Monthly Archives: August 2018

Triệu phú tự thân Grant Cardone: Tiết kiệm tiền là việc vô ích, và đây là lý do

Triệu phú tự thân Grant Cardone chia sẻ rằng, bản thân ông không tiền tiết kiệm mà chỉ tích cóp nó cho tới khi có thể đầu tư, bởi vì tiền chỉ hữu ích khi được sử dụng đúng cách mà thôi.

Triệu phú tự thân Grant Cardone: Tiết kiệm tiền là việc vô ích, và đây là lý do

Triệu phú tự thân Grant Cardone nói rằng tiết kiệm tiền mặt là việc vô ích; hãy dùng nó vào việc đầu tư.

Đối với nhiều người, tiết kiệm tiền có thể sẽ là một trong những cách để làm giàu. Song, đối với triệu phú tự thân Grant Cardone, tiết kiệm tiền là việc vô ích. Dưới đây là những chia sẻ của vị triệu phú trên trang CNBC.

Có lẽ bạn đã từng nghe qua câu “Tiền là tiên, là phật”, tuy nhiên, bạn sẽ nghĩ thế nào khi tôi nói rằng điều đó hoàn toàn không đúng? Trên thực tế, tiền mặt có thể trở thành một đống giấy lộn vì bị mất giá do lạm phát. Nếu để ý, bạn có thể dễ dàng thấy được 1.000 USD vào năm 1960 có giá trị mua bán lớn hơn so với 8.000 USD hiện nay.

Đó là lý do tại sao tiết kiệm tiền là một việc vô ích. Cá nhân tôi không tiết kiệm tiền, tôi chỉ trữ tiền trong một khoảng thời gian ngắn cho tới khi có thể đầu tư nó mà thôi. Tiết kiệm tiền mặt cũng giống như việc trữ một tập giấy vậy. Đó là chuyện hết sức vô ích, bởi vì, giống như bất cứ loại giấy nào khác, tiền chỉ có ích khi được sử dụng. Nếu bạn để tiền tiết kiệm quá lâu, nó sẽ dần hao mòn và cuối cùng là mất hết.

Pablo Escobar, một trong những ông trùm ma túy giàu nhất lịch sử kiếm được tới 420 triệu USD/ tuần và đã phải dành ra 2.500 USD/tháng chỉ để mua dây thun buộc các cọc tiền lại với nhau. Sau này, Pablo cho hay 10% số tiền đó bị mất do nhiều nguyên nhân: bị chuột gặm nhấm, bị hư hại bởi nước hay bị thất lạc.

Gửi tiết kiệm ở ngân hàng cũng không phải là một giải pháp tốt hơn, vì với lãi suất ngân hàng hiện nay, bạn phải mất tới 833 năm để nhân đôi số tiền gửi của mình. Tỷ lệ lạm phát nhiều khi còn cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng và chúng ta phải thừa nhận một thực tế là bạn đang thực sự bị mất tiền trong khi cố gắng tiết kiệm nó.

Vì thế, bạn chỉ nên tạm thời trữ tiền và phải đầu tư khoản tích lũy của mình ngay khi có thể. Hãy nhớ, “Tiền, cũng giống như bất cứ loại giấy nào, sẽ chỉ có ích khi chúng được sử dụng.”

Con ngỗng đẻ trứng vàng sẽ chỉ hữu dụng khi nó đẻ trứng phải không? Nếu nó không đẻ ra những quả trứng vàng, bạn hoàn toàn có thể giết thịt nó như một con gà, chẳng phải vậy sao? Tiền cũng giống vậy, tiền cũng cần phải sinh ra tiền, phải được nhân lên, nếu không, chẳng sớm thì muộn bạn cũng sẽ tiêu xài nó.

Hãy tưởng tượng một chút: Nếu bạn quan sát các thành phố và các ngôi làng trên cả thế giới, bạn sẽ thấy phần lớn thành phố và làng mạc đều phụ thuộc vào hệ thống giao thông. Nơi nào có hệ thống giao thông càng phát triển thì càng lớn mạnh và sầm uất. Giao thông phát triển với nhiều tuyến đường giúp cho các phương tiện đi lại dễ dàng hơn, việc buôn bán cũng thuận lợi hơn.

Điều này cũng đúng với tiền bạc. Tiền mặt không phải “là tiên, là phật”. Dòng tiền mới chính là tiên, là phật. Vì vậy, đây mới là những gì bạn nên làm với tiền của mình:

– Đầu tư vào bản thân bạn để tăng thu nhập

– Đầu tư vào việc kinh doanh của bạn để tăng thu nhập

– Đầu tư vào những tài sản thực để tạo ra dòng tiền

Một khi có tiền, bạn đừng tiết kiệm lâu dài mà hãy lựa thời cơ để đầu tư và mua những thứ giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn. Tiền tiết kiệm lâu ngày là rác, dòng tiền luôn luân chuyển mới là thứ có giá trị, giúp bạn ngày một giàu hơn.

