Category Archives: Advice for employers

Săn đầu người là gì? Nghệ thuật và đỉnh cao trí tuệ nhân sự thế kỉ 21

Săn đầu người – Một số bạn có thể từng nghe về thuật ngữ này. Đúng vậy, săn đầu người không phải là mới trong ngành nhân sự và tuyển dụng trên thế giới nói chung nhưng đối với các doanh nhân và ông bà chủ Việt Nam thì nó còn khá xa lạ.

Không ai biết thuật ngữ này xuất hiện từ bao giờ nhưng ai cũng đoán rằng nghề săn đầu người đã xuất hiện từ rất xa xưa, thậm chí còn xưa hơn cả Tam Quốc nữa.

săn đầu người

Săn đầu người ngày nay đã chứng tỏ được tầm vóc của mình trong ngành tuyển dụng nhân sự toàn cầu và từng được sử dụng ít nhất một lần bởi hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới. Nhưng có ai biết không phải mọi nhà tuyển dụng đều biết săn đầu người? Bởi vậy, trên thế giới có câu:

Headhunters are certainly recruiters but not all recruiters are headhunters”. Vậy săn đầu người là gì? Hãy cùng tôi tìm hiểu về thuật ngữ tuy xa mà gần này nhé.

Vâng, trong bài viết này, tôi sẽ cho bạn biết săn đầu người là gì?

săn đầu người

Thật sự, săn đầu người cũng là một hình thức lựa chọn và tuyển dụng nhân tài nhưng ở tầm cao và khó hơn cách chúng ta thường nghĩ về quy trình tuyển dụng truyền thống.

Ở đó, nơi mà các thợ săn đầu người sẽ bằng mọi cách tìm cách liên lạc với người đặc biệt nào đó, người mà có những phẩm chất và kĩ năng đặc biệt phù hợp cao với yêu cầu và vị trí mục tiêu đã định trước và sau đó là tạo mối quan hệ để rồi thuyết phục anh ta hay cô ấy tham gia vào quy trình tuyển dụng đặc biệt của mình.

Như vậy, săn đầu người là cả một nghệ thuật về lập kế hoạch, giao tiếp, thuyết phục, đàm phán, thương lượng và hiểu tâm lý con người ở mức đỉnh cao và đối tượng của thợ săn đầu người thường là các nhà quản lý và lãnh đạo cấp cao của các công ty, tập đoàn lớn ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung mà có thể ví von khó như lên trời, đôi khi là không tưởng nếu bạn nghĩ có thể chuyển Messi từ Barcelona sang Real Madrid vậy.

Tại sao các công ty cần thợ săn đầu người và khi nào họ làm điều đó?

săn đầu người

Các công ty thường sử dụng dịch vụ săn đầu người khi họ đã hết cách – khi mà mọi mối quan hệ và hồ sơ ứng cử viên tiềm năng thu được từ việc đăng trên quảng cáo hay LinkedIn đã trở nên vô dụng.

Một lý do nữa, họ không muốn lãng phí thời gian của mình mà tốt hơn là dành thời gian rút ngắn khoảng cách để vượt mặt đối thủ một cách nhanh nhất. Cuối cùng, vị trí cần tìm là bí mật quốc phòng và họ không muốn công khai, vì thế họ cần phải thuê thợ săn chuyên nghiệp.

Mục tiêu của thợ săn đầu người là gì?

săn đầu người

Không phải ai, tất nhiên, mà chỉ những trường hợp đặc biệt – chỉ những ứng viên có kỹ năng đặc biệt, nhân viên từ các đối thủ cạnh tranh lớn là mục tiêu hàng đầu. Nếu bạn là một sinh viên mới ra trường, có lẽ đừng bao giờ chờ đợi cho các thợ săn đầu người gọi tới, điều đó là sự thật.

Điều gì giúp một thợ săn đầu người thành công?

săn đầu người

Như tôi đã nói trước đó, không phải ai làm nhân sự thì cũng có thể làm được thợ săn đầu người.

Bạn cần phải có một số kỹ năng tương tự như những người bán hàng chuyên nghiệp. Bạn phải có một trí tưởng tượng sống động về làm thế nào để có được thông tin chi tiết liên lạc của ứng cử viên vì email và số điện thoại của ứng viên không ngồi đó sẵn chờ đợi để bạn tìm ra.

