Monthly Archives: September 2018

Nhà sáng lập Jollibee đã xây dựng đế chế fast-food như thế nào?

Có 2 thứ đã dẫn lối cho vị chủ tịch của Jollibee – Tony Tan Caktiong, trên con đường xây dựng công ty: Kinh nghiệm và vị giác của ông.

Khi Jollibee quyết định nhảy sang làm hamburgers thay vì kem vào những năm cuối thập niên 1970, nhà sáng lập của họ Tony Tan Caktiong và vợ của ông Grace đã nếm thử tất cả các loại burgers khác nhau mà họ có thể tìm thấy ở Manila nhằm biết được tất tần tật những hương vị burgers đang có mặt trên thị trường lúc đó.

3 tài sản trong tay ông chủ Jollibee

Ngày nay, dù đã là chủ tịch của Jollibee, Tony Tan Caktiong vẫn đang tiếp tục thực hiện những cuộc khảo sát thị trường với cách làm tương tự. Điểm khác biệt duy nhất nằm ở quy mô: Tony Tan Caktiong thử nhiều món ăn hơn ở nhiều quốc gia khác nhau.

Trong những năm gần đây, người đàn ông đứng sau chuỗi cửa hàng fast-food phổ biến nhất ở Phillipines dành phần lớn thời gian của mình ở nước ngoài để nếm thử tất cả các món ăn từ Dim Sum tới bánh Taco. Tony Tan Caktiong làm tất cả việc này để hiện thực hóa giấc mơ biến Jollibee trở thành một đế chế toàn cầu trong ngành F&B.

Nhà sáng lập Jollibee Tony Tan Caktiong. Ảnh: Getty.

“Chúng tôi vẫn luôn đi nhiều nơi và thử những món ăn mới, rồi lại tiếp tục và thốt lên: Món này thật tuyệt”. Tony Tan Caktiong nói như vậy với các phóng viên vào cuối tháng sáu, ngay trước chuyến bay đến Hong Kong và Trung Quốc đại lục, những nơi được ông xem là trụ cột trong sự phát triển toàn cầu của Jollibee.

Khi Tony Tan Caktiong tìm được những thứ làm mình thật sự thích thú, ông ấy sẽ yêu cầu các ngân hàng đầu tư hoặc các nhà cung ứng kết nối với những mục tiêu tiềm năng đó.

Trong cuộc săn lùng để mua lại những công ty mới, Tony Tan Caktiong có trong tay 3 thứ: Khoản tài chính 1 tỷ USD, hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B và … vị giác của mình.

Từ đứa trẻ kén ăn đến ông chủ trong ngành hàng ăn uống

Tony Tan Caktiong được sinh ra trong một gia đình nhập cư đến từ tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc. Bố của ông từng làm đầu bếp tại một tu viện Phật giáo ở Manila trước khi tự tay mở một nhà hàng ở Davao, miền nam Phillipines.

Chính điều này đã giúp Tony Tan Caktiong có cơ hội quan sát cách vận hành một nhà hàng từ bé. Ông cũng sở hữu một khả năng trời phú trong việc đánh giá các món ăn.

Tony Tan Caktiong là con thứ 3 trong một gia đình 7 anh em. Năm 2013, ông kể với phóng viên của Forbes: “Mẹ của tôi nói rằng tôi là đứa khó nuôi nhất trong nhà vì tôi là đứa trẻ khó tính trong việc ăn uống trong khi các anh em của tôi lại sẵn sàng ăn bất cứ thứ gì”.

Một cửa hàng Jollibee. Ảnh: AveAsia.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Tony Tan Caktiong bắt đầu sử dụng những khả năng này của mình để khởi nghiệp. Năm 1975, Tony Tan Caktiong cùng vợ mở hai cửa hàng kem nhượng quyền Magnolia ở ga tàu điện ngầm Manila. Để cạnh tranh với các đối thủ, cửa hàng của ông sử dụng những chiếc muỗng kem lớn hơn. Nhưng người Phillipines lại thích ăn đồ nóng trước khi dùng thức ăn lạnh như kem. Sự thật này đã đưa vợ chồng Tony Tan Caktiong đến với quyết định bán thêm bánh sandwich rồi sau đó là burger.

