Monthly Archives: July 2017

Chuyện ly cà phê ở nơi làm việc

Có một câu chuyện được chia sẻ trên mạng về ly cà phê ở nơi làm việc. Câu chuyện có liên quan đến tính cách làm việc của con người.

Nếu bạn hay uống cà phê thì có thể dành vài phút để đọc lướt qua. Câu chuyện kéo sự chú ý của người đọc vào sự kiện là khi ai đang làm việc mà cần uống cà phê trong tình huống thức uống này luôn có sẵn, còn ly thì không sẵn vì nhiều lý do, hành vi của người có nhu cầu uống cà phê bộc lộ ra sao? Liệu có liên quan gì đến tính cách của họ trong khi làm việc và cả kết quả công việc hay không…

Không phải cứ muốn uống cà phê là nó xuất hiện ngay trước mặt mình. Người chia sẻ câu chuyện này kết nối nhu cầu uống cà phê ấy với công việc và dùng nhận xét của mình để chia sẻ. Theo đó, có hai tình huống hay gặp nhất:

Quá nhiều việc đang đến phải làm: Trong đầu mình có thể sẽ có ý nghĩ cần phải có nhiều cà phê mới giải quyết xong đống công việc này.

Quá ít công việc để làm: Quá ít việc cũng có thể làm cho mình cảm thấy cần ly cà phê để nó giúp khỏa lấp thời gian nhàn rỗi không định trước này.

Ngoài ra, còn hàng tỉ lý do khác để con người thấy mình cần ngay một ly cà phê ở nơi làm việc. Chứng kiến cảnh đi tìm một chiếc ly để pha cà phê mà không thấy như nêu trong những tình huống bên trên, sẽ thấy phản ứng không phải ai cũng như ai. Từ những phản ứng này, có thể phân người ta thành 5 nhóm người như sau:

Người thề sẽ không uống ly cà phê nào ở nơi làm việc nữa

Loại người này có động lực làm việc thấp. Chỉ một chuyện chưa tìm được ly uống cà phê để pha uống ngay mà họ đã có ý định bỏ cuộc rồi. Làm sao họ có thể xoay trở tốt trong các tình huống đầy thử thách trong công việc? Có cần lưu ý về loại người này và xem xét đưa họ vào chương trình cải thiện hiệu quả công việc không đây.

Người quyết định đi tìm ly cà phê ở một nơi khác

Loại người này rất linh hoạt, uyển chuyển. Họ muốn đi ra nơi khác, một tầng nào khác trong tòa nhà công sở, theo các hướng đi khác nhau tìm cho ra ly pha cà phê để uống. Điều này cho thấy họ có thể được dùng vào các công việc mang tính đầy thách thức và ở những công việc mới, khác lạ mà ít ai muốn nhận làm.

Người buông lời trách cứ

Đây là loại người chiến đấu cho đến khi đạt được mục tiêu. Họ gọi người phụ trách trị sự để trách cứ về mấy cái ly uống cà phê.

Người kia mà im lặng thì họ vẫn không lùi bước. Họ sẽ làm mọi chuyện cho đến khi thấy được cái ly cà phê mà mình muốn.

Loại người này hóa ra có thể dùng để thúc đẩy công việc của người khác.

>> Phân loại nhân viên cá biệt

Người tự xách ly bẩn đi rửa

Đây là loại người đạt được mục tiêu ở bất cứ cấp độ nào. Họ choàng việc cho người khác dễ dàng mà không hề so đo gì. Có thể dùng họ cho những công việc cần có được kết quả trong bất kỳ tình cảnh nào.

Người bắt đầu tự mang theo chiếc ly uống cà phê riêng của mình

Đây là loại người rất khôn khéo và sáng tạo. Họ sẵn sàng cho những công việc trong các dự án kiểu như chưa có chi tiết rõ ràng mà lại có yêu cầu cao về kết quả.