2 thái cực của doanh nghiệp dầu khí

Biến động giá dầu thời gian qua đã tác động rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam.

2 thái cực của doanh nghiệp dầu khí

Trong khi khối sản xuất có kết quả kinh doanh không như mong đợi, các doanh nghiệp phân phối dầu khí lại lãi lớn

Là doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí, đảm nhiệm hầu hết các dịch vụ khoan tại các mỏ dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhưng hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) không tăng tương ứng. 6 tháng đầu năm 2018, PVD đã lỗ hơn 300 tỷ đồng. PVD lý giải lỗ do tăng chi phí bảo dưỡng, hoạt động dưới giá vốn và biến động tăng tỷ giá.

Ông Đỗ Văn Khạnh – Chủ tịch HĐQT PVD cho rằng, doanh thu của PVD được cấu thành từ đơn giá nhân với số ngày hoạt động và số lượng giàn khoan hoạt động. Do dịch vụ khoan là nền tảng kinh doanh cốt lõi của PVD nên chỉ cần các yếu tố trên suy giảm sẽ tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào hoạt động cốt lõi của PVD là cung cấp giàn khoan thì việc lỗ lại nằm ở nguyên nhân khác. PVD là công ty chuyên cung cấp dịch vụ khoan nhưng giá dầu quá thấp khiến các nhà thầu dầu khí thắt chặt hầu bao, tạm dừng các đợt khoan thăm dò khiến nhu cầu về thuê giàn thấp. Tại khu vực Đông Nam Á, có đến hơn 50% số giàn khoan thiếu việc làm.

Đã vậy, một lượng lớn giàn khoan đang đóng, chờ đưa vào vận hành, tạo ra lượng cung dư thừa trên thị trường. Các yếu tố này khiến giá thuê giàn khoan ngày càng sụt giảm. Cách nay vài năm, PVD từng cho thuê giàn khoan với giá hơn 150.000 – 200.000 USD/ngày nhưng nay chỉ còn khoảng 55.000 – 60.000 USD/ngày.

Tổng công ty CP Dịch vụ – Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) dù không thua lỗ như PVD nhưng thời gian qua, lợi nhuận đã giảm mạnh. Năm 2014, Công ty có lãi ròng 1.800 tỷ đồng nhưng đến năm 2017, khoản lãi chỉ còn 800 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính quý II/2018, PVS có khoản lợi nhuận sau thuế là 68 tỷ đồng, nếu so với quý cùng kỳ 2017 là 317 tỷ đồng, có thể thấy đây là một sự chênh lệch khá lớn.

Theo chia sẻ của đại diện PVS, trong năm qua, hầu hết các chương trình phát triển mỏ dầu khí biển trong và ngoài nước tiếp tục giãn, dừng triển khai dẫn đến khối lượng công việc giảm sút. Dịch vụ dầu khí biển (dịch vụ chính của PVS) bị cạnh tranh khốc liệt, giảm rất sâu về cả khối lượng công việc lẫn giá trị dịch vụ.

Tương tự, Công ty CP Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PXS) cũng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Quý II/2018, PXS lỗ 26,5 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 lên 46,6 tỷ đồng, và đây cũng là quý lỗ thứ ba liên tiếp của PXS.

Ngược lại với khối sản xuất, các doanh nghiệp phân phối dầu khí lại có kết quả kinh doanh rất tốt. Tổng công ty CP Khí Việt Nam (GAS) là một điển hình. Là đơn vị thu mua khí tại các mỏ và phân phối cho các doanh nghiệp khác trên thị trường, biến động giá dầu không ảnh hưởng đến hoạt động của GAS. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của GAS đạt gần 10.000 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, lãi ròng đạt gần 6.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá dầu bình quân đạt mốc 70 USD/thùng, giúp GAS có kết quả kinh doanh rất lạc quan.

Trong khi đó, dù lợi nhuận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) có ảnh hưởng đôi chút vì giá dầu giảm nhưng mỗi năm PLX vẫn kiếm được hàng ngàn tỷ đồng. Bệ đỡ cho điều này là PLX là một “ông lớn” trên thị trường với hệ thống bán lẻ xăng dầu trải dài trên cả nước.

Trong mô hình kinh doanh, PLX đã thực hiện một chuỗi giá trị khép kín từ nhập khẩu hàng, hệ thống kho hàng tiếp nhận, vận chuyển cho đến hệ thống bán lẻ tận tay người tiêu dùng. Mặt khác, Nhà nước gần như giữ lại quyền điều hành giá và cho doanh nghiệp một mức lợi nhuận cố định không bị chi phối bởi giá nguyên liệu đầu vào nên PLX không có rủi ro.

Mặc dù các doanh nghiệp trong ngành có “người khóc, kẻ cười” nhưng các dự án khai thác dầu khí vẫn liên tục được triển khai. Chẳng hạn, mới đây Tổ hợp hóa dầu Miền Nam có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD tại Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) và dự án Sao Vàng Đại Nguyệt (gồm 2 mỏ Sao Vàng và Đại Nguyệt) đã khởi công.

Các cổ đông của GAS đã thông qua dự án đầu tư xây dựng công trình đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 với vốn đầu tư 6.483 tỷ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành vào quý III/2020.

Giàu hay nghèo không phải tại cái số, mà do thói quen của chính bạn

Chúng ta thường tự an ủi mình rằng: Giàu nghèo là do có số. Song, trên thực tế, không ai có thể quyết định số phận của bạn ngoại trừ chính bạn. Và, thói quen hàng ngày chính là công cụ giúp định hình cuộc sống của bạn.

Giàu hay nghèo không phải tại cái số, mà do thói quen của chính bạn

Thành công không phải là điều bộc phát mà hình thành từ thói qien. Ảnh: Inc

Các nhà nghiên cứu thuộc đại học Indiana cho biết, khi bạn rèn luyện một thói quen có tác động tích cực tới cuộc sống của bạn, nó sẽ tự động cải thiện các lĩnh vực khác có liên quan. Và, có thể nói một cách nôm na rằng chúng là các thói quen chủ chốt.

Một thói quen chủ chốt sẽ kéo theo nhiều thói quen tốt khác

Thói quen chủ chốt là những hành vi có tính ảnh hưởng, là chất xúc tác để sinh ra các thói quen liên quan khác. Ví dụ như tập aerobic hàng ngày là thói quen chủ chốt. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những người tập aerobic cũng có thói quen ăn uống lành mạnh. Họ ít hút thuốc lá, kiên nhẫn hơn với người khác. Họ cũng dùng thẻ tín dụng ít hơn và ít bị căng thẳng hơn. Điều này sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể của những người này.

Những người có thói quen dọn giường buổi sáng có năng suất lao động tốt hơn, họ có cuộc sống dường như thoải mái, sung túc hơn. Tập thể dục đều đặn, dọn giường mỗi sáng… là những thói quen chủ chốt. Chúng tạo ra chuỗi phản ứng giúp cho các thói quen tích cực khác chiếm ưu thế.

Trong khi đó, thói quen luôn để dành 10% thu nhập hàng tháng để tiết kiệm có thể kéo theo các thói quen tích cực khác như bạn sẽ thường xuyên sử dụng phiếu giảm giá, sẽ biết tiết kiệm hay tái đầu tư vốn…

Thói quen xấu như nằm dài trên sofa và xem tivi có thể kéo theo các thói quen xấu khác như ăn vặt liên tục, lười vận động… Những thói quen xấu như “vung tay quá trán” cũng kéo theo các thói quen tệ hơn như tiêu tiền quá định mức của thẻ tín dụng, mượn tiền từ gia đình, bạn bè, ngân hàng v.v. mà không có khả năng chi trả. Sự căng thẳng khi đối mặt với các khoản nợ cũng khiến bạn dần lún sâu vào các thói quen xấu như ăn thức ăn nhanh, uống rượu hay dùng các chất kích thích để “quên sự đời”.

Khi bạn kiên trì theo đuổi ước mơ của mình, điều đó sẽ kéo theo những thói quen có ích như đọc nhiều sách để phát triển bản thân, học thêm các kỹ năng mới, tìm kiếm một người dẫn dắt…Và, kết quả là, bạn sẽ có kiến thức và kỹ năng để thực hiện công việc hiệu quả, đạt được mục tiêu của mình sớm hơn.

Ngược lại, thói quen cố giữ công việc mà bạn chán ghét chỉ vì sự ổn định có thể dẫn tới sự căng thẳng kéo dài và hàng loạt các thói quen tệ hại khác như lười biếng, sống không mục đích, trở thành một “zombie nơi công sở” và chắc chắn chẳng bao giờ làm nên thành tích gì.

Thói quen hàng ngày sẽ quyết định bạn là ai trong cuộc đời này.

Đó là lí do tại sao, việc theo đuổi những thói quen tốt rất quan trọng: Những thói quen tốt sẽ dẫn đến nhiều thói quen tốt hơn. Và, ngược lại, những thói quen xấu dẫn bạn đến nhiều điều tệ hại hơn. Thói quen chính là hệ thống kiểm soát cuộc sống của bạn. Nếu mục tiêu của bạn là được khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công, những thói quen tốt hàng ngày sẽ đưa bạn tiến gần hơn với mục tiêu.

– Nếu bạn đọc sách mỗi ngày để có thêm kiến thức trong cuộc sống và tích lũy thêm các kỹ năng cho công việc, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn, sẵn sàng trước những cơ hội tốt và có thể kiếm được nhiều tiền hơn.

– Nếu bạn nghĩ bạn không thể thành công, niềm tin đó sẽ là rào cản khiến bạn không có động lực để làm những điều khác biệt, chấp nhận các thử thách và bỏ lỡ cơ hội để trở nên giàu có.

– Thói quen tiêu tiền không có kế hoạch, vượt mức thu nhập sẽ khiến tài sản của bạn sớm bị khánh kiệt. Nếu bạn chi tiêu phù hợp với mức thu nhập của bản thân và đầu tư thật thận trọng, khi về già bạn sẽ sống thảnh thơi mà không phải lo nghĩ về tài chính.

– Nếu kiên trì theo đuổi một giấc mơ, cơ hội trở nên giàu có của bạn sẽ tăng lên gấp 10 lần.

– Nếu bất kỳ điều gì bạn làm cũng tạo ra ý nghĩa tích cực cho cuộc sống của người khác, có thể nó sẽ trở thành nguồn thu nhập của bạn và giúp bạn trở nên giàu có hơn cả về vật chất và tinh thần.

Giàu và nghèo không phải do định mệnh hay hoàn cảnh. Chính bạn là người quyết định vận mệnh của mình và các thói quen là một phần quan trọng trong con đường đi tới mục tiêu cuối cùng của cuộc sống.

Sendo được đầu tư 51 triệu USD

Khoản đầu tư vào Sendo là một trong những vòng gọi vốn lớn nhất từ trước đến nay với một startup Việt.

Nikkei Asia Review hôm 16/08 cho biết, SBI Holdings – tập đoàn tài chính Nhật Bản và một số công ty khác có trụ sở tại châu Á sẽ đầu tư tổng cộng 51 triệu USD vào Sendo Technology – nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam.

Theo đại diện Sendo, thương vụ này có sự góp mặt của tám nhà đầu tư, trong đó có bốn nhà đầu tư mới gồm SBI Nhật Bản, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures, bên cạnh các nhà đầu tư hiện hữu của Sendo là Tập đoàn FPT, eContext Asia, BeeNext và Beenos. Tuy nhiên, giá trị đầu tư chi tiết của từng đơn vị không được tiết lộ.

Sendo, ra mắt năm 2012, là một nền tảng trực tuyến dành cho cá nhân và những doanh nghiệp nhỏ bán hàng hóa, tương tự như Mercari của Nhật Bản. Công ty này trở thành một trong những doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, với 10 triệu sản phẩm từ 300.000 người bán khác nhau.

Giao diện của Sendo – một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam.

Tổng giá trị giao dịch trên nền tảng này trong ba năm gần nhất đã tăng gấp gần 20 lần. Sendo sẽ sử dụng một phần vốn mới huy động để mở rộng dịch vụ, hướng tới mục tiêu nâng tổng giá trị giao dịch đạt 1 tỷ USD vào năm 2020.

Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 30% mỗi năm. “Người khổng lồ” Amazon cũng đang cho thấy những tín hiệu về việc xuất hiện tại thị trường này.

Theo Nikkei, các nhà đầu tư muốn dùng những công nghệ và kiến thức của họ để thúc đẩy sự phát triển của Sendo. SBI đang đầu tư vào các công ty về fintech trên khắp châu Á, còn Beenos sẽ cung cấp hiểu biết về thương mại điện tử mà họ có cho nền tảng này. Hãng tin này cũng cho biết, các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ thu hồi khoản đầu tư vào Sendo thông qua một vài lựa chọn, như đưa nền tảng này trở thành công ty đại chúng.

Năm 2014, Sendo cũng nhận gần 2 tỷ yen (khoảng 18 triệu USD) từ nhiều công ty Nhật Bản, bao gồm cả SBI Holding. Tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ đó đến nay đã thúc đẩy thêm nhiều đơn vị khác tham gia đầu tư vào nền tảng này.

Minh Sơn