Category Archives: Job seeker

Insight của giới trẻ trong việc định hướng nghề nghiệp

Nhiều nhận định cho rằng: “giới trẻ ngày nay có quá nhiều lựa chọn, dễ dàng bị lạc lối, không biết mình thích gì, thích gì, cứ nhảy việc thường xuyên”. Sự thật có phải như thế không? Bài phân tích báo cáo “Định hướng nghề nghiệp của giới trẻ Việt Nam” sẽ giúp bạn khám phá một số insight của giới trẻ trong việc lựa chọn nghề nghiệp.

Báo cáo “Định hướng nghề nghiệp”, nằm trong dự án nghiên cứu Insight thế hệ trẻ Việt Nam của Bamboo – bộ phận nghiên cứu insight của agency đa quốc gia Havas Riverorchid.

1. Lí do chọn ngành nghề?

Khi được hỏi về chuyên ngành đang theo học, 40.3% các bạn trả lời rằng chọn ngành theo sở thích cá nhân và sở thích cũng chiếm số điểm 4.81/5 về lí do chọn công việc hiện tại. Lựa chọn theo sở thích, cũng đồng nghĩa là do tác động của xu hướng hay chỉ đơn thuần là chọn đại mà thôi. Nói theo cách khác, các bạn lựa chọn một cách đơn giản, dễ dàng, chỉ cần cảm thấy thích, tin rằng mình có thể theo được ngành đó, công việc đó là đủ.

Lý do chọn ngành đang theo học.

Nick Morrison(1) cũng đồng tình với kết luận trên. Khi ông khảo sát 300,000 học sinh nộp đơn đăng ký vào trường Đại học, lí do phổ biến nhất khi các bạn chọn ngành là đam mê. Ngoài ra, có đến 71.5% các bạn đang hoặc dự định làm theo đúng ngành mà mình đã học. Qua đó, chúng ta có thể thấy được rằng giới trẻ ngày nay có xu hướng làm công việc mình thích, theo đuổi đam mê, hoài bão của bản thân hơn là làm một công việc ổn định, thu nhập cao.

Nghề đang làm có đúng ngành bạn học?

Mặt khác, 40.3% các bạn không có dự định hoặc đang làm đúng ngành vì cảm thấy không phù hợp. Ở nước ngoài, ngay từ nhỏ các em được tạo điều kiện để khám phá những đam mê và lợi thế của bản thân, rồi tập trung phát triển thế mạnh đó.

Còn ở Việt Nam, sau 3 cấp học, các em luôn được hướng đến hình mẫu giỏi toàn diện, cái gì cũng nắm chắc. Xét về chiều ngang, học sinh mình được tiếp cận tổng quát hơn, nhưng về chiều sâu cũng như kiến thức về các khía cạnh liên quan, học sinh Việt Nam vẫn còn bị động nhiều. Nhưng không phải em nào cũng vậy, vẫn có em chủ đông và biết được mình muốn gì và có thể làm gì ngay từ đầu.

Aine Cain(2) đã gợi ý cho các bạn cách để tránh những trường hợp chọn sai ngành học, để rồi làm một công việc liên quan đến ngành học nhưng lại không phù hợp với bản thân, đó là hãy chọn ngành đem lại cho bản cảm giác thích thú nhưng vẫn có những chỗ trống để khám phá các khía cạnh khác khi theo học ở các trường Cao đẳng & Đại học. Tức là, mình chọn ngành mà mình cảm giác nó có thể lấp đầy những kiến thức bản thân còn thiếu, bên cạnh đó, luôn sẵn sàng khám phá và học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ từ bạn bè và thầy cô giáo.

2. Mức độ nhảy việc

Khi được hỏi bạn đã trải qua bao nhiêu công việc toàn thời gian, 54.1% trả lời đã từng làm 2-3 công việc và 44.7% chỉ gắn bó với công ty trong thời gian ngắn, 6 tháng đến 1 năm. Qua đó, ta có thể thấy rằng: tuy đã học và làm theo đúng ngành (số liệu phần 1), nhưng khi ra trường, bắt đầu vào công việc thực tế, các bạn lại mất đi cảm giác yêu thích và sự yêu thích với công việc đó, hoặc nhanh chóng nhận ra sự không phù hợp, và chủ động tìm và thử con đường khác, hướng đi mới.

Thời gian gắn bó với công việc.