Câu chuyện ly cà phê có thể gợi ý cho người đọc nhiều cách phân loại khác từ phản ứng của con người. Sự nhận xét tuy là của cá nhân không mang tính khái quát, nhưng dường như những nhận xét đó cũng có vẻ có lý…

Quí 2-2017, ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng 5,8%

Sau mức tăng trưởng cao kỷ lục trong quí trước (8,8% so với cùng kỳ năm trước), ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên toàn quốc đã tăng trưởng chậm lại trong quí 2 này, ở mức 5,8% và sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ tăng trưởng sản lượng (5%).
Theo báo cáo Market Pulse quí 2 được Nielsen Việt Nam công bố hôm 28-7, sự sụt giảm tăng trưởng của ngành hàng FMCG ở quí 2 được lý giải do nhu cầu tiêu dùng đã giảm sau mùa cao điểm đầu năm, thời điểm có Tết Nguyên đán.
Mặc dù vậy, cả sáu ngành hàng lớn (nước uống-bao gồm bia; thực phẩm; sữa; sản phẩm chăm sóc gia đình; sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá) đều đạt mức tăng trưởng dương. Cụ thể, ngành hàng thực phẩm; ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa cùng đạt mức tăng 8,1%; sản phẩm chăm sóc nhà cửa đạt 5,7%; ngành hàng đồ uống đạt 5,4%; sản phẩm chăm sóc cá nhân đạt 5% và thuốc lá là 4,7%.
Ngành hàng nước uống vẫn là ngành hàng có mức đóng góp cao nhất trong tổng doanh số FMCG trong quí này, ở mức 42%. Thực phẩm, thuốc lá và sữa đóng góp vào tổng doanh số lần lượt khoảng 16%, 15% và 14%.
Báo cáo này cũng cho thấy rằng khu vực nông thôn tiếp tục là vùng đất tiềm năng cho nhiều nhà sản xuất. Trong khi khu vực thành thị đạt mức tăng 5,1% trong quí này thì khu vực nông thôn lại tăng đến 6,5%, chủ yếu là do tăng trưởng sản lượng. Sự tăng trưởng của khu vực nông thôn đã đóng góp 57,5% vào tổng doanh số của FMCG.
Báo cáo Market Pulse của Nielsen dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định.

