Monthly Archives: March 2019

Sáng tạo để tìm chiến lược kinh doanh mới

Sáng tạo, tìm ra cái mới là một trong những yếu tố quyết định việc tồn tại và phát triển của mọi doanh nghiệp. Thực tế đã có một số công ty ngày trước khá nổi tiếng nhưng nay bắt đầu suy yếu mà nguyên nhân là do không bắt kịp yêu cầu sáng tạo, đổi mới chiến lược kinh doanh của thời đại.

Ngược lại cũng có không ít các dự án khởi nghiệp, quy mô ban đầu không lớn lại nhanh chóng phát triển thành những công ty hàng đầu, nhờ vào tư duy sáng tạo trong xây dựng chiến lược kinh doanh. Đã gọi là sáng tạo thì không thể có sẵn mô hình nào. Bài viết chỉ xin gợi ý một vài hướng đi có thể giúp tìm ra những chiến lược kinh doanh mới.

Đột phá

Ngay trong nghĩa của từ này đã gợi ra rằng có thể tìm ra những hướng đi mới bằng cách phá vỡ, vượt qua những nguyên tắc hiện tại. Tìm hiểu và làm theo những điều được coi là nguyên tắc kinh điển đã khó rồi, nhưng tìm hiểu để từ đó vạch ra những điều mình có thể làm khác đi, mang lại kết quả tốt hơn thì càng khó bội phần. Nhưng đó chính là con đường có thể giúp tìm ra các chiến lược kinh doanh mới, mang tính đột phá.

Ví dụ, khi mở một cửa hàng, ta thường được khuyên là phải tìm mặt bằng càng gần trung tâm, vị trí đắc địa càng tốt, sau đó khi “sống” được rồi thì sẽ mở thêm các chi nhánh. Nhưng có phải nên luôn theo cách đó không? Tại sao không thử nghiệm bằng cách mở cửa hàng nhỏ ở xa trung tâm trước? Hơn nữa, có nhất thiết phải có điểm bán cụ thể để khách hàng đến tận nơi hay là khách ngồi nhà vẫn có thể xem và thậm chí thử hàng trước khi mua? Ngay cả khi cần thanh toán thì có nhất thiết phải qua ngân hàng không?… Cách đặt các câu hỏi để thách thức những điều được coi là chuẩn mực đã cho ra đời nhiều hình thức bán hàng kiểu mới. Chẳng hạn, sự ra đời và phát triển ngày càng mạnh của các hình thức như bán hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến, ứng dụng gọi xe, giao hàng nhanh…

Biến khiếm khuyết thành cơ hội

Bài tập kinh điển trong xây dựng chiến lược kinh doanh là phân tích SWOT để tìm các cơ hội, thách thức, cách khắc phục các điểm yếu và phát huy các điểm mạnh. Nhưng không phải lúc nào cũng có đủ nguồn nhân lực và vật lực để khắc phục các điểm yếu. Cho nên, có thể nghĩ khác đi bằng cách vận dụng những bước đi sáng tạo để biến khiếm khuyết thành cơ hội. Ví dụ, khi mới bước vào thị trường thì Tesla khá yếu về mạng lưới cửa hàng. Nhưng thay vì ra sức mở những cửa hàng hoành tráng ở vị trí đắc địa, Tesla đã chọn cách xây dựng các cửa hàng trực tuyến kiểu Apple Store nhưng có nhân viên bán hàng hưởng lương theo doanh số để tư vấn cho khách mua. Các cửa hàng trực tuyến của Tesla mở cửa 24/7, lúc nào cũng có nhân viên sẵn sàng trợ giúp, có thể bán theo giá thống nhất và chỉ chuyên bán xe điện, trong khi các cửa hàng bình thường phải bán giá khác nhau tùy theo chi phí mỗi nơi và thường phải bán kèm nhiều loại xe khác để có thêm khách.

Lẽ thường không ai muốn đặt ra điều kiện để tự giới hạn hoạt động kinh doanh của mình. Nhưng cũng có trường hợp tự áp đặt những giới hạn như là một cách để tạo ra các chiến lược kinh doanh mới. Dễ thấy một số nhà hàng, nhãn hiệu thực phẩm tự đặt ra tiêu chí chỉ sử dụng nguyên liệu sạch. Giới hạn trong việc sử dụng nguyên vật liệu và phương thức sản xuất là những thách thức rất lớn nhưng đồng thời cũng có những hướng phát triển rất tiềm năng. Có thể thấy, thời gian qua các doanh nghiệp với các dòng sản phẩm sạch ra đời ngày càng nhiều hơn.

Kết hợp với đối tác và đối thủ

Kết hợp kinh doanh không phải là ý tưởng mới nhưng sáng tạo trong cách kết hợp có thể mở ra những hướng đi mới. Có thể kết hợp các sản phẩm/dịch vụ rất khác nhau, của những lĩnh vực gần như không có điểm chung, hoặc thậm chí là kết hợp với đối thủ trong cùng ngành nghề. Giày thể thao Nike và đồng hồ thông minh Apple Watch, hai sản phẩm tưởng như không liên quan gì đến nhau nhưng lại kết hợp được với nhau để tạo ra chiến lược kinh doanh mới hướng đến nhu cầu mà ai cũng cần là rèn luyện thể thao, bảo vệ sức khỏe.

