Ba chàng ngự lâm của cuộc đua đặt taxi qua ứng dụng nay chỉ còn hai. EasyTaxi đã “về nước” và nay chỉ còn là cuộc đua song mã giữa GrabTaxi của người Mã và Uber của người Mỹ. Sau hơn một năm, liệu cuộc đua này sẽ đi về đâu?
Tập khách hàng
Nhiều người cho rằng GrabTaxi và Uber là đối thủ của nhau. Đúng và cũng không đúng.
Đúng vì, giả sử khách cần đi từ A đến B thì hoặc họ sẽ đi GrabTaxi hoặc họ sẽ đi Uber chứ không thể đi cùng lúc cả hai. Tức là hai dịch vụ đang phải cạnh tranh nhau để khách quyết định xem sẽ mở ứng dụng của bên nào ra đặt xe.
Chưa đúng vì, khách hàng mục tiêu của GrabTaxi và Uber có một sự giao thoa nho nhỏ. Đó là dân văn phòng có xài thẻ tín dụng. Vì để dùng được Uber, hành khách phải có thẻ tín dụng. Khách hàng của GrabTaxi đại trà hơn.
Thế mạnh mỗi bên
Những người đã từng sử dụng cả hai, khi được hỏi để trả lời là thích đi Uber hơn vì xe mới, sạch sẽ, rẻ hơn và khi đến chẳng phải trả tiền, chỉ việc mở cửa bước xuống. Nhưng hiện đại quá thì “hại điện”. Gần đây nhất có một khách hàng bị khóa tài khoản Facebook lẫn tài khoản Uber mà còn bị Uber tự động trừ 350,000đ vào thẻ vì bị nghi ngờ nôn trên xe do say xỉn. Dùng Uber là đưa đằng lưỡi cho họ nắm, họ muốn trừ bao nhiêu và trừ lúc nào là họ hoàn toàn có thể làm tự hệ thống. Và lỗi chính là do hành khách vì những thông tin ấy đều có trong Điều khoản sử dụng nhưng không ai đọc mà chỉ bấm “Đã đọc và đồng ý” cho qua.
Trong lĩnh vực này có một chỉ số khá quan trọng là Allocation Rate (tạm dịch là tỷ lệ đặt xe thành công). Tức là khi khách đặt xe là có xe liền hay không hay phải đặt đi đặt lại nhiều lần. Tỷ lệ này càng cao càng tốt và thường là 80% thì chấp nhận được. Ở khía cạnh này, rõ ràng điểm cộng đang nghiên về Uber vì ứng dụng tài xế của Uber không cho tài xế biết là khách đang đứng ở đâu, đặt xe đi đâu. Tài xế chỉ biết là đang có khách yêu cầu xe vì vậy hầu hết họ sẽ chấp nhận đón vì lỡ bỏ qua mà khách đi xa thì tiếc lắm. Trong khi đó, ứng dụng tài xế của GrabTaxi chỉ rõ cho tài xế biết khách muốn đi từ đâu đến đâu, đoạn đường là bao nhiêu xa và chuyến xe đó tài xế được khoảng bao nhiêu tiền. Vì vậy, hầu hết tài xế GrabTaxi “chê” những chuyến đi ngắn và khách hàng rất không hài lòng vì điều này. Biết được điểm đến, tài xế chủ động được lịch trình là điểm cộng nhưng âu nó cũng là con dao hai lưỡi cho dịch vụ của GrabTaxi. Theo nguồn tin, nếu khách đặt lộ trình xa rồi đi đoạn đường ngắn thì nguy cơ cao là bị GrabTaxi khóa tài khoản.
“Nguồn sống”
Rất nhiều khách khi đi xe đã hỏi tài xế là GrabTaxi lấy tiền từ đâu ra mà khuyến mãi cho khách “khủng” và liên tục vậy. Tính đến thời điểm này, GrabTaxi đã gọi vốn được tổng cộng 340 triệu đô la Mỹ và ước tính giá trị vốn hóa thị trường đã hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó Uber đã được định giá lên đến 50 tỉ đô la Mỹ và còn được mệnh danh là công ty taxi lớn nhất thế giới nhưng không có một chiếc xe taxi nào. Tức là hai đơn vị này đang có được những bình sữa ngọt ngào và nhiệm vụ ở thời điểm này không phải là sinh ra lợi nhuận mà là chiếm lĩnh thị trường.
Thực ra cả hai công ty đều đã có doanh thu nhưng không đáng kể. Phía GrabTaxi thì thu phí 20% đối với dịch vụ xe ôm GrabBike từ những ngày đầu hoạt động và mới thu thử nghiệm 3,000đ/chuyến xe GrabTaxi ở Hà Nội. Trong khi đó, Uber áp dụng mô hình thu phí 20% trên khắp thế giới nhưng thực chất công ty này phải thưởng lại khá nhiều để khuyến khích chủ xe và tài xế hoạt động. Đơn cử tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay Uber đang miễn 20% phí cho chủ xe vào giờ cao điểm và còn thưởng thêm 35% doanh thu của chuyến đi cho chủ xe. Tại TP.HCM, GrabTaxi vẫn chưa có động tĩnh gì về việc thu phí và chúng tôi quan sát được công ty này đang dần bị mất thị phần vào tay Uber.
Chuyển mình
Cả hai công ty đều có chiến lược khá rõ ràng trong cuộc chơi này. Trong khi GrabTaxi tận dụng lợi thế con người địa phương với hàng trăm nhân sự trong khi Uber chỉ có vài thành viên ở mỗi quốc gia. Rõ ràng GrabTaxi luôn được đánh giá cao hơn ở khâu chăm sóc khách hàng. Với lợi thế đông người, công ty Malaysia này liên tục bành trướng dịch vụ mới như xe ôm GrabBike, dịch vụ giao hàng GrabExpress và tăng tốc để sớm chiếm lĩnh thị trường độc quyền này.
Trong khi đó Uber đang miệt mài gia tăng tài xế vì trong một đồ thị nhu cầu tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy lượng cung của Uber chỉ bằng 20% so với cầu. Khách hàng của Uber là có sẵn và tập khách hàng của họ đủ thông minh để tự dùng dịch vụ mà không phải tốn nhiều tiền để dẫn dụ khách hàng dùng dịch vụ như GrabTaxi. Gần như tất cả quảng cáo của Uber chỉ tập trung tìm kiếm thêm tài xế.
Cuộc chiến sẽ thú vị hơn nhiều nếu hai đơn vị này “lai” lợi thế của nhau. GrabTaxi liệu có xanh mặt không nếu Uber cho thanh toán bằng tiền mặt để tiếp cận tập khách hàng đại trà của GrabTaxi? Và thực tế họ đã làm điều này ở Ấn Độ. Hay ngược lại, những khách thích sự tiện lợi của thẻ tín dụng liệu có quay lưng với Uber không nếu GrabTaxi cũng cho thanh toán qua thẻ? Và họ đang thử nghiệm dịch vụ này Singapore. Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu một mai xuất hiện UberBike?