Người ta nói an cư thì lạc nghiệp, khi làm một công việc ổn định trong thời gian dài, bạn sẽ gắn bó với đồng nghiệp, công ty và hình thành đam mê mãnh liệt với công việc mà mình chọn. Mặt khác, công việc vào guồng và lặp đi lặp lại khiến đôi lúc chúng ta cảm thấy ngán, muốn thay đổi môi trường, gặp gỡ người mới và cho bản thân mình nhiều cơ hội hơn. Không có gì là đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn. Các bạn trẻ cởi mở, chấp nhận nhiều phép thử, cho mình cơ hội đón nhận thử thách và sai lầm trong đời hơn những thế hệ trước.

Nói về vấn đề nhảy việc, Lily Herman(3) cho biết thế hệ Millennials (sinh năm 1982-2002) mong muốn gắn bó với một công việc khoản 1 năm hoặc ít hơn rồi tìm một công việc mới nhằm tìm kiếm trải nghiệm, tăng lương bổng và mở rộng mối quan hệ, chiếm 26%. Paige Magarrey(4) cho biết độ tuổi của Millennials dễ dàng nhảy việc là do họ có thể kiếm thêm thu nhập, phát triển sự nghiệp, thay đổi chỗ ở dễ dàng và tìm thấy môi trường phù hợp với bản thân.

Mặt khác, 62% người trả lời e ngại nhảy việc quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tín nhiệm cá nhân, lòng trung thành, an toàn nghề nghiệp và khả năng thăng tiến. Câu hỏi đặt ra là khi nào chúng ta nên nhảy việc? Khi gặp tình huống đó, các bạn nên cân nhắc các yếu tố sau: những điều bạn muốn đạt được từ công việc, bạn có làm hết khả năng hay chưa, bạn có muốn tìm kiếm thử thách mới và nơi nào mang lại cho bạn lợi thế lâu dài.

Chúng ta nhận thấy rằng, bất cứ quyết định nào đưa ra cũng có những lí do của nó, nhảy việc nhiều không có nghĩa bạn sẽ bị nhà tuyển dụng nhìn với ánh mắt tiêu cực, bằng chứng là 55% nhà tuyển dụng vẫn chọn những cá nhân nhảy việc thường xuyên. Khi công việc không còn phù hợp, không có môi trường và cơ hội để bạn cống hiến bản thân, hãy chủ động cho mình rẽ hướng, để tìm lối đi riêng. Nhưng khi công việc vẫn đang mang lại cho mình nhiều lợi ích và phát triển bản thân, hãy cố gắng hết mình để cống hiến cho nó và đạt được vị trí cao hơn trong công việc.

3. Mức độ gắn bó với công việc

Khi được hỏi về mức độ hài lòng với công việc, 3.96/5 điểm đồng tình với lựa chọn “Các mối quan hệ trong công việc” . Bởi vì thật sự đồng nghiệp cũng như các mối quan hệ khác liên quan đến công việc, mang lại cho chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng. Các mối quan hệ sẽ góp phần giúp mức độ gắn bó với công việc sẽ cao hơn, từ đó giúp ta càng yêu thích công việc hiện tại và cống hiến cho nó trọn vẹn hơn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của công việc.

Thời gian dự kiến gắn bó với công việc hiện tại.

Bên cạnh đó, có 3.95/5 điểm đồng tình với lựa chọn “Cơ hội phát triển bản thân” và có đến 36.8% các bạn chỉ muốn gắn bó với công việc trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 năm. David K. Williams(5) cũng đồng tình với ý kiến trên: trong 1 đến 3 năm đầu tiên, bạn sẽ học hỏi được nhiều thứ và phát triển bản thân. Theo ông, một công việc hoàn hảo là việc bạn ngừng đứng núi này, trông núi nọ, hãy làm thật tốt công việc hiện tại.

Vincent S. Flowers và Charles L. Hughes(6) cũng đồng ý với David, ở cấp độ nhân viên có kỹ năng chưa cao (do mới ra trường hoặc làm việc trong thời gian ngắn) thì có đến 72% chọn gắn bó với công ty vì không muốn bỏ nhiều thời gian để có được những lợi ích mà họ được hưởng khi gắn bó với công ty.

4. Giới trẻ chỉ đôi lúc mất thăng bằng chứ không lạc lối

Khi được hỏi về vấn đề mất phương hướng trong sự nghiệp, có 50.9% các bạn “Thỉnh thoảng có cảm thấy”, 23.2% “Không bao giờ cảm thấy” và chỉ có 14,3% là “Có và rất thường xuyên cảm thấy”. Trong cuộc phỏng vấn với Bamboo, một số bạn trẻ đã nói rằng sự lạc lối, mất định hướng mà mọi người hay đề cập đơn thuần là cảm giác băn khoăn, hơi do dự vì đứng trước nhiều lựa chọn cho nên không biết nên đi theo con đường nào. Qua đó, có thể thấy rằng thấy rằng việc cảm thấy lạc lối trong sự nghiệp thực chất chỉ mang tính thời điểm, tại một giai đoạn nào đó trong sự nghiệp.

