Category Archives: Bussiness

SenseTime Group – startup trí tuệ nhân tạo đắt giá nhất thế giới

Giá trị của SenseTime Group đã tăng gấp đôi trong vài tháng qua, lên hơn 3 tỷ USD và là startup trí tuệ nhân tạo (AI) đắt giá nhất thế giới.

SenseTime Group vừa được rót thêm 600 triệu USD từ Alibaba Group và các nhà đầu tư khác, trong vòng huy động vốn định giá công ty này hơn 3 tỷ USD.

SenseTime Group tập trung vào các hệ thống phân tích khuôn mặt và hình ảnh trên quy mô khổng lồ. Công ty này thông báo vừa đóng vòng huy động vốn kéo dài vài tháng qua. Ngoài Alibaba, công ty đầu tư quốc gia Singapore – Temasek và hãng bán lẻ Suning.com cũng tham gia đổ vốn vào đây. SenseTime không nêu chi tiết từng khoản đầu tư. Dù vậy, Alibaba được cho là muốn có cổ phần lớn nhất trong startup 3 năm tuổi này.

Với thương vụ này, giá trị của SenseTime Group đã tăng gấp đôi trong vài tháng qua, lên hơn 3 tỷ USD và là startup trí tuệ nhân tạo (AI) đắt giá nhất thế giới. Được Qualcomm chống lưng, công ty này đang củng cố vị thế là một trong các công cụ giúp Bắc Kinh hiện thực hóa tham vọng dẫn đầu về AI trước năm 2030.

SenseTime Group cũng đang đóng góp cho hệ thống giám sát lớn nhất thế giới. Nếu một người từng chụp ảnh bằng một điện thoại của Trung Quốc hoặc đi bộ trên đường phố nước này, khả năng cao là khuôn mặt của người đó đã được lưu lại trong phần mềm của SenseTime được tích hợp trên hơn 100 triệu thiết bị di động.

Vòng huy động vốn này sẽ giúp họ có thêm tiền đầu tư cho các lĩnh vực tương đương, như công nghệ xe tự lái hay thực tế ảo, đồng thời chi trả cho nhân lực ngành AI và tăng cường sức mạnh máy tính. Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết công ty này đang đàm phán tổ chức vòng huy động vốn mới, đặt mục tiêu nâng giá trị doanh nghiệp lên hơn 4,5 tỷ USD.

“Chúng tôi đang tìm hiểu vài phương án chiến lược mới. Đó là lý do vì sao chúng tôi sẽ chi nhiều hơn cho cơ sở vật chất”, Xu Li – đồng sáng lập SenseTime cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Năm ngoái, công ty này bắt đầu có lãi và muốn tăng 30% nhân sự, lên 2.000 người cuối năm nay. “Trong 3 năm qua, doanh thu của chúng tôi tăng trung bình 400%”, Xu cho biết.

Xây dựng bản sắc thương hiệu trong kênh phân phối

Nhắc đến kênh phân phối là nhắc đến nguồn thu, công cụ trực tiếp đem về lợi nhuận cho mỗi doanh nghiệp sản xuất.

Tuy nhiên trong thời buổi “nhà nhà, người người làm thương hiệu” với những chiến lược quảng bá rầm rộ trên Tivi, Internet, mạng xã hội, event, báo chí nhiều “tốn kém” và đòi hỏi tính sáng tạo, sự chuyên nghiệp… thì kênh phân phối lại nổi lên, trở thành lựa chọn hợp lý, “chạm” đến người tiêu dùng và ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng bản sắc thương hiệu của doanh nghiệp.

Tác động của kênh phân phối trong việc xây dựng thương hiệu thường theo hai cách: Đầu tiên, nó tăng khả năng tiếp cận thương hiệu, sự yêu thích thương hiệu có khả năng chuyển hóa thành quyết định mua sắm. Nhưng điều quan trọng hơn là nó giúp sản phẩm xuất hiện nhiều hơn, từ đó tăng sự nhận biết của thương hiệu đối với người tiêu dùng. Những ông lớn trên thế giới như Coca-Cola, Starbucks, Apple,… dựa vào điều này như một yếu tố quan trọng của thành công thương hiệu.

