Monthly Archives: January 2019

Điều gì chờ đợi ngành bán lẻ Việt Nam trong năm 2019?

Tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng của cả nước luôn tăng trưởng dương và luôn cao hơn mức tăng trưởng của GDP.

Mật độ cửa hàng xét về thu nhập còn dư địa không nhiều

Trong những năm qua, số lượng đơn vị bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng, đứng đầu là các trung tâm thương mại với tốc độ đạt 11,3%/năm (CAGR). Trong khi đó, số lượng các đơn vị chợ truyền thống có xu hướng chững lại (0,9%/năm CAGR) và dần sụt giảm trong thời gian gần đây.

Đây cũng là ngành thu hút lượng lớn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Từ tháng 1/2015, các doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài được phép thành lập ở Việt Nam đồng thời, doanh nghiệp 10 nước ASEAN sẽ được bãi bỏ hàng rào thuế quan khi tham gia khu vực mậu dịch chung ASEAN, 100% dòng thuế nhập khẩu ở hầu hết các mặt hàng cũng được xoá bỏ vào năm 2018. Môi trường thuận lợi giúp bán lẻ luôn là ngành thu hút đầu tư nước ngoài.

Làn sóng các giao dịch M&A trong ngàng bán lẻ đã dậy lên từ đầu năm 2016 và tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây như một kênh đầu tư hấp dẫn. Theo số liệu của VCBS, nếu năm 2005 chỉ có 18 thương vụ M&A với tổng giá trị là 61 triệu USD thì đến năm 2017, với tổng giá thị M&A lên đến 10,2 tỷ USD.

Giai đoạn 2015 – 2017, số lượng các siêu thị, đại siêu thị và trung tâm thương mại tăng trưởng với CAGR 2015 – 2017 lên tới 36,8% so với mức 16,2% trong giai đoạn 2012 – 2014 với động lực đến từ các thương vụ M&A của các nhà đầu tư ngoại, thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh doanh mới này.

Số lượng các cửa hàng tiện lợi bắt đầu tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2015 – 2016 với tốc độ trung bình 78%/năm và chững lại trong năm 2017 (16,5%). Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu bán l (khoảng 0,4%, theo Euromonitor) nhưng đây là loại hình chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất, với tốc độ tăng trưởng kép CAGR giai đoạn 2012 – 2017 đạt 48%.

Sự tăng trưởng này đã thu hút các nhà đầu tư ngoại với các thương hiệu quốc tế như Family Mart, Circle K, Shop&Go và B’s Mart, GS25…Trong khi đó, các doanh nghiệp nội như Vingroup hay MWG cũng không muốn bỏ lỡ miếng bánh này với các chuỗi Vinmart + và Bách hóa xanh.

Tuy nhiên, theo VCBS, mô hình này hiện đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn vì số lượng tham gia quá nhiều trong khi sức mua của người tiêu dùng chưa thể tăng tương ứng và cạnh tranh với mô hình siêu thị và tiệm tạp hóa truyền thống.

“Nếu so sánh mật độ cửa hàng tiện lợi và thu nhập so với các nước trong khu vực, đặc biệt các nước có văn hóa tiêu dùng gần giống với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia hay Phillipines, mật độ cửa hàng tiện lợi của Việt Nam nếu xét về thu nhập hiện đang ở mức tương đương với các nước trong khu vực, hoặc còn dư địa nhưng không nhiều.

Thực tế có thể thấy, các thương hiệu ngoại khi mới vào thị trường đều đưa ra kế hoạch mở cửa hàng với số lượng rất lớn, nhưng sau thời gian hoạt động, con số thực hiện được lại khá khiêm tốn”, báo cáo của VCBS nêu.

Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng hỗ trợ ngành bán lẻ

Triển vọng ngành bán lẻ năm 2019 được các chuyên gia VCBS nêu trong báo cáo là thu nhập bình quân tăng hỗ trợ cho ngành bán lẻ. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, khoảng 40% dân số sẽ trở thành tầng lớp trung lưu trước năm 2021. Tổng chi tiêu của hộ gia đình được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 11,4% trong giai đoạn 2017 – 2021, theo Euromonitor.