Một số bạn học ngành mình không thích, kiếm được công việc một cách dễ dàng và nhanh chóng, nhưng đã quyết định từ bỏ để tìm một công việc thật sự phù hợp, khiến bản thân thấy hài lòng, trọn vẹn hơn. Cũng có bạn bước đầu khó khăn tìm việc, chỉ cảm thấy buồn và hoang mang trong một chút trong giai đoạn đầu, sau đó lại tìm lại đúng với đam mê nghề nghiệp của mình. Những lúc hoang mang như vậy, con người dễ rơi vào trạng thái lạc lối, nó kéo dài trong thời gian ngắn, có thể 1 tháng, 2 tuần, 1 tuần hay chỉ vài ngày mà thôi. Nó giống như phản xạ tự nhiên của chúng ta khi đối mặt với chuyện ngoài ý muốn trong cuộc sống, công việc.

Mức độ cảm thấy mất định hướng trong sự nghiệp.

Và khi có cảm giác đó, 67.9% sẽ chọn giải pháp trò chuyện và chia sẻ cùng người mình tin tưởng. Trong cuộc sống và công việc, việc tìm được người để ta tin tưởng và trải lòng thật sự không phải dễ. Khi ta có thể trò chuyện với họ trong những lúc như thế này, chứng tỏ người bạn đó mang lại cho ta cảm giác an toàn và là nơi đáng tin cậy tuyệt đối.

Giải pháp khi mất thăng bằng trong sự nghiệp.

Tóm lại, giới trẻ ngày nay không lạc lối như cách mà mọi người nhìn nhận. Có thể đôi lúc trong công việc, có nhiều áp lực và mất cân bằng, mà các bạn cảm thấy hoang mang, không biết mình có phù hợp với công việc này hay không.

Lạc lối trong trường hợp này chỉ là một trạng thái mang tính chất thời điểm, như bất kì ở thế hệ nào, cũng sẽ có lúc cảm thấy chán công việc hiện tại lặp đi lặp lại, cảm thấy những gì công việc mang lai không xứng đáng với những gì mình bỏ ra hay không tìm thấy điểm chung về mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và bản thân.

Quan trọng là các bạn trẻ đã phần nào ý thức được việc, cần phải biết mình thích gì, biết mình muốn gì, chấp nhận những phép thử để tìm được con được phù hợp nhất, chứ không thụ động chịu đựng một công việc nhàm chán, không phù hợp với bản thân.

7 Cách Tìm Ra Đam Mê Nghề Nghiệp Từ Sâu Bên Trong Của Bạn

Bạn đang loay hoay giữa muôn vàn câu hỏi về nghề nghiệp thực thụ dành cho mình? Bài viết sau gợi ý những cách bạn có thể áp dụng để tìm ra công việc được định sẵn cho bạn.

Lập danh sách những điều bạn có thể làm tốt

Hãy cố gắng nhìn nhận một cách đầy đủ về những gì bạn có thể làm tốt, kể cả khi những điều đó không có vẻ gì là có thể phát triển thành một “sự nghiệp”. Tốt nhất, bạn nên lập một bản danh sách càng cụ thể càng tốt, dù cho bạn giỏi giúp đỡ, an ủi người khác, hay giỏi vẽ hoặc viết, hay thậm chí chỉ là…giỏi đi học/làm học sinh chăm chỉ.

Lập danh sách những thứ khiến bạn thấy cực kỳ thích thú

Bạn thích môn tiếng Anh hay Nghệ thuật? Tài chính hay Xã hội học? Bạn thích đọc loại sách nào? Bạn có xu hướng click vào những bài viết về chủ đề gì? Trên mạng xã hội, bạn thường follow các nhân vật hoạt động trong lĩnh vực nào? Tất cả những điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, vì thực ra chúng là chi tiết quan trọng nói lên con người của bạn. Sau khi xâu chuỗi hết những xu hướng sở thích hiện tại, nhiều điều về bản thân bạn có thể được tiết lộ hơn bạn nghĩ đấy.