Bản sắc thương hiệu trong kênh phân phối nghĩa là gì?

Hiểu một cách đơn giản, bản sắc thương hiệu chính là màu cờ sắc áo của mỗi doanh nghiệp khi đi ra thị trường. Nó giống như việc một đội tuyển khoác trên người bộ áo truyền thống của mình. Chỉ cần người hâm mộ nhìn vào màu sắc, cách design, bố cục, logo xuất hiện trên mỗi bộ đồ là họ biết đó là của đội bóng nào. Hiểu thấu đáo bản sắc thương hiệu sẽ giúp xây dựng và triển khai chương trình truyền thông, chiến lược kinh doanh được nhất quán, không tạo ra các thông điệp “rối rắm”, phức tạp, khó hiểu,.. và làm khách hàng hiểu, cảm nhận được giá trị của thương hiệu.

Màu đỏ được Coca-Cola sử dụng trong mọi ấn phẩm quảng bá.

Trên thực tế, mỗi nhà quản lý đều có một cái nhìn nhất quán về bản sắc thương hiệu của doanh nghiệp. Họ xây dựng các chiến lược, hình ảnh, khẩu hiệu, đặc tính, câu chuyện, màu sắc… thống nhất xung quanh sản phẩm. Nhưng trong quá trình hoạch định, công cụ các doanh nghiệp quan tâm lại chủ yếu là phương tiện thông tin đại chúng (mass media) với những quảng cáo, bài PR, các video viral, ấn phẩm truyền thông… mà gần như bỏ qua kênh phân phối, không đánh giá được đối tượng này ảnh hưởng như thế nào đến việc xây dựng bản sắc thương hiệu. Không phải cố ý mà kênh phân phối chỉ được coi như là nơi tạo lợi nhuận trực tiếp cho doanh nghiệp. Lúc này, bản sắc thương hiệu – kim chỉ nam của các chương trình xây dựng thương hiệu, sẽ bị kênh phân phối với bản chất vốn có (đa phần hướng vào lợi nhuận, doanh thu thực tế ngắn hạn) “cuốn đi” theo các mục tiêu của nó.

Chẳng hạn, một người tiêu dùng mua một sản phẩm tại 2 nơi khác nhau trong cùng một thời gian và phát hiện ra giá ở mỗi nơi một khác, nơi rẻ nơi đắt. Điều này dẫn đến hình ảnh sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng không thống nhất, họ phân vân không biết đây là dòng sản phẩm chất lượng cao hay ngược lại. Bản sắc thương hiệu của sản phẩm bị hiểu sai, làm mất thậm chí bị lệch lạc chỉ vì các nhà phân phối trên kênh phân phối sẵn sàng cạnh tranh giá để giành thị trường hoặc thu lợi nhuận.

Vinamilk là một ví dụ tốt nhất về việc xây dựng bản sắc thương hiệu trong chính kênh phân phối. Thương hiệu của Vinalmilk gắn liền với nhãn hiệu sữa tươi ngon và truyền thống. Trong mỗi chiến lược xây dựng hay quảng bá, các nhà lãnh đạo luôn thống nhất định vị bản sắc thương hiệu rất rõ ràng về chất lượng sản phẩm, con người, người tiêu dùng, thị trường mục tiêu. Hình ảnh quảng cáo có thể được thay đổi phù hợp với từng thời điểm, từng loại sản phẩm tuy nhiên bản sắc là cái vốn có không bao giờ thay đổi.

Dù sở hữu hơn 250 đơn vị phân phối độc lập, hơn 140.000 nghìn nhà bán lẻ trải rộng khắp Việt Nam cùng với chuỗi cửa hàng trưng bày – giới thiệu sản phẩm; nhưng tất cả những thông tin như: hình ảnh, bao bì sản phẩm, giá, mẫu quảng cáo, slogan…, thậm chí là nhân viên bán hàng của Vinamilk đều phải nhất quán. Những cửa hàng trưng bày… đều được thiết kế thống nhất chung về màu sắc, hình ảnh, nội thất vui tươi, gần gũi thiên nhiên, khẳng định một lần nữa về bản sắc truyền thống và sự tươi nguyên

Vinamilk luôn tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược xây dựng bản sắc thương hiệu.