Ví dụ khác, hai hãng xe hơi BMW và Daimler (Mercedes) đã công bố kế hoạch liên kết cùng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ như chia sẻ xe, xây dựng bãi đậu xe, các điểm sạc điện cho xe và cả bán vé các dịch vụ vận tải công cộng. Sự kết hợp này vượt ra ngoài ngành công nghiệp xe hơi truyền thống và mở ra những hướng phát triển mới cho cả hai hãng.

Nhiều chiến lược kinh doanh mới có thể bật ra khi ta dám thách thức, làm khác, làm ngược các chuẩn mực hiện tại, dám nhìn thẳng vào những khiếm khuyết, giới hạn để tìm cách biến nó thành cơ hội hay dám thử kết hợp với các đối thủ trong ngành hoặc đối tác ngoài ngành.

Công ty tìm nhân sự chiến lược cho công ty bạn

Theo BRVN.vn

Thống kê cơ hội việc làm thương mại điện tử

Kết thúc năm 2018, tổng giá trị ngành thương mại điện tử Việt Nam đã đạt gần 3 tỷ USD, đồng nghĩa với mức tăng trưởng ấn tượng 87% chỉ trong vòng 3 năm, theo báo cáo do Google. Những con số hết sức khả quan này đã khiến Google tự tin gọi nền thương mại điện tử Việt Nam là một con rồng đang chờ được đánh thức.

Với tiềm năng đó, thương mại điện tử trong các năm tới sẽ là một “mỏ vàng” mang đến rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động cả nước. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là bài toán về gia tăng trình độ kỹ thuật và kiến thức chuyên môn cho lực lượng lao động trẻ để theo kịp những yêu cầu đặc thù của một nền kinh tế kỹ thuật số.

Hơn 800 cơ hội việc làm mỗi quý

Bản báo cáo của iPrice thống kê số lượng nhân viên tại 5 công ty thương mại điện tử lớn trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm: Lazada, Shopee, Zalora cùng Tokopedia và Bukalapak của Indonesia.

Số liệu thu thập được cho thấy trong hai năm, từ quý 4 năm 2016 đến quý 3 năm 2018, quy mô nhân sự của các công ty này tăng với tỷ lệ lên đến 15% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của ngành kinh tế trực tuyến Đông Nam Á (khoảng 10% mỗi năm, theo dự báo của Google) và vượt xa các khối ngành kinh tế truyền thống.

Điều này cũng đồng nghĩa là cứ mỗi quý, 5 công ty thương mại điện tử này đang tạo ra hơn 800 cơ hội việc làm mới cho thị trường lao động, một con số ấn tượng.

Đáng chú ý nhất trong số này chính là Shopee. Số lượng nhân viên của công ty này ở các nước Đông Nam Á đã tăng đến 176% chỉ trong vòng hai năm. Có nghĩa là trung bình mỗi ngày, Shopee lại tuyển thêm 3 nhân viên mới. Đây không phải là điều quá bất ngờ nếu nhìn vào những thành công mà Shopee cùng công ty mẹ Garena đã đạt được trong hai năm qua, bao gồm việc gọi vốn thành công và dẫn đầu thị trường Việt Nam về số lượt truy cập website trung bình hàng tháng (theo Bản đồ thương mại điện tử quý III của iPrice).

Không dừng lại tại đó, Shopee cùng với đối thủ lớn nhất của họ tại Việt Nam là Lazada vẫn đang tiếp tục gia tăng về quy mô. Trong số các công ty được khảo sát, Shopee và Lazada chính là hai công ty đang tuyển dụng một cách tích cực nhất.

Hai sàn thương mại điện tử hàng top ở Indonesia là Tokopedia và Bukalapak cũng có sự tăng trưởng ấn tượng về số lượng nhân viên. Zalora là ngoại lệ duy nhất trong số các công ty được thống kê: số nhân viên của Zalora giảm nhẹ từ 1.859 người xuống 1.715 người sau hai năm.

Tuy vậy, tính trong toàn Đông Nam Á, Lazada vẫn đang có tổng số lượng nhân viên cao nhất: 6.659 người.

Những thống kê này cho thấy các công ty thương mại điện tử như Shopee và Lazada đã, đang và sẽ còn tiếp tục là nguồn cung cấp rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam.

Cung chưa đủ cầu

Cũng theo nghiên cứu của iPrice, trong các công ty thương mai điện tử, bộ phận có nhu cầu nhân sự lớn nhất là Operations (Vận hành hoạt động). Theo sau đó lần lượt là các bộ phận Marketing, Kỹ thuật, và Công nghệ thông tin ở vị trí thứ 6.

Đặc biệt, nhân tài trong các chuyên ngành công nghệ cao như lập trình phần mềm, digital marketing, khoa học dữ liệu hoặc product marketing đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các công ty thương mại điện tử và hiện đang rất được săn đón.

Tuy vậy, theo khảo sát Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhân sự đáp ứng đủ các nhu cầu trên hiện thuộc vào dạng đặc biệt “hiếm có khó tìm” tại Việt Nam. Theo khảo sát này, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân viên có kỹ năng thương mại điện tử và công nghệ thông tin có xu hướng tăng theo từng năm.

Vì lý do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo cho lực lượng nhân lực trẻ trong thời gian tới sẽ là một yêu cầu hàng đầu cho toàn ngành TMĐT. Thực hiện được điều này cần sự cố gắng từ cả các công ty tuyển dụng và các đơn vị đào tạo.