3 năm sau, họ giới thiệu một loại hamburger mới có tên Yumburger. Món ăn này sau đó cực kì đắt hàng. Và điều này đã thúc đẩy vợ chồng Tony Tan Caktiong tiếp tục đưa vào menu của Jollibee những món mới như gà rán, pasta và các món ăn bản địa của người Phillipines.

Tony Tan Caktiong từng nói với những cộng sự của mình rằng ông khát khao tạo ra một công ty thực phẩm lớn nhất thế giới. “Đó là khi chúng tôi mới chỉ có 5 cửa hàng và vài người đã cười khi nghe thấy nó, nhưng tôi chưa bao giờ đùa cả.”

Chú ong đỏ từ Philippines và người khổng lồ McDonald’s

Quyết tâm của Tony Tan Caktiong đối mặt một thử thách khó khăn khi McDonald’s đặt chân vào thị trường Philippines vào năm 1981.

“Nhiều người bạn có ý tốt khuyên chúng tôi nên bán đi chuỗi cửa hàng nhỏ của mình khi nó vẫn còn hoạt động tốt. Sau tất cả, làm thế nào một công ty nhỏ bé của Philippines với chỉ 5 cửa hàng lại có thể đấu lại một công ty đa quốc gia hàng đầu trong chính lĩnh vực mà họ đã phát minh – hamburger?”, ông nhớ lại bài phát biểu của mình năm 2013, tránh nhắc đến trực tiếp tên chuỗi cửa hàng fast-food lừng danh của Mỹ.

Chú ong đỏ – biểu tượng của Jollibee ngày nay được Tony Tan Caktiong giới thiệu lần đầu tiên vào năm 198 0, đang phải cạnh tranh với người khổng lồ McDonald’s.

Tony Tan Caktiong còn nói đùa rằng nếu nghe theo lời khuyên của bạn mình, chắc hẳn giờ ông ấy đang đứng lật bánh burger cho chính công ty mà bất kì ai cũng đều biết.

Chú ong đỏ – biểu tượng của Jollibee ngày nay được Tony Tan Caktiong giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1980. Chú ong Jollibee đã giúp thương hiệu này càng được yêu thích hơn, đặc biệt đối với trẻ em Philippines khi chúng luôn muốn được bố mẹ tổ chức sinh nhật tại các cửa hàng Jollibee.

Kristelle Batchelor từng là một đứa trẻ như thế. Ngồi trong một cửa hàng Jollibee tại quận Queens, New York, Kristelle chia sẻ rằng cô đến những cửa hàng ở nước ngoài của Jollibee để vơi đi nỗi nhớ nhà. Nữ tiếp viên hàng không 23 tuổi đang sống tại New York cũng nói thêm: “Tôi thích ngồi xung quanh những người Philippines và mùi vị ở cửa hàng này gợi nhớ về tuổi thơ của tôi”.

Thương hiệu Jollibee đã trở thành một biểu tượng đến nỗi khi đầu bếp – người dẫn chương trình truyền hình ẩm thực nổi tiếng Anthony Bourdain ghi hình một chương trình tại Philippines vào năm 2016, ông đã ghé qua một cửa tiệm Jollibee. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã khiến người dân Philippines cảm thấy quý mến mình và làm lu mờ những người biểu tình chống lại việc nhập khẩu rác từ Canada vào quốc gia này khi ông đến một cửa hàng Jollibee ở Manila vào năm ngoái.

Nhiều năm về trước, khi được hỏi tại sao lại chọn chú ong làm biểu tượng của Jollibee, Tony Tan Caktiong nói rằng con vật này đại diện cho những tính cách đặc trưng của người Philippines: Chăm chỉ, lạc quan và vui vẻ. Và chính những đức tính này cũng tồn tại bên trong con người của ông.

Doanh nghiệp Việt đứng thứ 3 châu Á về động lực khởi nghiệp

Theo DotAsia, Việt Nam đứng thứ 3 về Động lực khởi nghiệp, chỉ sau Hong Kong (thứ 1), Singapore (thứ 2) và xếp trên Trung Quốc đại lục (thứ 4).