Tại sao việc xây dựng bản sắc thương hiệu lại thất bại?

Tất nhiên, sai lầm đầu tiên đến từ chính chiến lược của doanh nghiệp trong việc đánh giá hiệu quả của kênh phân phối đến xây dựng bản sắc thương hiệu. Sự thiếu định hướng thống nhất về vấn đề này khiến các bộ phận trong doanh nghiệp không hiểu được trách nhiệm của mình. Quan điểm xây dựng thương hiệu là vấn đề của bộ phận Marketing, thương hiệu hay Giám đốc điều hành; còn phòng kinh doanh chỉ là nơi bán hàng không phải là điều quá lạ lẫm hiện nay. Chính vì vậy, khi đề ra một chiến lược quảng bá nào đó, bộ phận truyền thông (Marketing) chỉ tập trung vào những phương tiện đại chúng, thu hút khách hàng bằng quảng cáo bắt mắt trên mạng xã hội; bộ phận chăm sóc khách hàng có một kịch bản riêng để tư vấn – giải đáp vấn đề; còn bộ phận kinh doanh thì dùng đủ mọi chiêu trò để sản phẩm bán được càng nhiều càng tốt. Thiếu sự nhất quán khiến người tiêu dùng bị loạn thông tin.

Bên cạnh đó, việc đánh giá kết quả bán háng chủ yếu lại dựa vào doanh thu, doanh số ngắn hạn, còn các chỉ tiêu khá quan trọng cho định hướng chiến lược kinh doanh, chiến lược xây dựng thương hiệu như sự gia tăng khách hàng, độ phủ điểm bán, việc quản lý trưng bày sản phẩm, tần suất chào bán hàng, sự hiện diện của hàng hóa… lại ít được quan tâm. Mặc dù căn cứ vào đó ta có thể phân tích và theo dõi được hiệu quả của các chương trình thể hiện “màu cờ sắc áo” của chúng ta đã đến đâu, từng đơn vị sản phẩm mang bản sắc thương hiệu của chúng ta đang mạnh yếu như thế nào tại nơi gần với khách hàng nhất là kênh phân phối..

Xây dựng thương hiệu là nhiệm vụ của bộ phận Marketing?

Còn một lý do khác khá quan trọng là: khâu lựa chọn kênh phân phối, hình thức phân phối để triển khai bán hàng,.. lại không dựa trên việc hình thành và phát triển bản sắc thương hiệu. Hay là do chính nhà phân phối, điểm bán tự phá vỡ những nguyên tắc về cạnh tranh hay làm sai lệch hướng đi của sản phẩm.

Dưới đây cùng phân tích hai ví dụ về việc xây dựng bản sắc thương hiệu trên kênh phân phối tại thị trường Việt Nam.

Cà phê hòa tan thương hiệu V. Thông điệp và chiến lược hướng đến: Một loại cà phê hòa tan có “gu” truyền thống và lâu đời, mang hương vị thiên nhiên của Việt Nam.

Phân tích thị trường: Dòng cà phê hòa tan đang chịu sự cạnh tranh gay gắt khi xuất hiện thêm nhiều thương hiệu mới, đặc biệt là những doanh nghiệp đa quốc gia tham gia vào việc cung ứng dòng sản phẩm này. Nếu chỉ xét về khía cạnh quảng cáo, những công ty này “ăn đứt” thương hiệu V, họ đầu tư nguồn ngân sách khổng lồ cho TVC, Event, Bài viết PR báo chí, xây dựng fanpage kết nối người tiêu dùng trẻ… với tần suất xuất hiện dày đặc.

