975, Tony Tan Caktiong cùng vợ mở hai cửa hàng kem nhượng quyền Magnolia ở ga tàu điện ngầm Manila. Để cạnh tranh với các đối thủ, cửa hàng của ông sử dụng những chiếc muỗng kem lớn hơn. Nhưng người Phillipines lại thích ăn đồ nóng trước khi dùng thức ăn lạnh như kem. Sự thật này đã đưa vợ chồng Tony Tan Caktiong đến với quyết định bán thêm bánh sandwich rồi sau đó là burger.
3 năm sau, họ giới thiệu một loại hamburger mới có tên Yumburger. Món ăn này sau đó cực kì đắt hàng. Và điều này đã thúc đẩy vợ chồng Tony Tan Caktiong tiếp tục đưa vào menu của Jollibee những món mới như gà rán, pasta và các món ăn bản địa của người Phillipines.
Tony Tan Caktiong từng nói với những cộng sự của mình rằng ông khát khao tạo ra một công ty thực phẩm lớn nhất thế giới. “Đó là khi chúng tôi mới chỉ có 5 cửa hàng và vài người đã cười khi nghe thấy nó, nhưng tôi chưa bao giờ đùa cả.”
Chú ong đỏ từ Philippines và người khổng lồ McDonald’s
Quyết tâm của Tony Tan Caktiong đối mặt một thử thách khó khăn khi McDonald’s đặt chân vào thị trường Philippines vào năm 1981.
“Nhiều người bạn có ý tốt khuyên chúng tôi nên bán đi chuỗi cửa hàng nhỏ của mình khi nó vẫn còn hoạt động tốt. Sau tất cả, làm thế nào một công ty nhỏ bé của Philippines với chỉ 5 cửa hàng lại có thể đấu lại một công ty đa quốc gia hàng đầu trong chính lĩnh vực mà họ đã phát minh – hamburger?”, ông nhớ lại bài phát biểu của mình năm 2013, tránh nhắc đến trực tiếp tên chuỗi cửa hàng fast-food lừng danh của Mỹ.
Chú ong đỏ – biểu tượng của Jollibee ngày nay được Tony Tan Caktiong giới thiệu lần đầu tiên vào năm 198 0, đang phải cạnh tranh với người khổng lồ McDonald’s.
Tony Tan Caktiong còn nói đùa rằng nếu nghe theo lời khuyên của bạn mình, chắc hẳn giờ ông ấy đang đứng lật bánh burger cho chính công ty mà bất kì ai cũng đều biết.
Chú ong đỏ – biểu tượng của Jollibee ngày nay được Tony Tan Caktiong giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1980. Chú ong Jollibee đã giúp thương hiệu này càng được yêu thích hơn, đặc biệt đối với trẻ em Philippines khi chúng luôn muốn được bố mẹ tổ chức sinh nhật tại các cửa hàng Jollibee.
Kristelle Batchelor từng là một đứa trẻ như thế. Ngồi trong một cửa hàng Jollibee tại quận Queens, New York, Kristelle chia sẻ rằng cô đến những cửa hàng ở nước ngoài của Jollibee để vơi đi nỗi nhớ nhà. Nữ tiếp viên hàng không 23 tuổi đang sống tại New York cũng nói thêm: “Tôi thích ngồi xung quanh những người Philippines và mùi vị ở cửa hàng này gợi nhớ về tuổi thơ của tôi”.
Thương hiệu Jollibee đã trở thành một biểu tượng đến nỗi khi đầu bếp – người dẫn chương trình truyền hình ẩm thực nổi tiếng Anthony Bourdain ghi hình một chương trình tại Philippines vào năm 2016, ông đã ghé qua một cửa tiệm Jollibee. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã khiến người dân Philippines cảm thấy quý mến mình và làm lu mờ những người biểu tình chống lại việc nhập khẩu rác từ Canada vào quốc gia này khi ông đến một cửa hàng Jollibee ở Manila vào năm ngoái.
Nhiều năm về trước, khi được hỏi tại sao lại chọn chú ong làm biểu tượng của Jollibee, Tony Tan Caktiong nói rằng con vật này đại diện cho những tính cách đặc trưng của người Philippines: Chăm chỉ, lạc quan và vui vẻ. Và chính những đức tính này cũng tồn tại bên trong con người của ông.