Category Archives: Vietnam company

Ông chủ thương hiệu Wonderfarm thu gần 4 tỷ đồng mỗi ngày

Trà bí đao Wonderfarm tiếp tục tăng trưởng trong quý đầu năm 2018 với lợi nhuận gấp đôi cùng kỳ.

Công ty Thực phẩm Quốc tế (Interfood, mã CK: IFS) vừa công bố báo cáo tài chính trong quý đầu tiên năm 2018 với doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo đó, ông chủ thương hiệu trà bí đao Wonderfarm đạt hơn 346 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 20% cùng kỳ và tương đương gần 4 tỷ đồng mỗi ngày.

Biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 40%, so với mức 33% cùng kỳ năm trước, giúp lợi nhuận sau thuế đạt gần 38 tỷ đồng, dù chi phí bán hàng đã tăng gần 26%.

Phần lớn doanh thu của công ty, chiếm gần 85%, đến từ nước giải khát. Còn lại là doanh thu thành phẩm khác và bán phế liệu, trong khi hoạt động sản xuất bánh quy không còn ghi nhận doanh thu trong quý I/2018.

Đà tăng trưởng của ông chủ thương hiệu Wonderfarm tiếp tục nối dài câu chuyện phục hồi. Năm 2017, doanh nghiệp này báo lãi hơn 116 tỷ đồng – năm thứ hai liên tiếp có lợi nhuận.

Trà bí đao Wonderfarm là dòng sản phẩm chủ lực của IFS.

Được thành lập từ cuối năm 1991 với vốn đầu tư ban đầu 1,14 triệu USD, Interfood tiền thân là Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm Quốc tế (IFPI), doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài do 4 cổ đông sáng lập từ Malaysia.

Hoạt động chính ban đầu của công ty là chế biến nông sản, thủy sản thành sản phẩm đóng hộp, và sau đó chuyển hướng sang sản xuất đồ uống. Năm 2005, công ty đã chính thức chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần. Đây cũng là năm Interfood ký hợp đồng với Wonderfarm Biscuits and Confectionery để sử dụng thương hiệu “Đại nông trại” hay “Wonderfarm” cho các sản phẩm của công ty.

Gây dựng danh tiếng với dòng sản phẩm Wonderfarm, đặc biệt là trà bí đao, tuy nhiên bắt đầu từ năm 2008, Interfood rơi vào vòng xoáy khủng hoảng với khoản lỗ ngày càng lớn. Lỗ “ổn định” trong 5 năm liên tiếp, đến năm 2013, toàn bộ số cổ phiếu của doanh nghiệp này trên HoSE đã bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.

“Ôm” khoản lỗ hơn 850 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm 2015, tưởng chừng đã là cái kết cho một thương hiệu đình đám. Tuy nhiên hai năm sau đó, ông chủ thương hiệu Wonderfarm đã trở lại với lợi nhuận liên tục tăng.

Năm 2018, Interfood dự kiến doanh thu bán hàng và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 1.658 tỷ đồng và 100 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I/2018, lỗ lũy kế của IFS giảm xuống còn 650 tỷ đồng, với tổng tài sản hơn 660 tỷ.

Công ty cũng vừa đề xuất cổ đông thông qua phương án mua lại thương hiệu “Wonderfarm” và các thương hiệu khác với giá trị chuyển nhượng tối đa 200.000 USD. Đây là những thương hiệu mà công ty thuê của Biscuits & Confectionery Sdn. Bhd, Malaysia để sử dụng cho toàn bộ sản phẩm từ năm 2005.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo công ty, thị trường nước giải khát đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh và xu hướng tiêu thụ đang dịch chuyển về thức uống dinh dưỡng như nước đóng chai, nước ép hoa quả. Do đó, công ty sẽ tiếp tục thanh lý dây chuyền sản xuất bánh quy và cắt toàn bộ hoạt động liên quan đến mảng này (chiếm chưa đến 0,1% doanh thu năm qua) để tập trung phát triển sản phẩm chủ lực là trà bí đao Wonderfarm. Công ty đặt mục tiêu sẽ tăng thị phần nội địa của ngành hàng giải khát từ 3% lên 8% trong 5 năm tới.

