Nhân tài đang “nghiêng” về doanh nghiệp nước ngoài

Theo Báo cáo khảo sát lương 2016, bốn ngành gồm công nghệ cao, sản xuất, dược và hóa chất có tỷ lệ tăng lương cao nhất, ở mức gần 10%; các ngành gáo dục, ngân hàng, dầu khí có mức lương tăng thấp, lần lượt là 7,5%, 6,7% và 5,0%.

Báo cáo do hai công ty Mercer và Talentnet thực hiện trên cơ sở khảo sát 557 công ty thuộc 76 ngành nghề ở Việt Nam.

Báo cáo cũng cho biết, ba ngành có tỷ lệ tăng thưởng cao nhất là tài chính phi ngân hàng (22,5%), nông nghiệp (22,1%), ngân hàng (19,9%). Ba ngành có tỷ lệ tăng thưởng thấp nhất là logistics (12,2%), bán lẻ (11,7%), giáo dục (8,8%). Tại các DN nước ngoài, những vị trí khó tuyển dụng và khó giữ người nhất là quản lý kinh doanh, quản lý tiếp thị, chuyên viên bán hàng.

Mercer và Talentnet dự đoán, đến năm 2018, mức độ tăng trưởng của nghề kế toán lên đến 22%; những vị trí cần năng lực chuyên môn cao như giám đốc tài chính, kế toán trưởng… ở nhiều DN hiện được giao cho người nước ngoài với mức lương cao.

Tổng hợp dữ liệu thu thập từ 244.526 nhân viên trên khắp Việt Nam, Báo cáo cho biết mức lương trung bình của các doanh nghiệp (DN) trong nước thấp hơn các DN nước ngoài là 31%. Mức chênh lệch xét theo từng cấp bậc giữa hai loại công ty này là nhân viên 20%, chuyên viên 30% và quản lý 38%. Đặc biệt, mức chênh lệch lương giữa vị trí quản lý và nhân viên ở các DN nước ngoài lớn hơn hẳn trong các DN Việt Nam. Tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên ở các công ty nước ngoài giảm không đáng kể, nhưng tỷ lệ này ở các công ty trong nước lại tăng đến 10%.

Báo cáo khảo sát lương 2016 doanhnhansaigon
Mức chênh lệch lương giữa vị trí nhân viên và quản lý trong DN nước ngoài (màu xanh) và DN Việt Nam (màu cam)

Mercer và Talentnet cũng dự báo năm 2017, có tới 49% DN nước ngoài có ý định thuê thêm người, 47% giữ nguyên và chỉ có 4% có ý định cắt giảm nhân sự; mức lương tăng trung bình 9,2%, mức thưởng gộp chung tăng 16,4%, mức thưởng doanh số tăng 38,5%.

Qua các số liệu trong báo cáo có thể thấy các DN nước ngoài có chính sách đầu tư để thu hút và giữ chân nhân tài tốt hơn hẳn. Và theo Mercer, các công ty mới vào thị trường Việt Nam thường chấp nhận trả mức lương ưu đãi hơn mặt bằng chung khoảng 30 – 50% cho nhân lực chất lượng cao.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.