Thứ 2, dư địa mở rộng thị trường nhờ đô thị hóa tiếp tục diễn ra. Khu vực nông thôn chiếm khoảng 65% tổng dân số cả nước, được coi là một thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Thêm vào đó, cả thu nhập bình quân và chi tiêu bình quân của người dân có xu hướng tăng trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, báo hiệu nhu cầu mua sắm sẽ tăng theo. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh (từ mức 20% năm 1998 lên mức 37,5% năm 2017), và ước tính sẽ lên đến 37,4% trong năm 2021, theo BMI kỳ vọng khu vực nông thôn sẽ chuyển mình lên nông thôn mới, thành thị.

Thứ 3, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng hỗ trợ sự phát triển của ngành. Tính đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tiêu dùng chiếm 18% trong tổng dư nợ tín dụng, cao hơn mức 11,4% của 2016. Mặt bằng lãi suất trong nửa đầu năm 2018 duy trì ổn định và được dự báo chỉ tăng nhẹ trong nửa cuối năm.

Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, khoảng 40% dân số sẽ trở thành tầng lớp trung lưu trước năm 2021.

Đây được coi là yếu tố hỗ trợ tích cực cho các công ty trong ngành khi phải duy trì mức lãi suất cao trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, xu hướng liên kết với nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ để đẩy mạnh dịch vụ cho vay tiêu dùng lãi suất 0% kích thích tiêu dùng của người dân, từ đó thúc đẩy doanh số bán lẻ.

Cuối cùng là triển vọng ở mô hình siêu thị mini. “Như chúng tôi đã phân tích ở trên, mô hình siêu thị mini với các thương hiệu như Bách Hóa Xanh, Satra Food, hay Vinmart + đều sở hữu những điểm đặc trưng với mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống nên vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá tốt”, báo cáo của VCBS nêu.

Bên cạnh đó, mô hình kết hợp với tiệm tạp hóa truyền thống cũng được xem là điểm khác biệt. Điển hình như Saigon Co.op đã thực hiện chiến lược liên kết với các cửa hàng tạp hóa bằng việc nhượng quyền thương hiệu Co.op Smile cho các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ nhằm tận dụng được điểm bán, lượng khách hàng sẵn có của các đại lý truyền thống, nhưng thay vào đó sẽ hiện đại hóa việc quản lý và điều hành các cửa hàng này theo tiêu chuẩn của siêu thị mini nhằm khắc phục hạn chế của các cửa hàng truyền thống.

Thế Giới Di Động: Lớn nhất nhưng vẫn nhanh nhất

Năm 2019, Thế Giới Di Động tiếp tục “truyền thống vượt kế hoạch” với mục tiêu đạt hơn 100.000 tỷ doanh thu chỉ trong 11 tháng.

Với quy mô doanh thu khủng đã lên tới hàng tỷ đô, Thế Giới Di Động vẫn đi nhanh và thần tốc hơn người ta tưởng. Kết thúc 2018, giờ là lúc người ta sẽ hỏi: 2019 MWG sẽ tiếp tục đi nhanh nhờ đâu?

CEO trẻ tuổi chinh phục đỉnh cao hơn 100.000 tỷ

MWG mới đây bổ nhiệm ông Đoàn Văn Hiểu Em vào vị trí Tổng giám đốc của hai chuỗi thegioididong.com và Điện máy Xanh.

Ở tuổi 36, đây có lẽ là một trong những CEO trẻ tuổi nhất giữ vai trò lãnh đạo của một công ty có doanh thu hàng tỷ đô.