Một tín hiệu rất đáng mừng là các năm gần đây, nhiều trường đại học trong nước đã bắt đầu giới thiệu các chương trình đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử, tiêu biểu có thể kể đến như Đại học Kinh tế Tài chính, Đại học Công nghệ Thông tin hay Đại học Kinh Tế TP.HCM.

Nói về định hướng đào tạo của ngành Thương mại điện tử, thầy Lê Diên Tuấn – đại diện trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho biết: “Mục tiêu của chương trình đào tạo này là phát triển các năng lực cần thiết cho người học trong ứng dụng công nghệ số và Internet vào thiết kế, quản trị và cải tiến các hoạt động kinh doanh và thương mại trong các tổ chức”.

Đặc biệt, các đơn vị đào tạo cũng đang dần chú trọng hơn vào việc chuẩn bị cho sinh viên kiến thức làm việc thực tế. Thầy Tuấn cho biết thêm: “Sinh viên chuyên ngành TMĐT được tham gia học thực tế tại doanh nghiệp lên đến 35% số tín chỉ. Thông qua việc học thực tế và kết hợp với kiến thức học tại nhà trường sẽ giúp sinh viên có định hướng đúng đắn về nghề nghiệp cũng như bắt kịp thực tế khi làm việc tại doanh nghiệp”.

Với các cơ hội việc làm hấp dẫn, cộng với những bước tiến rõ rệt trong công tác đào tạo, những năm tới đây hứa hẹn sẽ là thời điểm rất thích hợp để lực lượng lao động trẻ ở Việt Nam tìm kiếm một công việc trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Xem thêm: Việc làm ngành thương mại điện tử

Cre: iprice.vn

Bí quyết nào để doanh nhân trở thành người hạnh phúc?

Hạnh phúc, dù có nhiều hình dung và định nghĩa khác nhau, thường thì dễ có nơi những người thành đạt và giàu sang. Thành công trong cuộc sống hầu như là điều kiện tiên quyết để có hạnh phúc cá nhân. Thiết nghĩ đó là điều khó phủ nhận.

Doanh nhân thường được xem là lớp người bận rộn, thành đạt và có tiền của, cũng thường là những người có quyền thế, ở vị trí phải điều động hàng trăm hàng ngàn nhân viên, quyết định số phận và nghề nghiệp của rất nhiều người thuộc quyền.

Doanh nhân cũng thường tiếp xúc với thượng tầng xã hội, giao thiệp với các giới chức cấp cao trong và ngoài nước. Địa vị của doanh nhân do đó là niềm mơ ước của rất nhiều người.

Vì những lẽ đó, doanh nhân dễ là những người có hạnh phúc. Hạnh phúc, dù có nhiều hình dung và định nghĩa khác nhau về nó, thường thì dễ có nơi những người thành đạt và giàu sang. Thành công trong cuộc sống hầu như là điều kiện tiên quyết để có hạnh phúc cá nhân. Thiết nghĩ đó là điều khó phủ nhận.

Thế nhưng, những “ưu điểm” để đạt hạnh phúc của doanh nhân cũng chính là mối nguy của họ. Họ biết rõ hơn ai hết, đời sống của doanh nhân rất dễ bị mất hạnh phúc vì hoạt động của chính bản thân mình.

Đầu tiên, sức khỏe của doanh nhân thường xuyên bị đe dọa vì làm việc quá nhiều. Tâm trạng lo âu và cả bực tức không bao giờ vắng bóng trong lòng nhà doanh nhân. Sức khỏe là điều kiện bắt buộc để có hạnh phúc nhưng chính họ lại lơ là với nó.

Một lý do khác là doanh nhân dễ đồng hóa sự nghiệp với chính mình. Như cô ca sĩ cần tiếng vỗ tay, như nhà chính trị cần lá phiếu bầu, nhà doanh nhân cần doanh thu và lợi nhuận. Trong nhiều trường hợp, khi doanh nhân không đạt doanh số, lập tức anh ta bị mất việc.

Đã có nhà doanh nhân khi công ty mình bị phá sản đã chọn con đường tự tử vì tuyệt vọng. Nhiều khi nhà doanh nhân bên ngoài xem ra như một nhân vật sang trọng nhưng thực chất chỉ là một con người bị phụ thuộc vào con số, thị trường, vào những biến động bất thường của xã hội tiêu thụ. Làm sao doanh nhân có hạnh phúc khi bị lệ thuộc quá nhiều?

Hơn thế nữa, vì nội dung cuộc sống chỉ toàn là công việc, vì áp lực của sự thành công, vì đồng hóa mình với sự nghiệp, nhà doanh nhân dễ sinh ra ghiền nghiện công việc – một thứ tâm bệnh mà phương tây gọi là workaholic. Đó là những người không thể không làm việc, luôn luôn nhớ nghĩ đến công việc ngay cả những lúc được nghỉ ngơi. Đó là một dạng mất quân bình nội tâm của lớp doanh nhân mà ngày nay ta thường gặp tại phương Tây cũng như phương Đông. Những người đó tìm “hạnh phúc” trong công việc nhưng thực chất họ bị lệ thuộc về mặt tâm lý. Về sau, khi họ mất việc hay mất sức làm việc, ta dễ dàng đoán được cuộc đời họ sẽ như thế nào.