Năm 2018, Interfood dự kiến doanh thu bán hàng và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 1.658 tỷ đồng và 100 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 21% kế hoạch doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận.

20 nữ doanh nhân ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017

Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017, trong đó có 20 nữ doanh nhân thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.

Forbes Việt Nam cho biết, việc xếp hạng nhân vật sử dụng các tiêu chí: ảnh hưởng tài chính, tầm ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng tích cực, mức độ xuất hiện trên truyền thông. Đây là phương pháp đánh giá được Forbes sử dụng cho danh sách “Phụ nữ quyền lực thế giới” hằng năm, có điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh và môi trường Việt Nam.

“Nhờ những tiến bộ vượt bậc về vấn đề bình đẳng giới trong những năm gần đây, nhiều phụ nữ đã phát huy được năng lực của mình trong các lĩnh vực ở xã hội Việt Nam, và đang trở thành lực lượng tạo ra ảnh hưởng tích cực đến mọi mặt của đời sống. Điểm chung của những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn là sự mạnh mẽ, bền bỉ giúp họ vươn lên và thành công trong lĩnh vực của mình”, tạp chí này bình luận.

Nghiên cứu chứng minh: Lối suy nghĩ nội tâm sẽ giúp doanh nhân thành công hơn

Người sống hướng nội thường có những phẩm chất giúp họ đạt tới đỉnh cao của sự thành công.

Nghiên cứu chứng minh: Lối suy nghĩ nội tâm sẽ giúp doanh nhân thành công hơn

Thực tế, nhiều người cho rằng tính hướng ngoại sẽ giúp ích cho các nhà kinh doanh trong công việc bởi có rất nhiều CEO mang tính cách hướng ngoại nhiều hơn hướng nội. Nếu bạn cho rằng một nhà kinh doanh thành công phải là người có tính cách “hướng ngoại” như sự quyết đoán, nói nhiều và tính xã hội cao thì đó là điều không đúng.

Người sống hướng nội thường có những phẩm chất có thể giúp họ đạt tới đỉnh cao của sự thành công.
Người sống hướng nội thường có những phẩm chất có thể giúp họ đạt tới đỉnh cao của sự thành công.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí doanh nghiệp Entrepreneur đã chỉ ra rằng, người sống hướng nội có những phẩm chất có thể giúp họ đạt tới đỉnh cao thành công trong mọi lĩnh vực. Điển hình là Angie Hicks – nhà sáng lập Angie’s List, tỷ phú Bill Gates, nữ diễn viên xuất sắc Candice Bergen, tỷ phú Warren Buffet và tổng thổng Barack Obama là những con người nổi tiếng với tính cách hướng nội.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những doanh nghiệp được dẫn dắt bởi người sống nội tâm có năng xuất cao hơn số còn lại. Dưới đây là những phẩm chất giúp người hướng nội thành công hơn so với những người khác.

Tính chuẩn bị kĩ lưỡng

Người sống hướng nội có xu hướng chú trọng đến nghiên cứu sâu, suy tư và suy nghĩ sâu sắc hơn người hướng ngoại. Điều này giúp họ có cơ hội chuẩn bị tốt hơn cho tất cả mọi việc từ cuộc họp với nhân viên hay với khách hàng.

Có cơ hội chuẩn bị chi tiết và chu đáo cho bất cứ công việc nào sẽ đảm bảo cho công việc đó diễn ra thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, nó cũng giúp họ có được uy tín trong công việc.