Bạn cần phải tìm kiếm hàng tuần trên internet, gọi tất cả các cuộc gọi có thể được, đôi khi phát minh ra những câu chuyện qua điện thoại hoặc email để kể những câu chuyện đáng tin cậy và chuyên nghiệp để bất cứ ai lần đầu tiên cũng vui vẻ và bị bạn cuốn hút; bạn phải có tính thuyết phục, không chỉ là thuyết phục họ đến gặp bạn bàn công việc mà còn phải tìm ra lý do phù hợp, rồi còn phải thuyết phục cả những thư ký và đồng nghiệp của họ, đôi khi bạn phải nói dối, để phát minh ra các chi tiết và tất cả chỉ để có được một số liên lạc.

Săn đầu người có hợp pháp?

săn đầu người

Vâng, tùy vào mức độ chuyên nghiệp và thỏa thuận của cả 4 bên – nhà tuyển dụng, thợ săn đầu người, ứng cử viên và bên bí mật thì việc săn đầu người sẽ được coi là hợp pháp hay bất hợp pháp. Cách thợ săn đầu người lấy thông tin và sử dụng thông tin của bạn sẽ quyết định mức độ của việc vi phạm. Nhưng tất nhiên, đặc điểm của nghề săn đầu người là tính bảo mật được đảm bảo tuyệt đối và rất cẩn trọng.

Thợ săn đầu người lấy thông tin của bạn ở đâu? Bạn có được phép hỏi họ về điều đó hay không?

săn đầu người

Trước hết, có, bạn được phép hỏi. Chỉ cần tự nhiên và cởi mở nếu bạn thực sự quan tâm quá nhiều như thế nào họ đã lấy được nó. Đầu tiên, từ một số nguồn – có thể là một kết nối bạn đã không nhận thấy trên LinkedIn, Facebook hay mạng xã hội khác.

Họ có thể có thông tin chi tiết của bạn từ một trong những địa chỉ liên lạc của họ từ người biết bạn. Họ có thể đã mua nó từ cổng thông tin việc làm cho phép nhà tuyển dụng mở khóa CV của bạn sau khi trả một số tiền nhất định (điều này là một chút trên khía cạnh của bất hợp pháp, nhưng nó có thể).

Họ có thể đã tìm thấy nó trực tuyến nơi nào đó nếu bạn có một trang web cá nhân hoặc là một người nào đó, tại một số điểm nào đó trong sự nghiệp của bạn hoặc công ty mà bạn từng làm việc cho và đã bị lãng quên từ lâu nhưng họ vẫn lưu thông tin của bạn.

Bạn có thể đã trao đổi danh thiếp của bạn cho họ tại một số cuộc họp mà bạn không còn nhớ. Nói chung, khả năng là vô cùng nhiều và nó chỉ còn phụ thuộc vào trí tưởng tượng của các thợ săn đầu người mà thôi.

Cư xử như thế nào khi tiếp cận với thợ săn đầu người lần đầu tiên?

săn đầu người

Không có gì đặc biệt. Nếu họ quan tâm đến bạn – đặt câu hỏi và đồng ý đến cuộc họp; nếu không, chỉ đơn giản là cảm ơn các thợ săn đầu người cho các cuộc gọi hoặc email của họ và giải thích rằng bạn không quan tâm tại thời điểm này.

Nếu dự án của bạn không cho phép bạn thay đổi công việc ngay lúc đó, khôn ngoan nhất bạn nên chấp nhận để các thợ săn giữ CV của bạn để liên hệ sau khi cần đến. Bạn không nên nghi ngờ và đặt câu hỏi kiểu như “Sao ông có được số điện thoại của tôi?” hoặc “Ai cho phép ông gọi cho tôi?”. Điều này chỉ làm bạn thêm xấu tính và con đường tương lai của bạn gập ghềnh và khó khăn hơn. Chỉ cần lịch sự như bạn có thể không bao giờ biết hết những vị trí tuyệt vời mà các thợ săn đầu người có thể mang đến cho bạn trong tương lai.

Read more: Những khó khăn và thách thức của nghề săn đầu người

452791102

Giữ chân nhân tài bằng… “giải thoát”

Theo một khảo sát vừa được mạng việc làm JobStreet.com Việt Nam thực hiện trên 5.500 người lao động tại TP. Hồ Chí Minh thì hiện có trên 57% người không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống, trong đó tỷ lệ ở cấp quản lý là 51%, còn ở cấp nhân viên dưới một năm kinh nghiệm là hơn 63%.

Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống là nguyên nhân chính khiến người lao động cảm thấy mệt mỏi với công việc hiện tại, dẫn đến tình trạng căng thẳng tâm lý và giảm năng suất làm việc, tình trạng nhảy việc cũng vì thế mà tăng lên.