Như ta thấy, nhà doanh nhân là một lớp người đặc biệt: hội đủ điều kiện để được hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng có thể là những người bị lệ thuộc, thậm chí mất thăng bằng tâm lý hay nô lệ công việc. Chìa khóa của vấn đề quy lại vào nghệ thuật sống của họ. Liệu họ có một số bí quyết để lèo lái cuộc đời sao cho khả năng và cơ hội làm đời mình được thăng hoa chứ không ngược lại? Bí quyết nào làm cho doanh nhân có cơ may được hạnh phúc?

Điều đầu tiên có tính chất nền tảng là nhà doanh nhân cần có một quan niệm khôn ngoan về tài sản và địa vị của mình. Họ cần xem tất cả thứ đó không phải là mục đích cuối cùng mà chỉ là phương tiện đắc lực cho một cuộc đời phong phú và rộng mở. Trên thế giới, có nhiều nhà doanh nhân là những người sành nghệ thuật và thể thao, triết học và lịch sử. Họ say mê đi du lịch và làm công tác xã hội. Hầu như tất cả đều có một niềm đam mê riêng để cân bằng áp lực công việc.

Điều khác nữa là nhà doanh nhân cần xem sự nghiệp của mình chỉ là một khía cạnh của con người toàn thể. Nó chỉ là một phần, thậm chí là phần nhỏ của một sự sống thâm sâu mà họ còn phải dò tới đáy. Một số doanh nhân Nhật có truyền thống tu dưỡng thiền định định kỳ trong năm (Retreat) để có một khoảng cách nội tâm với những hoạt động hằng ngày.

Kinh nghiệm cho thấy, sau kỳ thiền định, nhà doanh nhân không hề lơ là trong công việc của mình nhưng lại tích cực và sáng tạo hơn, đồng thời quân bình hơn trong công việc và đời sống riêng tư.

Ngày nay tại phương Tây, thiền định không thể thiếu trong sự tập luyện kỹ năng sống cho nhiều người, từ doanh nhân đến nhà nghiên cứu khoa học, thậm chí cho cả phạm nhân trong tù. Khoa học cũng đã chứng minh mối liên hệ tích cực giữa thiền định và não bộ.

Khi việc kinh doanh đã phát triển, nhà doanh nhân khôn ngoan đã chuẩn bị để có người thay thế mình. Biến mình trở thành người “không ai thay được” chỉ tăng lên sự lệ thuộc lẫn nhau giữa công ty và bản thân – một điều không lợi cho ai cả.

Ngược lại, nhà doanh nhân khôn khéo đã tạo cho mình sự chủ động thời gian khi công việc đã phát triển, có cơ may đem những thành tựu của bản thân phục vụ lại cho chính mình và cho xã hội. Đó là chân hạnh phúc.

Cuối cùng, nhà kinh doanh phải biết rút lui kịp thời trước khi sức khỏe suy sụp.

Với sự thành đạt, lòng tự tin, kinh nghiệm và của cải trong tay, nhà doanh nhân vươn tầm nhìn đến cái toàn thể. Họ sẽ tận dụng tất cả khả năng, về mặt vật chất cũng như tâm linh, để hiểu ngộ về đời sống vốn vô cùng lớn rộng. Họ sẽ hiểu quả thực con người ai cũng đi tìm hạnh phúc, nhưng mỗi người quan niệm hạnh phúc một cách khác nhau.

Lúc đó có lẽ họ sẽ mừng vui tự thấy rằng, hạnh phúc của họ đang nằm trong tầm tay vì nó quá dễ có. Họ nhận ra hạnh phúc chỉ là sự tri túc. Biết “như thế là đủ” chính là chân hạnh phúc. Xưa kia họ không biết thế, lớp trẻ sau họ không mấy ai nghĩ thế.

Người thành đạt có một ưu điểm to lớn là dễ đến với sự “tri túc”, lý do là họ đã hưởng hết mọi thứ. Nhưng họ phải biết rút lui, phải biết tiết giảm lòng ham muốn. Họ sẽ nhớ đến nhà hiền triết Hy Lạp Epicurus (341 – 270 trước Công nguyên) – bậc thầy lỗi lạc của thời cổ đại – đã nói rất sớm về hạnh phúc và dục lạc. Epicurus nói rằng, đối với người đã thành đạt thì muốn cho họ hạnh phúc, ta không nên mong cho họ được thêm, mà mong cho họ được bớt, bớt đi lòng mong cầu. Người xưa đã biết thế nào là chân hạnh phúc.

Nhà kinh doanh sẽ chợt hiểu một điều rất giản đơn: hạnh phúc là một cảm giác nội tâm, nó không đến từ bên ngoài mà từ bên trong. Hoàn cảnh bên ngoài chỉ tạo điều kiện cho bên trong phản ứng để sinh ra hạnh phúc hay đau khổ. Sự phản ứng của bên trong lại thay đổi tùy theo tuổi tác, kinh nghiệm và sự già dặn. Doanh nhân đã đến một thời điểm trong đời để thấy rằng, mình càng ít mong cầu mình càng hạnh phúc. Và có lẽ doanh nhân sẽ đến một thời điểm để nhận ra rằng, mình có thể chỉ quan sát và ghi nhận hoàn cảnh thôi mà không phản ứng gì cả. Lúc đó, họ sẽ hạnh phúc nhất. Dạng đó của tâm được gọi là Định.