Thành phố Hồ Chí Minh, từng được Virgin nêu bật như một trong những trung tâm khởi nghiệp tốt nhất, đang chứng kiến các hoạt động khởi nghiệp tăng mạnh. Theo Chỉ số Năng động Trẻ của DotAsia, Việt Nam đứng thứ 3 về Động lực khởi nghiệp, chỉ sau Hong Kong (thứ 1), Singapore (thứ 2) và xếp trên Trung Quốc đại lục (thứ 4). Thực tế, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm gần đây và sự hỗ trợ của chính phủ trong việc tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động đã đưa nước này trở thành địa điểm lý tưởng để khởi nghiệp. Điều này đang thu hút cả thanh niên và người từ nước ngoài về thành lập các doanh nghiệp theo định hướng địa phương và khu vực tại Việt Nam.

Ông Edmon Chung, Giám đốc điều hành Tổ chức DotAsia cho biết: “Bảng xếp hạng của YMI.Asia được xây dựng dựa trên kinh nghiệm cả thập kỷ của chúng tôi về thế hệ trưởng thành trong thế kỷ 21 tại châu Á trong các vấn đề quản trị Internet và nhằm giúp các nhà lãnh đạo trẻ có tham vọng khởi động những ý tưởng của họ cho Châu Á. Tôi cũng hy vọng YMI.Asia có thể truyền cảm hứng cho các nghiên cứu tiếp theo để hỗ trợ và thông tin về sự phát triển chính sách ở địa phương và khu vực giúp giới trẻ tăng cường khả năng năng động số trên toàn châu Á”.

Phó Thủ tưởng Vương Đình Huệ (ngoài cùng bên trái) trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2018 ngày 28/8/2018. Ảnh minh họa: Lao động.

Theo Khảo sát thường niên Global Shapers năm 2017, mối quan tâm số một của giới trẻ châu Á là việc làm. Sự lỗi thời của nghề nghiệp và kỹ năng do sự thay đổi năng động của nền kinh tế tri thức có thể khiến cho giới trẻ cảm thấy lo lắng về tương lai của họ. Đáp lại, giới trẻ châu Á ngày nay đang lựa chọn năng động như một sự đảm bảo để chống lại tình trạng lỗi thời nghề nghiệp. Do đó, sự năng động của giới trẻ đã trở thành lợi thế cạnh tranh không chỉ trong giáo dục và việc làm, mà còn trong kinh doanh đối với các cá nhân. Tính năng động mang lại cảm giác mới về sự ổn định trong nền kinh tế ngày nay.

Kết quả khảo sát cho thấy YMi có mối quan hệ tích cực với GDP bình quân đầu người, các chỉ số về khả năng cạnh tranh và phát triển khác, điều thể hiện một khuôn khổ vững chắc cho phương pháp luận và những điểm thú vị trong nghiên cứu được nêu bật bởi những sự thiếu nhất quán. Các kết quả của bảng xếp hạng YMi tái khẳng định vai trò dẫn đầu của 4 con hổ châu Á là Hong Kong, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc cùng với Nhật Bản

Singapore (số 1) – Đứng đầu bảng xếp hạng tổng với số điểm cao nhất trong các phân mục. Điều này được hỗ trợ bởi khả năng của Singapore về Năng động Giáo dục và điểm số xuất sắc về thành thạo tiếng Anh.

Hong Kong (số 2) – đối thủ mạnh nhất của Singapore đứng ở vị trí thứ hai, chứng tỏ sự thống trị mạnh mẽ về Năng động Kinh doanh, với điểm số cao nhất trong tổng Torrent (kết hợp các sinh viên, du khách, hàng hóa và dịch vụ đi và đến).

Nhật Bản (số 3) và Hàn Quốc (số 4); đạt được điểm số cao nhất lần lượt về Năng động Việc làm và Chỉ số Bền vững chung, và cho thấy lợi thế năng động cao về chỉ số kinh tế truyền thống GDP bình quân đầu người.

Đài Loan (số 5) – vùng lãnh thổ xếp thứ 5 này đã đánh bại Hong Kong, trở thành nơi vui nhộn nhất cho giới trẻ năng động ở phân loại Trải nghiệm Cuộc sống (LifeX) trong YMi.