Tìm điểm giao giữa hai bản danh sách nêu trên

Để tránh rơi vào những lựa chọn hão huyền (như đăng ký học bác sĩ phẫu thuật trong khi bản thân thấy máu là ngất xỉu chẳng hạn!), hãy lựa chọn tin tưởng vào những gì bạn đã hiểu rõ về bản thân mình: bạn thích thú với công việc gì, bạn có những sở trường/năng khiếu gì để làm tốt công việc đó. Hai yếu tố này được xác định nhờ “giao điểm” của hai bản danh sách bạn đã lập ở mục (1) và (2). Một khi đã hiểu rõ về bản thân mình, bạn chẳng còn phải sợ sẽ “lạc trôi” trong muôn vàn lựa chọn nghề nghiệp của thời đại nữa.

Hãy tưởng tượng bạn đang ở tuổi 80 và sắp lìa xa cuộc đời

Hãy đặt mình vào trong viễn cảnh này và thử nghĩ đến điều làm bạn tự hào khi để lại cho hậu thế. Khi bạn lìa xa cõi đời, điều gì sẽ khiến bạn tự hào vì mình đã sống? Điều gì sẽ khiến bạn hãnh diện với chính bản thân mình? Câu trả lời cho những câu hỏi này có thể là ngọn đèn dẫn đường cho bạn đến với công việc thật sự dành cho bạn.

Bạn thường thích làm nghề gì khi còn nhỏ?

Những nghề nghiệp bạn “nhập vai” khi còn nhỏ không nhất thiết là nghề nghiệp thực sự của bạn khi lớn lên, nhưng nó mang tính biểu tượng về các xu hướng công việc của bạn sau này. Nếu khi còn nhỏ bạn thích làm giáo viên, bạn có xu hướng thích các công việc liên quan đến hướng dẫn, dẫn dắt. Nếu bạn thích làm phi hành gia, bạn sẽ muốn khám phá và chinh phục điều gì đó vượt ra khỏi cuộc sống đều đặn, tẻ nhạt. Những nghề nghiệp khiến chúng ta mê mẩn thưở thơ bé có thể là hình ảnh phản chiếu con người thực bên trong mỗi chúng ta, vì vậy hãy nhớ về những kí ức và ước mơ tuổi thơ để cảm thấy bớt hoang mang hơn ở tuổi trưởng thành bạn nhé.

Hãy suy nghĩ về những gì bạn muốn làm mỗi ngày

Hãy nghĩ về việc bạn muốn làm mỗi ngày chứ không phải chức vụ hay những danh hiệu hào nhoáng. Điều gì khiến bạn hứng thú mỗi ngày và có thể dành 8 tiếng/ngày để hoàn thành kể cả khi có gặp khó khăn và thử thách? Nếu bạn chỉ tập trung nghĩ về những hình ảnh chung chung (“tôi sẽ trở thành một phiên dịch viên”, “tôi sẽ trở thành một giám đốc đa tài”, v.v…), thực chất bạn chỉ đang để tâm đến cách người khác nhìn nhận cuộc đời bạn chứ không phải cách bạn muốn sống cuộc đời mình.

Điều gì khiến bạn cảm thấy an bình (với chính bản thân mình)?

Không phải sự vui vẻ hay thậm chí là “ cảm giác hạnh phúc” – những cảm xúc này thường bột phát và bạn không nên dựa vào chúng để lựa chọn sự nghiệp của cuộc đời mình. Hãy tập trung để ý đến những việc giúp bạn cảm thấy an lành và bình yên với chính tiếng gọi nội tâm của mình. Khi đã tìm được một công việc như vậy, đừng dễ dàng từ bỏ chỉ vì sợ sự nhận xét của người xung quanh.

6 cử chỉ ngôn ngữ cơ thể giúp tăng cường sự tự tin

Kasia Wezowski là nhà sáng lập của Trung tâm Ngôn ngữ cơ thể (Center for Body Language), tác giả của 4 cuốn sách về chủ đề này và là nhà sản xuất, đạo diễn phim tài liệu Leap, kể về nghề huấn luyện (coaching).

Cách đây vài năm, bà cùng các đồng nghiệp được mời tham gia dự đoán kết quả của một cuộc thi thuyết trình của các startup tại Vienna (Áo) – nơi hội tụ 2.500 doanh nhân startup cùng cạnh tranh để đạt được phần thưởng là vốn hỗ trợ trị giá hàng ngàn euro. Thay vì quan tâm đến ý tưởng của các bài thuyết trình, họ quan sát ngôn ngữ cơ thể và những phản ứng tinh vi của ban giám khảo trong quá trình lắng nghe. Và họ đã dự đoán chính xác startup giành chiến thắng trước khi kết quả chính thức được công bố, mang đến sự ngạc nhiên thú vị cho tất cả mọi người trong khán phòng.