Các vụ thâu tóm ngược của doanh nghiệp Việt

7 tháng đàm phán, 160 cuộc gặp, nhiều khi rơi vào bế tắc, ông Trương Gia Bình lại lui về phía sau. Đúng 8g30 sáng (Mỹ), cuộc gọi kết thúc bằng lễ ký kết thỏa thuận một công ty công nghệ Việt mua lại công ty tư vấn Mỹ.

Đi đánh xứ người

“Sau thương vụ M&A công ty hàng đầu về điện lực và dầu khí của Đức cách đây 5 năm, từ đó đến nay chúng tôi đi tìm công ty để M&A. Cũng đã có rất nhiều công ty nói chuyện, danh sách khách hàng của họ rất đông, chúng tôi đã đàm phán nhưng thất bại”.

“Lần này, chúng tôi lọc ra mấy chục công ty để nghiên cứu. Sau khi cân nhắc, chúng tôi đã chọn 3 công ty. Đàm phán với công ty đầu tiên thất bại, chúng tôi đàm phán tiếp với Intellinet. Chúng tôi đàm phán trong vòng 7 tháng, với 160 cuộc gặp, nhiều khi cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, tôi lại lui về phía sau nhằm thúc đẩy tiến độ đàm phán… “, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình kể lại.

Lãnh đạo FPT xác định, khi chọn mua một công ty tư vấn công nghệ hàng đầu có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính bảo hiểm, y tế, sản xuất, phân phối bản lẻ, thương vụ “thả con săn sắt, bắt con cá rô” này giúp FPT được bổ sung và hoàn thiện các dịch vụ công nghệ từ khâu tư vấn chiến lược ban đầu đến khâu thiết kế, triển khai, bảo hành bảo trì sau cùng, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số.

Trước mắt, FPT thanh toán 30 triệu USD, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Tổng giá trị thương vụ có thể khoảng 45-50 triệu USD. Theo đó, FPT sẽ hưởng 90%, còn Intellinet hưởng 10% thành quả hợp tác trong tương lai.

Đi sau FPT, tập đoàn của “ông trùm giải trí” Việt, Nguyễn Ảnh Nhượng Tống vừa công bố thông tin về quyết định ký kết hợp đồng của công ty con là Yeah1 Network Pte.Ltd trong việc mua lại toàn bộ cổ phần sở hữu từ cổ đông của ScaleLab LLC có trụ sở tại Mỹ với giá trị 20 triệu USD.

Ông Đào Phúc Trí – Giám đốc điều hành Yeah1, chia sẻ: “Thương vụ với ScaleLab là một trong những dấu mốc quan trọng để tiến ra thị trường toàn cầu. Trong 3 năm tới, chiến lược của chúng tôi là sáp nhập thêm các kênh nội dung chất lượng, tối ưu hoá kênh sẵn có để tăng lượng người xem, hiệu suất; tạo ra nhiều nội dung toàn cầu, đầu tư nội dung thích hợp cho thị trường quốc tế, cung cấp nội dung chọn lọc cho từng vùng, lãnh thổ; phối hợp với thương hiệu để phát triển các chiến dịch truyền thông tích hợp”.

Dự kiến, các cổ đông của ScaleLad sẽ nhận được 20 triệu USD từ thương vụ này. Cụ thể, giá trị các cổ đông ScaleLad sẽ nhận được ngay lập tức là 12 triệu USD; 8 triệu USD sẽ được Yeah1 chi trả trong vòng 2 năm tới, tuỳ thuộc vào hiệu quả hoạt động của ScaleLad.

Dấu ấn lớn của người Việt trên đất Mỹ phải kể tới Vinamilk. Trước FPT, giới đầu tư cũng xôn xao với việc Vinamilk mua lại cổ phần công ty Driftwood Dairy tại bang California, Hoa Kỳ.

Sau khi đầu tư thêm 3 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư lên 10 triệu USD, Vinamilk đã chính thức nắm 100% quyền sở hữu tại một trong những nhà sản xuất sữa lâu đời và dẫn đầu thị trường Bắc California. Đây là một bước đi khá táo bạo nhưng được đánh giá là hợp lý của hãng sữa hàng đầu Việt Nam.

Thương vụ khác cũng đình đám không kém là một doanh nghiệp Việt mua ngân hàng 116 năm tuổi của Mỹ. Đó là Công ty TNHH Tập đoàn Tín Thành, tiền thân là công ty Điện hơi Công Nghiệp Tín Thành.

Oakwood State Bank vừa được một doanh nghiệp Việt mua đứt là một trong những ngân hàng lâu đời nhất nước Mỹ với bề dày lịch sử 117 năm

Triệu đô từ nước ngoài đổ về

Những năm gần đây, hoạt động M&A diễn ra hết sức sôi động. Các quyết định thâu tóm công ty nước ngoài của doanh nghiệp trong nước luôn được nhà đầu tư quan tâm, bởi đó là những thương vụ lạ, “thâu tóm ngược”, bởi chúng ta vốn quen với việc các đại gia ngoại thâu tóm doanh nghiệp nội.

Sau giai đoạn tập trung nhân lực và rót vốn đầu tư ban đầu, thương vụ đầu tư nước ngoài đã bắt đầu mang lại “trái ngọt” cho Vinamilk. Mới đây, Vinamilk quyết định thành lập mới Khối Kinh doanh quốc tế do ông Mai Hoài Anh giữ chức vụ Giám đốc điều hành. Điều này nhằm tăng cường chiến lược mở rộng đầu tư ra nước ngoài của công ty.