Cộng tác tốt với đồng nghiệp

Người hướng nội có thể hòa đồng với tất cả mọi người? Nghe có vẻ phi lý nhưng quả thực những người hướng nội thường có xu hướng cộng tác với đồng nghiệp cao tốt so với những người hướng ngoại. Họ là những người có khả năng thúc đẩy tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề cực nhanh.

Làm việc độc lập

Rất nhiều người ghi trong hồ sơ hoặc sơ yếu lí lịch là người có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm rất tốt. Bởi vì, là nhân viên hay lãnh đạo đều cần phải có kỹ năng làm việc độc lập cá nhân và làm việc theo nhóm trong mọi hoàn cảnh, tình huống.

Người hướng nội thường coi trọng thời gian yên tĩnh khi ở một mình nên họ có tư duy rất độc lập. Tố chất này không chỉ quan trọng với một nhà lãnh đạo giúp họ dẫn dắt nhân viên mà nó cũng giúp mỗi cá nhân thể hiện được năng lực tối đa.

Khả năng quan sát

Những người hướng nội thường biết lắng nghe người khác và có khả năng quan sát tốt hơn. Sự thấu hiểu là yếu tố quan trọng trong kĩ năng phục vụ và chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, nó cũng giúp người hướng nội tiếp thu kiến thức nhanh. Đó là lý do tại sao người hướng nội thường đưa ra quyết định chính xác hơn những người hướng ngoại.

Suy nghĩ trước khi nói

Suy nghĩ nội tâm là bản chất của người hướng nội. Họ thường dành thời gian để quan sát và phân tích thật kĩ trước khi đóng góp ý kiến. Chính vì thế, họ không bao giờ đưa ra những quyết định bốc đồng và gần như không hối tiếc với những quyết định mà họ đã đưa ra.

Những người sống hướng nội có thể có ít mối quan hệ nhưng mọi mối quan hệ của họ đều rất sâu sắc và có ý nghĩa hơn quan hệ giao tiếp bình thường. Họ chỉ phát triển mối quan hệ có ý nghĩa với đúng người giúp họ phát triển trong sự nghiệp. Khi nói đến việc tìm một người cố vấn hoặc liên hệ đầu tư thì những người hướng nội sẽ thích hợp hơn là những người hướng ngoại.

Suy nghĩ lớn, sáng tạo nhiều

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, những người sáng tạo nhất trong những công ty nổi tiếng thế giới đều là những người hướng nội. Đặc điểm biết lắng nghe, quan sát để suy nghĩ sâu sắc chính là yếu tố kích thích khả năng tư duy sáng tạo của họ.

Cuộc chiến thị phần ở thị trường bán lẻ Việt

Tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam đang hút các nhà đầu tư và cuộc chiến thị phần đang diễn ra gay gắt giữa hai khối nội – ngoại.

Doanh nghiệp nội thay đổi toàn diện

Ngày 7/1, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động mô hình kinh doanh mới: chợ ẩm thực và mua sắm hiện đại Sense Market tại khu B Công viên 23 tháng 9. Đây là mô hình vừa đáp ứng đa dạng nhu cầu mua sắm, giải trí của khách hàng trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức các món ngon châu Á của khách du lịch quốc tế.

Sense Market gồm khu ẩm thực Asiana Food Town với diện tích trên 1.500m2, tái hiện không gian văn hóa ẩm thực đường phố châu Á xưa với gần 100 gian hàng ẩm thực đường phố của Việt Nam, Nhật, Thái, Lào, Campuchia, Ấn Độ…, và khu mua sắm Taka Plaza rộng gần 2.000m2 với hơn 400 gian hàng. Bên trong Sense Market còn có cửa hàng thực phẩm Co.op Food, quầy dịch vụ viễn thông, chuyển đổi ngoại tệ…

Trước đó, vào cuối tháng 12/2016, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động mô hình cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.opSmile có diện tích từ 20 – 200m2. Theo đại diện của Saigon Co.op, đến cuối tháng 1/2017, Saigon Co.op sẽ có 20 cửa hàng Co.opSmile và tăng lên 200 – 300 cửa hàng vào cuối năm 2017.