2 năm sau, họ lại được mời đến sự kiện đó một lần nữa, nhưng lần này là để quan sát các thí sinh. Nhiệm vụ của họ ở lần này không phải nhằm dự đoán người chiến thắng, mà để xác định cách mà sự tương tác không lời góp phần tạo nên thành công hay thất bại. Cụ thể, họ đánh giá các startup theo thang điểm 0 – 15, với điểm cộng khi có các ngôn ngữ cơ thể tích cực và điểm trừ trong trường hợp ngược lại.

Kết quả là, những startup nằm trong top 8 theo đánh giá của ban giám khảo có điểm trung bình là 8,3/15, trong khi những người nằm ngoài top 8 có thang điểm trung bình là 5,5/15. Điều này cho thấy, ngôn ngữ cơ thể tích cực có mối tương quan chặt chẽ với sự thành công.

Không những thế, dựa vào việc phân tích quá trình tương tác không lời của người dân trong các cuộc khảo sát, Kasia Wezowski và đội ngũ của bà cũng đã dự đoán chính xác kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 và 2 cuộc bầu cử khác ở châu Âu (ở thời điểm 2 tuần trước ngày bầu cử).

“Dĩ nhiên kết quả các cuộc bầu cử này không chỉ phụ thuộc vào ngôn ngữ cơ thể. Kết quả phần thuyết trình của các startup cũng vậy. Nhưng sự giao tiếp qua biểu hiện khuôn mặt và chuyển động của cơ thể có liên quan đến sự thành công”, Kasia Wezowski cho biết trong một bài viết trên Harvard Business Review.

Trung tâm Ngôn ngữ cơ thể đã nghiên cứu nhiều nhà lãnh đạo thành công trên nhiều lĩnh vực và đã xác định được một số cử chỉ ngôn ngữ cơ thể giúp tăng cường sự tự tin và tăng cường hiệu quả thuyết phục người nghe, theo Kasia Wezowski. Đó là:

1. Nguyên tắc cái hộp

Lúc mới bắt đầu tham gia vào chính trường, trong quá trình thực hiện các bài diễn thuyết, Bill Clinton thường nhấn mạnh quan điểm bằng những cử chỉ tay ở phạm vi quá rộng. Để giúp Bill Clinton kiểm soát được ngôn ngữ cơ thể, các cố vấn đã khuyên ông hãy tưởng tượng có một chiếc hộp trước bụng và ngực, rồi sau đó thực hiện các cử chỉ tay gói gọn trong phạm vi đó.

Kể từ đó, “chiếc hộp Clinton” đã trở thành một thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực ngôn ngữ cơ thể.

2. Nguyên tắc giữ quả bóng

Cử chỉ mô phỏng hành động như khi đang cầm một quả bóng rổ giữa 2 bàn tay là một dấu chỉ cho thấy sự tự tin và kiểm soát tốt, như thể bạn thực sự đang nắm giữ sự thật trên tay mình.

Steve Jobs thường xuyên áp dụng cách làm này trong các bài phát biểu.

3. Tay tạo thành hình kim tự tháp

Khi một người lo lắng, đôi tay họ thường xoa vào nhau và khó thể được giữ yên. Khi họ tự tin cũng vậy. Do đó, cách đơn giản nhất là đặt 2 tay lại như hình kim tự tháp trong một tư thế thoải mái.

Nhiều nhà điều hành doanh nghiệp hay thực hiện tư thế này. Nhưng một điều cần lưu ý là tránh lạm dụng hoặc kết hợp nó với một thái độ kiêu ngạo, tự mãn trên gương mặt. Hãy biểu hiện sự thoải mái, không phải sự tự mãn.

4. Dáng đứng rộng

Cách đứng là một chỉ số quan trọng cho thấy cách tư duy của một người. Đứng với tư thế vững chắc và kiên định, với đôi chân giang rộng khoảng bằng vai, cho thấy bạn đang cảm thấy mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát.

5. Hai bàn tay ngửa lên

Cử chỉ này cho thấy sự cởi mở và trung thực.

Oprah Winfrey thường xuyên sử dụng cử chỉ này trong các bài phát biểu. Nó cho thấy Oprah là một người có sức ảnh hưởng nhưng cũng sẵn sàng kết nối chân thành với người khác, có thể là một người đối diện hoặc đám đông hàng ngàn người đang lắng nghe bà.