Theo đánh giá của FPT, Mỹ là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai. Trong năm 2017, thị trường này đã mang về cho FPT 50 triệu USD, tăng 17% so với năm 2016. Tại Mỹ, FPT đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 200 khách hàng trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng – tài chính, viễn thông, ô tô,…

“Nếu cộng cơ học kỳ vọng trong 12 tháng tới (tính từ tháng 7/2018, thời điểm mua Intellinet đến hết tháng 6/2019), doanh thu của FPT tại thị trường Mỹ có thể đạt mốc 100 triệu USD. Hiện chúng tôi chưa kỳ vọng tăng trưởng đột biến về lợi nhuận, tuy nhiên, sau thời gian 6-12 tháng có thể nâng biên lợi nhuận ròng của thị trường Mỹ lên mức 20%”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết.

Về chung nhà với Yeah1, ScaleLad kỳ vọng doanh thu tăng trưởng 20-25% từ năm 2019 trở đi, trong đó việc tái cơ cấu lại chi phí cùng hệ thống cộng hưởng với Yeah1 Network hỗ trợ ScaleLab hoà vốn trong năm 2019. Bước sang năm 2020, tỷ suất lợi nhuận ròng ScaleLad dự kiến đạt 10%.

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở cửa, hàng loạt thương vụ mua lại doanh nghiệp trên đất Mỹ cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ngày dần lớn mạnh, các tập đoàn lớn của Việt Nam hoàn toàn có tiềm lực để thực hiện các thương vụ M&A với đối tác nước ngoài.

Trong nước, Vinfast cũng đã mua lại hoạt động của GM Việt Nam. Hãng xe Việt sẽ nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng ôtô cỡ nhỏ mới được mua bản quyền từ GM.

VinFast cũng tiếp nhận hệ thống đại lý ủy quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.

Với việc mua lại hoạt động của GM Việt Nam, hãng xe Mỹ sẽ trở thành đối tác công nghệ của VinFast. Cuối năm 2018, việc chuyển nhượng các hoạt động của GM Việt Nam, bao gồm nhà máy tại Hà Nội, mạng lưới đại lý ủy quyền và đội ngũ nhân sự đã hoàn tất.

Đánh giá về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn rộng hơn, xa hơn tới những thị trường mới. Sau gần 30 năm, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các loại hình kinh tế và doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Nói về những kết quả đạt được, lãnh đạo FPT Trương Gia Bình tự hào: “Đây không chỉ là thương vụ đôi bên cùng thắng, mà tôi cho là có đến ba bên cùng thắng. Chúng ta có thể tự hào là người Việt, công ty Việt có thể thâu tóm công ty Mỹ ngay tại thị trường phát triển bậc nhất. Chúng tôi kỳ vọng rằng, các dự án của FPT sẽ có thay đổi về chất, tiếp tục đóng góp hơn nữa cho xuất khẩu phần mềm của Việt Nam đi thế giới”.

(theo Vietnamnet)

5 bí quyết thành công của một nhà đầu tư Shark Tank

Những người thành công đều có một đặc điểm chung, đó là họ yêu công việc của mình – theo nhà đầu tư Shark Tank Daymond John, tỷ phú sở hữu thương hiệu thời trang FUBU trị giá 6 tỷ USD.

Bạn phải thiết lập mục tiêu. Nếu không biết mình muốn gì, bạn sẽ không bao giờ có được nó.

Chia sẻ trên kênh CNBC, doanh nhân Daymond John – nhà sáng lập thương hiệu quần áo FUBU trị giá 6 tỷ USD, đồng thời là nhà đầu tư trên chương trình Shark Tank cho biết, thành công ông có được ngày hôm nay nhờ vào hàng loạt vấp ngã, sai lầm cộng với lòng quyết tâm và kiên trì.

Ông từng bị từ chối nhiều lần, mất mát không ít và đôi lúc bế tắc, không tìm thấy lối ra. Tuy nhiên, chặng đường gian khổ ấy đã giúp John nhận ra sự dũng cảm được sinh ra khi bạn buộc phải đứng lên và leo qua bức tường thử thách.

Dưới đây là 5 bí quyết đầu tư thành công được tỷ phú Daymond John đúc kết từ sự nghiệp kinh doanh của mình:

1. Thiết lập mục tiêu

Bạn không thể đạt mục tiêu nếu bạn không biết mình đang theo đuổi điều gì.

Cha của John mất khi ông mới 10 tuổi. Mẹ ông phải làm mọi việc để kiếm sống và cho rằng ông cũng nên phụ giúp chi trả hóa đơn trong nhà. Joh được giao các việc lặt vặt như phát tờ rơi quảng cáo hay làm việc tại trung tâm thương mại tại thành phố New York – nơi ông lớn lên. 

Ông đã bắt đầu công việc kinh doanh khi còn là đứa trẻ: Ông trộm bút chì của những cậu bé trong trường mà ông không thích, sơn tên các cô bạn chung lớp lên sau đó bán chúng cho họ. Khi là thiếu niên, John đã cố gắng tổ chức một bữa tiệc khổng lồ trên thuyền. Ông đã dùng hết số tiền trong thẻ tín dụng, vay mượn thêm để có được 20.000 USD thực hiện sự kiện lớn đó. Về sau John thừa nhận, đó là một canh bạc thực sự.