Ngay sau khi “nhậm chức”, tân CEO đã bắt tay vào một loạt các hành động tạo ra kết quả: mở mới, chuyển đổi và nâng cấp cửa hàng, thay đổi cách sắp xếp hàng hóa nhằm tăng diện tích trưng bày, thêm sản phẩm mới và nhắm tới nhóm khách hàng mới…

Theo đó, vị tân CEO cho biết mục tiêu hơn 100.000 tỷ doanh thu với phần đóng góp lớn của bán lẻ điện thoại và điện máy sẽ có thể thực hiện được trong năm 2019.

Bách hóa Xanh mục tiêu tăng trưởng hơn gấp đôi

Năm 2019 doanh thu Bách hóa Xanh sẽ chiếm vị trí “quán quân” về tốc độ tăng trưởng, dự kiến tăng hơn gấp đôi. Cùng với đó, Bách hóa Xanh vẫn đảm bảo hiệu quả khi mặc dù chưa phải là chuỗi có số lượng nhiều nhất trong hệ thống tập đoàn Thế Giới Di Động nhưng chắc chắn là chuỗi đứng đầu về lưu lượng khách ghé thăm. Tính trung bình, mỗi cửa hàng thu hút hơn 500 lượt khách/ngày, doanh thu trung bình đạt 1,2 tỷ/tháng, những con số mà khó có chuỗi cửa hàng thực phẩm nào theo kịp.

Với việc tăng tốc mở rộng ở phía Nam và thử nghiệm một mô hình chuẩn đi các tỉnh, Bách hóa Xanh chắc chắn sẽ mang MWG tiến xa hơn kể từ 2019. Và vì thế, mặc dù đã là doanh nghiệp lớn, chắc chắn người ta sẽ còn phải ngạc nhiên về khả năng đi nhanh của Thế Giới Di Động.

Thanh Thảo

Bí quyết tư duy của người thành công: Đặt câu hỏi đúng

Một đặc tính tuyệt vời của não bộ là nếu bạn đặt câu hỏi, nó sẽ đưa ra câu trả lời. Đó chính là lý do vì sao việc đặt câu hỏi đúng rất quan trọng.

Trong 2 thập kỷ qua, Gerhard Gschwandtner – tác giả sách, nhà sáng lập, CEO Selling Power Magazine – đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu về cách tư duy của người thành công và phương pháp để “sao chép” chúng.

Nhờ quá trình nghiên cứu đó, ông đã khám phá ra một mô hình hấp dẫn và hữu ích, cho thấy cách mà những niềm tin từ bên trong tác động đến hành động của mỗi người.

Mô hình tư duy kim tự tháp

Gerhard Gschwandtner nhận thấy não bộ con người hoạt động như một chiếc kim tự tháp với những niềm tin, khả năng tư duy tồn tại ở 3 cấp độ:

– Niềm tin được “cấy” vào

Đây là những niềm tin bạn hấp thu từ môi trường xung quanh, như văn hóa bản địa, những người gần gũi (cha mẹ, người thân…). Một vài trong số những niềm tin này hữu ích và đúng đắn, ngược lại, một số khác có thể gây hại cho bạn.

Thách thức ở đây là: “chỉ tưới nước cho hoa và đừng chăm sóc cỏ dại”. Nghĩa là bạn phải chọn tiếp thu những điều đúng đắn và nói “Không” với những kinh nghiệm bất hợp lý.

Ví dụ, người cha quá cố của tôi tin rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì nếu dồn hết tâm trí vào nó. Nhưng cũng giống như những người ở thế hệ cũ khác, ông có một tư tưởng phân biệt chủng tộc dù chỉ theo một cách khá thầm lặng. Tôi đã tiếp thu quan điểm sống tích cực và từ chối tư tưởng phân biệt chủng tộc của ông.

– Niềm tin được ghi dấu lại

Đây là cấp độ cao nhất của những niềm tin được “cấy” vào não. Chúng được tạo ra khi bạn có ấn tượng đặc biệt về một người hướng dẫn hoặc một người thầy giỏi.

Những kinh nghiệm này hoàn toàn có khả năng thay đổi cuộc đời bạn. Ví dụ, một số người đã thay đổi hẳn cách sống, cách nghĩ chỉ nhờ vào một buổi trò chuyện, sau khi đọc một quyển sách hoặc nghe một bài phát biểu.

– Niềm tin từ cảm hứng

Cấp độ cao nhất của mô hình kim tự tháp này là những niềm tin được tạo ra từ nguồn cảm hứng. Những niềm tin này còn mạnh mẽ hơn cả những kinh nghiệm từ môi trường sống hoặc một số bài học từ những người có tác động lớn đến cuộc đời bạn.

Tất cả chúng ta luôn có điều gì đó rất đặc biệt mà có thể được gọi là “điều kỳ diệu từ bên trong”. Đó có thể là tài năng nào đó luôn muốn được bộc lộ ra bên ngoài hoặc những ước mơ giúp chúng ta khám phá ra hướng đi mới cho cuộc đời.

Thách thức ở đây là phải phân biệt được đâu là những niềm tin giúp cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn.

Đặt những câu hỏi đúng để nâng cao hiệu suất làm việc của não

Một đặc tính tuyệt vời của bộ não con người là, nếu bạn đặt câu hỏi, nó sẽ đưa ra câu trả lời. Đó chính là lý do vì sao việc đặt câu hỏi đúng rất quan trọng.

Tận dụng “nguyên lý” này, việc áp dụng những câu hỏi đúng sau đây sẽ giúp bạn định hướng tốt hơn cho cả 3 cấp độ tư duy trên, từ đó tăng cường hiệu suất làm việc của não:

– Những câu hỏi cho cấp độ 1:

Niềm tin nào từ thời thơ ấu của tôi đã được chứng minh là hữu ích nhất?
Niềm tin nào từ thời thơ ấu đã cản trở sự tiến bộ của tôi nhất?
Giờ đây tôi có thể làm gì để củng cố, tăng cường niềm tin hữu ích nhất?
Giờ đây tôi có thể làm gì để loại bỏ những niềm tin sai lệch?

– Cấp độ 2:

3 quyển sách nào tác động đến tôi nhiều nhất?
3 kinh nghiệm nào đã cho tôi những bài học hữu ích nhất?
Giờ đây tôi có thể làm gì để tăng cường sức ảnh hưởng của những niềm tin đã tiếp thu?
3 người hướng dẫn nào phù hợp nhất (tác giả sách, chuyên gia, nhà tư vấn…) sẽ giúp tôi hoàn thành những mục tiêu hiện tại?

– Cấp độ 3:

Điều gì tôi có thể làm và tin rằng mình không thể thất bại?
Điều gì đang níu giữ, khiến tôi không thể vực dậy và làm theo nguồn cảm hứng của mình?
Những lĩnh vực nào trong cuộc sống cá nhân có thể hướng tôi đến nguồn cảm hứng đó?
Kế hoạch nào giúp tôi hiện thực hóa nguồn cảm hứng đó?

Tỷ phú Jack Ma không cần những ngôi sao trong công ty. Thay vào đó, ông tạo ra những ngôi sao.

Đây là kiểu nhìn nhận của tỷ phú Jack Ma trong thuật dùng người khi vận hành công ty. Đối với ông chủ của Alibaba, việc thuê đúng người là điều quan trọng để phát triển một doanh nghiệp.

CNBC ngày 1/1 dẫn lời Jack Ma về một sai lầm trong tuyển dụng ông từng mắc phải trong những ngày đầu mở công ty, được kể lại như sau.

“Khi tôi gọi vốn vòng đầu, con số là 5 triệu USD. Tôi thuê rất nhiều phó giám đốc từ các công ty đa quốc gia. Một trong số các phó giám đốc marketing đã đến gặp tôi, đưa tôi một bản đề nghị, ông ấy nói: ‘Thưa ngài, đây là kế hoạch marketing năm sau của chúng ta’”, ông Ma kể.

Kế hoạch đó có mức chi phí lên tới 12 triệu USD – nhiều hơn hẳn ngân sách của công ty. Hóa ra, người nhân viên này sau đó thú nhận chưa từng làm một kế hoạch nào dưới 10 triệu USD cả.

Jack Ma nhận ra ông đã sai khi chọn người không phù hợp.

Alibaba hiện là một gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc, với hơn 80.000 nhân viên trên toàn cầu, theo Hãng tư vấn Universum.

Đằng sau sự thành công này là tôn chỉ đầu tiên của Jack Ma: Tránh những người “giỏi nhất” và “chuyên gia”. Ông giải thích bản thân không thích thuê những người này vì “không có cái gọi là chuyên gia của tương lai, họ chỉ là những chuyên gia trong quá khứ”.

“Không bao giờ có người giỏi nhất. Những người giỏi nhất luôn ở trong công ty bạn, chính bạn đào tạo họ thành người giỏi nhất. Tất cả bắt đầu với việc nhận những người sẵn sàng học hỏi và không sợ phạm sai”, ông nói.

Thủ khoa chưa bao giờ là một yêu cầu tuyển dụng của Jack Ma. Thực tế, ông còn là người nổi tiếng “trốn” những người đứng đầu lớp.

Ông Ma thường thích thuê những người không có thành tích nổi trội tại trường lớp. Ông giải thích rằng nhóm “tinh hoa đại học” này sẽ sớm nản lòng khi đối mặt với khó khăn trong thế giới thực. Ông tìm kiếm những ứng viên có đủ đầu óc để điều hướng tốt trong môi trường kinh doanh thay đổi liên tục.

Jack Ma thích những người có trí tuệ xúc cảm cao. Lý do là vì họ sẽ là những người lãnh đạo và đồng đội tốt hơn hẳn. Cùng lúc đó, một chút trí khôn mới giúp họ tiến xa hơn, ông giải thích.

Tỷ phú Jack Ma cũng nhiều lần nhấn mạnh sự quan trọng của sự lạc quan. Đây là nét tính cách ông nói đã giúp mình xây dựng Alibaba trở thành “ông lớn” trong ngành công nghệ như ngày nay. Jack Ma cho rằng giữ được sự lạc quan có thể giúp con người biến thử thách thành thuận lợi.

“Là một người khởi nghiệp, nếu bạn không lạc quan, bạn sẽ gặp rắc rối. Vì thế những người tôi chọn, họ phải lạc quan”, ông nhấn mạnh. 

Người thông minh xử lý rắc rối như thế nào

Người thông minh về mặt cảm xúc dễ tha thứ lỗi lầm của người khác vì không muốn sa lầy vào rắc rối của họ

Theo TS. Travis Bradberry – Chủ tịch TalentSmart, đồng tác giả cuốn Emotional Intelligence 2.0 (tạm dịch Trí tuệ xúc cảm 2.0), điểm chung của những người xấu tính là luôn hành động một cách vô lý. Một số người xấu tính cảm thấy hạnh phúc từ những tác động tiêu cực mà họ gây ra cho người xung quanh, số khác tìm kiếm cảm giác hài lòng từ việc gây rối để có thể dễ dàng điều khiển người khác. Dù bằng cách nào, họ cũng tạo ra sự phức tạp, xung đột, căng thẳng tồi tệ không cần thiết. 

Từ lâu, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự căng thẳng (stress) có tác động tiêu cực lâu dài đến não bộ. Ngay cả việc chịu stress trong vài ngày cũng đủ làm giảm hiệu quả hoạt động của các tế bào thần kinh quanh vùng hippocampus – một vùng não quan trọng đảm nhiệm vai trò suy luận và ghi nhớ. Nhiều tuần sống trong căng thẳng sẽ làm đảo lộn, gây hại các nhánh dây thần kinh – vốn là những “cánh tay” nhỏ giúp các tế bào não giao tiếp với nhau. Và việc bị stress trong nhiều tháng liền sẽ phá hủy hoàn toàn các tế bào thần kinh.

Stress là một mối đe dọa với thành công của bạn, vì khi rơi vào tình trạng mất kiểm soát, não bộ và hiệu suất làm việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng xấu. 

Một nghiên cứu mới đây từ Khoa Sinh học và Tâm lý học lâm sàng thuộc Đại học Friedrich Schiller (Đức) phát hiện ra, việc tiếp xúc với những tác nhân kích thích sẽ gây ra những cảm giác tiêu cực mạnh mẽ – cùng loại tiếp xúc mà bạn có khi đối phó với người xấu tính – khiến bộ não đưa ra những phản ứng căng thẳng nghiêm trọng. Cho dù đó có là những câu nói tiêu cực, độc địa, điên khùng,… thì mục đích của những kẻ xấu tính vẫn là khiến bạn rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức – thứ mà bạn phải tránh bằng mọi giá. 

TS. Travis Bradberry chỉ ra, khả năng quản lý cảm xúc và giữ bình tĩnh trước áp lực có mối liên kết trực tiếp đến hiệu suất làm việc của một người. Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi TalenSmart, 90% những người có hiệu suất làm việc hàng đầu tham gia khảo sát có kỹ năng quản lý cảm xúc trong những thời điểm căng thẳng, có thể giữ được bình tĩnh và sự kiểm soát. Một trong những món quà tuyệt nhất của họ là khả năng “miễn dịch” với người xấu tính. Họ được rèn luyện để đối phó và vạch ra chiến lược giao tiếp phù hợp để tránh chịu những tác động xấu từ những người này.

Theo Bradberry, để làm việc hiệu quả với kiểu người xấu tính, bạn cần có cách tiếp cận riêng để kiểm soát những điều có thể làm và không thể làm. Điều quan trọng cần nhớ là bạn có thể kiểm soát được nhiều thứ hơn những gì bạn nghĩ. 

Dưới đây là 10 bí quyết tốt nhất mà người thông minh dùng để giải quyết rắc rối khi làm việc với những người xấu tính, được Bradberry rút ra trong quá trình làm việc, huấn luyện.

1. Tự đặt ra giới hạn

Những người tiêu cực, hay phàn nàn thường mang đến tin xấu vì họ luôn đắm chìm trong rắc rối của chính mình và thất bại trong việc tập trung vào giải pháp. Họ muốn mọi người cùng tham gia “bữa tiệc” tiếc nuối để bản thân cảm thấy dễ chịu hơn. 

Và vì không muốn tỏ ra thô lỗ hay tàn nhẫn với những người thích phàn nàn, chúng ta ngồi im lắng nghe họ dù biết làm vậy sẽ khiến bản thân căng thẳng. Nhưng theo Bradberry, có một ranh giới giữa việc cho mượn một đôi tai đồng cảm với việc bị cuốn vào dòng xoáy cảm xúc tiêu cực của người khác. 

Bạn có thể tránh được tình trạng này bằng cách tự đặt ra giới hạn và tạo khoảng cách với họ khi cần thiết. Hãy nghĩ theo hướng thế này: Nếu một người phàn nàn muốn bạn cùng ngồi đó cả buổi chiều trong khi họ đang hút thuốc thì chẳng phải bạn vừa phải chịu căng thẳng, vừa phải hít làn khói độc hại đó sao? Hãy tự tạo khoảng cách với những điều xấu và cả với người thích phàn nàn kia. 

Một cách tuyệt vời để thiết lập giới hạn là trực tiếp hỏi thẳng người kia về cách mà họ định giải quyết vấn đề. Thông thường, những người này sẽ yên lặng nhìn xuống hoặc tảng lờ, chuyển cuộc trò chuyện theo hướng tích cực hơn. 

2. Không để cảm xúc chen vào

Những người xấu tính khiến bạn phát điên lên vì lối cư xử vô lý. Bạn nhận ra điều đó nhưng tại sao lại cho phép bản thân đáp lại họ một cách tình cảm (cả tích cực lẫn tiêu cực) và sau đó bị mắc kẹt trong mớ bòng bong không phải của mình?

Hãy từ bỏ mong muốn đánh bại họ trong trò chơi mà họ đang làm chủ. Tránh xa những người đó về mặt tình cảm, chỉ nên tiếp xúc với họ một cách thận trọng như thể họ là một dự án khoa học (hoặc bạn là bác sĩ tâm thần của họ nếu bạn thích có sự tương đồng giữa đôi bên). Nhớ rằng bạn không nên giải quyết rắc rối bằng cảm xúc mà phải tập trung vào sự việc.

3. Tăng cường khả năng nhận thức 

Việc duy trì khoảng cách cảm xúc đòi hỏi bạn phải tự trang bị khả năng nhận thức. Bạn không thể ngăn ai đó ngừng thao túng bạn nếu chính bạn không nhận ra mình đang bị thao túng.

Đôi lúc bạn thấy bản thân rơi vào trường hợp cần xem xét lại mọi thứ và tìm ra lối đi tốt nhất để tiến lên trước. Đó là trạng thái điển hình cho việc bạn tỉnh táo, nhận thức sự việc và do đó, không nên e ngại hay hoang mang trước khả năng trên. 

Hãy nghĩ về điều này bằng tình huống giả dụ sau: Nếu một người thần kinh không ổn định chặn đường bạn trên phố và nói rằng anh ta là cựu tổng thống Mỹ John F. Kenedy, chắc chắn bạn không thể “chỉnh” lời anh ta ngay lúc đó được. Hoặc khi bạn và đồng nghiệp có quan điểm trái ngược nhau trong công việc, đôi khi cách tốt nhất chỉ là mỉm cười và gật đầu chào nhau thay vì lao vào đấu khẩu.

Còn nếu bạn quyết phân định đúng – sai với những người như trên, hãy dành thời gian lên một kế hoạch khả thi trước khi thực hiện.

4. Đặt ra ranh giới

Ranh giới là thứ mà hầu hết mọi người thường đánh giá thấp. Họ cảm thấy giống như vì phải làm việc hay sống cùng với ai đó nên không tài nào kiểm soát được rắc rối xảy đến. Điều này không đúng. Một khi bạn biết cách không để cảm xúc chen vào mối quan hệ, bạn sẽ nhận ra cách cư xử của một người trở nên dễ đoán và dễ hiểu hơn. 

Việc tự đặt ranh giới trang bị cho bạn cách nghĩ hợp lý về những thứ nên và không nên khi ở cùng những người khác, đặc biệt với những người bạn cần dè chừng. Ví dụ, ngay cả khi bạn buộc phải hợp tác chặt chẽ với một thành viên trong dự án thì điều đó không có nghĩa cả hai phải trở nên thân thiết với nhau về mọi mặt.

Bạn cần chủ động và có ý thức trong việc tự đặt ranh giới. Nếu bạn để mặc mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên, bạn sẽ buộc phải cuốn vào rắc rối từ trên trời rơi xuống. Nhưng nếu bạn tự đặt ra giới hạn, quyết định thời gian, địa điểm diễn ra sự việc, bạn có thể kiểm soát sự lộn xộn mà đối phương gây ra. 

Bí quyết duy nhất là tuân thủ những điều đã đặt ra và bảo vệ ranh giới ở đúng nơi chúng đang đứng khi có ai đó cố gắng xâm phạm.

5. Không chết trong cuộc chiến

Người thông minh hiểu tầm quan trọng của việc sống sót trong một cuộc chiến với người xấu tính. Xung đột là thứ diễn ra không chỉ ở quá khứ, hiện tại mà cả trong tương lai. Việc không kiểm soát được cảm xúc đẩy bạn lún sâu vào một cuộc chiến mà ở đó bạn là người bị thương nặng nhất. 

Khi hiểu và biết cách chế ngự cảm xúc bản thân, bạn sẽ khôn ngoan hơn trong việc chọn trận chiến để tham gia và đứng vững trên chiến tuyến. 

6. Tập trung vào giải pháp thay vì vấn đề

Nơi bạn tập trung sự chú ý sẽ xác định trạng thái cảm xúc của bạn. Cứ quẩn quanh với rắc rối chỉ tổ khiến bạn càng thêm căng thẳng và nảy sinh tâm lý tiêu cực. Ngược lại, khi tập trung vào những hành động giúp bản thân và hoàn cảnh trở nên tốt hơn, bạn sẽ có tâm lý tích cực và bớt căng thẳng. 

Việc những người xấu tính gây khó dễ hoặc cư xử vô lý với bạn là cách giúp họ cảm nhận quyền lực và sử dụng chúng lên bạn. Đừng nghĩ cách trả đũa những người như vậy. Thay vào đó, tập trung vào việc bạn sẽ đối phó với họ/rắc rối đó như thế nào. Điều này giúp bạn kiểm soát lại mọi việc đồng thời giảm sự căng thẳng mà bạn từng gặp phải trong những lần giáp mặt với họ trước kia. 

7. Không quên

Những người thông minh về mặt cảm xúc dễ tha thứ lỗi lầm của người khác nhưng điều đó không có nghĩa là họ mau quên. Tha thứ đòi hỏi bạn buông bỏ những việc đã qua để bản thân tiếp tục tiến về trước. Nó khác với việc cho người mắc lỗi có một cơ hội khác. 

Người thông minh không muốn sa lầy một cách không cần thiết vào sai lầm của người khác. Vì vậy, họ nhanh chóng bỏ qua mọi thứ và quyết đoán hơn trong việc bảo vệ bản thân khỏi những mối nguy tiềm ẩn.

8. Tránh độc thoại tiêu cực

Thỉnh thoảng, bạn bị cuốn vào cảm giác tiêu cực của người khác. Việc nghĩ xấu về người đối xử tệ bạc với bạn chẳng có gì sai nhưng việc độc thoại (tự nói với chính mình) về cảm xúc bản thân có thể hoặc làm tăng tâm lý tiêu cực. 

Theo TS. Travis Bradberry, độc thoại tiêu cực là thứ không cần thiết, phi thực tế và là một cách tự đánh bại mình. Nó đẩy bạn vào vòng xoáy cảm xúc theo chiều hướng đi xuống – thứ vốn không dễ thoát ra. Bạn nên tránh những cuộc độc thoại tiêu cực bằng mọi giá. 

9. Ngủ đủ giấc

Nhiều người không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của giấc ngủ trong việc tăng trí thông minh về mặt cảm xúc cùng khả năng quản lý stress. Thời gian ngủ là lúc não được “sạc pin” để khi thức dậy, bạn có đủ tỉnh táo và sáng suốt duy trì các hoạt động trong ngày. Khả năng tự kiểm soát, chú ý và ghi nhớ – tất cả đều sụt giảm nếu bạn không ngủ đủ hoặc ngủ không đúng cách. Thiếu ngủ làm tăng hormone gây stress, đường huyết, huyết áp,…

Một giấc ngủ ngon giúp bạn trở nên tích cực hơn, sáng tạo hơn và chủ động hơn khi tiếp xúc với những người xấu tính, từ đó có chiến lược giao tiếp phù hợp. 

10. Nhờ người khác giúp đỡ

Cố gắng tự mình giải quyết mọi thứ là cách làm nghe có hấp dẫn nhưng lại hoàn toàn không hiệu quả. Để đối phó với những người xấu tính,, bạn cần nhận ra những điểm yếu trong cách tiếp cận của bạn với họ. Để làm được điều này, bạn cần sự hỗ trợ của những người xung quanh có năng lực quan sát và phân tích tình huống.

Xung quanh bạn đều có người luôn cổ vũ, sẵn sàng giúp đỡ bạn lúc khó khăn. Đó có thể là đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, người thân,… Hãy tìm đến những người này và lắng nghe những nhận định, nhận sự giúp đỡ khi bạn cần chúng. 

Đó đơn giản chỉ là giải thích tình huống để tìm ra một giải pháp mới. Thông thường người ngoài cuộc sẽ sáng suốt hơn người trong cuộc và nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.