6. Hai bàn tay úp xuống

Cử chỉ ngược lại cũng thể hiện sự tích cực, là dấu hiệu của sự mạnh mẽ, quyền lực và quyết đoán. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thường sử dụng nó để làm đám đông dịu lại sau những khoảnh khắc quá hào hứng.

* Một gợi ý từ Kasia Wezowski:

Hãy cố gắng quay video lại một phần thuyết trình của mình. Sau đó mở video ra xem và tắt âm thanh đi, chỉ tập trung vào ngôn ngữ cơ thể. Tư thế đứng và điệu bộ của bạn như thế nào? Bạn có sử dụng bất kỳ tư thế nào được gợi ý ở trên không? Nếu không, hãy nghĩ cách áp dụng chúng vào lần trò chuyện trước đám đông tiếp theo, hoặc thậm chí là trong các buổi nói chuyện với sếp hoặc khách hàng lớn. Hãy thực hành trước gương, sau đó với bạn bè, cho đến khi hoàn toàn thành thục một cách tự nhiên.

10 cách để trở thành người có sức hút

Sự thu hút của một người không nhất thiết bắt nguồn từ yếu tố bẩm sinh. Giống như nhiều loại kỹ năng khác, đây là điều có thể trau dồi hằng ngày.

“Điểm chung của những người có sức hút là họ dường như dễ dàng trở thành “chỉ huy” của một tập thể bất kỳ mà không cần phải cố gắng. Mọi người cảm thấy bị lôi cuốn bởi nguồn năng lượng từ họ và được thúc đẩy bởi cá tính mạnh mẽ của họ. Sự thu hút khiến bạn được yêu thích”, theo bài viết về sự phát triển cá nhân từ Tổ chức Hội đồng doanh nhân trẻ (YEC: Young Entrepreneur Council, nơi quy tụ những doanh nhân trẻ triển vọng nhất thế giới) trên Success.com.

Chia sẻ về bí quyết để phát triển thương hiệu cá nhân nói chung và nâng cao sức hút nói riêng, các thành viên của YEC đưa ra một số lời khuyên như sau:

1. “Quản lý” dây thần kinh của bạn

Khi những người có sức lôi cuốn nói chuyện, bạn có thể thấy họ dường như không hề căng thẳng. “Quản lý” các dây thần kinh không phải việc dễ dàng, nhưng có một số “chiêu thức” cơ bản để đảm bảo bạn luôn diễn đạt một cách trôi chảy với sự tự tin và thu hút. Chẳng hạn như sử dụng các loại “đạo cụ” trong quá trình nói để đưa bớt áp lực bên trong ra khỏi cơ thể. Đồng thời, thầm lặp đi lặp lại “câu thần chú”: “Cơ hội này quan trọng hơn bản thân mình”.

Kristopher Jones – nhà sáng lập, CEO LSEO.com

2. Biết cách lắng nghe

Khi nghĩ về một người lôi cuốn, chúng ta thường nghĩ về khả năng của họ trong việc trò chuyện và tương tác với người khác. Nhưng điều tạo ấn tượng sâu đậm với tôi là, họ là một người biết lắng nghe. Rất khó để giỏi kỹ năng này. Và trong một thế giới có guồng quay quá nhanh như nơi chúng ta đang sống, những người biết cách lắng nghe trở nên rất thu hút. Do đó, với tôi, người có sức hút là người biết lắng nghe chân thành và giúp bạn cảm thấy như thể những suy nghĩ của bạn có giá trị.

Kelsey Meyer – nhà đồng sáng lập Influence & Co.

3. Gắn kết càng nhiều càng tốt

Nội dung những chia sẻ của bạn nên có liên quan đến những người mà bạn đang trò chuyện cùng. Trong những câu chuyện bạn đề cập, hãy đặt bản thân mình ở vị trí mà hầu hết mọi người đều có thể thấy chính họ trong đó. Hãy sử dụng “kỹ thuật phản chiếu”, ví dụ như dùng đúng những từ, thuật ngữ mà mọi người dùng, và cố gắng tìm ra mặt bằng chung của mọi người để hỏi đúng câu hỏi.