Quản lý uy tín trên chợ “ảo”

Dĩ nhiên, cách tốt nhất để ngăn chặn những nhận xét tiêu cực của khách hàng trên internet là đối xử tốt với họ.

Uy tín là một trong những yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Trong thương mại điện tử, nếu bắt đầu nhận được nhiều nhận xét tiêu cực của khách hàng trên các mạng xã hội, các trang web tìm kiếm thông tin, doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển khách hàng mới. Và tùy mức độ tệ hại của những nhận xét này mà doanh nghiệp còn có thể bị mất đi nhiều khách hàng hiện tại.

Doanh nghiệp có thể nghĩ rằng nhận xét trực tuyến không quan trọng, nhưng theo Claudio Sorrentio, Tổng giám đốc của Body Details, điều này chỉ đúng cách đây mười năm. Hiện nay, khách hàng thường tìm kiếm thông tin về sản phẩm trên Google, Yelp và các trang khác trước khi ghé thăm cửa hàng trực tuyến hay bên ngoài của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể che đậy một vài nhận xét xấu nhưng nếu số lượng các nhận xét xấu bắt đầu lấn át số nhận xét tốt thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể gặp khủng hoảng trên chợ “ảo”.

Dĩ nhiên, cách tốt nhất để ngăn chặn những nhận xét tiêu cực của khách hàng trên internet là đối xử tốt với họ. Tuy nhiên, doanh nghiệp khó có thể đảm bảo rằng 100% khách hàng đều nói tốt về mình ngay cả khi họ được dùng sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp miễn phí. Nếu nhận được những nhận xét tốt, doanh nghiệp nên dành thời gian để cảm ơn khách hàng. Ngoài ra, theo Sorrentio, điều quan trọng hơn là doanh nghiệp cần hạn chế những nhận xét tiêu cực từ khách hàng bằng những hành động sau đây.

1. Cập nhật nội dung trang web của mình và các kết quả tìm kiếm thông tin

Theo Sorrentio, kết quả thông tin tìm kiếm về doanh nghiệp trên Google và các trang web có chức năng tương tự trên internet là điều quan trọng nhất. Do đó, doanh nghiệp cần phải cập nhật tài khoản Google My Business, danh bạ trên Yelp và các trang khác (nhất là các trang liên quan đến từng ngành cụ thể) với thông tin chính xác về công ty, tổ chức của mình. Doanh nghiệp cũng có thể xem xét đăng nhật ký điện tử (blogging) thường xuyên. Sorrentio khuyên nên tạo nội dung có chất lượng ít nhất một lần mỗi tháng. Nội dung này có thể là những tin mới nhất trong ngành, các bí quyết, lời khuyên dành cho khách hàng hay bất cứ thông tin nào khác mà khách hàng muốn tìm hiểu khi đến trang web của doanh nghiệp.

2. Gửi thông cáo báo chí

Hiện nay, doanh nghiệp có thể tìm thấy nhiều bài mẫu về thông cáo báo chí. Tuy nhiên, Sorrentio khuyên, điều nên làm là cung cấp những thông tin có liên quan đến thông cáo và doanh nghiệp. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể tạo một thông cáo báo chí để công bố các số liệu về nhân sự tân tuyển, các sản phẩm hay dịch vụ mới đưa ra thị trường, các khu vực thị trường mà doanh nghiệp mới phát triển hay các hoạt động cộng đồng mà doanh nghiệp đã tham gia.

3. Tận dụng truyền thông xã hội

Hồi tháng 1-2018, Facebook đã công bố sẽ thay đổi các thuật toán theo hướng ưu tiên các bài đăng từ cộng đồng bạn bè thay vì các doanh nghiệp hay các nhãn hiệu. Động thái này có thể khiến cho doanh nghiệp nghĩ rằng truyền thông xã hội không còn tác dụng trong việc quảng bá, xây dựng uy tín của mình như trước nữa.