Tuy nhiên, công ty V vẫn đứng vững và đang dần lên vị trí đứng đầu thị trường sản phẩm cà phê hoà tan tại Việt Nam. Công ty V đã làm điều đó như thế nào? Mặc dù rất tiết kiệm và “dè sẻn” cho các chương trình quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Có được thành công này bởi ban lãnh đạo công ty đã hiểu rõ đối tượng tiêu thụ và cách truyền bá bản sắc thương hiệu của sản phẩm đến với người dùng. Thương hiệu cà phê V đáp ứng cho nhu cầu sử dụng cà phê hàng ngày nhưng dễ pha chế, pha chế nhanh (như tính năng của các loại cà phê hoà tan khác). Đối tượng chính ở đây là hộ gia đình, tất cả các thành viên trong gia đình (theo kiểu truyền thống) bằng hương vị “gu” truyền thống (với mùi và hương vị xem là “gu” của người tiêu dùng Việt Nam) chứ không định hướng bản sắc là phục vụ giới trẻ, sành điệu.

Trước tiên, đối tượng khách hàng này thường xuyên đến các kênh phân phối truyền thống (chợ, điểm bán, đại lý…) để thực hiện hành vi mua sắm của mình. Theo nghiên cứu hành vì người tiêu dùng, họ (hộ gia đình, thành viên gia đình) thường yêu cầu chủ cửa hàng tư vấn, lấy sản phẩm và họ có khoảng 60s chờ đợi và quan sát những hàng hóa được trưng bày bên ngoài. Chính vì vậy thương hiệu V sử dụng kênh phân phối này làm nơi truyền tải các thông điệp, vừa dễ kiểm soát vừa không lo lắng về việc thay đổi giá cả (các cửa hàng tạp hóa ít khi thay đổi giá để cạnh tranh). Tuy nhiên, số lượng các điểm bán lẻ này rất lớn (1,1 triệu cửa hàng trên toàn quốc), không thể đầu tư hết bởi chi phí quá cao, tính chất phân tán khó kiểm soát. Vì vậy, thương hiệu V đã thống nhất chọn từng vùng, từng địa bàn… thực hiện chiến lược “càn lướt”, chào bán hàng đến đâu là xây dựng – xác lập “màu cờ sắc áo” đến đó. Trước tiên họ xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng khổng lồ với màu sắc riêng biệt. Khi đến điểm bán, nhân viên cung cấp công cụ truyền tải bản sắc thương hiệu: dụng cụ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, kệ, tủ, sổ ghi chép bán hàng (P.O.P – Point of Purchase, P.O.S – Point of Sale, Billboard…).

“Màu cờ sắc áo” thể hiện trong tất cả những sản phẩm truyền thông của doanh nghiệp.

Kết hợp, là các chương trình “sampling”, tặng sản phẩm cho người tiêu dùng dùng thử sản phẩm trên khu vực đã triển khai bán hàng; các chương trình khuyến mãi như tặng muỗng inox gắn với mỗi hộp cà phê… Từng bước đi một, từng vùng thị trường một V đã xác lập được bản sắc thương hiệu thống nhất với một khoản chi phí bỏ ra hợp lý cho việc đầu tư xây dựng thương hiệu. Cũng với một mức chi phí đó, V cũng đã xác lập một kênh phân phối rộng khắp – hiệu quả – gia tăng doanh thu thực về cho công ty.

Nước tăng lực B, nước tăng lực có nhân sâm Hàn Quốc. Thông điệp hướng đến: Dòng sản phẩm cao cấp, tốt cho sức khỏe nhờ việc sử dụng loại cây – củ huyền thoại, sản phẩm mang dáng dấp Hàn Quốc.

Thương hiệu B có chiến lược đầu tư khác biệt. Họ đẩy sản phẩm vào kênh Horeca – phân khúc thị trường khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, quán cà phê cao cấp. Bởi khách hàng ở đây chủ yếu phân khúc hạng sang, những người có tiền cho nên nước tăng lực B có mức giá cao, sản phẩm cao cấp với chất lượng vượt trội. Bên cạnh đó, nhận thấy kênh bán lẻ truyền thống có lượng khách hàng lớn, thương hiệu B xâm nhập vào các kệ bán lẻ, cạnh tranh với những loại nước tăng lực giá rẻ, chất lượng vừa phải khác. Đồng thời B còn mở rộng thị trường vào những khu lao động bình dân tại các tỉnh tạo ra một hình ảnh bản sắc thương hiệu của B là bình dân, gần gũi với tầng lớp lao động.

Bản sắc thương hiệu nước tăng lực B xây dựng được sau khi tham gia vào các kênh phân phôi khác nhau: Thương hiệu cao cấp – vừa sành điệu – giá cao – vừa bình dân – dễ mua – giá hợp lý. Hệ thống nhận diện (các bảng hiệu, poster, tờ rơi, kệ bán hàng, kệ trưng bày,….) của B trải đều, rộng khắp nơi từ quán bar cao cấp tại trung tâm quận 1 – TPHCM cho đến quán cóc, vỉa hè tại quận vùng ven Bình Chánh,… Người tiêu dùng “rối trí”, họ không biết nên hiểu như thế nào về thương hiệu này. Điều này dẫn đến tình trạng: Người sành điệu tại kênh Horeca không mua bởi nó “nhà quê” quá “Tôi là người có tiền, giàu sang không thể dùng sản phẩm mà vỉa hè cũng bán được”. Còn với người tiêu dùng nông thôn họ cũng không dám mua bởi sợ thể hiện mình “đã nghèo còn thích mua hàng cao cấp”; hoặc nghe cái tên cao cấp quá sợ “đắt”.

Như vậy, từ 2 ví dụ trên ta có thể thấy một điều rằng: Xây dựng một cái nhìn nhất quán về sản phẩm trong con mắt của người tiêu dùng là yếu tố then chốt tạo nên thành công của chiến lược kinh doanh. Một sản phẩm hay dịch vụ chỉ nên mang trong mình một tích cách, tránh tạo cảm giác “lẳng lơ”, “anh nào cũng có thể chiều được”.

Khai thác kênh phân phối vào việc quảng bá thương hiệu, hay nói cụ thể hơn là tận dụng mặt tiền từng điểm bán; đầu tư hệ thống trưng bày sản phẩm (mang tên doanh nghiệp); “mua chuộc” chủ cửa hàng nói nhiều hơn về sản phẩm là hướng khai thác dù không phải là mới nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên hãy chú ý đến bản sắc thương hiệu, màu cờ sắc áo; đừng để sản phẩm của mình bị mờ nhạt trên kệ hàng, mang quá nhiều loại giá hay truyền tải nhiều thông điệp khác nhau. ĐỘC ĐÁO – DỄ NHÌN – DỄ NHỚ là cách bạn đánh cắp trái tim khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Facebook hắt hơi, dân buôn online lập tức cảm nặng

Những ngày qua vụ việc Facebook làm lộ thông tin người dùng đã khiến dân tình hoang mang. Liệu ai đã từng nghĩ đến việc bỗng nhiên một ngày Facebook không còn là “miền đất hứa” nữa thì người kinh doanh đang phụ thuộc nó sẽ như thế nào?

Lao đao vì Facebook

Facebook đỏng đảnh, “hắt hơi xổ mũi” liên tục khiến những người kinh doanh khó lường, phải lựa tính lựa nết. Bởi, họ hiện gần như quá phụ thuộc vào kênh Facebook và thiếu chiến lược đúng đắn khi tiếp cận khách hàng của mình, chưa tính toán được những rủi ro khi “bỏ hết trứng vào một rổ”.

Chị Đào Nguyên, chủ một shop thời trang tại Hà Nội, đã lo lắng suốt tuần nay vì hiệu quả quảng cáo Facebook giảm sút. Bình thường hàng ngày vẫn có trên dưới 30 đơn nhưng kể từ khi Facebook thay đổi thuật toán ưu tiên hiển thị địa phương nhiều hơn thì lượng đơn hàng của chị giảm 1 nửa.

Chị cho biết, Facebook là kênh mang lại doanh thu chủ yếu của cửa hàng, mỗi khi Facebook thay đổi, dù là thay đổi nhỏ cũng có ảnh hưởng ít nhiều. Nếu không nhanh nhạy thay đổi chiến thuật thì rất khó để trụ vững.

Liên quan đến việc đóng API kết nối với các bên dịch vụ thứ 3 của Facebook vài ngày gần đây, anh Nguyễn Minh Chiến, chủ cửa hàng phụ kiện điện thoại tại TP.HCM phải đăng lên Facebook tỏ vẻ bức xúc khi hiện tại không dùng được phần mềm quản lý Facebook mà phải mất thời gian, công sức chát và tạo đơn thủ công qua Messenger như bình thường.

Việc này làm ảnh hưởng rất nhiều tới hiệu suất làm việc và nguồn lực đầu tư vào kênh bán hàng này. Anh Chiến cho hay, sử dụng phần mềm quản lý bán hàng trên Facebook sẽ tiện hơn, thay vì mất nguyên 2 người chỉ để trực fanpage thì chỉ cần 1 người vừa trực vừa tạo đơn trực tiếp. Anh lo ngại về việc không biết khi nào Facebook mới mở API để có thể dùng bình thường.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều những cửa hàng, shop bán hàng chia sẻ sự ảnh hưởng khi Facebook thay đổi hoặc đưa ra một quyết định nào đó. Liệu có ai đã từng nghĩ đến việc bỗng nhiên một ngày Facebook không còn là “miền đất hứa” nữa thì người kinh doanh đang phụ thuộc nó sẽ như thế nào?

Chớ bỏ tất cả trứng vào một rổ

Theo khảo sát mới đây của phần mềm quản lý bán hàng Sapo, hơn 80% cửa hàng bán lẻ có sử dụng Facebook để bán hàng. Thực tế, rất nhiều cửa hàng kỳ vọng rất lớn vào kênh bán hàng này nên đầu tư chủ yếu về quảng cáo, công cụ quản lý, chatbot,…

Sau sự cố của Facebook lần này, mọi người cũng cần phải nhìn nhận lại về việc phân bổ nguồn lực cho các kênh bán hàng. Nếu chỉ tập trung vào riêng 1 kênh bán Facebook thì chỉ cần “một cái hắt hơi” của Facebook thôi cũng đã ảnh hưởng rõ ràng.

Anh Nguyễn Tuân, chủ shop Cặp túi da, một trong những shop không phụ thuộc vào Facebook, cho biết, anh đã tạm dừng chạy quảng cáo Facebook. Cửa hàng của anh không bị ảnh hưởng nhiều vì kênh chính là website thông qua tối ưu hóa công cụ tìm kiếm Google.

Ông Trần Trọng Tuyến – Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho hay: “Phụ thuộc quá nhiều vào một kênh là một sai lầm của các doanh nghiệp, cửa hảng bán lẻ. Thay vào đó, ngoài kênh chính cần có ít nhất 1-2 kênh khác tạo ra doanh thu.

Không nên quá phụ thuộc vào Facebook.

Điều này đặc biệt quan trọng khi bán hàng trên các kênh mà bạn không kiểm soát hết 100% như Facebook. Website là một kênh bán hàng bền vững về lâu dài, là một kênh bán hàng mà mọi doanh nghiệp cần coi trọng và ứng dụng.”

Ông Tuyến cũng nói thêm, nếu đi theo hướng đa kênh này thì bài toán đặt ra là nguồn lực để quản lý và bán hàng sao cho “nhàn”, tiết kiệm và hiệu quả nhất. Sử dụng một nền tảng có thể vừa quản lý và vừa bán hàng đa kênh, xử lý tập trung sẽ có lợi hơn rất nhiều cho các doanh nghiệp, cửa hàng.

Xét về góc độ marketing, một chuyên viên marketing chia sẻ: Chạy quảng cáo thực chất là đang phó mặc hên xui may rủi cho Facebook. Với một marketer, một người kinh doanh cần kíp phải có thêm những phương án 2 để đối phó với những thay đổi đột ngột.

Đơn cử như Facebook thay đổi thuật toán tăng hiển thị nội dung quảng cáo fanpage địa phương thì người bán hàng có thể lựa chọn những giải pháp khác như quảng cáo trong Messenger, quảng cáo standard ads hoặc lựa chọn quảng cáo Zalo, Instagram,…

Quảng cáo Facebook là công cụ rất tiềm năng để thu hút khách hàng. Trên thực tế có không những trường hợp nếu dừng quảng cáo thì sẽ không bán được hàng. Điều này là sai lầm với tư duy của một người kinh doanh nghiêm túc.

Không nên bỏ nhiều trứng vào một rổ, cần phải đo lường và có những phương án kênh bán hàng khác để tạo ra doanh thu là thực sự cần thiết.

Thị trường cà phê Việt nằm trong tay ai?

Nếu trước đây, thị trường cà phê Việt chỉ vài cái tên chi phối như Trung Nguyên, Nescafe, Vinacafe… thì nay đã có sự cạnh tranh ráo riết của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Từ năm 2013, thị trường cà phê Việt Nam thực sự nóng lên khi Starbucks bắt đầu gia tăng sự hiện diện của mình và tiếp đến là chuỗi cà phê đến từ Hàn Quốc Coffee Bene, thương hiệu đến từ Mỹ PJ’s Coffee cùng chuỗi trong nước như The Coffee House, Trung Nguyên, Highlands, Phúc Long, Passio…

Ngay cả doanh nghiệp từ trước đến nay chưa tham gia trồng, chế biến cà phê cũng công bố bỏ vốn đầu tư, với tham vọng chia lại thị trường.

Doanh nghiệp “ngoại đạo” tham vọng xuất khẩu

Được biết đến với “chuyên môn” mở chuỗi quán cà phê, đầu năm 2018, The Coffee House công bố mua lại trang trại, kho, hệ thống rang xay để bắt đầu trồng cà phê tại Đà Lạt. Mới chỉ sở hữu 33 ha trồng cà phê, nhưng CEO Nguyễn Hải Ninh khẳng định đây là bước đi đầu tiên để hướng tới mục tiêu xuất khẩu trong 5 năm tới.

Nguyễn Hải Ninh cũng tự tin cho rằng có thể trong tương lai gần nhất, diện tích cà phê doanh nghiệp này sở hữu sẽ tăng mạnh hàng nghìn ha. Bởi doanh nghiệp quyết tâm chinh phục mục tiêu trồng và xuất khẩu ngành hàng này.

Thị trường cà phê Việt đang cạnh tranh gây gắt với hàng loạt tên tuổi trong và ngoài nước ở cả lĩnh vực trồng đến chế biến, xuất khẩu. Ảnh: Trang Quỳnh.

Thể hiện tham vọng mạnh mẽ hơn, năm 2017, NutiFood, doanh nghiệp chưa hề tham gia thị trường cà phê, đã công bố đầu tư 1.000 tỷ đồng trồng cà phê tại tỉnh Đăk Lăk.

Với khoản đầu tư này, công ty sữa cho biết sẽ phát triển ngành cà phê từ cây giống, trồng, thu hoạch, xây dựng nhà máy chế biến cà phê cao cấp… để nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm sau cùng. Công ty sẽ tận dụng kênh phân phối có sẵn để đẩy mạnh khai thác thị trường xuất khẩu.

NutiFood cũng đồng thời được tỉnh Đắk Lắk chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Cà phê Phước An, một công ty có kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm 12-15 triệu USD, sở hữu 1.400 ha diện tích cà phê. Đây là công ty Nhà nước đầu tiên của Đắk Lắk thực hiện thí điểm cổ phần hóa.

Trả lời hoài nghi chuyện một doanh nghiệp ngoại đạo đổ vốn nghìn tỷ vào cà phê, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood, cho rằng công ty có tầm nhìn về việc cho ra đời những sản phẩm cà phê sạch, hữu cơ. Doanh nghiệp sẽ tiến tới đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu cà phê thành phẩm chất lượng cao, trước mắt nhắm đến 2 thị trường Nhật và Mỹ.

Đi trước một bước, Starbucks sau 2 năm gia nhập thị trường Việt Nam đã công bố bán dòng cà phê Việt Nam với tên gọi “DaLat Blend” tại hơn 21.500 cửa hàng ở 56 quốc gia của chuỗi cà phê này. Đây là dòng sản phẩm cao cấp, một gói cà phê bột khoảng 250 gr bán với giá 12,5 USD (tương đương hơn 280.000 đồng). Vùng đất trồng ra loại cà phê được giới thiệu là thượng hạng này chính là Đà Lạt (Lâm Đồng).