Vì không đủ tiền thuê chiếc thuyền sang trọng Princess Cruise Line, ông thuê chiếc Circle Line giá rẻ hơn. Ông chi 8.000 USD để thuê DJ, 3.000 USD cho hệ thống âm thanh, 3.000 USD cho việc phát tờ rơi quảng cáo, 2.000 USD cho nhân viên trên thuyền và phần còn lại dùng để mua rượu. 

Cuối cùng, sự kiện đã thất bại thảm hại khi có rất ít khách đến dự. Bữa tiệc chỉ thu về 4.000 USD, và John lỗ 16.000 USD. Ông nhìn vào chiếc thuyền Princess Cruise Line kế bên tấp nập người ghé thăm mà không hiểu tại sao chương trình của mình lại thất bại.

“Thành công được hội tụ từ nhiều yếu tố. Ngày đó, tôi đã không biết rằng chỉ với việc phát tờ rơi và mạo hiểm mọi thứ mình có cũng không giúp tôi thành công được. Mãi nhiều năm sau tôi mới nhận ra ngoài đam mê làm giàu, thành công còn cần có niềm đam mê. Tôi thất bại vì tư duy của mình”, ông chia sẻ.

Lớn hơn một chút, ông không biết mình muốn gì. “Tôi không có ước mơ hay khát vọng nào vào thời điểm đó – John kể – Cho đến khi hip-hop bùng nổ và du nhập vào Queens”. John cho biết, đó là lần đầu tiên ông cảm thấy thích một thứ hơn tất thảy mọi thứ khác. Ông cho biết: “Tôi muốn trở thành một phần của hip-hop dù chưa biết làm thế nào. Nó ảnh hưởng mạnh đến tôi. Tôi sẽ sống, chết và thành công trong thế giới đó”.

Tuy nhiên, ước mơ đó có phần bất khả thi bởi John không thể hát rap, cũng không biết nhảy hip-hop. Dù vậy ông bị hấp dẫn bởi Russell Simmons, người mà theo John, là “một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất mà tôi được tiếp xúc trong cộng đồng hip-hop, kiếm tiền từ việc bán nhạc”. Russell Simmons là nhà đồng sáng lập hãng đĩa hip-hop Def Jam, người tạo ra thương hiệu thời trang Phat Farm. Russell được xem như người giàu thứ ba trong làng nhạc hip-hop với tổng tài sản là 325 triệu USD.

Một đêm nọ, khi  John đang tham dự một buổi biểu diễn hip-hop từ cánh gà, ông nhìn ra sân khấu và nhận ra rằng tất cả mọi người trong khán phòng đều mặc một loại đồng phục. Ông nhận ra mình vừa phát hiện một điều mới mẻ. Ông muốn thiết kế trang phục cho cả cộng đồng hip-hop. 

“Trước đó, cuộc sống của tôi chỉ toàn màu trắng và đen. Tôi đã không biết mình muốn làm gì trong đời nhưng nó chính là khoảnh khắc đó, lần thứ hai cuộc đời tôi thay đổi từ trắng, đen sang màu sắc sặc sỡ”, John nói. 

Khoảnh khắc nhận ra đó dẫn John đến với bí quyết thành công đầu tiên của mình: Bạn phải thiết lập mục tiêu. Nếu không biết mình muốn gì, bạn sẽ không bao giờ có được nó.

Khi nhận ra mục tiêu của mình là gì, John bắt đầu nỗ lực hết sức để đạt được nó. Ông gọi cho mẹ và nói: “Con muốn thiết kế quần áo cho dân chơi hip-hop. Họ rap, họ hát nhưng chẳng có ai may đồ đậm chất hip-hop cho họ cả. Con sẽ làm điều đó”.

2. Chuẩn bị mọi thứ

Bước đột phá đầu tiên của John trong việc kinh doanh là may và bán mũ. Mẹ ông đã biến mảnh vải giá 40 USD thành những chiếc mũ và ông kiếm được 800 USD từ việc bán chúng. Với số tiền lời lớn thế này, ông vui vẻ lái xe về nhà và đâm vào chiếc xe khác. Tai nạn đó chính xác đã tốn của John 800 USD. 

“Mùi vị thành công đầu tiên đi nhanh như lúc nó đến, nhưng tôi vẫn không quên cảm giác đó”, John cho biết. 

Sau này, khi sáng lập thương hiệu thời trang FUBU (viết tắt của cum từ “For Us, By Us”), thành công cũng nhanh chóng đến với John. Ông cầm 10 chiếc áo sơ mi đến những buổi quay video âm nhạc hip hop của các ca sĩ nổi tiếng. Ông từng ngồi lì trước nhà của LL Cool J và thuyết phục chàng ca sĩ rapper, diễn viên tài năng vốn kín tiếng này chụp một bức hình mặc áo sơ mi in thương hiệu FUBU.

Ông đem bức ảnh đó cùng các mẫu áo FUBU đến buổi trình diễn thời trang dành cho nam giới tổ chức một năm 2 lần tại Las Vegas để giới thiệu và tìm kiếm khách hàng. Tại đó, ông nhận được nhiều đơn đặt hàng với tổng trị giá 300.000 USD.

Sự thành công làm ông choáng váng: “Tôi có nhiều tiền! Tôi thật giàu! Tôi sẽ chuyển đến Tahiti”, ông tự nói với mình trên chuyến bay trở về nhà. 