Tuy nhiên, Sorrentio cho rằng sự xuất hiện của doanh nghiệp trên các mạng xã hội vẫn còn đóng một vai trò quan trọng. Lý do là khách hàng vẫn có thể để lại những nhận xét tốt, xấu trên trang của doanh nghiệp. Điều đáng mừng là Facebook vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp phản hồi. Vì vậy, Sorrentio khuyên doanh nghiệp nên tận dụng ưu điểm này để đưa ra phản hồi cho các nhận xét, nhất là các nhận xét tiêu cực, qua đó thể hiện sự quan tâm dành cho khách hàng. Việc đầu tiên cần làm là liên hệ trực tiếp với khách hàng để tìm hiểu những vấn đề mà họ đang gặp trong giao dịch với doanh nghiệp. Sau đó, nỗ lực giải quyết vấn đề cho khách hàng và đề nghị họ cập nhật nhận xét của họ về doanh nghiệp theo hướng tích cực hơn.

Thông thường khách hàng sẽ viết ra một nhận xét ngay khi cảm thấy không hài lòng về doanh nghiệp mà không để doanh nghiệp có cơ hội khắc phục vấn đề. Nhưng nếu có thể làm điều đó một cách “thấu tình, đạt lý” với chất lượng phục vụ tốt nhất thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển một nhận xét đánh giá 1 “sao” của khách hàng thành một nhận xét, đánh giá 3, 4 sao sau đó.

4. Thường xuyên theo dõi các nhận xét trực tuyến của khách hàng

Sorrentio khuyên doanh nghiệp nên theo dõi tất cả những trang web mà nhận xét trực tuyến về doanh nghiệp có thể xuất hiện ở đó. Khi đó, doanh nghiệp có thể nhận ra được một số “nội dung chung” về các nhận xét tiêu cực, từ đó rút ra cách khắc phục những vấn đề mà trước đây mình không bao giờ nghĩ đến. Chẳng hạn, nếu khách hàng thường xuyên than phiền về thời gian chờ đợi điện thoại khi gọi đến các “đường dây nóng” thì doanh nghiệp cần xem xét lại hoạt động của các trung tâm chăm sóc khách hàng, từ đó quyết định tuyển dụng thêm nhân sự hay lắp đặt các dịch vụ trả lời tự động.

Hành trình phát triển của Uniqlo

Chỉ trong vòng 34 năm, Tadashi Yanai đã biến cửa hàng quần áo cha mình để lại trở thành một đế chế thời trang. Nhưng con đường thành công của vị tỷ phú không “trải đầy hoa hồng”, mà đầy can đảm và thấu hiểu.

Khởi đầu khiêm tốn

Tadashi Yanai sinh năm 1949 tại Yamaguchi, Nhật Bản. Đây là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với người dân nước này vì Thế chiến thứ 2 vừa mới kết thúc. Nhưng tuổi thơ khó khăn không vì thế mà làm “nhụt chí” Tadashi Yanai, khi được cha nhường lại cửa hàng quần áo nam của gia đình, ông không hài lòng với chỉ một cửa tiệm, Tadashi Yanai muốn làm chủ một đế chế thời trang.

Lấy cảm hứng từ những triết lý kinh doanh của Peter Drucker, Tadashi Yanai hiểu rằng nếu muốn thành công, ông phải nghĩ về sản phẩm mà khách hàng cần, chứ không phải những gì công ty muốn bán.

Để thực hiện được điều đó, khi được trao cửa hàng vào năm 1984, Tadashi Yanai mạnh dạn giới thiệu hàng loạt sản phẩm dành riêng cho nữ giới, mở thêm cửa hàng ở ngoại thành, và từ bỏ thương hiệu mà cha mình đã xây dựng cả đời để thành lập Unique Clothing Warehouse (sau này được rút gọn thành Uniqlo).

Nhưng chỉ vài năm sau đó, Tadashi Yanai nhận ra rằng Uniqlo dù phát triển rất nhanh nhưng đang dần bị bão hòa trên thị trường. Không ngần ngại, ông lập tức tìm mọi cách để liên hệ với Mickey Drexler, chủ tịch lâm thời của chuỗi thời trang The Gap.

Tadashi sau đó đã thuyết phục được Mickey cùng ăn sáng với mình một bữa, và dùng từng giây trong bữa ăn ngắn ngủi đó để tìm cách biến Uniqlo thành một “bản sao” của Gap.

