Category Archives: News

Bị đuổi việc chàng trai 28 tuổi này đã xây dựng doanh nghiệp triệu đô chỉ trong 1 tháng

John Crestani ngồi trên một bờ biển ở Thái Lan, những mất mát và nghèo túng trong cuộc đời anh đã giúp xoay chuyển anh từ một kẻ lang bạt trở thành một nhà kinh doanh internet thành công.

Vào năm 2009, Crestani mới 21 tuổi đã bỏ sang Thái Lan sau khi bị đuổi học khỏi trường đại học. Anh đi lang thang nay đây mai đó dọc cả đất nước bằng khoản tiền ít ỏi từ gia đình và cố gắng tìm lại chính mình.

Cho đến cuối cùng, anh đã mang theo mình những tác phẩm tôn giáo như sách Kinh thánh và Bhagavad Gita (một văn bản tiếng Hindu). Tuy vậy, miếng ghép hoàn hảo nhất hóa ra lại là một cuốn sách về kinh doanh: “Tuần làm việc 4 giờ” của Tim Ferriss, cuốn sách chỉ dẫn căn bản cho việc chia nhỏ thời gian bằng cách xây dựng một công ty kinh doanh online.

(John Crestani)
(John Crestani)

Nguyên lý then chốt của Ferriss trong cuốn sách này là cần phải chấm dứt việc quy đổi thời gian làm việc ra tiền lương và xây dựng các doanh nghiệp mà đến cuối cùng có thể vận hành hầu như hoàn toàn tự túc sau khi được thiết lập: tạo ra thu nhập thụ động.

“Tôi đã từng ở vào thời điểm mà dường như mất hết phương hướng, chẳng biết mình sẽ đi đâu và rồi đột nhiên bắt gặp ý tưởng này.”, Cretani nói. “Tôi nghĩ, điều đó nghe thật tuyệt, và tôi chỉ muốn thực hiện nó ngay.”

Và anh làm thật. Crestani sử dụng những suy nghĩ của riêng mình cũng như những lời khuyên của Ferris để xây dựng nên một mạng lưới quảng cáo trên web hiện đang thu về lợi nhuận 250.000 – 500.000 USD mỗi tháng, giúp anh có thể đi du lịch khắp thế giới và kiếm tiền dựa theo nhu cầu của khách hàng.

Trong khi rất nhiều người cũng khao khát theo đuổi phương pháp xây dựng lối sống của Tim Ferriss, Crestani thực sự là một người khởi xướng thành công. Nhưng anh cũng không hề đạt được điều đó một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Những năm tháng thất bại trước khi có được “tuần làm việc 4 giờ”

Crestani đã trải qua nhiều năm với những khởi đầu và thử nghiệm sai lầm trước khi anh chạm tay đến thành công của một doanh nghiệp có lợi nhuận.

Bước đi đầu tiên trên hành trình khởi nghiệp là khi anh quyết định bán sản phẩm trên eBay. Cuộc đầu tư này mang về cho anh 1000 – 2000 USD mỗi tháng và cả một cuộc gọi từ đội ngũ bảo mật của PayPal.

Có một vấn đề trong mô hình kinh doanh này: Crestani đang bán những sản phẩm mà PayPal không chấp nhận. Tài khoản Paypal của anh đã bị cắt và doanh nghiệp của anh cũng đi tong.

Sau đó, anh quay trở lại nhập học một lần nữa. Hiểu rõ về hệ thống máy tính, Crestani sử dụng bí quyết kỹ thuật của mình để vượt qua được mọi khóa học online của tất cả các chuyên ngành tại trường đại học.

“Tôi có tất cả câu trả lời, và tôi bán những kiến thức đó.”, anh giải thích. “Đó là một cảm giác rất kỳ lạ. Tôi chưa bao giờ nhận ra một file PDF lại có giá trị đến thế. Đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi về việc đổi kiến thức lấy tiền bạc.”, Crestani nói.

Kết quả của công việc đó là khoản thu 1000 USD mỗi ngày. Nhưng sự vui mừng này (và cả dòng tiền) lại không kéo dài được lâu. Crestani bị đình chỉ học khi nhà trường nghi ngờ anh gian lận khi thực hiện các bài kiểm tra.

Bất chấp những thất bại đó, Crestani chưa bao giờ đánh mất mục tiêu cuối cùng của mình. “Tuần làm việc 4 giờ vẫn liên tục vang vọng trong tâm trí tôi. Nó đã gieo những hạt giống, những ý tưởng rằng bạn không cần phải đánh đổi thời gian ra tiền bạc.”

Thật đáng buồn, anh vẫn chỉ loanh quanh với những thành công mà cuốn sách thuyết giảng. Tất cả những gì Crestani có được lại là việc anh bị sa thải khỏi công việc hàng ngày đó.

(Crestani và đội ngũ của mình khi quay về Morocco)
(Crestani và đội ngũ của mình khi quay về Morocco)

Từ nhân viên xuất sắc đến kẻ bị sa thải

Vào năm 22 tuổi, Crestani đã có một công việc thật sự khi anh làm việc cho một công ty marketing ở Los Angeles. Công ty này chuyên về quảng cáo Payperclick (quảng cáo trả tiền tính theo lượt click chuột) trên các phương tiện tìm kiếm.

Crestani đã tự học về thương mại và nhanh chóng vận hành hơn 20 tài khoản khách hàng, phác thảo những quảng cáo bắt buộc và những chiến lược dự thầu thông minh để thúc đẩy doanh số bán hàng.

Anh đã làm tốt công việc quảng cáo đến mức có thể nhân doanh số của một khách hàng lên tới 40 lần. Mang về hơn 110.000 USD doanh thu mỗi tháng, Crestani lúc đó đã trở thành một “ngôi sao” quảng cáo online trong công ty của mình.

Sau đó, anh đã làm điều mà mọi chuyên gia có lòng tự tôn khác sẽ làm, anh đề nghị một cách lịch sự về việc tăng lương. “Sếp của tôi nhìn tôi từ đầu đến chân khi tôi đề nghị tăng lương và nói: ‘Nếu không thì sao?'” Crestani nhớ lại.

Thay vì trân trọng những giá trị Crestani mang lại cho công ty, cấp trên đã chửi bới anh và bắt anh quay trở lại làm việc. Crestani hoàn toàn kinh ngạc.

Anh đã thực sự muốn rời khỏi công ty từ thời khắc đó và cuối cùng anh thực sự bị sa thải. Nhưng anh đã nhanh chóng giữ lại những khách hàng cho riêng mình để có thể tồn tại trong khi theo đuổi giấc mơ thực sự của đời mình: xây dựng một doanh nghệp triệu đô nơi mà sẽ không có một “cấp trên” nào nữa.

Hành trình “đúc ra tiền”

Crestani đã cho thấy anh thực sự là một thiên tài trong quảng cáo online. Anh biết mình muốn đi du lịch vòng quanh thế giới. Và anh khao khát được độc lập từ những trói buộc truyền thông của cuộc sống doanh nghiệp.

Anh nảy ra ý tưởng về việc phát triển sản phẩm của những công ty khác, thay vì tiêu tốn một khối lượng khổng lồ thời gian và tiền bạc để tự sản xuất ra chúng. Anh cũng hiểu được rằng những sản phẩm vi lượng đồng căn được chọn lọc ra từ các nhà cung cấp có thể đem về cho mình khoản lãi lớn nhất, bởi vậy anh đã triển khai những kiến thức quảng cáo của mình để tạo doanh số cho những món hàng này.

Mỗi khách hàng mà Crestani thuyết phục mua hàng tạo ra một khoản lợi nhuận đáng kể cho công ty. Ví dụ, anh nói rằng mình nhận được 40 USD cho mỗi đơn hàng 90 USD. Công ty của Crestani – Nutryst còn tuyển dụng và đào tạo những cộng tác viên khác để bán sản phẩm cho họ, tạo ra một mạng lưới hiệu quả đem về một khoản lợi nhuận khổng lồ lên đến 6 con số mỗi tháng.

Thế nhưng “gia vị bí mật” của Crestani chính là việc thu lại và sao chép chính mình. Anh ghi lại các chiến dịch quảng cáo do chính anh tạo ra – từng bước một (hiện nay anh đang tập trung vào quảng cáo trên Facebook) trên máy tính cá nhân và gửi nó cho đội ngũ riêng để họ có thể lặp lại kết quả đó.

Đó thực sự là bí kíp tuyệt vời cho thành công của Crestani. “Mỗi chiến dịch quảng cáo triệu đô mà tôi thực hiện, tôi đều ghi lại bản thân một cách kỹ lưỡng trên máy tính trong quá trình sáng tạo. Tôi chuyển những thứ đó cho nhóm của mình và đảm bảo rằng họ cũng có thể làm việc tốt như tôi.”

Kết quả là một doanh nghiệp mà có thể thu lời bất kỳ khi nào anh cần. Tất cả những gì Crestani và đội ngũ của mình gồm 10 người cần làm là đăng tải những quảng cáo ở đúng nơi và theo dõi lợi nhuận gia tăng từ đó.

Niềm đam mê và lợi nhuận đem lại cho phép anh có thể chu du khắp thế giới tùy ý thích. Crestani đã làm việc vô cùng chăm chỉ để phát triển một lối sống mà không bị bó buộc bởi cấp trên hoặc cần thể hiện rất nhiều ở văn phòng. Và phần thưởng, cùng với lợi nhuận, còn có những thứ hơn cả tiền bạc.

Crestani nói rằng anh từng lớn lên một cách đơn độc, nghiện các trò chơi máy tính và thờ ơ với những thứ mà du lịch thế giới có thể mang lại. Bây giờ, nhà triệu phú 28 tuổi vừa kết hôn đang lập kế hoạch cho chuyến thám hiểm toàn cầu tiếp theo trong khi đẩy công ty của mình đến một tầm cao mới.

“Tôi muốn mở lòng mình để đón nhận những trải nghiệm mới.”, anh nói về bước chuyển của mình sang kinh doanh.

“Ngồi trong phòng chơi Diabo II có vẻ không phải là một tương lai thú vị cho lắm. Nên tôi đã thay đổi điều đó.”

“Bộ mặt thật” của Terry Gou, ông trùm đế chế Foxconn

Có thể miêu tả Terry Gou, “ông vua” của đế chế Foxconn bằng vài cách, song có hai từ trong tiếng Trung Quốc thực sự lột tả rất chính xác cá tính của nhân vật này. Một là “baqi” nghĩa là “khao khát”, hai là “qinglian” hay “trong sạch”.

"Bộ mặt thật" của Terry Gou, ông trùm đế chế Foxconn

Tính cách của Gou là thành quả của giáo dục từ cha mẹ. Hai cụ thân sinh ông là người nhập cư từ Trung Quốc đại lục. Cha của ông chưa bao giờ chuyển khỏi ngôi nhà nhỏ bé của mình ngay cả khi con cái đã trở thành những người giầu nhất Đài Loan.

Cha mẹ của Gou và chị gái rời tỉnh Sơn Đông đến Đài Loan năm 1949 sau nội chiến Trung Quốc và ông sinh ra một năm sau đó. Cha ông là cảnh sát nhưng không có nhà, cả gia đình phải đến sống tại một góc của ngôi đền cạnh nhà ga. Lớn lên, ông bị các đồng nghiệp bản xứ cô lập nên đã tự đứng lên tranh đấu cho bản thân.

Châm ngôn của Gou là “Nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực nhiều hơn”. Còn rất nhiều điều về nhà sáng lập kiêm CEO Hồng Hải (hay Foxconn) vượt quá sự tưởng tượng của nhiều người.

Chính điện của ngôi đền tại thành phố Đài Bắc, nơi Terry Gou sống cho đến khi học xong trung học.

Làm bạn với địch

Nhiều người hiếu kỳ tìm hiểu Foxconn mở rộng dây chuyền sản xuất như thế nào. Câu trả lời đơn giản: sự khát khao của Gou. Khi còn trẻ, Gou tìm được một việc tại công ty vận tải sau khi học quản trị kinh doanh tàu tại trường dạy nghề. Khi mở Foxconn năm 1974, ông không giới hạn hoạt động trong chuyên môn của mình mà thâm nhập vào các mảng mà ông tin là sẽ thành công, bắt đầu từ công tắc nhựa và nút bấm trên tivi, máy chơi game.

Khủng hoảng dầu hỏa những năm 1970 và suy thoái đã đánh gục công ty. Trong thời điểm khó khăn nhất, vợ của Gou thậm chí còn không có đủ tiền mua gạo nuôi con. Cha mẹ của bà phải cho Gou vay tiền để sinh sống qua ngày. Khi ấy, ông nhận thức sâu sắc rằng công nghệ đúc kim loại chính là con đường dẫn đến khác biệt hóa sản phẩm và tìm kiếm những sản phẩm có thể giúp mình cải tiến công nghệ trong khi vẫn thu được lợi nhuận.

Sau đó, Gou bắt đầu sản xuất giắc nối linh kiện và các thiết bị đầu vào/đầu ra trên máy tính cá nhân. Khi gia nhập thị trường vào khoảng năm 1983, ban đầu ông vẫn gặp khó khăn khi kiểm soát tỉ lệ sản phẩm hư hỏng. Nhằm phát hiện và xử lý tốt hơn, ông chuyển bàn làm việc đến gần bộ phận điều khiển tự động của nhà máy. Khi nhà sản xuất dây nối Toyo Tanshi – nay là Sumiko Tec – của Nhật Bản gặp rắc rối về tài chính, Gou đã nhanh chân đưa một số thành viên người Đài Loan về công ty mình.

Bỏ qua lòng tự trọng, ông thường xuyên tiếp cận tất cả người lạ như nhân viên của đối thủ và nhà cung ứng, để hỏi xin lời khuyên, theo một nguồn tin nội bộ Foxconn. “Làm bạn với địch” là một nét tính cách rất tự nhiên của Gou nhưng không mang tính hình thức. “Ông ấy biết rằng sẽ chẳng thể được ai giúp đỡ nếu chỉ tìm cách lợi dụng họ. Ông làm những việc nhỏ nhất từ mang trà khi họ bận, nói với họ về những gì ông ấy muốn và nhận thông tin cần thiết như ai là người quan trọng và khi nào họ xuất hiện”.

Ông ấy nói chuyện như thế nào và nói cái gì vẫn là một bí mật nhưng dường như không thay đổi nhiều kể từ khi bắt đầu. Gou sở hữu thần thái cuốn hút với mọi người. Khi ông trình bày, ông lấy đi sự chú ý của khán giả.

Khung sườn

Khi công ty đạt đến một mức độ nhất định, Gou bắt đầu vươn ra quốc tế. Gọi điện đến 32 bang của Mỹ, ở trọ tại các nhà trọ giá rẻ, ông đã giành được đơn hàng quan trọng từ Compaq Computer, nay là HP. Khách hàng mới của ông cũng đang khảo sát vỏ kim loại cho desktop. Nhân cơ hội này, Gou mua máy móc từ Nhật Bản, song sự thiếu hiểu biết của ông trong lĩnh vực đã bị bộc lộ. Máy móc đắt hơn những gì Compaq sẵn sàng trả và Gou đối mặt với khả năng không được bù đắp cho khoản đầu tư.

Dù vậy, rủi ro đã được loại bỏ với mô hình kinh doanh mới. Bằng cách giảm tổng chi phí linh kiện sản phẩm chứ không riêng gì vỏ, ông đã vượt lên đối thủ. Đặc biệt, ông phát minh ra mô đun khung sườn (“bare bone”) cho desktop và cung cấp cho Compaq. Mô-đun thiếu các linh kiện đắt tiền như chip và ổ cứng nhưng lại có lợi cho Compaq. Thứ nhất, họ có thể trì hoãn mua sắm cho đến phút cuối cùng. Tại thời điểm đó, linh kiện ngày một rẻ hơn theo thời gian cùng với sự phổ biến của máy tính cá nhân, đồng nghĩa với chi phí cho kinh kiện đắt đỏ sẽ rẻ hơn. Thứ hai, sự lãng phí trong việc chỉ giao các vỏ máy tính rỗng được loại trừ nhờ lấp đầy chúng bằng linh kiện cơ bản.

Model đã tạo ra cái gọi là “cú sốc Compaq”, nhanh chóng đẩy giá máy tính cá nhân xuống thấp và xóa bỏ vị thế thống trị mà NEC có được trên thị trường máy tính cá nhân.

Apple đã nhìn ra “cơn khát” của Gou và đặt niềm tin vào ông. Khoảng năm 2002, Apple đang không thể tìm ra một nhà cung cấp vỏ nhôm đáng tin cậy cho Power Mac G5. Không máy móc nào xử lý được hợp kim nhôm phù hợp cho máy tính dạng tháp. Trong khi các nhà sản xuất khác bó tay, Gou buộc nhân viên làm việc gấp đôi để đáp ứng nhu cầu Apple. Ông tham gia vào quá trình phát triển trong 2 tháng, theo nguồn tin Foxconn.

Không scandal

Từ khóa thứ hai miêu tả Gou chính là “trong sạch”. Vài người cho rằng một ông trùm như ông chỉ có thể là người xấu. Song không gì đúng với sự thật. Năm 2005, Gou trải qua nỗi buồn vô hạn khi vợ đầu tiên qua đời, người ông tin tưởng mọi thứ. Khi tái hôn với một biên đạo múa năm 2008, hai vợ chồng quyết định tặng 90% tài sản cá nhân làm từ thiện.

Gou quyên góp không ít trong khoảng 20 năm nay, trong đó có khoản 462 triệu USD cho nghiên cứu ung thư tại Đại học quốc gia Đài Loan. Ông còn hai lần tặng 100 triệu USD Đài Loan cho các nỗ lực cứu hộ động đất và sóng thần tại Nhật Bản tháng 3/2011, một từ Foxconn và một từ tiền riêng.

Nhân viên của Gou được trả lương khá hào phóng nhưng ông lại chi tiêu tiết kiệm. Chẳng hạn, khi ăn tối bên ngoài, ông bỏ qua các nhà hàng đắt tiền để ăn những món ưa thích như cơm thịt bò nướng hay một tô mỳ kiều mạch.

Ông còn nổi tiếng nghiêm khắc với các thành viên trong gia đình. Khi bắt gặp con trai, cũng làm một nhân viên Foxconn, ngủ quên bên máy móc, ông đã tát nhẹ vài cái vào mặt con mình để đánh thức. Không người con nào trong cuộc hôn nhân đầu tiên có hứng thú với Foxconn. Con trai ông làm việc trong lĩnh vực sản xuất phim và kinh doanh bất động sản, còn con gái quản lý tổ chức từ thiện thay cho người mẹ đã mất.

10 cuốn sách những người kinh doanh nên đọc trước tuổi 30

Những năm tháng tuổi 20 có thể nói là tiền đề để chúng ta gây dựng sự nghiệp cũng như tích lũy kinh tế, tiền bạc cho các kế hoạch trong tương lai. Và trên con đường đó, còn rất nhiều kiến thức, còn rất nhiều kinh nghiệm chúng ta chưa có và cần học hỏi .

Dưới đây là một số cuốn sách về xã hội – kinh tế mà giúp bạn có cái nhìn tổng quan, rõ ràng hơn về chuyên ngành mình đang theo học/ đang làm, cũng như cho bạn một hướng đi hay giúp bạn “giữ thăng bằng” trên con đường mình đã chọn.

1. Công ty sáng tạo(“ Creativity. Inc” by Ed Catmull)

Trên con đường vun vén cho sự nghiệp, có khi nào bạn nhận ra rằng công việc mình theo đuổi đang dần “ thui chột” sự sáng tạo mà trước đó bạn rất trân trọng?

Đó cũng là câu hỏi mà với cuốn sách” Công ty sáng tạo”, Ed Catmull- đồng sáng lập công ty hoạt hình Pixa, đi tìm câu trả lời, nguyên nhân và giải pháp bằng những kinh nghiệm của mình.

Dù là nhà lập trình, nhân viên ngân hàng hay một nghệ sĩ, bạn đều có cơ hội và khả năng thỏa sức sáng tạo để làm nên những tác phẩm của riêng mình.

2. Đừng đi ăn một mình ( “Never eat alone” by Keith Ferrazi)

Trong cuốn sách, Keith Ferrazi, bằng những kinh nghiệm và trải nghiệm trước đó, đã bày ra trước người những phương pháp mà ông đã sử dụng để tiếp cận, và tạo mạng lưới quan hệ với những người mà ông quý mến, khâm phục từ khi mới chập chững vào nghề cho tới lúc ông trưởng thành trong giới kinh doanh.

“Trong chúng ta ai cũng có khả năng quyến rũ người khác – cho dù đó là đồng nghiệp, người xa lạ, bạn bè, hay sếp của mình. Nhưng có khả năng khác với biết cách vận dụng nó, và đó là lý do tại sao có những người đi qua cuộc đời này lặng lẽ như những cái bóng, trong khi có người luôn thu hút được sự chú ý bất cứ nơi đâu họ xuất hiện.”

Cho nên, đừng bao giờ đi ăn một mình.

3. Thiên nga đen ( “The Black Swan” by Nassim Nicholas Taleb)

Con người chúng ta thường thích nghĩ về những ảo tưởng sự thật được vẽ ra bởi những giả thiết…

Bằng “ Thiên nga đen”, tác giả Taleb đã chỉ ra cách mà một số người đã lầm lẫm khi đặt niềm tin của mình vào những giả thiết( không chắn chắn và thiếu chứng cứ). Và theo quan sát của Taleb thì những hệ thống có cấu trúc chắn chắc nhất lại là những chỗ dễ bị sụp đổ nhất, như là vụ khủng hoảng tài chính những năm 2007- 2008.

Có thể khẳng định , “Thiên nga đen” là cuốn sách sẽ thay đổi cái nhìn của bạn về thế giới mà chúng ta đang tồn tại.

4. Sức mạnh của thói quen( “ The Power of Habit” by Charles Duhigg)

Không buồn chán và tẻ nhạt như cái tên đầy tính khoa học mà cuốn sách có thể gợi cho bạn, thay vào đó, “ Sức mạnh của thói quen” lại mang đầy sự hữu dụng và thú vị cho những bạn trẻ hướng tới cuộc đời và sự nghiệp viên mãn.

Hãy để ý, cuốn sách muốn truyền tải tới bạn đọc một thông điệp ai cũng biết nhưng hiếm người áp dụng được: Những thói quen, dù cực kì nhỏ nhặt và tiểu tiết đến đâu- như việc hút thuốc hoặc trì hoãn trong công việc, đều có một ảnh hưởng đến sự thành bại trong tương lai.

5. Im lặng – Sức mạnh của người hướng nội ( “Quiet: the power of the world that can’t stop talking” by Susan Cain)

Bẩm sinh bạn là một người hướng nội, và bạn thực sự không muốn thay đổi con người để đổi lấy chuẩn mực “hướng ngoại” của xã hội nếu muốn thăng tiến trong sự nghiệp thì đích thị cuốn sách này của Susan Cain là dành cho bạn.

Mệt mỏi và khó chịu khi thấy những người hướng nội bị xếp thứ yếu trong xã hội, khi thấy xã hội đề cao những giá trị của hướng ngoại lên trên hướng nội, tác giả Susan Cain đã viết cuốn sách này- cuốn sách được coi là cách mạng của những người hướng nội.

Thích giao tiếp, hoạt ngôn và thích tranh luận ư? Để thành công, theo Susan Cain, bạn- dù hướng nội hay hướng ngoại, cũng chẳng cần phải đi theo những lề lối mà xã hội đã vẽ ra.

6. Điểm bùng phát( “ Tipping point” by Macolm Gladwell)

Giới trẻ chúng ta ngày nay đã quá quen thuộc với mạng xã hội, nhưng sự thật là chúng ta mới chỉ “ chập chững” làm quen với những khái niệm, hình thái mới mẻ của truyền thông.

“Điểm bùng phát”, mặc dù đã xuất bản từ 15 năm trước, vẫn mang những giá trị còn nguyên vẹn, còn chuẩn xác cho tới ngày hôm nay. Cuốn sách cung cấp cho người đọc những cái nhìn về việc tại sao và như thế nào một xu hướng, một ý tưởng hay một hành vi xã hội có thể vượt qua ngưỡng nhất định- và bùng phát rồi trở nên phổ biến rộng rãi.

7. Quyền lực- vì sao người có kẻ không? (“ Power” by Jeffrey Pfeffer)

Gần như hầu hết những cuốn sách về lãnh đạo thường có tính khuyến khích và tính truyền cảm hứng đối với người đọc. Nhưng “ Quyền lực” của Jeffrey Pfeffer không thuộc tuýp đó. Trái lại, bằng cuốn sách này, Jeffrey đã cố gắng và nỗ lực trong việc phản biện, phản bác những triết lý có phần giản đơn và được lý tưởng hóa thay vì đúng với thực tế cuộc sống.

8. Phi lý trí (“ Predictably Irrational” by Dan Ariely)

Dù muốn mở một công ty, start- up hay đang trên con đường xây dựng nghiệp, thì bạn đều nên trang bị cho mình những kĩ năng “đọc vị” hành vi con người. Và cuốn sách này chắc chắn là điểm khởi đầu tốt cho những người muốn tìm hiểu thêm về tâm lý học hành vi, từ việc tại sao chúng ta luôn trì hoãn trong công việc cho đến việc xác định giá trị của một sản phẩm.

9. Động lực (“ Drive: The surprising truth about what motivates us” by Daniel Pink)

Với “ Động lưc”, Daniel Pink đã tạo một cuộc tranh luận thú vị với bạn đọc: chúng ta đã và đang làm điều gì để tạo động lực cho bản thân? Chẳng phải những tư duy về phương pháp tạo động lực bằng giải thưởng hay thành tích là đã quá cũ kỳ vì nó chẳng hề đem lại những hiệu quả lâu dài? Theo Daniel, để tạo động lực hiệu quả cho bản thân, chúng ta cần phải làm quen với một số giá trị như tư duy độc lập, sự thành thạo và kết quả của công việc.

10. Cho khế nhận vàng(“ Give and Take” by Adam Grant)

Người đời cứ bảo ta rằng, để thăng tiến trong sự nghiệp, phải biết các thói lươn lẹo, ma lanh, khôn lỏi. Liệu điều đó có đúng không?

Nhưng Adam Grant, với cuốn “ Cho khế nhận vàng”, đã chỉ ra rằng quan điểm trên là hoàn toàn lệch lạc, sai lầm. Những người thành công nhất trong lĩnh vực của họ, theo những nghiên cứu ở cuốn sách, thường là những người tạo ra những giá trị cho người khác.

“Cho và nhận là cả một nghệ thuật. Khi cho đi một, bạn sẽ nhận về gấp nhiều lần “(Mark Twain).

Thế Giới Di Động tham vọng chiếm 30% thị phần điện máy năm 2017

Với việc bao phủ 63 tỉnh thành trên cả nước, hãng này tham vọng sẽ kiếm được từ mảng điện máy 25.000 tỷ đồng vào 2017.

Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động cho biết vừa hoàn tất quá trình mở rộng hệ thống Siêu thị điện máy Xanh tới 63/63 tỉnh thành của Việt Nam. Đây cũng là hãng bán lẻ điện máy đầu tiên của Việt Nam đạt được độ bao phủ này.

Tính đến 6 tháng đầu năm 2016, hãng đã khai trương thêm 33 siêu thị, nâng tổng số điểm bán lên 119. Ngoài ra, trong năm nay, công ty còn dự định triển khai thêm mô hình “Điện máy Xanh mini” có quy mô nhỏ và sẽ bán các chủng loại hàng hóa vừa đủ cho một khu vực dân cư nhất định. Theo dự kiến, trong giai đoạn 2016–2017 công ty sẽ nhắm đến mở 135 siêu thị điện máy thường và 270 cửa hàng mini, nâng tổng số lượng lên 400 điểm bán trên toàn quốc.

Ảnh minh họa: Internet.

Mục tiêu trong năm nay của hãng với nhóm điện máy là sẽ về đích với doanh thu 12.000 tỷ đồng, chiếm 14-16% thị phần và sẽ nâng lên trên 25.000 tỷ và 30% thị phần vào năm 2017.

5 tháng đầu năm, công ty này đạt doanh thu 16.240 tỷ đồng, tăng trưởng 80% so với cùng kỳ. So với kế hoạch năm 2016 là 34.166 tỷ đồng doanh thu, Thế giới Di Động đã hoàn thành 48% trong 5 tháng. Trong tổng doanh thu đạt được thì điện máy mang về 4.566 tỷ đồng, tăng trưởng 212% so với cùng kỳ và đây cũng là nhóm ngành có mức tăng trưởng mạnh nhất trong các ngành nghề kinh doanh của hãng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 700 tỷ đồng, tăng 86% và hoàn thành 86% kế hoạch năm.

Bên cạnh 2 mảng kinh doanh chính là điện thoại và điện máy thì mới đây, công ty còn đang thử nghiệm mô hình Bách hóa Xanh với tham vọng tấn công và chiếm lĩnh thị trường nhóm sản phẩm thực phẩm, tiêu dùng nhanh.

Người Việt không còn ham giá rẻ

Báo cáo mới đây nhất của Nielsen cho thấy, người tiêu dùng Việt đang tìm kiếm những sản phẩm “đáng đồng tiền bát gạo” nhất đối với họ, bất kể bối cảnh kinh tế đang diễn ra như thế nào.

Giá là một trong hai yếu tố quan trọng nhất trong việc mua hàng, nhưng người tiêu dùng Việt quan tâm nhiều hơn đến giá trị của sản phẩm hơn là vấn đề giá rẻ. Tâm lý này khiến hàng ngoại chất lượng tốt dù giá cao vẫn sống khỏe tại thị trường nội địa.

Tìm hàng đáng “đồng tiền bát gạo”

Chị Thu Ngân, một luật sư làm việc cho một công ty luật ở Q.1 (TP.HCM) cho biết bình quân chị chi tiêu 100.000 – 150.000 đồng cho trái cây mỗi ngày. “Nhưng do chất lượng an toàn thực phẩm trái cây nội khá mù mờ nên tôi đặt tin tưởng trái cây nhập khẩu hơn”, chị nói. Giá các loại trái cây ngoại cao hơn trái cây nội tùy loại khoảng 20 – 30%: 1 kg hồng Hàn Quốc giá 240.000 đồng, kiwi vàng New Zealand giá 190.000 đồng…

Táo Mỹ, cam Úc, nho không hạt, cherry, kiwi xanh New Zealand… đã là thực phẩm quen thuộc và khá phổ biến với người tiêu dùng Việt từ vài ba năm nay. Nếu như lúc trước, trái cây ngoại chỉ xuất hiện ở các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh thì nay đã “phủ” đầy ở các chợ, trên các xe bán dạo… Thực tế, với các mặt hàng thực phẩm, giá rẻ nay không còn quan trọng với nhiều người tiêu dùng bằng chất lượng và an toàn thực phẩm.

Người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi tiêu cho hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Nguyên Nga.

Tại một buổi giới thiệu các loại trái cây tươi từ New Zealand ở siêu thị Metro (Q.2, TP.HCM) mới đây, nhiều người đang lựa mua trái cây tại đây cho biết, trái cây của New Zealand, Úc, Mỹ là mặt hàng gia đình chọn mua hằng ngày. Chị Thủy Phương (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Nho Chile tại đây có giá 105.000 đồng/kg, trong khi nho Ba Mọi của VN có giá 85.000 đồng/kg thì hàng không có thường xuyên, nên tôi chọn nho ngoại cho chắc. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng có hai mặt, nếu không cẩn thận, vẫn bị mua nhầm trái cây ngoại “đểu” của Trung Quốc. Chúng tôi nay đi mua hàng dọ theo mã số để tránh bị mua nhầm hàng Trung Quốc. Nói chung nếu chọn hàng sạch, an toàn, chất lượng tương đương, tôi sẵn sàng trả cao hơn 30% để có đồ ăn ngon. Với các loại thực phẩm đặc trưng như mì Ý, pate, xúc xích… thì cao mấy cũng mua chứ không thể so sánh về giá nữa”.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, chia sẻ dịp lễ tết 2016 ông chứng kiến nhiều người đi Thái Lan mua thực phẩm về sử dụng, cho thấy người tiêu dùng Việt đã sẵn sàng mua giá đắt hơn nhưng có thể tin tưởng nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm. Một đôi tất dệt kim VN bán giá 15.000 đồng đầy ngoài đường, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng mua một đôi tất Nhật Bản giá 200.000 đồng. “Tôi đi mua một cái áo sơ mi VN sản xuất vài trăm ngàn đồng nhưng mới 1 tháng đã đứt cúc, cổ áo sờn rách. Giá cao nhưng chất lượng không bằng hàng nước ngoài cũng là lý do khiến người tiêu dùng đổ xô mua hàng ngoại”, ông nói.

Đã hết thời “chịu trận”

Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (CEscon), Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinatas), cho rằng đã qua thời người tiêu dùng Việt “ăn chắc mặc bền”, mà nhu cầu tiêu dùng của họ ở mức độ cao hơn, hướng đến việc đặt sức khỏe lên hàng đầu. Đó là lý do người tiêu dùng đặt yếu tố chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, cao hơn yếu tố giá cả. Thời gian trước, hàng hóa xuất xứ Trung Quốc phủ dày đặc thị trường, nhưng khi thông tin việc kém chất lượng và nguy hiểm đến sức khỏe lan rộng thì nhiều người chuyển hướng tìm nguồn hàng an toàn hơn, và chấp nhận mức giá cao hơn 20 – 30%. “Chuyển biến này đã làm nảy nở mảnh đất màu mỡ cho hàng hóa thực phẩm ngoại. Doanh nghiệp Việt cần phải nhanh nhạy tận dụng nhu cầu này để đưa thông tin minh bạch về sản phẩm để lấy niềm tin người mua”, ông phân tích.

Người tiêu dùng đã “chịu trận” hàng hóa thực phẩm chất lượng thấp thời gian qua. Nay đã qua thời đó và họ đang sử dụng quyền lực người tiêu dùng để buộc doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng hơn nữa.

Theo khảo sát của chúng tôi, tại siêu thị, chợ, tiệm tạp hóa, trong xu thế thay thế các mặt hàng Trung Quốc, nay các mặt hàng gia dụng như rổ, thau, bát đũa, cốc chén, chổi lau nhà, thùng đựng rác… xuất xứ từ Thái Lan rất nhiều. Đặc biệt, hàng hóa mỹ phẩm của Thái Lan có giá cao hơn tầm 20%, thậm chí mỹ phẩm cao gấp đôi so với hàng Việt vẫn được nhiều người mua sử dụng hơn.

Chẳng hạn, tại cửa hàng bán tạp hóa lớn C.N trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình, TP.HCM), chị Cẩm, chủ cửa hàng cho biết cùng một thương hiệu, nhưng nếu là hàng sản xuất tại Thái, sẽ cao hơn hàng sản xuất trong nước tầm 10 -15%, nhưng người tiêu dùng chấp nhận được. Tập trung nhiều nhất là các mặt hàng nước giặt, nước xả vải từ Thái. Ngoài ra, các nhãn hàng nhập từ Thái như D-Nee, Tizo… cũng có giá cao hơn hàng cùng loại trong nước, nhưng nay thị trường bắt đầu chuộng hơn.

Không chỉ với hàng Thái, người tiêu dùng Việt nay chuộng nhiều hàng Nhật, Hàn với mức giá cao hơn nhiều. Tại cửa hàng đồng giá 40.000 đồng/sản phẩm của Daso (Nhật) trong siêu thị Aeon Tân Phú (TP.HCM), chị Linh Đan (ngụ Q.Tân Bình) đang mua mấy cái nhấc nồi và lót ly với giá 40.000 đồng/sản phẩm, cho biết: “Mặt hàng này đổ đống tại chợ bán tầm 10.000 đồng/sản phẩm, trong siêu thị có giá tầm 16.000 – 25.000 đồng/sản phẩm chủ yếu hàng Việt. Nhưng tôi thích trả cao hơn để mua hàng Nhật bởi vì nó xinh hơn”.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, người tiêu dùng đã “chịu trận” hàng hóa thực phẩm chất lượng thấp thời gian qua. Nay đã qua thời đó và họ đang sử dụng quyền lực người tiêu dùng để buộc doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng hơn nữa. “Tôi mua một bó rau muống bán trong Vinmart giá 8.000 đồng, đắt gấp đôi rau ngoài chợ nhưng yên tâm mà sử dụng. Yên tâm về an toàn thực phẩm là lý do mà buổi chiều nào rau quả ở Vinmart cũng hết sạch”, ông nói. Ông phân tích thêm, thị trường có nhiều phân khúc tiêu dùng, hàng Thái Lan đắt hơn 5 – 10% nhưng vẫn hút người mua, phân khúc cao hơn có hàng Nhật, Hàn Quốc…, còn một phân khúc thấp mà đa phần là người lao động, công nhân… đang đành phải chấp nhận chất lượng trôi nổi, nhưng họ cũng dần ý thức và muốn thoát khỏi điều này.

Ông Phú cũng cảnh báo nông sản Việt đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác trong khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), áp lực đối với sản phẩm trong nước sẽ cao hơn khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN khác vào VN được miễn thuế.