Nicole Munoz – nhà sáng lập, CEO Start Ranking Now

>> Hãy là nhà lãnh đạo có sức hút

4. Nói về đam mê của bản thân

Đây là một chủ đề hợp lý có thể góp thêm năng lượng cho phần trò chuyện của bạn. Khi nghĩ về một điều gì đó gây chán nản, năng lượng của bạn sẽ ở mức thấp. Khi nói về một đam mê (như những điều khiến bạn trăn trở hằng đêm, những điều bạn muốn đóng góp để giúp thế giới tốt đẹp hơn…), nguồn năng lượng bên trong bạn sẽ được đánh thức. Niềm đam mê đó sẽ loại bỏ các cảm giác sợ hãi, tạo ra sự thuyết phục để người khác tham gia hỗ trợ bạn.

Alan Carniol – nhà sáng lập Interview Success Formula

5. Cho nhiều hơn nhận

Người có sức hút góp phần thúc đẩy và làm cho cuộc sống của những người xung quanh trở nên phong phú hơn. Khi bạn thực tâm giúp đỡ người khác, họ sẽ đặc biệt thích bạn. Chúng ta dễ bị lôi kéo về phía những người lo cho người khác trước khi nghĩ đến bản thân họ. Hãy cho nhiều hơn nhận và bạn sẽ trở nên lôi cuốn hơn.

Eric Mathews – nhà sáng lập, CEO Start Co.

6. Thêm “gia vị” hài hước

Nếu bạn có đủ tự tin để cố gắng và thành công trong việc làm cho người khác cười, bạn đã chiếm được cảm tình của họ. Sự hài hước và lôi cuốn thường đi song hành với nhau.

Yoav Vilner – nhà đồng sáng lập, CEO Ranky

7. Thích nghi với hoàn cảnh

Hầu hết mọi người nghĩ rằng sự tự tin tạo ra sự thu hút, nhưng tôi lại nghĩ sự thích nghi với hoàn cảnh mới là điều tạo ra sự thu hút. Hãy theo dõi để bắt kịp tin tức và các xu hướng của lĩnh vực mình đang hoạt động, và sẵn sàng đặt câu hỏi khi không hiểu một điều gì đó. Ở mọi trường hợp, mọi người sẽ cảm thấy vui khi giải thích chuyên môn của họ cho bạn.

Bryanne Lawless – nhà quản lý tại BLND Public Relations

8. Ghi nhớ những cái tên

Việc nhớ tên của một người có thể thu hút sự chú ý của họ ngay lập tức, khiến họ cảm thấy tầm quan trọng của bản thân và cảm thấy bạn “dễ thương” hơn. Dale Carnegie từng nói: “Đối với một người, tên của họ chính là âm thanh ngọt ngào nhất”. Dù là trong công việc hay cuộc sống cá nhân, hãy nỗ lực nhớ tên của những người bạn từng gặp gỡ.

Diego Orjuela – nhà sáng lập, CEO Cables & Sensors

9. Quan tâm chân thành

Những người có sức hút thường thực lòng quan tâm đến người khác. Hãy chủ động thể hiện sự nhiệt tình quan tâm đến người khác khi tham gia một cuộc trò chuyện. Hãy lắng nghe cẩn thận những điều họ nói trước khi đặt câu hỏi để có thêm thông tin hoặc đào sâu vấn đề. Hãy làm điều này và sức hút cá nhân của bạn sẽ được gia tăng.

Ajit Nawalkha – nhà đồng sáng lập, CEO Evercoach

10. Đặt nhiều câu hỏi

Mọi người thường thích nói về chính mình. Do đó, nếu bạn hỏi họ nhiều hơn và lắng nghe nhiều hơn, bạn sẽ trở nên thu hút hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên mở rộng vốn từ để phần trò chuyện của mình trở nên sôi động hơn.

Tommy Mello – đồng sở hữu Hãng A1 Garage Door Repair.

5 thói quen phải có để bứt phá mọi lĩnh vực

Người giàu có khác nhau về ý tưởng, khác nhau về quy trình và thậm chí là cách tư duy của họ cũng không tương đồng, thế nhưng có một thứ cố định ở nhiều người giàu, chính là thói quen.

Xa rồi những ngày người giàu và thành công là những người đi làm thuê với mức lương cao, giàu theo cách truyền thống. Giờ đây, những người giàu trên thế giới đều tự làm việc cho chính bản thân mình, họ xây dựng ước mơ, mở mô hình kinh doanh và sẵn sàng đương đầu với thử thách.

Tất nhiên, mỗi người giàu lại có cách thức riêng để giàu, nhưng họ có những điểm chung mà người bình thường ít sở hữu. Nếu muốn biến giấc mơ thành hiện thực, xoá bỏ đói nghèo và trở thành người giàu, có lẽ bạn nên học tập theo những thói quen này, đưa nó vào một phần của cuộc sống.