Hoàn toàn tự hào về những gì mình học được, Uniqlo nhanh chóng sao chép mô hình kinh doanh của Gap khi chỉ tập trung bán những sản phẩm do chính Uniqlo sản xuất, tập trung nhiều hơn đến các mẫu thời trang đơn giản, và thậm chí là tung ra những đoạn phim quảng cáo với người nổi tiếng “y chang” Gap.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi trở thành “Gap thứ hai”, Uniqlo nhanh chóng lấy lại đà phát triển của mình.

Tỏa sáng bất chấp khó khăn

Vào đầu những năm 1990, đợt khủng hoảng kinh tế tại Nhật đẩy hàng loạt các thương hiệu thời trang vào vòng xoáy thua lỗ, nhưng Uniqlo là tên tuổi duy nhất “vụt sáng” vì nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu quần áo giá rẻ của khách hàng.

Vào năm 1993, Tadashi thực hiện một kế hoạch “vô tiền khoáng hậu” và phải hứng chịu không ít “gạch đá” từ dư luận: Chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất sang Trung Quốc. Bước đi này không chỉ củng cố lợi thế giá rẻ đang giúp Uniqlo “sống sót” qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế, mà còn đem lại một khoản lợi nhuận khổng lồ để thương hiệu này tranh thủ mở rộng thị phần trước sự chững lại của các đối thủ.

Đến năm 1994, chỉ 10 năm sau ngày tiếp quản, Uniqlo đã trở thành một chuỗi thời trang danh tiếng với hơn 100 cửa hiệu khắp Nhật Bản.

Chuyến xuất ngoại đầu tiên

Mong muốn mở rộng thành công ra nước ngoài để theo đuổi ước mơ “đế chế thời trang”. Vào năm 2002, Uniqlo tiến đánh kinh đô thời trang London với 21 cửa hiệu cả trong thành thị lẫn vùng ven. Không dừng lại ở đó, Uniqlo còn “chen chân” vào 3 đại siêu thị ở New Jersey, đánh dấu sự có mặt ở cường quốc số 1 thế giới.

Những tưởng Uniqlo sẽ nhanh chóng gặt hái thành công khi đem mô hình “bất bại” của Gap trở về với cội nguồn, nhưng trên thực tế, kế hoạch này đã thảm bại đến mức Uniqlo phải chịu lỗ hàng chục triệu USD chỉ sau một thời gian ngắn.

Lý do chính đến từ việc quá ham phát triển mà quên mất chân lý “bán những gì khách hàng muốn”. Uniqlo hấp tấp mở rộng ra thị trường phương Tây khi chưa nắm rõ kích cỡ quần áo phù hợp với khách hàng mà chỉ gia tăng kích thước của những mẫu đang bán chạy tại Nhật.

Kết quả là Uniqlo nhanh chóng bị đè bẹp bởi các “gà nhà” như Abercrombie, The Gap, Express… những lựa chọn tuy có giá cao hơn nhưng đem lại sự thoải mái cho thượng đế. Chỉ trong vòng 18 tháng, Uniqlo buộc phải đóng cửa 16 trong tổng số 21 cửa hiệu tại London và “tháo chạy” ra khỏi Hoa Kỳ.

Không chỉ trở thành một hồi chuông báo thức, sự thất bại này còn dạy cho Uniqlo một bài học quan trọng: Bí quyết thành công của Uniqlo tại Nhật Bản không khác gì so với bí quyết của Gap hay Starbucks tại Mỹ, đó là: Có mặt ở khắp mọi nơi.

Tuy nhiên, nếu muốn thành công tại Châu Âu và Mỹ, “có mặt nhan nhản” vẫn chưa đủ, Uniqlo còn phải sở hữu hình ảnh thật “cool”.

Biến Uniqlo trở thành thương hiệu “cool”

Tadashi một lần nữa quay về chiến thuật “copy” để giúp Uniqlo xuất ngoại thành công. Đích thân vị lãnh đạo đã gọi điện để thuyết phục nhà thiết kế nổi tiếng Kashiwa Sato (người đứng sau sự “xuất ngoại” của Honda, 7-Eleven, Rakuten …), Tadashi mong muốn Uniqlo có thể sao chép được thành công của các nhãn hiệu Nhật Bản kia ra khắp thế giới, bắt đầu với trung tâm tài chính New York.