Doanh nghiệp nội cần xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng

Các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm nhân tài, cạnh tranh về mức lương, chính sách ưu đãi… Để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp nội cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu tuyển dụng để có thể tìm được người như mong muốn. Đó là nhận định của các công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm việc làm.
Tìm cách thu hút ứng viên
Theo mạng việc làm JobStreet.com Việt Nam, làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2017 đang tăng so với năm ngoái và điều này sẽ tạo thêm việc làm. Nguồn tuyển dụng lao động này cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng lao động, kỹ năng làm việc…
Ba ngành nhận được nhiều vốn đầu tư gồm công nghiệp chế biến và sản xuất, khai khoáng, bán sỉ và bán lẻ. JobStreet.com Việt Nam cho rằng sẽ có 3 nhóm công việc được tuyển dụng nhiều nhất trong các ngành nhận được nhiều vốn đầu tư nước ngoài là chuyên viên/trưởng phòng thu mua, kiểm định chất lượng và nhân viên sản xuất.
Để cạnh tranh được với các công ty nước ngoài tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp trong nước cần phải tích cực trong khâu tạo nguồn nhân lực, đồng thời phải tìm được biện pháp phù hợp để thu hút ứng viên tham gia các đợt tuyển dụng, theo nhận định của các công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm việc làm. Để làm được điều này, doanh nghiệp trong nước cần phải đẩy mạnh thương hiệu tuyển dụng và đây là một trong những thách thức đặt ra cho nhà tuyển dụng bên cạnh việc tạo nguồn, sàng lọc và ra quyết định tuyển dụng ứng viên.
Ông Eric Sito, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn SeekAsia (quản lý JobStreet.com) đã chỉ ra một số thách thức trong quá trình tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam. Ông cho rằng các doanh nghiệp nên tìm hiểu các nhận xét về môi trường làm việc của mình thông qua việc thu thập các lời bình luận/đánh giá về công ty trên mạng xã hội, các diễn đàn  trực tuyến. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần xác định một thông điệp nhằm tạo nên “tiếng vang” về thương hiệu dựa trên những yếu tố nổi trội, điểm mạnh hoặc những điều được yêu thích về công ty, những điểm nhấn thu hút ứng viên mong muốn làm việc cho công ty…
Một số chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) đã từng chia sẽ rằng các doanh nghiệp trong ngành CNTT thuộc nhóm thương hiệu nổi tiếng sẽ có nhiều điều kiện tuyển dụng nhân sự hơn so với các doanh nghiệp mới. Điều này cho thấy một thực tế rằng các nhà tuyển dụng nếu có hoạt động gầy dựng thương hiệu tốt sẽ dễ dàng hơn trong khâu tìm kiếm nhân sự.
Theo bộ phận tuyển dụng FPT Software TPHCM, doanh nghiệp sẽ phải tạo ra nguồn nhân lực bằng cách mở các khoá đào tạo “tân binh”; tích cực tuyển chọn các sinh viên năm cuối, chuẩn bị tốt nghiệp ở các trường đại học/cao đẳng có đào tạo về CNTT.
Tạo nguồn tuyển dụng đa kênh
JobStreet.com Việt Nam nhấn mạnh việc áp dụng giải pháp tạo nguồn tuyển dụng đa phương tiện, gồm mở rộng đăng tải thông tin tuyển dụng, hoạt động tìm kiếm hồ sơ ứng viên tài năng, đưa ra thông điệp riêng cho ứng viên mục tiêu, hoặc tổ chức ngày hội phỏng vấn trực tiếp đúng thời điểm, sẽ giúp các chuyên viên nhân sự giải quyết được khó khăn.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên kết hợp nhiều kênh truyền thông, lan toả thông tin tuyển dụng nhân sự ở các môi trường khác nhau (các website tìm kiếm việc làm, mạng xã hội…). Thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp chỉ đăng tải một mẫu tin tuyển dụng trên báo/website tuyển dụng có thể sẽ không đủ hiệu quả và tốn nhiều thời gian chờ đợi.
Không chỉ đơn thuần là đăng tải thông tin tuyển dụng, một số doanh nghiệp đã tìm cách kết hợp việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cùng với tiếp thị sản phẩm trong từng đợt tuyển dụng nhân sự. Họ đứng ra tổ chức các chiến dịch tuyển dụng nhân sự, đồng thời quảng bá hình ảnh/thương hiệu công ty. Cách thức tuyển dụng này nếu kết hợp với việc áp dụng giải pháp truyền thông, marketing trên môi trường kỹ thuật số sẽ hiệu quả hơn trước.
Theo báo cáo triển vọng thị trường 2017 của JobStreet.com Việt Nam, các công ty Việt Nam vẫn đang tiếp tục tuyển dụng nhân sự và mở rộng quy mô hoạt động. Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay cũng đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động trong nước.
Việt Nam cũng được các kênh tìm kiếm việc làm đánh giá là có số lượng ứng viên thường xuyên “nhảy việc” để có thể nâng mức thu nhập lên cao tới mức mong muốn…
Theo đánh giá từ một số doanh nghiệp, LinkedIn và Facebook là hai kênh tuyển dụng hiệu quả hiện nay. LinkedIn cung cấp nhiều công cụ cho phép các nhà tuyển dụng tối ưu hóa các chu trình trong việc tìm kiếm ứng viên, rút ngắn rất nhiều thời gian tuyển dụng. Facebook là kênh cho phép các nhà tuyển dụng tiếp cận đến rất nhiều người và công cụ live stream trên kênh này cho phép các nhà tuyển dụng giải đáp khúc mắc của các ứng viên một cách hiệu quả.

Vì sao startup không nên truyền thông quá sớm?

Bị “ám ảnh” bởi sự bùng nổ của các chiến dịch truyền thông, phần lớn startup đều ra sức đầu tư để quảng bá trước khi họ thực sự sẵn sàng ra mắt người dùng. Và đây là lý do họ thất bại.

Bài học từ Ello

Mùa Thu năm 2014, Facebook đối diện với cơn bão phản ứng từ người dùng do áp dụng chính sách sử dụng tên thật trên Facebook và sau đó bán lại thông tin của người dùng. Khi đó, một mạng xã hội mới với tên gọi Ello đã nhanh chóng chớp thời cơ.

Ello ra đời với cam kết cho phép quảng cáo miễn phí, và không bao giờ bán dữ liệu của người dùng, vì “Bạn không phải là một sản phẩm”. Thời điểm ra mắt không thể hoàn hảo hơn. Báo chí gọi Ello là “mạng xã hội chống Facebook”. Kết quả là mỗi giờ có 30.000 người dùng mới gửi yêu cầu tham gia mạng xã hội Ello.

Song, thành công này nhanh chóng có vị chát. Khi cộng tác với một vài nhà thiết kế và lập trình tại Vermont, Ello không có đủ thiết bị để xử lý một lượng truy cập lớn như vậy và gây ra nhiều trải nghiệm xấu cho người dùng. Hơn hết, trang Ello vẫn chỉ mới định hình phần khung và nhiều người dùng khi tham gia lại mong đợi những tính năng tương tự như Facebook đã bị thất vọng. Dĩ nhiên, thành công của Ello không kéo dài.

Câu chuyện của Ello cho thấy một thực tế có thể xảy ra khi một startup đạt được thành công về truyền thông vượt quá khả năng vận hành của họ ở thời điểm đó.

Truyền thông: cần nhưng không quá khẩn

Hầu hết những nhà sáng lập muốn đầu tư một phần vào việc phủ sóng truyền thông. Họ biết rằng truyền thông rộng rãi có thể là một tín hiệu sớm, quan trọng trong quá trình phát triển kinh doanh. Truyền thông giúp thu hút các khách hàng, đối tác, nhân viên và các nhà đầu tư mà công ty cần để “cất cánh”.

>> 9 bước lập kế hoạch truyền thông hiệu quả

Các nghiên cứu cũng hậu thuẫn cho luận điểm này. Cụ thể, HBR đã nghiên cứu 60 công ty được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư mạo hiểm và phát hiện ra rằng những startup thành công đều gần như thu hút được nhiều đơn vị truyền thông đưa tin về hoạt động trong suốt quá trình xây dựng. Các công ty thành công được nhắc đến trong nhiều bài viết, tiêu đề lớn của các nhà xuất bản, các đơn vị đưa tin hơn so với các công ty thất bại.

Nghiên cứu này có thể gia tăng thêm áp lực với các startup trong quan điểm cần đổ tiền của vào chiến lược truyền thông càng sớm cáng tốt. Thực tế không đơn giản như vậy.

Truyền thông là yếu tố quan trọng trong xây dựng doanh nghiệp, nhưng sự thu hút truyền thông phải được định hướng bởi các tăng trưởng thực sự của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Khi các nhà sáng lập “mời gọi” truyền thông từ quá sớm, họ sẽ không thể cung cấp kịp các sản phẩm, dịch vụ theo chất lượng đã hứa với khách hàng.

Một trong những điều đầu tiên các doanh nghiệp mới cần làm là phác thảo một câu chuyện rõ ràng về công ty, như: vì sao công ty được thành lập, mục tiêu công ty là gì. Đây là những nền tảng cơ bản để thu hút và động viên nhân viên, phát triển chiến lược cũng như trình bày trước khách hàng và nhà đầu tư.

>> Xây dựng thông điệp truyền thông trong khủng hoảng

Các câu hỏi này cũng là bước đầu tiên để phát triển cách tiếp cận truyền thông của bạn, nhưng nó chưa cần thiết khi bạn chưa xác định rõ các quy trình làm việc, dây chuyền cung ứng hoặc mô hình kinh doanh cụ thể.

Thời điểm tốt nhất để bắt đầu bước ra công chúng là khi công ty của bạn đạt được một cột mốc phát triển nhất định, như: thu hút được khách hàng mới hoặc ra mắt sản phẩm. Tập trung nghiên cứu các mục tiêu của công ty và quảng bá sau khi bạn đã đạt được chúng. Khi bạn được truyền thông chú ý, hãy lan tỏa rộng rãi và đảm bảo rằng các đối tác mục tiêu (nhà đầu tư, đối tác kinh doanh…) đều thấy được chúng.

Đừng lo lắng quá mức về việc các tin tức xuất hiện tiêu cực, vì theo nghiên cứu của HBR, sự quan tâm của báo chí là dấu hiệu tốt cho thấy vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Chẳng hạn, các rắc rối về lạm dụng tình dục hoặc lối hành xử của tài xế Uber sẽ không bị báo chí thế giới đề cập nếu như Uber không phải là người đứng đầu của mảng kinh doanh này.

Một bí quyết quan trọng khác với các startup vừa hình thành: nên cẩn trọng trước khi quyết định hợp tác với các công ty truyền thông hoặc nhân sự truyền thông. Những người thực sự giỏi thì bạn không đủ tiền để trả mà những người đề nghị hỗ trợ miễn phí thì nên tránh.

Tóm lại, mọi công ty đều cần chiến lược truyền thông để xây dựng nhận thức và phát triển doanh số, song đây chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh tổng thể. Các hoạt động truyền thông nên đồng nhất với mức độ phát triển thực sự của công ty. Các công ty thành công ngoài việc kể chuyện hiệu quả, họ cũng xây dựng cả những nền tảng bền vững để kể chuyện trong tương lai.

Tỷ phú giàu nhất Hong Kong và bí quyết “hốt bạc” trong ngành bán lẻ

Trong khi ngành bán lẻ truyền thống đang “chết” dần thì Tập đoàn của Tỷ phú giàu nhất Hong Kong hiện nay vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khủng khiếp, mỗi ngày lại mở mới 4 cửa hàng.

Chính sách “không nợ”

Có lẽ một trong những yếu tố quan trọng nhất mang lại thành công của tỷ phú Lý Gia Thành là niềm đam mê dành cho công việc và chính sách “không nợ”.

Tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành có thể không còn là người giàu nhất châu Á, nhưng ông vẫn đang nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 20 tỷ USD.

Lý Gia Thànhg phải gánh vác trách nhiệm lo kinh tế cho gia đình từ khi còn nhỏ. Sau khi gia đình ông từ miền Nam Trung Quốc di cư sang Hong Kong trong Thế chiến thứ 2, cha ông qua đời vì bệnh lao. Lý Gia Thành phải bỏ học khi chưa đầy 16 tuổi để làm công nhân tại một nhà máy.

Trong 4 năm dưới sự chiếm đóng của quân Nhật, ông gửi 90% số tiền kiếm được về phụ giúp mẹ ông. Có lẽ thành công khi còn trẻ với tư cách lao động chính trong nhà đã dạy cho ông những giá trị lớn, tạo tiền đề cho sự nổi tiếng về lòng bác ái của ông ngày hôm nay.

Lý Gia Thành chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những kinh nghiệm làm việc khi còn là một đứa trẻ. “Bất kể bạn khỏe mạnh và tài năng đến đâu, nếu bạn không có một tấm lòng rộng lượng và hào hiệp, bạn sẽ không bao giờ thành công”, ông Lý nói.

Ông Lý đã chứng tỏ là người có tầm nhìn và một lãnh đạo tài ba khi khai trương nhà máy đầu tiên vào năm 1950 ở độ tuổi 22. Nhà máy, Cheung Kong Industries, sản xuất hoa nhựa. Ông dự đoán rằng ngành nhựa và chất dẻo sẽ bùng nổ, và ông đã đúng.

Với số vốn vỏn vẹn 50.000 USD cùng với quyết tâm học hỏi và tìm hiểu về những xu hướng mới nhất, ông Lý Gia Thành đã thành công với Cheung Kong. “Mối tương quan giữa kiến thức và thương mại – chìa khóa của thành công – ngày càng chặt chẽ hơn bao giờ hết”, ông Lý chia sẻ.

Mặc dù phải bỏ học từ khi còn nhỏ và chưa bao giờ có bằng đại học, song ông Lý luôn luôn là “kẻ ngốn sách” và cho rằng thành công của ông là nhờ khả năng tự học. Chẳng hạn ông tự mình hoàn tất sổ sách kế toán của Cheung Kong trong năm đầu tiên hoạt động mà không có một chút kiến thức nào về lĩnh vực này cả – chỉ đơn giản là ông tự học từ sách giáo khoa mà thôi.

Cùng với kiến thức và hiểu biết sâu sắc, tỷ phú giàu nhất Hong Kong luôn coi lòng trung thành và danh tiếng là chìa khóa để thành công. Trong cuộc phỏng vấn năm 2006 với tạp chí Forbes, ông nói “Bất kỳ khi nào tôi nói “có” với một người nào đấy, đó chính là bản hợp đồng”.

Năm 1956, Lý đã từ chối một đề nghị có thể kiếm cho ông thêm 30% lợi nhuận (và cho phép ông mở rộng nhà máy) chỉ vì ông đã “hứa miệng” với một khách hàng khác. Giờ đây, ông vẫn luôn tuân thủ nguyên tắc này, kể cả khi điều đó đồng nghĩa với việc mất tiền.

Tầm nhìn xa trông rộng của ông Lý Gia Thành là với ngành nhựa và chất dẻo. Sau đó, ông một lần nữa thành công khi lao vào hoạt động phát triển bất động sản năm 1979 với việc mua lại Hutchison Whampoa – tạo tiền đề cho ông trở thành ông trùm bất động sản trước khi thị trường Hong Kong bùng nổ.

Tuy chủ yếu nổi tiếng với tư cách nhà phát triển bất động sản, song các công ty của Lý Gia Thành đang kiểm soát 70% hoạt động cảng biển và phần lớn hoạt động viễn thông và dịch vụ công tại Hong Kong. Ông cũng sở hữu phần lớn cổ phần tại Husky Energy, công ty của Canada. Ông đầu tư tài sản và quyền lực của mình vào nhiều lĩnh vực và vùng địa lý khác nhau, cho thấy ông không sợ phải học và trải nghiệm những điều mới mẻ.

Vị tỷ phú này bố trí cổ phần đầu tư một cách có chiến lược nhằm đảm bảo an toàn bất chấp nền kinh tế có biến động ra sao. “Tôi không quá lạc quan khi thị trường tăng trưởng tốt và cũng không quá bi quan khi thị trường ảm đạm”, ông nói.

Tuy nắm giữ nhiều cổ phần, song tính tiết kiệm – vốn mang tính sống còn trong thời thơ ấu của Lý – vẫn còn đi theo ông trong nghề nghiệp hiện tại. Chính sách “không vay nợ” của ông có nghĩa là các công ty hoạt động sao cho càng vay ít nợ càng tốt và bản thân Lý mua bất động sản bằng tiền kiếm được nhằm duy trì mức nợ cá nhân bằng 0.

Thói quen tài chính lành mạnh đã giúp ông Lý Gia Thành có được “tự do” để đầu tư vào công nghệ như một “sở thích được ăn cả, ngã về không” thông qua Horizons Ventures Ltd. Người bạn cũ của ông, Solina Chau, đang điều hành quỹ công nghệ này.

Lý Gia Thành là một trong những nhà đầu tư quy mô lớn đầu tiên đổ tiền vào Facebook. Ông chỉ đầu tư vào công nghệ mà ông coi là “đột phá” và nâng cao khả năng cạnh tranh của ông.