Không có thời gian dành cho cuộc sống riêng

Khái niệm “cân bằng cuộc sống và công việc” (work life balance) bao gồm việc cân bằng giữa nghề nghiệp và các khía cạnh của cuộc sống như gia đình, bạn bè hoặc các sở thích cá nhân.

Theo khảo sát nói trên, không ít người lao động không có nhiều thời gian dành riêng cho bản thân và các hoạt động với gia đình, bạn bè. Có đến 11% cho biết họ hầu như phải làm việc từ sáng đến lúc đi ngủ, không có thời gian cho cuộc sống riêng, 29% chỉ có 3 giờ mỗi ngày cho gia đình.

Có đến 34,4% người được khảo sát nói họ phải làm thêm từ 2 đến 5 giờ mỗi ngày. Khi được hỏi về nguyên do phải làm thêm giờ, chỉ có khoảng 20% người lao động cho biết họ tự nguyện để nâng cao trình độ, còn lại là do công việc quá tải (32,7%), để kiếm thêm thu nhập (26%) hoặc làm theo yêu cầu của sếp (20,5%).

Ngoài ra, có đến 43% người lao động cho biết họ vẫn phải làm việc trong các kỳ nghỉ lễ và ngày nghỉ phép. Điều này dẫn đến việc có trên 60% người lao động cảm thấy áp lực nặng nề khi phải làm việc ngoài giờ.

Khá nhiều nhân viên ở công ty truyền thông thường làm việc 10 đến 12 giờ mỗi ngày, có người thậm chí tiếp tục làm việc sau giờ ăn tối cho đến 1-2 giờ khuya.

Một chuyên viên truyền thông chia sẻ: “Tôi hiếm khi từ chối làm thêm giờ, thậm chí tự nguyện làm thêm thứ Bảy, Chủ nhật vì không muốn bị đánh giá thấp về năng lực hoặc để công việc rơi vào tay người khác”.

Trong khi đó, một cô kế toán trưởng là mẹ đơn thân thường phải làm việc đến 9 giờ tối, cậu con trai hiện đang học tiểu học phải theo chân mẹ đến cơ quan và ngồi một chỗ chơi game.

Thực tế, một ngày làm việc kéo dài sẽ giảm hiệu quả làm việc và năng suất công việc một cách đáng kể. Sự cạnh tranh trong nội bộ để được thăng tiến là nguyên nhân gây mất cân bằng trong công việc lẫn cuộc sống, cũng là nguyên nhân khiến nhân viên đó căng thẳng về mặt tâm lý.

Người lao động được yêu cầu lựa chọn giữa công việc và cuộc sống hay chấp nhận làm thêm giờ để “rộng đường” phát triển sự nghiệp cũng như tăng thêm thu nhập. Có đến gần 50% người lao động chấp nhận làm thêm giờ để tăng thu nhập, 24% chọn làm thêm giờ để có cơ hội thăng tiến trong tương lai và 23% cho biết sẽ không làm việc thêm giờ vì cần dành thời gian cho bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, một con số đáng lưu ý khi gần 65% người lao động chấp nhận làm ngoài giờ chỉ được công ty trả thêm dưới 1 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy việc làm thêm giờ thật sự chưa giải quyết vấn đề thu nhập cho người lao động.

Cách “giải thoát” cho nhân viên

Trong khi đó, doanh nghiệp hiện vẫn thiếu các chính sách hỗ trợ nhân viên để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chỉ 12% người lao động cho biết văn hóa của công ty khuyến khích họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống, 24% cho rằng công ty có chính sách nhưng chưa thực hiện tốt và có đến 59% nhận định công ty chỉ chú trọng đến kết quả công việc và không có chính sách hỗ trợ nhân viên.

Dù nhiều người lao động chọn việc làm thêm giờ để cải thiện thu nhập, nhưng có gần 47% không được trả lương ngoài giờ kể cả khi họ làm những công việc mà sếp yêu cầu. Có 30% người lao động cho biết công ty luôn trả lương khi yêu cầu làm thêm ngoài giờ, 22% cho biết chỉ được trả lương ngoài giờ khi sếp có yêu cầu hoàn thành công việc.

Cũng trong khảo sát của JobStreet.com Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang phải đối phó với tỷ lệ nhảy việc rất cao của nhân viên. Người lao động đang không hài lòng với công việc hiện tại và sẵn sàng chuyển việc khi tìm được cơ hội tốt hơn.

Đối phó với tình trạng quá tải công việc là một thách thức mới cho cả chủ lao động và người lao động. Tại các nước phát triển, người lãnh đạo thường đẩy mạnh chính sách cân bằng công việc – cuộc sống nhằm giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn đồng thời hưởng thụ cuộc sống. Chủ lao động không những không khuyến khích làm thêm ngoài giờ mà còn tạo thời gian làm việc linh động nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.

Thiết nghĩ, để người lao động an tâm cống hiến hết mình cho công việc, doanh nghiệp cần có những chính sách riêng rẽ dành cho từng đối tượng lao động, đảm bảo những phúc lợi khác khi làm việc ngoài giờ (nghỉ bù, cơ hội thăng tiến, lương ngoài giờ…).

Doanh nghiệp cần quản lý sắp xếp thời gian để nhân viên có thể tham gia vào các khóa tập huấn nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết của họ đồng thời tạo thời gian cho nhân viên nghỉ ngơi sau một thời gian làm việc với cường độ cao. Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp cần cho phép nhân viên nghỉ phép từ 12-15 ngày có trả lương để họ có thời gian dành cho gia đình và những thú vui cá nhân.

Tại Nhật Bản, Chính phủ đang xem xét buộc nhà tuyển dụng cho người lao động nghỉ phép hưởng lương hằng năm nhằm giảm tình trạng quá tải cũng như giúp họ cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn. Theo quy định hiện tại, những người “cày” liên tục trong ít nhất 6 tháng hoặc 80% số giờ làm việc mỗi năm sẽ được nghỉ phép hưởng lương 10-20 ngày. Nhân viên bán thời gian cũng được hưởng chế độ này nếu làm việc 5 ngày mỗi tuần.

Với mặt bằng thu nhập chung còn thấp so với khu vực và tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, việc cân bằng giữa quyền lợi doanh nghiệp và người lao động vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn. Do đó, các yếu tố “mềm dẻo” như đảm bảo con đường sự nghiệp cũng như sự quan tâm đến đời sống tinh thần cho người lao động sẽ là yếu tố giúp doanh nghiệp thu hút và giữ nhân tài trong thời gian tới, nhằm xây dựng một môi trường làm việc minh bạch, văn minh hơn, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập.

An toàn mạng: Sự thiếu hụt nhân sự trầm trọng

Các cuộc tấn công và xâm nhập dữ liệu mạng là nhiều tổn hại và tốn kém đối với danh tiếng của một công ty. Nhưng hiện không đủ nhân sự để lấp đầy lỗ hổng trong lĩnh vực an toàn mạng.

Các chuyên gia cho rằng sự thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng chuyên gia an toàn mạng là đáng báo động. Trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức trên thế giới đã trở thành miếng mồi của các loại tội phạm mạng.Tại Mỹ, những tên tuổi lớn như UPS, Goodwill, JP Morgan Chase, Sony và nhiều công ty khác liên tục trở thành nạn nhân. Trong năm 2015, danh sách nạn nhân của hacker bao gồm cả FBI, chuỗi khách sạn của Donald Trump, v.v…

Cái giá phải trả bao gồm cả tiền và danh tiếng của các tổ chức, công ty. Theo một nghiên cứu do Viện Ponemon (một viện nghiên cứu độc lập về bảo vệ dữ liệu và chính sách an toàn thông tin) tiến hành với 350 công ty tại 11 quốc gia, tổn thất trung bình của một lần bị tấn công mạng là 3,8 triệu USD, tăng 23% so với năm 2013.

Không có gì ngạc nhiên khi số liệu của Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ cho thấy nhu cầu nhân sự về an toàn mạng sẽ tăng 53% trong hai năm tới. Một cuộc nghiên cứu vừa được công bố trong tuần cuối tháng 7/2016 do Intel Security phối hợp với Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ – Center for Strategic and International Studies (CSIS) tiến hành tại tám quốc gia Úc, Pháp, Đức, Nhật, Anh, Mỹ, Israel và Mexico đã chỉ ra tình trạng thiếu hụt nhân sự đang rất phổ biến của ngành an ninh mạng.

Có đến 82% đối tượng tham gia cuộc khảo sát cho biết đang thiếu nhân sự an toàn mạng tại cơ quan của họ. Cứ 4 đối tượng tham gia khảo sát thì có một đối tượng khẳng định cơ quan của họ từng là nạn nhân của tấn công và đánh cắp dữ liệu mạng do thiếu nhân sự đạt yêu cầu.

Cần những kỹ năng “cứng” để lấp vào lỗ hổng

Điều cốt lõi được rút ra từ cuộc nghiên cứu này là cần thiết phải giải quyết nhu cầu về 3 kỹ năng sau: nhận diện sự xâm nhập, phát triển phần mềm an toàn cao, giảm nhẹ khả năng bị tấn công.