Kashiwa không ngần ngại nói thẳng rằng thương hiệu Uniqlo hiện tại quá “nhạt” so với thị hiếu phương Tây. Nếu muốn thành công tại New York, London, hay bất kỳ thành phố lớn nào, Uniqlo phải cho phép

Và ông chủ Uniqlo đã mạnh dạn đồng ý.

Sau khi gia nhập Uniqlo, Kashiwa cho ra lò nhiều bộ siêu tập phá cách, khác hẳn với hình dáng Uniqlo “quê mùa” với những cái tên “sang trọng” như Charlotte Ronson và Vena Cava.

Uniqlo còn mạnh dạn sử dụng mức lương “khủng” để dụ dỗ nhà thiết kế người Đức nổi tiếng Jil Sander trở lại hợp tác sau khi bà tuyên bố nghỉ hưu.

Với sự chuẩn bị kỹ càng đó, cửa hàng Uniqlo tại New York từ lúc mở cửa cho đến nay luôn đứng vị trí số một về doanh thu khắp thế giới của tập đoàn. Những tên tuổi danh giá như Jil Sander, +J … đã thu hút dòng người xếp hàng dài để sở hữu một sản phẩm Uniqlo rất “cool”.

Giữ vững mức giá phải chăng và chi phí sản xuất thấp, xuyên suốt đợt khủng khoảng kinh tế năm 2008 và 2009, Uniqlo mạnh dạn thu mua hàng loạt tên tuổi thời trang trên bờ vực phá sản, đặc biệt là các thương hiệu cao cấp như Theory và Helmut Lang, giúp Uniqlo nhanh chóng mở rộng được thị trường.

Triết lý thành công của Uniqlo

Uniqlo không ngần ngại đón nhận thất bại như một bàn đạp để đi đến thành công. Hết lần này đến lần khác, thái độ nhẫn nhịn và không ngại học hỏi đã khiến Uniqlo không chỉ sống sót mà còn lớn mạnh xuyên suốt các cuộc khủng hoảng thế giới.

Uniqlo tuy là một nhãn hiệu thời trang nhưng “phong cách” không phải là thế mạnh của hãng. Uniqlo an phận với tên gọi “cửa hàng quần áo” để tập trung vào những mẫu mã đơn giản mà khách nào cũng cần.

Hai đối thủ “thời trang nhanh” nổi nhất của Uniqlo là Zara và H&M luôn ra lò hàng trăm mẫu mã khác nhau cho mỗi mùa. Nhưng Uniqlo chỉ tập trung vào quần jean, áo khoác, áo thun trơn … với những màu cơ bản nhất, hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của bất kỳ xu hướng nào.

Khẩu hiệu “Made for all” như một lời khẳng định rằng sản phẩm của Uniqlo luôn dành cho mọi người, bất kể tuổi tác, giới tính hay sắc tộc. Uniqlo hiện đang có hơn 1,900 cửa hàng trên khắp thế giới và dự kiến “xâm chiếm” Việt Nam trong năm 2019.

Liệu các thương hiệu trong nước có sẵn sàng trước gã khổng lồ khiêm tốn nhưng đầy nguy hiểm này? Câu trả lời sẽ đến ngay trong năm sau.

 

Duy trì tốc độ tăng trưởng cao, doanh thu quảng cáo của VNG đã vượt xa FPT Online

Sau lần đầu vượt FPT Online trong 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG tiếp tục nới rộng khoảng cách lên gần gấp rưỡi trong nửa đầu năm 2018.

Công ty cổ phần VNG (tên cũ Vinagame) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2018, hé lộ những con số liên quan đến hoạt động kinh doanh của một trong những doanh nghiệp đứng đầu về lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Theo báo cáo này, doanh thu của VNG đạt hơn 2.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong khi biên lợi nhuận gộp giữ ổn định ở mức trên 50%, thì chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhanh là tác nhân chính khiến lợi nhuận của VNG chỉ còn chưa tới một nửa so với cùng kỳ năm 2017, khi đạt hơn 240 tỷ đồng.