Bên bạnh đó, vị tỷ phú này cũng thích đổ nguồn “tiền dự phòng” (mad money) vào loại hình đầu tư đột phá này thay vì những thứ hữu hình.

Có lẽ một trong những yếu tố quan trọng nhất mang lại thành công của Lý là niềm đam mê ông dành cho công việc. Năm 2010, ông nói với tạp chí Forbes “Niềm vui thích quan trọng nhất đối với tôi là làm việc chăm chỉ và kiếm nhiều lợi nhuận hơn”.

“Hốt bạc” trong ngành bán lẻ nhờ chính sách khôn khéo

Gần đây, báo chí tràn ngập các câu hỏi về khả năng sống sót của ngành bán lẻ truyền thống sau khi gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon liên tiếp có những động thái tấn công vào các thị trường truyền thống. Nhưng, chẳng biết ngành bán lẻ truyền thống sẽ “chết” ở đâu, tại Hong Kong (Trung Quốc), Tập đoàn A.S. Watson của tỷ phú Lý Gia Thành vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng như mơ, mỗi ngày lại mở mới 4 cửa hàng.

Bloomberg cho biết, chuỗi cửa hàng bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm Watsons của Tập đoàn A.S. Watson có tỷ suất lợi nhuận còn lớn hơn cả gã khổng lồ Amazon.com. Năm 2016, tỷ suất lợi nhuận của chuỗi Watsons tại Trung Quốc đạt 22%, cao nhất trong các thị trường hoạt động của hãng này.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, bà Malina Ngai – COO Watson Group- chủ sở hữu của 2 chuỗi bán lẻ mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe lớn nhất Hong Kong Watsons và Superdrug cho biết năm nay công ty dự kiến sẽ mở mới 1.400 cửa hàng trên toàn cầu, trong đó hơn 1/3 là ở Trung Quốc. Nhu cầu ở đại lục rất cao. Trung bình, chỉ chưa đầy 1 năm, tập đoàn bán lẻ mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe Watson Group trực thuộc CK Hutchison Holdings Ltd. đã có thể thu về vốn đầu tư ban đầu.

Động thái mở rộng của Watson trái ngược với quyết định rút lui của Marks & Spencer Group khỏi thị trường đại lục và tình trạng ế ẩm của nhiều thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton và Burberry. Năm ngoái, lợi nhuận của Watson tại Trung Quốc đạt 22% doanh thu – cao nhất trong số tất cả các thị trường của Watson.

Bí quyết nào đã giúp cho chuỗi bán lẻ của Watson không những đứng vững mà còn liên tục tăng trưởng, trong bối cảnh bức tranh bán lẻ ở nhiều nơi trên thế giới đã nhiều phần ảm đạm?

Câu trả lời nằm ở cách chọn địa điểm và tiền thuê mặt bằng. Watson chọn những nơi có lưu lượng giao thông cao như ga tàu và các tuyến phố, thay vì tìm đến các trung tâm thương mại. Điều này giúp công ty giảm thiểu chi phí vận hành ở Trung Quốc – nơi mà giá thuê mặt quá đắt đỏ đã trở thành một trong những nỗi ám ảnh của các nhà bán lẻ.

Theo Euromonitor, Watson hiện nay có 3.000 cửa hàng tại hơn 430 thành phố ở Trung Quốc – trở thành người chơi lớn nhất với gần 30% thị phần bán lẻ dược phẩm.

Tuy nhiên, Watson không chỉ hoạt động duy nhất trong mảng bán lẻ và thành công của hãng này không hề kém cạnh gì so với gã khổng lồ thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba. Bà Ngai cho biết trong 3 năm tới, Watson dự định sẽ đầu tư 160 triệu USD để cải thiện nền tảng công nghệ, nâng cao năng lực phân tích bộ dữ liệu lớn và xây dựng kho mới. Mục tiêu tăng trưởng doanh thu mảng online của Watson trong 3 năm tới ít nhất là 40%.

A.S. Watson, là mảng kinh doanh bán lẻ của tập đoàn Hutchison Holdings thuộc sở hữu của tỷ phú giàu nhất Hồng Kông Lý Gia Thành, mang về doanh thu 20 tỷ USD mỗi năm.

Đế chế kinh doanh của tỷ phú Lý Gia Thành

Đế chế kinh doanh của tỷ phú này bao gồm nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, cảng biển, điện thoại di động, siêu thị, cho thuê máy bay đến dầu mỏ. CK Hutchison Holdings, công ty lớn nhất của tỷ phú Lý Gia Thành (nếu xét theo tài sản phi bất động sản) có hoạt động ở 56 quốc gia tính đến cuối năm 2015.

Cảng biển

Tỷ phú Lý Gia Thành đầu tư vào 48 cảng biển ở 25 quốc gia, bao gồm cả hệ thống cảng ở 2 đầu kênh đào Panama.

Bán lẻ:

Từ Watsons ở Châu Á đến Kruidvat ở Châu Âu, lĩnh vực bán lẻ của tỷ phú Lý Gia Thành có tất cả 12.000 cửa hàng ở 25 thị trường.

Cơ sở hạ tầng

Tỷ phú Lý Gia Thành đầu tư vào lĩnh vực nước sạch, gió, khí đốt, đường sắt và cho thuê máy bay.

Năng lượng

Tỷ phú Lý Gia Thành sở hữu công ty năng lượng Husky Energy ở Canada có hoạt động ở Mỹ và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Viễn thông

Công ty của tỷ phú Lý Gia Thành cung cấp dịch vụ viễn thông ở Châu Âu và Châu Á.

Các lĩnh vực khác

Các khoản đầu tư khác của tỷ phú Lý Gia Thành là trong lĩnh vực y tế và xử lý nước thải.

Mặc dù có trụ sở ở Hong Kong, CK Hutchison kiếm lợi nhuận chủ yếu từ Châu Âu. Anh là thị trường lớn nhất của CK Hutchison ở Châu Âu, mang lại 34% lợi nhuận ở khu vực cho CK Hutchison.

Nhà đầu tư thiên thần

Quỹ đầu tư mạo hiểm Horizons Ventures của tỷ phú Lý Gia Thành đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp và rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nhận được vốn từ Horizons Ventures đã vô cùng thành công. Điển hình là:

Facebook – mạng xã hội: nhận được 120 triệu USD trong 2 năm 2007 và 2008. IPO năm 2012.

Spotify – dịch vụ âm nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới: tỷ phú Lý Gia Thành đầu tư vào năm 2009.

Airbnb – sàn giao dịch chỗ ở: đầu tư của Lý Gia Thành vào Airbnb được công bố trong một bài viết năm ngoái.

Waze – ứng dụng thông tin giao thông: Lý Gia Thành đầu tư vào năm 2011, được Google mua lại năm 2013.

Siri – ứng dụng nhận diện giọng nói: được Apple mua lại năm 2010.

Skype – công ty dịch vụ viễn thông trực tuyến: Lý Gia Thành đầu tư vào năm 2005, được Microsoft mua lại năm 2011.

DeepMind – doanh nghiệp khởi nghiệp về trí thông minh nhân tạo: được Google mua lại năm 2014.

Blockstream – quỹ đầu tư vào tiền ảo Bitcoin: Lý Gia Thành rót vốn vào tháng 2/2016.

Humin – ứng dụng danh bạ điện thoại: được Tinder mua lại năm 2016.

Impossible Foods – công ty sản xuất thịt giả và bơ hoàn toàn từ thực vật: Lý Gia Thành rót vốn vào năm 2015, đồng thời nhận được vốn từ nhà sáng lập ra Microsoft Bill Gates.

Ambidio – công nghệ âm thanh: nhà soạn nhạc nổi tiếng Will.i.am (William James Adams Jr) cũng rót vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp này.

Slack – nền tảng phát triển ứng dụng làm việc cộng tác: Lý Gia Thành rót 50 triệu USD đầu tư trong năm 2015.