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội cà phê Việt Nam cho biết cả nước có hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu và 3.000 đại lý thu mua cà phê, nhưng chỉ 1/3 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu.

Cuộc chiến chuỗi cửa hàng cà phê vẫn diễn ra khốc liệt với hàng chục tên tuổi lớn trên thị trường, trong đó cũng có không ít chuỗi rời cuộc chơi. Ảnh: Thái An.

Cuộc chiến khốc liệt ở chuỗi quán cà phê

Đầu năm 2013, Starbucks vào Việt Nam, cuộc chiến trong kinh doanh chuỗi cũng thật sự bùng nổ, dù các chuỗi tên tuổi như Trung Nguyên, Highlands đã phát triển rầm rộ trước đó.

Thời điểm Starbucks vào Việt Nam với ầm ĩ các hoạt động truyền thông thu hút khách hàng cũng là lúc 2 chuỗi cà phê nội, là Phúc Long và The Coffee House ra mắt. Không ồn ào như Starbucks, nhưng Phúc Long lại khiến khách hàng, nhất là giới trẻ, mê mẩn với menu thức uống đa dạng, giá cạnh tranh nhưng cửa hàng hiện diện ở hầu hết vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM.

The Coffee House không đầu tư cửa hàng tại những vị trí vàng, mà ghi điểm bằng thiết kế quán trẻ trung, ấn tượng, phù hợp với giới trẻ. Giá thức uống cũng ở mức khách hàng trung cấp chấp nhận.

Tính đến hiện tại, hệ thống Highlands đang sở hữu số lượng quán nhiều nhất với gần 150 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành. Starbucks có khoảng 30 cửa hàng, Trung Nguyên hơn 60 cửa hàng, The Coffee House 80 cửa hàng, Urban café gồm 30 cửa hàng… Chưa có chuỗi nào bày tỏ ý định dừng ở con số nhất định mà tiếp tục có kế hoạch đầu tư để mở rộng và phát triển.

CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh cho biết ước thị trường có khoảng 20.000 quán cà phê lớn nhỏ và vẫn đang còn dư địa phát triển. Chuỗi cà phê này dự kiến mở đến 2.000 quán trong 5-10 năm tới.

Cả nước có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu cùng hơn 3.000 đại lý thu mua cà phê, nhưng chỉ 1/3 số này đầu tư nhà máy chế biến sâu. Ảnh: Trang Quỳnh.

Mỗi người Việt tiêu thụ 1,38 kg cà phê/năm

Theo báo cáo Ngành Nông nghiệp Việt Nam quý III/2017 của BMI Research, trong giai đoạn 2005-2015, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tăng trưởng từ 0,43 kg/đầu người/năm, lên 1,38 kg/đầu người/năm. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới, và dự báo lên 2,6 kg/người/năm vào 2021.

Báo cáo cũng cho biết sản lượng tiêu thụ cà phê rang xay của Việt Nam niên vụ 2017-2018 ước khoảng 2,55 triệu bao, do sự phát triển nhanh chóng của các cửa hàng cà phê.

Riêng với thị trường cà phê hòa tan, nếu trước đây chỉ xoay quanh 3 đại gia Vinacafe Biên Hoà, Nestlé và Trung Nguyên thì này thêm nhiều đối thủ như TNI (King coffee), Ajinomoto (Birdy), PhinDeli…

[Infographic] “Ông hoàng” M&A của Thái Lan đang nắm giữ những tài sản gì ở Việt Nam?

rong những năm gần đây, Charoen Sirivadhanabhakdi không còn là cái tên quá xa lạ – bởi danh hiệu “ông hoàng” M&A, với những khoản đầu tư đình đám trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, phân phối, bán lẻ, bao bì, đồ uống… không chỉ ở Thái Lan mà còn các nước trong khu vực Châu Á và đặc biệt là Việt Nam.