Dù vậy, kết quả này ít nhiều cũng đã được chính ban lãnh đạo VNG dự báo trước. Năm 2018, VNG đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2017. Tuy nhiên lợi nhuận dự kiến chỉ đạt 549 tỷ đồng so với mức 938 tỷ đã thực hiện.

Lý do được công ty này đưa ra là tập trung nguồn lực đầu tư vào các sản phẩm chiến lược và đa dạng hóa hoạt động. Việc hy sinh lợi nhuận để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mới, tất nhiên cũng có lý do của nó.

VNG vốn gắn liền với tên tuổi của một công ty trong lĩnh vực công nghệ, mà sản phẩm trọng tâm là trò chơi trực tuyến. Đến thời điểm gần nhất, mảng kinh doanh này vẫn chiếm hơn 80% tổng doanh thu của VNG, với hơn 1.600 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018.

Danh tiếng của công ty này khởi điểm với Võ Lâm Truyền Kỳ cách đây hơn một thập kỷ, tiếp nối sau đó là hàng loạt game online đình đám khác như Kiếm Thế, Võ Lâm Chi Mộng… Tuy nhiên, đa phần game online được VNG kinh doanh đều là nhập khẩu, việc siết chặt hoạt động nhập game trong hai năm gần đây, cùng thị hiếu của khách hàng trẻ thay đổi đã khiến mảng kinh doanh này của VNG có dấu hiệu chững lại và đi ngang. Trong nửa đầu năm nay, game online cũng là lĩnh vực duy nhất ghi nhận sụt giảm doanh thu.

Tuy nhiên, VNG vẫn có lý do để không quá lo lắng. Trong khi lĩnh vực trò chơi trực tuyến có dấu hiệu đi xuống thì quảng cáo trực tuyến đang nổi lên như một ngôi sao với tốc độ tăng trưởng cao.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của VNG với hơn 300 tỷ đồng, nhưng quảng cáo trực tuyến ghi nhận mức tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tăng mạnh, doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG cũng nới rộng khoảng cách với một công ty quảng cáo trực tuyến hàng đầu khác là FPT Online.

Xuất phát điểm muộn hơn FPT Online khi năm 2012 mảng kinh doanh này mới có trên báo cáo tài chính của VNG. Khi đó, doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG chỉ bằng khoảng 30% so với FPT Online. Tuy nhiên, khoảng cách này liên tục được thu hẹp nhờ tốc độ tăng trưởng cao. Đến cuối năm 2016, doanh thu mảng hoạt động này của VNG đã bằng 70% của FPT Online.

Khoảng cách giữa doanh thu quảng cáo trực tuyến của hai doanh nghiệp hàng đầu này được san bằng trong 9 tháng đầu năm 2017 và cùng năm này là lần đầu tiên, quảng cáo trực tuyến của VNG vượt qua FPT Online.

Tuy nhiên, đến giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018, khoảng cách này thậm chí đã được nới rộng ra rất nhiều và nghiêng về phía VNG. Doanh thu của FPT Online trong nửa đầu năm nay chỉ đạt gần 250 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG tăng trưởng hơn 30%. Kết quả này khiến thế cục đảo ngược khi doanh thu của FPT Online giờ chỉ tương đương khoảng 80% doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG.

Dù vậy, kết quả này không phải do hoạt động của FPT Online đi xuống mà chủ yếu do VNG có nền tảng tốt hơn để phát triển.

Trong khi FPT Online chỉ vận hành quảng cáo trực tuyến duy nhất trên báo điện tử VnExpress, thì VNG có một hệ sinh thái để bổ trợ cho lĩnh vực hoạt động này, từ tin tức của Zing News, mạng xã hội Zing Me, ứng dụng nhắn tin Zalo cho tới các mảng khác như nghe nhạc trực tuyến với Mp3 Zing hay cổng game online. Với một hệ sinh thái rộng hơn, việc VNG đa dạng hóa sản phẩm và giữ được tốc độ tăng trưởng cao cũng không phải điều khó giải thích.