Để có vốn lưu động sản xuất lô quần áo FUBU đầu tiên, John  đi vay nợ ngân hàng. Tuy nhiên, ông cho biết mình bị từ chối không dưới 27 lần. Sau đó, mẹ ông cầm cố ngôi nhà của gia đình tại Hollis, Queens với giá 100.000 USD để John xây dựng một nhà máy tạm thời.

Số tiền này nhanh chóng giảm còn 500 USD khi John mua thêm máy may và vải thô. Tuy nhiên, John không thể hoàn thành đủ số lượng áo sơ mi trong đơn đăt hàng. Trong nỗ lực gọi vốn cuối cùng, mẹ John đăng một mẩu quảng cáo trên báo địa phương và đại diện xưởng may của “gã khổng lồ” Samsung đã gọi cho John. Họ đề nghị tài trợ vốn cho ông với điều kiện ông phải kiếm được 5 triệu USD doanh thu trong vòng 3 năm tới.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi đã mất nhà. Tôi cũng cạn sạch tiền. Nhưng tôi cũng biết mình sẽ không thể nào tự bán được 5 triệu USD tiền quần áo chỉ trong 3 năm”, John nói.

Tuy nhiên, sau đó, nhờ nghiên cứu kỹ thị trường, chiến lược kinh doanh, ông tự tin mình có thể làm được. Và quả thực, ông đã bán được 30 triệu USD quần áo chỉ trong ba tháng đầu tiên. 

Những sự kiện xảy ra trong thời gian đầu ra mắt FUBU đã dạy John bài học về tầm quan trọng của việc lên kế hoạch kỹ càng. Khi ông chưa đầu tư nghiên cứu chi phí sản xuất và tìm hiểu công việc điều hành, ông gần như tự giết chết công ty và làm mất nhà của mẹ. Nhưng khi ông biết mình phải làm gì, dự trù được các khoản tài chính cần có, ông đã đồng ý hợp tác với Samsung, vì ông biết mình có khả năng làm được.

3. Yêu những gì mình làm

Thành công mà John có được là nhờ vào niềm đam mê sâu sắc của ông dành cho công việc, CNBC nhận định. John xác nhận điều này: “Tôi yêu những gì tôi làm. Và tôi biết những người thành công đều có một đặc điểm chung, đó là họ yêu công việc của mình”.

4. Bạn chính là đại diện thương hiệu của mình

Sau thành công của FUBU, John bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình, chia sẻ về công việc kinh doanh cũng như hành trình đưa những chiếc áo sơ mi từ đường phố vào trung tâm thương mại tại Queens, và sau này phát triển thành một thương hiệu trị giá 6 tỷ USD. Với phong thái đĩnh đạc, cách thể hiện chân thành một cách thuyết phục, John đã được mời làm một nhà đầu tư trên chương trình khởi nghiệp Shark Tank.

John cho biết, tham gia Shark Tank giúp ông nhận ra một điều, đó là các nhà đầu tư không đầu tư vào công ty, họ đầu tư vào con người. Và trong thời đại kỹ thuật số, thương hiệu cá nhân là thứ đặc biệt quan trọng.

John khuyên mỗi người nên có riêng 2 đến 5 từ có thể miêu tả bản thân, bao gồm việc bạn là ai và bạn làm gì với cuộc sống của mình. Tuy nhiên, đó phải là những từ dễ nhận biết, không dành riêng cho bạn trong trường hợp bạn đang đứng trước các nhà đầu tư mạo hiểm. Các nhà đầu tư sẽ có những cách đánh giá khác nhau về bạn và công ty trước khi quyết định rót vốn. Do đó, bạn nên lựa chọn kỹ càng và kiên định với những từ miêu tả bản thân và công ty, dù là đang mời tài trợ, quảng cáo facebook hay gặp gỡ người mới.

5. Đừng từ bỏ

Bí quyết thành công cuối cùng của John được lấy hình tượng từ cô cá Dory trong loạt phim hoạt hình nổi tiếng Finding Nemo (tạm dịch: Truy tìm Nemo). “Bạn có thể nghĩ mình giống như cô cá xanh đãng trí Dory hoặc có thể không. Nếu bạn nghĩ rằng có nhiều thứ trong cuộc sống đang cố kéo bạn tụt lại phía sau thì tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi vốn mắc chứng khó đọc. Tôi còn lùn. Tôi lại nghỉ học giữa chừng, không học tiếp lên đại học. Tôi chẳng quen ai nổi tiếng, cũng không có họ hàng với bất kỳ ngôi sao nào. Tôi có thể nói mình là con trai của Elton John nhưng ai tin tôi chứ”, ông nói.

“Tôi không thể hát rap, cũng không biết ném bóng rổ, chơi bóng chuyền hay bất cứ thứ gì mọi người có thể chơi với một trái bóng. Nhưng tôi đã thành công và ngồi đây chia sẻ với bạn những điều này. Một phần vì tôi là người kiên trì”, John chia sẻ.

Ông cho biết, lý do khiến FUBU thành công trong những ngày đầu ra mắt là vì ông liên tục tìm thấy giải pháp giải quyết vấn đề vào những khoảnh khắc mà ai cũng có thể buông bỏ.

“Tôi từng thất bại nhiều hơn thành công. Dù vậy, cánh cửa thành công không bao giờ khép lại với những người luôn cố gắng và nỗ lực. Bạn phải luôn nỗ lực và đừng bao giờ từ bỏ”, nhà đầu tư Shark Tank Daymond John nhấn mạnh.