1. Đọc thật nhiều

Nhiều người lấy ví dụ về những người giàu có ít đọc sách, bạn có nhận thấy họ là thiểu số không? Đại đa số người giàu đều đọc sách nếu không muốn nói là đọc rất nhiều. Không phải những cuốn chuyện ngôn tình 3 xu hay những loại tiểu thuyết sến sẩm mà giới trẻ hay đọc, người giàu đọc những cuốn sách thực tế hơn để hiểu hơn về thế giới cũng như những gì diễn ra xung quanh mình.

Họ coi những cuốn sách với nội dung giáo dục người đọc là bạn đồng hành, họ tích luỹ những kiến thức bên trong đó và rồi đôi khi áp dụng hoặc biến tấu nó trong đời thực.

Từ sách kinh doanh, những bài học thành công hay thậm chí là những cuốn sách hướng dẫn ăn ra sao cho khoẻ mạnh, nó đều giúp ích bạn trong quá trình gặt hái thành công. Thế giới quá rộng lớn, kiến thức như đại dương, hãy trang bị chính mình để chuẩn bị cho những điều sắp tới.

2. Nghiên cứu, tìm tòi công nghệ mới

Khi cả thế giới chạy đua công nghệ, nếu bạn muốn giàu bạn cần phải đi trước hoặc ít ra cũng phải bắt kịp thời đại. Đi trước có lẽ sẽ là điều phức tạp do tuỳ vào kiến thức cùng khả năng nghiên cứu mà chúng ta đôi lúc đi vào ngõ cụt. Thế nhưng, hiểu những công nghệ đang hiện hữu, áp dụng nó vào công việc hoặc sử dụng nó để giải quyết khó khăn sẽ là điều nên làm.

Đôi khi, có những ý tưởng được sinh ra nhưng rào cản công nghệ khiến nó nhanh chóng dập tắt, đừng để điều này xảy ra với bạn.

3. Biết về một thứ thôi là không đủ

Hãy nhìn những triệu phú hay tỷ phú trên thế giới, họ hiểu rất rõ những gì mình làm từ trong ra ngoài. Thế nhưng, đó không phải là tất cả, tầm hiểu biết của họ rộng hơn thế rất nhiều.

Nếu muốn giàu có, thành công đột phá, bạn phải hiểu thêm về cả những thứ có liên quan tới việc bạn đang làm. Nếu chỉ mãi hiểu về một thứ, làm về một thứ, sự giàu có của bạn luôn bị giới hạn. Thế nhưng, nếu hiểu biết nhiều, bạn có thể tận dụng nó để phát triển thêm chân nhánh, mở rộng mô hình kinh doanh, đây mới là thứ mang về cho bạn nguồn thu lớn.

4. Đừng theo đuổi tiền, hãy theo đuổi giấc mơ và tiền sẽ tự đến

Hãy nhìn những tỷ phú nổi tiếng như Warren Buffett, Bill Gates hay Mark Zuckerberg, liệu có thêm 1 tỷ hay 10 tỷ USD nữa có làm họ thoả mãn? Chắc chắn là không rồi, những gì họ nhắm tới lớn hơn rất nhiều, đó chính là quyền lực, sự ảnh hưởng xã hội cũng như khả năng thay đổi thế giới. Nếu làm việc chỉ nghĩ tới tiền, bạn sẽ không đi xa được đâu.

Hãy xây dựng giấc mơ của mình, cho dù nó là gì đi nữa. Nếu đạt được, hãy mở rộng nó và biến nó thành thứ có ích cho xã hội, cho cộng đồng. Hãy tạo ra những thứ có thể giúp ích cho mọi người và bạn có thể thoải mái thu tiền từ nó mà không cảm thấy tội lỗi.

5. Tối ưu hoá hết mức thời gian

Những câu chuyện về triệu phú, tỷ phú hay mô tả một người làm việc thâu đêm, quên ăn quên ngủ. Tất nhiên, bạn không cần phải làm những thứ đó, và có khi chưa chắc nó đã giúp bạn giàu hơn.

Thế nhưng, tối ưu hoá thời gian lại là chuyện khác. Khoảng thời gian của chúng ta đều giống nhau, sử dụng chúng ra sao để có hiệu quả lớn hơn là điều bạn cần làm. Đôi khi hãy tham lam một chút, tính toán một chút để có thể từ bỏ được những điều tiêu tốn quá nhiều thời gian mà hiệu quả không tương đồng. Một khi tối ưu hoá, làm chủ được thời gian bản thân, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống.