Category Archives: Career Advice

Khởi nghiệp có cần nghiên cứu thị trường?

Các startup thường bị đứng giữa 2 luồng quan điểm: Một là, mới khởi nghiệp, nghiên cứu thị trường chỉ lãng phí; Hai là, nghiên cứu thị trường càng kỹ càng tránh được nhiều sai lầm.

Khởi nghiệp có cần nghiên cứu thị trường?

Câu hỏi có nên nghiên cứu thị trường hay không thường làm các startup đau đầu. Ảnh: Coach Eduardo Corrêa

Nhà khởi nghiệp nên chọn theo hướng nào? Hãy phân tích:

Nghiên cứu thị trường chỉ là một sự lãng phí thời gian, công sức và chi phí ?

Những người theo quan điểm này cho rằng:

a/ Khách hàng không thật sự biết điều họ thật sự cần

Nếu ngày xưa Henry Ford hỏi khách hàng của ông họ cần gì, họ sẽ không nói rằng họ cần một chiếc xe ô tô mà sẽ nói rằng họ cần… một con ngựa có 5 chân và chạy nhanh hơn.

Steve Jobs không tin vào nghiên cứu thị trường nhưng ông và Apple đã tạo ra các sản phẩm làm thay đổi thế giới như iPod, iPhone, iPad… Những sản phẩm này dường như đến từ “trực giác thiên tài” của những “gã điên muốn thay đổi thế giới” hơn là từ kết quả của bất cứ bản khảo sát thị trường nào.

b/ Thị trường biến động quá nhanh và trong khi bạn đang nghiên cứu thì thị trường đã dịch chuyển sang một trạng thái khác rồi

Các công ty công nghệ thường chỉ lập kế hoạch cho vài tháng, không đến 1 năm; những kế hoạch kinh doanh 3 năm được lập ra có lẽ chỉ là một phần của “trò chơi” gọi vốn; còn những “ảo vọng” như kế hoạch đổi mới 5 năm lần thứ nhất, lần thứ hai… thì đã chứng minh mức độ hiệu quả của nó bằng thực tế.

c/ Nghiên cứu thị trường cần phải làm đúng cách, nếu không, chỉ mang lại hậu quả, mà khởi nghiệp thì chưa biết cách, hoặc không đủ tiền thuê đơn vị biết cách

Thực tế, có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng và làm chệch độ chính xác của một bản market research: lấy mẫu quá ít, chọn đối tượng khảo sát không đúng, phương pháp phỏng vấn không phù hợp, thiết kế câu hỏi / loại câu trả lời không chính xác…

Thậm chí có những lý do mà thoạt nghe có vẻ hài hước, như người phỏng vấn có tác phong… thấy ghét nên gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả trả lời của khách hàng, khảo sát về một loại bia nhưng cô gái tiếp thị bia quá đẹp làm cho các quý ông trả lời… thiếu trung thực…

Nếu thuê ngoài, chi phí của các Market Research Agency hàng đầu hiện nay có thể lên đến vài chục ngàn đô la Mỹ, hoàn toàn không phù hợp với một startup.

Kết quả là các doanh nghiệp này “lờ đi” việc nghiên cứu và khảo sát thị trường, nhắm mắt nhắm mũi làm, “sai đâu sửa đấy”, trông chờ vào cái gọi là “may mắn”. Họ thuộc tuýp người thiên về trực giác (hoặc họ tin là như vậy) nhưng lại quên mất rằng họ chưa có đủ trải nghiệm để tôi luyện trực giác của mình. Họ có sự dũng cảm và nghị lực, nhưng còn thiếu sự khôn ngoan cần thiết để gia tăng tỷ lệ thành công cho startup.

Cần đầu tư rất nhiều để nghiên cứu thị trường?

Không ít startup quan niệm rằng phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc cho công đoạn nghiên cứu thị trường. Những người này thuộc tuýp người có năng lực trí tuệ cao, khi đi học hay đạt điểm số cao và thường tin vào sức mạnh của tính logic.

Họ có khả năng “lượng hóa” tất cả mọi thứ. Họ quan niệm rằng mọi thứ cần phải hoàn hảo, khởi nghiệp cũng vậy. Họ muốn có những số liệu, từ nhỏ nhất trong tay. Triết lý mà họ theo là “Do the right thing at the first time” (Hãy làm đúng ngay từ lần đầu tiên).

Kết quả là sau một thời gian, những vị “giáo sư” này làm cho cỗ máy startup của mình không thể tiến về phía trước vì mãi cân nhắc các rủi ro.

Sự khác nhau giữa người thành công và người chưa thành công là ở khả năng tiên liệu trước các rủi ro và chuẩn bị các bộ giải pháp cho những rủi ro đó. Những người có thực tài không ngồi một chỗ chỉ để cân nhắc rủi ro, hoặc để cho tốc độ thử nghiệm của mình quá chậm và bỏ lỡ mọi cơ hội.

Vậy startup có nên làm market research khi khởi nghiệp không?

Thực tế, đã có nhiều startup thất bại vì không am hiểu về thị trường, hoặc coi thường việc nghiên cứu thị trường. Đây cũng là nhận định của nhiều nhà đầu tư trên thế giới lẫn Việt Nam. Tuy nhiên, cần đánh giá đúng sức mạnh của việc thử nghiệm.

Cho dù bạn có nghiên cứu thị trường kỹ bao nhiêu, thì có một thực tế là công ty nào đưa sản phẩm ra thị trường lần đầu sẽ là công ty hiểu về thị trường nhất.

Việc thử nghiệm bằng cách tung sản phẩm ra thị trường cũng là một cách làm nghiên cứu thị trường. Bạn cần phải nhanh chóng đưa ra những mẫu thử sản phẩm, có những tính năng tối thiểu mình muốn thử nghiệm (MVP – Minimum viable product) và thử nghiệm nó trên một nhóm nhỏ khách hàng mục tiêu.

Thay vì hỏi khách hàng nghĩ thế nào về sản phẩm thì hãy trao sản phẩm vào tay họ và quan sát họ sử dụng. Bằng cách đó, bạn sẽ thu nhận được nhiều thứ mà bạn đã chẳng nghĩ tới trong giai đoạn lập kế hoạch.

Điều quan trọng là hãy thử trên một mẫu nhỏ mà thôi. Vì sao? Vì bạn cần kiểm soát thương hiệu của mình ngay từ đầu.

Bài học quan trọng: Phân phối nguồn lực hợp lý

Startup khởi nghiệp theo phong cách “ném các đĩa spaghetti lên tường, đĩa nào còn dính lại thì đó là một cơ hội thật sự” sẽ đối diện với một nguy cơ là khi tìm ra một cơ hội thật sự thì đã hết thời gian hoặc hết nguồn lực để theo đuổi mục tiêu.

Còn startup đi theo phong cách “nghiên cứu bài bản, cẩn thận” thì nhìn thấy rất nhiều cơ hội nhưng lại không thực sự chớp được cơ hội nào cả.

Trong nhiều trường hợp, câu trả lời phù hợp là startup cần có cả hai: Nghiên cứu thị trường – lập kế hoạch – thử nghiệm để điều chỉnh kế hoạch liên tục. Điều quan trọng là startup cần chọn đúng tỷ lệ đầu tư nguồn lực (thời gian, chi phí, công sức) cho hai việc này.

Để chuẩn bị cho một trận đấu bóng đá kéo dài 90 phút, huấn luyện viên và các cầu thủ đã phải nghiên cứu về đối thủ và chuẩn bị kế hoạch từ trước rất lâu. Thật dại dột nếu bước vào trận đấu khi không có một phương án tác chiến nào.

Sự khác biệt giữa người khởi nghiệp thông minh và nhà khởi nghiệp thiếu khôn ngoan nằm ở chỗ: nếu xem “trận đấu startup” cũng chỉ có 90 phút, người khởi nghiệp thông minh chỉ dùng 10 phút cho việc nghiên cứu – lập kế hoạch, 80 phút còn lại là trải nghiệm thực tế để điều chỉnh kế hoạch đó; còn người khởi nghiệp thiếu khôn ngoan hoặc chẳng cần biết đối thủ là ai, hoặc mất đến 60 phút để chuẩn bị cho công đoạn nghiên cứu – lập kế hoạch và chỉ còn lại 30 phút để tác chiến. Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi nghiên cứu và kế hoạch là sai? Startup chỉ còn 30 phút để sửa sai. Tỷ lệ này là quá ít ỏi để tìm ra lời giải cho bài toán khởi nghiệp.

Bí quyết đánh thắng trận của các vị tướng thành công là họ biết cách điều chỉnh kế hoạch của mình cho phù hợp với thực tế, chứ không cố ép thực tế để phù hợp với kế hoạch.

Cuối cùng, khởi nghiệp là một hành trình bao gồm cả khoa học lẫn nghệ thuật, có những lúc bạn cần tin vào trực giác của mình, nhưng bạn cũng cần học cách kiểm soát những gì có thể.

Khởi nghiệp thông minh

Về mặt nhận thức, cần hiểu rằng nghiên cứu thị trường trong khởi nghiệp giống với ngọn hải đăng, chứ không phải bản đồ chi tiết.

Một bản đồ chi tiết sẽ cho bạn biết đi thêm 100m đến ngã tư cần rẽ phải, đi tiếp 300 mét cần né 1 ổ gà bên phải, đi theo làn đường giữa – quẹo trái, đi thêm 5 cây số, bỏ 3 ngã tư 1 ngã ba… và rồi đến đích.

Nghiên cứu thị trường ở trong khởi nghiệp không phải là “cây đũa thần” như vậy. Nó giống một ngọn hải đăng sẽ soi cho bạn thấy một vài nơi có đá ngầm – những “cạm bẫy” khi khởi nghiệp (không xác định đúng độ lớn của thị trường từ đó hoạch định vốn không phù hợp dẫn đến mâu thuẫn về kỳ vọng với nhà đầu tư, hoặc không phân tích đúng khách hàng mục tiêu từ đó định vị sai thương hiệu, không hiểu về thị trường từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh sai …), nó giúp bạn an toàn hơn khi ra khơi. Ánh sáng của ngọn hãi đăng giúp cho người thủy thủ tìm được đường vào cảng, xác định được vị trí của mình trên biển, và có thể biết được hướng đi nào là phù hợp.

Nếu ngay từ đầu, bạn đã đi đúng hướng rồi, sau đó việc linh động, mò mẫm để vẽ ra bản đồ chi tiết và rồi đến đích thì sẽ hiệu quả hơn. Đó cũng là phong cách của khởi nghiệp thông minh!

 (*) Tác giả là Chủ tịch TMT Group, YUP Education

Điều ít biết về Telegram – ứng dụng tin nhắn bí ẩn nhất thế giới

Với số tiền gần 300 triệu USD thu được từ startup trước đó, nhà sáng lập Telegram đến nay vẫn đang duy trì ứng dụng của mình bằng tiền túi của mình.

Điều ít biết về Telegram - ứng dụng tin nhắn bí ẩn nhất thế giới

Telegram là ứng dụng nhắn tin miễn phí kết hợp được sức mạnh của Whatsapp và độ bảo mật cao của Snapchat. Ứng dụng này được biết đến khi người dùng phải tìm kiếm một nền tảng nhắn tin thay thế cho Whatsapp khi nó gặp sự cố vào năm 2014. Rất nhanh chóng, Telegram trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trên iOS vào thời điểm đó, với độ bảo mật cao đến nỗi các hacker, hay an ninh Nga không thể can thiệp được.

Tháng 3/2016, Pavel Durov – nhà sáng lập ứng dụng tin nhắn Telegram đã phát biểu dõng dạc tại một hội nghị công nghệ rằng ứng dụng của họ đã thu hút 100 triệu người dùng mỗi tháng và thu hút khoảng 350.000 người theo dõi mới mỗi ngày.

Đây quả thực là một con số cực kỳ ấn tượng, tuy nhiên càng ấn tượng hơn khi biết rằng Telegram không hề kêu gọi vốn như thông thường mà nhà sáng lập muốn xây dựng theo phương thức hoạt động giống Wikipedia, nghĩa là kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiền để duy trì dịch vụ.

Hai anh em sáng lập là “thiên tài code”

Ngay từ giai đoạn tuổi thơ, Pavel Duvov đã có chút liên đới tới nhà chức trách. Thời còn đi học, Pavel đã sử dụng khả năng code thiên tài được trời phú của mình để hack mạng máy tính của trường. Anh đã thay đổi màn hình chào ban đầu thành: “Must Die” (Phải chết) bên cạnh một bức ảnh người giáo viên mà anh ghét nhất trường. Trường học đã trả đũa bằng việc ngừng cho anh truy cập mạng lưới nội bộ. Tuy nhiên Pavel đã luôn hack và lấy được mật khẩu mới.

Pavel nói với bạn cùng lớp của mình rằng anh muốn trở thành “biểu tượng Internet”, Nikolai Konovov nói trong cuốn sách về code mang tên The Durov Code. Nikolai chính là anh trai của Pavel – người đã giúp anh nhận ra tham vọng đó.

telegram-ung-dung-nhan-tin-bao-9490-3424

Bản thân Nikolai cũng là một thiên tài khi còn rất nhỏ tuổi. Anh đã đọc rất nhiều sách và giành hai chiến thắng liên tiếp trong 2 mùa cuộc thi lập trình quốc tế. “Anh ta là một thiên tài máy tính”, theo Anton Nossik – một doanh nhân Internet – người đã biết anh trai Durov trong nhiều năm. Trong các bài phỏng vấn, Pavel thường nhắc tới anh trai mình như hình mẫu chủ đạo và là cố vấn về lập trình.

Pavel đã sáng lập ra Vkontakte khi vừa tốt nghiệp Đại học St. Petersburg vào năm 2006, ban đầu được thiết kế như một nền tảng mạng xã hội cho sinh viên.

Nikolai ban đầu tư vấn cho em trai mình thông qua điện thoại vì khi ấy anh sống tại Đức. Tuy nhiên, khi VK giành được chỗ đứng, anh quay lại St. Petersburg và nắm giữ vị trí Giám đốc công nghệ của công ty. Đây trở thành mạng xã hội đối trọng của Facebook ở Nga và thậm chí hoạt động nhanh hơn đối thủ.

Tuy nhiên, VK sau này gặp phải một vài rắc rối với chính phủ khiến Pavel bị buộc bán hết số cổ phần, sa thải khỏi công ty và rời quê hương. Anh quyết tâm lập nên một ứng dụng tin nhắn siêu bảo mật nhằm “trả đũa” chính phủ Nga. Và thế là Telegram ra đời.

Mỗi tháng tự bỏ tiền túi ra 1 triệu USD để duy trì hoạt động Telegram

Theo chia sẻ của Pavel thì anh kiếm được khoảng 260 triệu USD từ VK và với khoản tiền đó trong một ngân hàng ở Đan Mạch, Durov cùng anh trai Nikolai đã bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp. Họ mua hộ chiếu công dân đảo St. Kitts ở Caribbean sau đó, cả hai dốc sức cho công ty mới mang tên Telegram.

Dự án lấy ý tưởng từ hệ thống bảo mật mã hóa tin nhắn mà Durov và anh trai dùng để liên lạc tránh bị theo dõi. Bằng cách đóng gói mọi thứ thành một ứng dụng, Durov đã mang tới cho thế giới phương thức nhắn tin bảo mật hàng đầu. Telegram được phát hành tháng 8/2013 mà không có thông báo chính thức.

Do gặp rắc rối với nhà chức trách nước Nga nên cách chỉ đạo của Pavel có phần “lén lút” để tránh bị theo dõi. Anh dùng tới 3 số điện thoại khác nhau, nhưng rất ít khi trao đổi công việc qua điện thoại. Telegram được xây dựng tại một văn phòng nhỏ ở Berlin. Nhưng giờ, nhân viên công ty lại làm việc tại nhiều nơi khác nhau, chủ yếu họ đặt phòng qua Airbnb.com và thay đổi vị trí liên tục.

Lý giải cho việc này, Durov nói rằng làm như vậy sẽ giúp công ty tránh bị lôi cuốn vào chính trị hay kinh tế của bất kỳ quốc gia nào.

Telegram cũng không phải để bán hay là nơi cho các nhà đầu tư. Durov cho biết nhiều công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng từ Thung lũng Silicon đã tiếp cận anh và đưa ra vô số lời đề nghị hấp dẫn. Nhưng Pavel cho biết chỉ muốn xây dựng một nhóm cộng sự nhỏ thân thiết.

Ngoài ra theo thông tin của tờ BI thì Mỗi tháng, Telegram “ngốn” của Durov 1 triệu USD và nó chưa tạo ra bất kỳ khoản thu nhập nào cho anh, nhưng đây là khoản mà theo Pavel là “vẫn trong tầm kiểm soát”. Dĩ nhiên Pavel cho biết việc này sẽ không thể kéo dài mãi mãi.

Anh cho biết đang tìm hướng phát triển để có thể mang về thu nhập cho công ty bằng cách cho các nhà phát triển xây dựng dịch vụ trên nền tảng của Telegram rồi trích hoa hồng lợi nhuận.

Muốn thành doanh nhân, cần làm việc 14 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần, liên tục 10 năm

Đây là chia sẻ của nữ doanh nhân Thảo Vũ – nhà sáng lập (founder) của Trung tâm tiếng Nhật Mina.

Muốn thành doanh nhân, cần làm việc 14 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần, liên tục 10 năm

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, Thảo đã có cơ hội biết thành thị thế nào sau khi vào đại học. Khi học đại học, Thảo thấy có rất nhiều người ban đêm đi bới rác để lượm lặt các thứ có thể bán đồng nát. Hình ảnh đó đã thôi thúc bạn làm điều gì đó để cho cuộc sống này tốt hơn. Câu trả lời là Giáo dục. Sau khi ra trường, bằng những trải nghiệm của bản thân Thảo quyết định mở một công ty về giáo dục với xuất phát ban đầu là Nhật ngữ. Thảo mong muốn mở một hệ thống trường học, sau Nhật ngữ này thành trường mầm non và tiếp tục phát triển lên.

nữ founder startup doanhnhansaigon

Thảo Vũ (ở giữa) cùng với các đối tác người Nhật.

Và dưới đây là những chia sẻ của Thảo dành cho những bạn trẻ mong muốn trở thành doanh nhân, nuôi giấc mơ khởi nghiệp.

Bài này tôi viết và gửi tặng tới các em mong muốn làm Giám đốc ở tuổi 22. Đặc biệt là gửi tới những đứa em – người vẫn luôn dõi theo hoặc đồng hành bên tôi.

Tôi chọn tuổi 22 vì đó là lúc các bạn đã tốt nghiệp Đại học. Khi tốt nghiệp Đại học, có hai hướng chính mà các bạn sinh viên chọn: 1 là đi làm ở các công ty và 2 là tự mở công ty. Ở đây tôi xin nói đến tự mở công ty.

Tự mở công ty là bạn tự tạo công ăn việc làm cho mình. Sau khi bỏ ra gần 2 triệu làm việc với 1 công ty luật, bạn sẽ nhận được giấy phép kinh doanh với chức danh Giám đốc. Đó là công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu kiêm giám đốc kiêm tất cả các vị trí. Đã xong về tên Giám đốc.

Thông thường khi sản phẩm có thị trường, mọi thứ ổn định hơn thì mới đăng ký công ty và mới trở thành Giám đốc theo đúng nghĩa chứ không phải trên giấy tờ.

Hành trình làm Giám đốc bắt đầu…

doanh-nhan-lam-viec-3-doanhnha-7822-7286

Kiến thức nền tảng và ham muốn trở thành doanh nhân

Tôi vẫn nhớ, một ngày của năm 2010, tôi đã hỏi anh doanh nhân đi trước rằng “Làm thế nào để trở thành doanh nhân?”. Anh đã trả lời thế này:

“Chào em, sách có rất nhiều, có mấy vần đề trọng tâm cần biết:

1. Macro, Micro Economy

2. Project Management

3. Business Plan

4. Marketing

5. ….

Để trở thành một doanh nhân, cần làm việc 12-14h/ngày, 7 ngày/tuần trong 10 năm liên tục.

Đó là điều quan trọng nhất.

Anh gửi em cuốn sách này của Napoleon Hills, nói về sự quyết tâm. Ebook tiếng Anh em có thể tìm thấy khá nhiều trên Internet”

Trải nghiệm và thực thi hết các ý tưởng bạn nghĩ ra, càng nhiều càng tốt

– Đó là các hội thảo chuyên đề: Marketing, nhân sự, tài chính, bán hàng…

– Đó là các hoạt động tình nguyện

– Đó là các công việc làm thêm

– Đó là các cuộc thi khởi nghiệp

– Đó là các cuộc gặp gỡ những người thành công

– Đó là tự mình kiếm tiền với những ý tưởng đơn giản: bán đĩa, bán sách…

doanh-nhan-lam-viec-5-doanhnha-4734-2160

1. Bán cái gì nhỉ?

Công ty chắc chắn cần có một sản phẩm, sản phẩm bắt nguồn từ ý tưởng của bạn trong quá trình sống và chọn lọc. Phần lớn, các bạn sẽ có ý tưởng na ná nhau: Mở quán cafe, mở trung tâm ngoại ngữ, mở quán ăn, mở cửa hàng bán quần áo, mở quán photocopy, mở cửa hàng bán sách, mở siêu thị, mở cửa hàng rau sạch, mở cửa hàng bán bánh, mở công ty về công nghệ (code, thiết kế, game, outsource…). Bất kỳ cái gì hứng thú bạn, hấp dẫn bạn, hãy bắt đầu làm.

Kinh nghiệm của tôi = Trải nghiệm + nhận định thị trường

Năm 2009, Thảo bắt đầu đi học tiếng Nhật, lúc đó đi học vì thích thú tiếng Nhật, thích nước Nhật và muốn tìm hiểu tại sao nước Nhật lại phát triển nhanh như vậy sau năm 1945.

Đi học được 1, 2 tuần thì đi tập quân sự nên đành bỏ dở tiếng Nhật. Sau đó, tập quân sự xong về thì lớp tiếng Nhật đó đã tan rã, cô giáo bảo hễ em tập hợp được khoảng 10 người thì cô sẽ dạy. Thế là bắt đầu dán tờ rơi, đăng tin rao vặt, rủ rê bạn bè, chia sẻ trên các diễn đàn …

Cuối cùng cũng tập hợp được 10 bạn để học. Học liên tục trong 7 tháng thì lớp tan rã, cô giáo bảo mình chuyển sang tuyển các lớp khác cho cô dạy và cứ như vậy trong 2 năm, tôi có trải nghiệm và hiểu biết trong mảng đào tạo tiếng Nhật.

Nhận định thị trường: Các nước châu Âu đang sử dụng đồng tiền chung và tạo thành một khối thống nhất, người dân các nước Châu Âu có thể nói được hầu hết tiếng của nhau. Vậy châu Á thì sao? Chắc chắn cũng có điểm tương đồng, tiếng Anh thì quá phổ biến rồi nên chắc chắn người ta sẽ chọn học thêm 1 tiếng khác, và tiếng Nhật là sự lựa chọn sau tiếng Anh (Nhật đầu tư vào Việt Nam nhiều, người Nhật có nhiều cái tương đống với người Việt Nam, Nhật là 1 đất nước phát triển..).

Nhưng có một thực tế là rất nhiều sinh viên học ngoại ngữ không nói được thứ tiếng này? Lý do là không có môi trường thực hành và chủ động thực hành

Vì thế, thị trường có nhu cầu và tôi cần tạo ra một nơi để mọi người không ngại nói, nói tự nhiên. Tôi nghĩ đến quán cafe ngôn ngữ. Nên thành lập CLB tiếng Nhật vì thị trường vẫn còn hiếm. Tuy nhiên, vốn ở đâu? Tôi nên đi làm thuê để có tiền hay nên đi vay mượn?

Đó là những câu hỏi trong tôi, để cuối cùng tôi  chọn đi làm thuê trước nhưng không hào hứng lắm nên cuối cùng quay về vay tiền và bắt đầu dốc toàn tâm, toàn ý cho nó: Dự án Tiếng nhật của tôi bắt đầu.

Kết luận: Sản phẩm bạn chọn nên là cái bạn hiểu rõ nhất và đã từng trải nghiệm về nó.

2. Bán như thế nào?

Tùy vào từng sản phẩm sẽ có cách bán khác nhau. Nhưng quan trọng, bạn cần là người hào hứng với sản phẩm của mình, bạn tự hào về giá trị của sản phẩm và không ngại chia sẻ điều tuyệt vời của sản phẩm cho những người khác. Khi chưa biết chắc chắn sản phẩm có được thị trường chấp nhận hay không, bạn nên mời bạn bè, những người quen biết dùng thử và xin cảm nhận, đánh giá của họ.

Kinh nghiệm của tôi:

Bước 1: Xác định nhóm khách hàng mục tiêu

Bước 2: Tìm hiểu về nhu cầu của họ

Bước 3: Các cách để tiếp cận tới họ

Bước 4: Tiếp cận

Tôi từng bước thực hiện dự án bằng cách mở các lớp tiếng Nhật với học phí vừa phải để thu hút sự quan tâm, lấy công làm lãi, làm blog chia sẻ tại sao mình làm dự án này, chia sẻ những trải nghiệm học tiếng Nhật, nhấn mạnh vào quyết tâm học để nói và dùng tiếng Nhật.

3. Hình thành nhóm quản lý

– Nhóm quản lý đầu tiên:

Phần lớn các ý tưởng sau khi có sản phẩm sẽ vẫn gọi là một dự án. Người trưởng dự án sẽ bắt đầu đi tìm những người đồng hành để phát triển dự án, bán nhiều sản phẩm hơn ra thị trường. Lúc này, người trưởng dự án sẽ được gọi là nhà sáng lập, những người vào đồng hành tùy từng dự án sẽ gọi là nhà đồng sáng lập.

Kinh nghiệm của tôi: Tìm những người tâm huyết với ý tưởng của mình, có cùng quan điểm sống và hết mình vì nó, cùng nhau làm việc, nhất mực tin tưởng nhau.

Một mình làm thì lâu, nên đầu tiên cần tìm một nhóm nòng cốt, dự án tiếng Nhật của tôi bắt đầu tuyển các bạn tình nguyện vào làm. Sau 3 tháng, thì lứa nhân sự đầu tiên cũng hình thành, tuy nhiên vì là 1 dự án đang phát triển nên tiền công không nhiều, trách nhiệm không nhiều, dẫn đến việc tất yếu là tan rã.

Lúc này, nếu người sáng lập không theo đến cùng thì dự án sẽ chết yểu ở đây.

Bài học: Bạn – Người chủ của ý tưởng sẽ là người chịu trách nhiệm đến cùng cho dù những người khác có ra đi.

doanh-nhan-lam-viec-4-doanhnha-5543-9022

– Nhóm quản lý thứ hai:

Tiếp tục theo đuổi ý tưởng, bạn tuyển thêm nhóm đồng hành thứ hai, lúc này vì bài học rút ra từ nhóm thứ nhất, bạn sẽ nâng tiền công lên và trách nhiệm lên, ý tưởng phát triển thành một hệ thống hoàn thiện và bắt đầu có lãi, rồi phình to ra.

Trong khi đó, bạn lại chưa chuẩn bị tinh thần để phân chia công việc cho mọi người khi mở rộng, bạn ôm đồm nhiều thứ và bắt đầu mất kiểm soát.

Ngoài ra, khi có lãi sẽ gặp phải một bài toán về chia lợi, những người làm cùng sẽ bắt đầu phân chia: Ở lại làm cùng hay ra mở riêng một cái khác? Nếu không thỏa thuận được về chia lãi, rất có thể nhóm sẽ tách ra mở một cái khác.

Bài học: Vẫn phải tìm được người phù hợp bằng cách sàng lọc theo thời gian, chuẩn bị tinh thần cho việc lớn mạnh của hệ thống.

– Nhóm quản lý thứ ba:

Lúc này, mọi khó khăn về thị trường đã tạm ổn, bạn có một lượng khách hàng ổn định, và bắt đầu tiến hành thành lập công ty với chức danh Chủ sở hữu kiêm giám đốc.

Công ty của bạn hình thành các phòng ban, các mối quan hệ với đối tác. Bạn bắt đầu hoàn thiện hệ thống nội bộ, chăm lo cho nhân viên, cho khách hàng tốt hơn để tăng sự trung thành.

Và lúc này bạn nhận ra, bạn không thể làm tất cả mọi việc từ A – Z như khi công ty còn là một ý tưởng. Bạn đã trở thành Giám đốc, dưới bạn có các trưởng nhóm mà bạn tuyển vào. Bạn trao quyền cho họ ra sao, rồi họ lại trao quyền cho nhân viên họ ra sao để cả hệ thống có thể phát triển theo hướng mà bạn vạch ra.

Bạn suy nghĩ nhiều về hệ thống quản lý nội bộ: Tiền bạc, thuế, lương, thưởng để làm sao công ty có thể tồn tại và phát triển một cách tốt nhất…Lúc này, tuổi đời của bạn vào khoảng 25 tuổi, cái tuổi chưa đủ uy để hút những người có kinh nghiệm về làm cùng bạn, trong khi bạn cũng như một con gà con mới chập chững biết đi.

Bạn lao vào học về quản lý, điều hành công ty, bạn đi hỏi han các anh, chị khác, bạn thử hết các ý tưởng mà bạn nghĩ ra…Rồi luật lao động, thuế, quản lý tài chính, đầu tư tiền vào đâu, mục tiêu công ty năm nay là gì? Làm gì và không làm gì?… Bạn như nổ tung đầu.

Bạn tự hỏi có phải mình được sinh ra để làm cái này? Bạn hoài nghi về năng lực của mình? Hay là bán công ty đi để khỏi phải lo nghĩ nhiều? Bạn dằn vặt.

Rồi bạn ngồi một mình, nghĩ lại tại sao mình làm dự án này. Bạn bắt đầu nói chuyện với từng trưởng nhóm, chia sẻ với họ khởi nguồn của công ty, giá trị hướng tới: Vì khách hàng và vì con người thông qua giá trị tạo ra. Mọi người hiểu được mình đang làm gì và theo đuổi mục tiêu gì.

Toàn thể công ty đang chao đảo như sống lại với khởi nguồn phát triển của công ty. Và lúc này bạn nhận ra, việc quan trọng nhất của bạn bây giờ là phát triển thế hệ lãnh đạo kế cận bạn, văn hóa công ty, môi trường làm việc bền vững hơn để chuẩn bị cho những bước đi dài hơn.

* Tác giả là Nhà sáng lập chuỗi trung tâm tiếng Nhật Mina. 

Kỹ năng giá trị nhất làm nên thành công

Thói quen quan trọng nhất giúp millennials (những người trong độ tuổi 20-35) thành công là gì? Yếu tố khác biệt giữa người biết ước mơ và người dám biến ước mơ thành sự thật?

Trong một bài viết trên Inc., Nicolas Cole – nhà sáng lập Công ty cung cấp dịch vụ nội dung Digital Press – đã chia sẻ về vấn đề này bằng cách kể câu chuyện về ước mơ và sự lựa chọn con đường sự nghiệp của mình:

Tôi là người thuộc thế hệ millennials. Gần như trong suốt cuộc đời, tôi luôn được bảo rằng “hãy làm theo các quy tắc” và “phải làm cái này, trước khi có thể làm cái kia”. Tôi được bảo phải kiên nhẫn hơn, phải chấp nhận nơi mình đang ở và chỉ cần hài lòng với nó. Tôi được bảo rằng sở thích viết lách là một mơ ước viển vông, và rằng tôi nên học một cái gì đó “thực tế hơn”.

Tôi được “khuyên” hãy ngừng ước mơ.

Ở tuổi 26, tôi đang sống với ước mơ của mình. Tôi là người viết lách toàn thời gian, là nhà sáng lập một công ty chuyên cung cấp dịch vụ nội dung ẩn danh (ghostwriting agency) được gọi là Digital Press.

Tôi viết những câu chuyện phi hư cấu (non-fiction) về cuộc sống của mình, bởi vì đó là những gì tôi yêu thích và là “nghệ thuật” của tôi. Tôi viết những bài luận, những nội dung thông tin về kinh doanh, doanh nhân, lĩnh vực digital marketing và sự phát triển cá nhân bởi đó là lĩnh vực tôi bị cuốn hút.

Và tôi làm chủ được chuyên môn theo một cách riêng, cho phép tôi vừa được làm công việc mình yêu thích vừa giúp các nhà điều hành, CEO, doanh nhân “chuyển thể” những hiểu biết và những câu chuyện cá nhân của họ thành nội dung hấp dẫn trên các trang trực tuyến như Quora, Medium và LinkedIn.

Về cơ bản, tôi đã chọn làm điều mà hầu hết mọi người đều cho rằng “sẽ chẳng đi đến đâu” và cuối cùng lại được sống với giấc mơ của mình ở bất cứ nơi nào trên thế giới, chỉ cần với một chiếc laptop.

Là một millennial, có một và chỉ một điều bạn cần làm chủ để trở nên thành công. Đó là tính kỷ luật.

Hãy đặt điện thoại xuống một giây và nhìn quanh. Khi ở nơi làm việc, khi ra ngoài đi ăn, khi mua sắm, chỉ cần nhìn xem những gì đang diễn ra xung quanh bạn. Hãy nhìn vào một xã hội xao lãng mà chính chúng ta cũng đang dần trở nên giống như vậy. Chúng ta thậm chí còn không bị xao lãng bởi những điều đáng để bị xao lãng. Chúng ta bị dẫn dắt bởi đủ kiểu video, những mẩu hình ảnh có vẻ ngớ ngẩn và những điều mang đến vài khoảnh khắc vui nhộn nhưng không thực sự có ý nghĩa.

Vì vậy, kỹ năng có giá trị nhất bạn cần rèn luyện là tính kỷ luật. Hơn bao giờ hết, để thành công, bạn phải có khả năng “vặn tắt tiếng ồn” và tập trung làm việc.

Hãy nghĩ về những lợi thế bạn sẽ có được so với những người khác khi tránh bỏ mất hàng giờ mỗi ngày vào những điều xao lãng không cần thiết. Nghĩ về những phần việc bạn có thể hoàn thành, những khoảng thời gian có thể dùng để suy nghĩ sâu về một vấn đề khi không còn liên tục lướt mạng xã hội một cách ám ảnh. Nghĩ về những lần bạn đã trì hoãn mục tiêu chỉ để “xem sơ qua” các nội dung không cần thiết hoặc xem thêm một tập phim, một chương trình truyền hình.

Tính kỷ luật thực sự là bí mật ở phía sau bất kỳ người trẻ thành công nào.

Không có khả năng tập trung vào những gì cần tập trung, cuộc sống của bạn sẽ trở thành một cái gì đó luôn song hành liên tục với những con sóng. Những con sóng này sẽ liên tục quấy rầy bạn, và bạn sẽ không thể kiểm soát chúng. Bạn sẽ để cho những người khác, những điều khác khiến mình bị phân tâm. Các mục tiêu của bạn sẽ luôn nằm ở phía sau những thứ đang muốn giành giật sự chú ý của bạn.

Tuy nhiên, khi làm chủ được “nghệ thuật kỷ luật”, vặn tắt những “tiếng ồn” để đặt bản thân và mục tiêu của mình lên trên hết, bạn sẽ trở thành người lướt sóng. Bạn nhìn thấy con sóng, và bạn có thể “cưỡi” lên nó, vì bạn đặt mình ở vị trí có thể làm được điều đó.

Tôi chia sẻ điều này vì là một millennial, xung quanh tôi là bạn bè đồng trang lứa – những người luôn nói rằng: “Tôi muốn làm điều mình yêu thích; Tôi muốn nghỉ việc; Tôi muốn đi du lịch; Tôi muốn làm việc với laptop của mình ở bất cứ nơi đâu; Tôi muốn trở thành ông chủ của chính mình; Tôi muốn thay đổi thế giới; Tôi muốn làm điều gì đó vĩ đại; Tôi muốn…; Tôi muốn…”.

Nếu bạn thực sự muốn, đó là những gì bạn cần làm.

Thay vì lướt điện thoại và đọc thêm một câu châm ngôn hay ho trên các phương tiện truyền thông xã hội, hãy thúc đẩy bản thân theo đuổi ước mơ của mình, cất điện thoại đi và tập trung làm việc.

Tính kỷ luật, khả năng nói “Không” với những sự xao lãng trong cuộc sống, là yếu tố khác biệt giữa những người ước mơ và những người biến ước mơ của họ thành sự thật.

4 cách đơn giản để giảm stress

Stress là một khía cạnh không thể tránh khỏi tại nơi làm việc, nhưng chúng ta không cần phải ép mình làm quen với nó, mà hãy làm cho nó suy giảm đi.

Theo TS. Leah Weiss – nhà nghiên cứu, tác giả sách, giảng viên tại Trường Kinh doanh Stanford, để giảm stress, chúng ta chỉ cần đặt mình vào một trạng thái vật lý cụ thể nhằm neo giữ bản thân lại với hiện tại. Chẳng hạn như dành một khoảnh khắc để nhận thức rằng đôi chân mình đang đặt trên mặt đất, và đừng quên rằng cơ thể chính là công cụ đáng tin cậy và luôn hiện diện để giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng.

Trong một bài viết trên Harvard Business Review, TS. Weiss cho biết, nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực tế là khi tâm trí bị quá tải, cơ thể mình chính là điều cuối cùng chúng ta nghĩ tới. Việc tập trung sự chú ý vào cơ thể lại có khả năng giúp “neo giữ” chúng ta lại trong khi một sự việc đang diễn ra, đặc biệt là những sự việc gây cảm xúc tiêu cực.

“Hãy hướng sự chú ý vào cơ thể, nhận thấy nó chứ không lảng tránh nó, mỗi khi có sự căng thẳng, nỗi đau đớn hoặc các cảm giác vật lý trung tính khác. Cách làm này giúp chúng ta luôn ở trong thực tại. Cơ thể chính là cách nhanh nhất, chắc chắn nhất để chúng ta hiện diện ở thực tại khi tâm trí bị ‘đi lạc'”, TS. Weiss nói.

Chúng ta tự gây ra cho mình nhiều đau khổ không cần thiết khi tâm trí bị mất tập trung. Hạch hạnh nhân nằm ở tâm của não chính là nơi phát hiện và xử lý cảm xúc, bao gồm cả nỗi sợ hãi. Khi hạch hạnh nhân bị kích hoạt bởi tình huống có vẻ như là một mối đe dọa tiềm năng (đôi khi chỉ đơn giản là nhận được một email mang nội dung tiêu cực), nó bắt đầu tạo nên một số thay đổi như gia tăng sự căng thẳng cơ bắp và làm nhịp thở trở nên nhanh hơn. Quá trình này mạnh mẽ đến nỗi chúng ta xem những phản ứng của cơ thể như bằng chứng của sự nguy hiểm. Và kết quả là, một vòng luẩn quẩn sẽ tiếp tục diễn ra, sự căng thẳng cơ bắp tiếp tục tăng lên và nhịp thở ngày cành nhanh hơn.

Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng một “cái neo” để thoát ra khỏi tình huống này. Dưới đây là một số bài tập đơn giản mà hiệu quả giúp bạn neo giữ bản thân mình lại với hiện tại, theo TS. Leah Weiss:

1. Thực hiện một hơi thở có chủ đích

Để thay đổi cách nhìn nhận sự việc, đôi khi chúng ta chỉ cần dùng một hơi thở. Hơi thở này gây ra tác động vào trong tâm trí, tạo ra sự thay đổi để cơ thể điều chỉnh lại sau khi tiếp nhận “mối đe dọa”.

Khi ở trong tình huống căng thẳng, chúng ta gần như hoàn toàn tin tưởng vào câu chuyện mà tình huống mang đến. Một hơi thở có chủ ý sẽ giúp chúng ta thoát ra khỏi câu chuyện đó và bớt “cả tin” hơn.

Hãy nương theo hơi thở khi nó tiến sâu vào cơ thể và đánh giá tình hình, xem liệu lý trí có đang đồng hành cùng bạn hay đang chống lại bạn. Sau đó, chủ động chọn lựa cách xử lý mình thực sự muốn.

2. Chú ý đến cảm xúc

Một trong những lý do nên “neo” vào cơ thể là vì đó là nơi bạn cảm nhận cảm xúc của mình – yếu tố rất quan trọng để nhận thức vấn đề, đặc biệt là trong quá trình làm việc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu bạn nhận thức được các cảm xúc khó chịu, sự tác động của chúng đến bạn càng suy yếu đi.

Khi đặt sự chú ý vào cơ thể, bạn sẽ có khả năng nắm bắt được thông tin gốc rễ của vấn đề, trước khi nó “tấn công” vào “toàn bộ hệ thống”.

3. Nhớ rằng cơ thể có khả năng kết nối

Bạn đang bực bội với người quản lý? Bạn nghĩ rằng mình không thể làm việc thêm một ngày nào nữa với một đồng nghiệp? Khi rơi vào những hoàn cảnh đó, cơ thể bạn sẽ có khả năng kết nối với những người khác, thậm chí cả những người mà bạn không thể tiên đoán trước. Bởi cơ thể là một trong số nhiều điểm chung giữa người với người.

Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng mức độ tác động của sự kết nối này là rất lớn. Do đó, khi bỏ qua cơ thể mình, nghĩa là bạn đang bỏ lỡ cơ hội đồng cảm với người khác.

4. Phóng đại những niềm vui nhỏ

Đừng đánh giá thấp niềm vui nhỏ hằng ngày. Bản chất của con người là thường chú ý đến nỗi đau hơn niềm vui. Tuy nhiên, nếu tự nhắc nhở bản thân và rèn luyện thường xuyên, bạn có thể có được cảm giác tích cực suốt cả ngày trong những niềm vui đơn giản và đáng tin cậy đến từ việc… sở hữu một cơ thể. Chẳng hạn như ngồi xuống thư giãn khi đã đứng quá lâu, đứng lên duỗi dài cơ thể khi đã ngồi quá lâu, cười lớn khi nghe một câu chuyện vui, ăn uống khi cảm thấy đói hoặc khát, giải phóng bàn chân ra khỏi một đôi giày không thoải mái…

Mỗi ngày dù có xảy ra nhiều chuyện khó chịu đến đâu, hãy nắm bắt vô số cơ hội nho nhỏ đó để luôn cảm thấy thật tích cực.