DN trong nước hoàn thiện mô hình kinh doanh để cạnh tranh với DN FDI. Ảnh: X.Th.

Cùng với hệ thống phân phối hiện hữu, Sense Market và Co.opSmile là sự đa dạng mô hình bán lẻ của Saigon Co.op. Chia sẻ tại lễ ra mắt thương hiệu Co.opSmile, ông Nguyễn Thành Nhân – Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng, đa phân khúc của người tiêu dùng, bên cạnh đẩy mạnh phát triển nhanh mạng lưới kinh doanh hiện hữu, Saigon Co.op nghiên cứu phát triển các mô hình phân phối mới”.

Hai doanh nghiệp (DN) trong khối nội khác là Vingroup và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng đang hoàn thiện các kênh mua sắm. Trong đó, Vingroup có chuỗi trung tâm công nghệ và điện máy Vinpro và Vinpro+, siêu thị Vinmart (tính đến cuối tháng 6/2016 có 50 siêu thị Vinmart, 825 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini Vinmart+) và 26 trung tâm thương mại.

Cùng với việc mở chuỗi, Vingroup còn đầu tư vào nông nghiệp với các chương trình trồng rau an toàn, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín làm thế mạnh cạnh tranh. Satra cũng đa dạng các loại hình kinh doanh và chỉ riêng hệ thống cửa hàng tiện lợi Satrafoods từ đầu năm đến nay đã có thêm 26 cửa hàng.

Theo đại diện của Satra, trong tháng 1/2017, Satra sẽ đưa Satrafoods đến Cần Thơ và trong năm nay sẽ có thêm 55 cửa hàng ra đời, trong đó có 45 cửa hàng tại TP.HCM.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam trị giá khoảng 110 tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ có 1/4 trong số này được thông qua kênh bán lẻ hiện đại.

Doanh nghiệp ngoại tăng đầu tư

Trong khi các DN trong nước phát triển mạng lưới, đa dạng hóa loại hình kinh doanh thì các DN nước ngoài thay đổi thương hiệu, tăng vốn đầu tư vào thị trường bán lẻ. Tháng 12/2016, Central Group cùng với Nguyễn Kim đã cùng lúc khai trương thêm 14 trung tâm mua sắm.

Thị trường bán lẻ Việt Nam trị giá khoảng 110 tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ có 1/4 trong số này được thông qua kênh bán lẻ hiện đại.

Đây là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa chiến lược mà Central Group Việt Nam và Big C công bố trong tháng 11/2016: đầu tư 30 triệu USD để nâng cấp 13 trung tâm bán lẻ Big C (trong số 34 siêu thị Big C hiện hữu) thành các trung tâm thương mại lớn để đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại.

Hướng đầu tư này sẽ giúp Tập đoàn tăng diện tích mặt bằng cho thuê lên gấp đôi so với diện tích hiện có là 470.000m2. Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2021 đạt mức tăng trưởng gấp đôi về doanh số và số lượng siêu thị so với hiện nay, vì vậy, sẽ tập trung vào các chính sách cốt lõi về giá, khuyến mãi, sản phẩm đa dạng, phong phú.

Để hiện thực hóa kế hoạch này, Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam sẽ tập trung vào các chính sách nền tảng, làm đòn bẩy thúc đẩy quan hệ hợp tác và phát triển cùng các DN như ký hợp đồng có thời hạn tối thiểu 3 năm với các DN vừa và nhỏ, hỗ trợ để sản phẩm của DN được phân phối ở tất cả các đơn vị trực thuộc Central Group Việt Nam (gồm Big C Việt Nam, Lan Chi, Nguyễn Kim, Robins, Zalora Việt Nam), bảo lãnh giúp DN nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi.

Ông Philippe Broianigo – TGĐ Central Group Việt Nam và Big C cho rằng: “Sự phát triển của Central Group tại Việt Nam hoàn toàn dựa trên mối quan hệ với các đối tác và nhà cung cấp. Do đó, Tập đoàn phải xây dựng nền tảng hoạt động bền vững tại Việt Nam và việc này không thể nào thành hiện thực nếu thiếu tư duy hợp tác đôi bên cùng có lợi, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Một DN khối ngoại khác là Tập đoàn TCC (Thái Lan), sau 2 năm hoàn thành việc chuyển giao từ Tập đoàn Metro đã đổi tên và khai trương siêu thị MM Mega Market tại An Phú, TP.HCM vào ngày 10/1.

Ông Phidsanu Pongwatana – Giám đốc Điều hành Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho biết: “Tiếp nối những nỗ lực của Metro trong hơn 10 năm tại Việt Nam, chúng tôi đã và đang tiếp tục cải thiện kinh doanh đồng thời cam kết đồng hành cùng các nhà cung cấp, nông dân, người dân, khách hàng nhằm nâng cao tính hoạt động chuyên nghiệp của toàn chuỗi cung ứng để phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn”.

Với thực tế đang diễn ra, tờ Nikkei (Nhật Bản) cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm 2020. Còn theo sự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1.300 siêu thị và 180 trung tâm thương mại…

Bách hóa Xanh sẽ cán mốc 350 điểm bán trong năm 2017

Số lượng siêu thị Bách hóa Xanh sẽ tăng lên 350 điểm bán trong năm 2017, doanh thu tăng khoảng 10 lần so với năm 2016, đạt 2500 tỷ đồng. Đây sẽ là bước đà để Bách hóa Xanh tiến đến mở rộng toàn quốc từ đầu hoặc giữa năm 2018.

Theo thông tin được đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động công bố ngày 13/1, tính đến cuối năm 2016, Bách hóa Xanh đang có tổng cộng 50 cửa hàng với doanh thu bán hàng trung bình trên 1 tỷ đồng/cửa hàng, lượng khách trung bình 20.000 lượt mỗi tháng (trung bình có từ 600 – 700 lượt khách mỗi ngày tại các cửa hàng).

“Bách hóa Xanh muốn bán bằng và bán rẻ hơn chợ bên ngoài”, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động nói.

Bách hóa Xanh hiện có 50 điểm bán tại TP.HCM. Ảnh: Nguyên Đức.

Cũng theo đại diện Thế Giới Di Động, mục tiêu của Bách hóa Xanh trong giai đoạn trước tháng 12/2016 chỉ dừng lại ở mức đạt doanh thu mục tiêu và đảm bảo sự hài lòng của khách hàng.

“Như vậy, Bách hóa Xanh đã khép lại giai đoạn 1 với thành công vượt kỳ vọng. Năm 2017, Thế Giới Di Động sẽ đầu tư mạnh để đưa tổng số cửa hàng Bách hóa Xanh tại 2 quận Tân Phú và Bình Tân lên con số 350 cửa hàng, xây dựng 1 trung tâm phân phối, tăng cường kinh doanh hàng tươi sống”, ông Trần Kinh Doanh nói.

Trần Kinh Doanh

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Thế giới di động Ảnh: Hải Đăng.

Ngoài ra, Bách hóa Xanh sẽ hoàn thiện hệ thống quản trị cũng như quy trình cung ứng và tăng cường tính hiệu quả của công tác mua hàng, vận hành cửa hàng.

“Với mức đầu tư này, Thế Giới Di Động kỳ vọng từng điểm kinh doanh sẽ mang lại lợi nhuận trực tiếp, doanh thu tăng khoảng 10 lần, đạt 2500 tỷ đồng. Đây sẽ là bước đà để Bách hóa Xanh tiến đến mở rộng toàn quốc từ đầu hoặc giữa năm 2018”, ông Trần Kinh Doanh nhấn mạnh.