“Những kỹ năng này có nhu cầu lớn hơn các kỹ năng mềm như khả năng hợp tác, quản lý đội ngũ hay truyền thông hiệu quả”, các tác giả của báo cáo viết.

Đào tạo thường xuyên và thực tiễn là cách thích nghi

Không giống với vị trí của các nhà khoa học dữ liệu (data scientist), một vị trí yêu cầu bằng tiến sĩ, báo cáo của CSIS cũng cho biết bằng cấp có thể chỉ là điều kiện tiên quyết tối thiểu đối với các vị trí trong lĩnh vực an toàn mạng. Sự thật thì ít người (chỉ 23% những người được hỏi) tin rằng các chương trình giáo dục có thể hoàn toàn chuẩn bị sẵn sàng cho sinh viên bước vào ngành này.

Cũng theo cuộc khảo sát, Mỹ và Anh là hai nước đầu tư nhiều vào giáo dục an toàn mạng, trong khi Mexico, Pháp và Nhật đầu tư ít nhất. Các tập đoàn và trường đại học Mỹ đang bắt đầu cung cấp các khóa huấn luyện thực tiễn để ứng phó với tình trạng thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực này.

Báo cáo của CSIS ước tính ngành an ninh mạng toàn cầu sẽ phải chi hơn 100 tỉ USD trong vòng 4 đến 5 năm tới. Chính phủ Mỹ và ngành tài chính sẽ đầu tư mạnh tay nhất và phần lớn sự đầu tư là dành cho huấn luyện và tuyển dụng nhân sự giỏi.

Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhận ra rằng đào tạo thường xuyên là việc cần thiết và cũng giúp giữ chân nhân sự giỏi. Đây cũng là một phần nguyên nhân để nhân sự ngành này quyết định ra đi hay ở vì chi phí để tự đào tạo và lấy bằng thường khá cao nếu họ tự chi trả.

Hiện tại, các công ty đang tự “điền” vào khoảng trống nhân sự này bằng công nghệ và thuê ngoài một số nhiệm vụ, chẳng hạn như đánh giá và giảm nhẹ rủi ro, giám sát hệ thống và quản lý truy cập. Hơn 60% đối tượng tham gia khảo sát cho biết họ đang thuê ngoài ít nhất 1 mảng nào đó trong khối lượng công việc về an toàn mạng.

Theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn toàn cầu KPMG, các công ty tại thị trường mới nổi Đông Nam Á nên bắt đầu ngay việc tăng cường an ninh mạng để tự bảo vệ trước tình hình tội phạm mạng đang gia tăng. Nền kinh tế Đông Nam Á ngày càng có một vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và điều này hấp dẫn các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là trong tình hình khu vực này vẫn còn trong tình trạng quản trị yếu kém các nguồn dữ liệu nhạy cảm.

“Các thị trường mới nổi dễ bị tấn công vì đầu tư cho an toàn mạng có giới hạn hoặc thấy không cần thiết để đầu tư”, ông Ho Wah Lee, người đứng đầu nhóm thị trường mới nổi – KPMG Indonesia cho biết.

Báo cáo chỉ ra rằng mối hiểm nguy đến từ 4 lĩnh vực: Sự phức tạp của các chuỗi cung ứng, nhu cầu duy trì chi phí thấp để hấp dẫn đầu tư, sự phát triển nhanh của công nghệ mà không sẵn sàng năng lực hay nhận thức về việc huấn luyện những hiểm họa công nghệ và quản trị kém.

Theo một báo cáo của Công ty An toàn mạng FireEye (Mỹ) thì các ngành có nguy cơ bị tấn công mạng cao nhất trong khu vực châu Á là truyền thông, giải trí, du lịch – khách sạn, tài chính và các trang mạng chính phủ.

Để thu hút nhân tài trí thức…

Sau hơn 40 năm đất nước hòa bình thống nhất, Việt Nam lại khó thu hút du học sinh về nước phục vụ tới thế? Thật ra, thu hút du học sinh chỉ là một mặt của vấn đề thu hút nhân tài. Cần làm gì để thu hút nhân tài, nhất là nhân tài trí thức, để xây dựng đất nước, bài viết này xin góp thêm một góc nhìn.

Điều trước nhất: xin đừng nghĩ rằng du học sinh là người Việt, có bổn phận trở về. Ở mức độ xã hội, cộng đồng, trong thời đại hiện nay, mang tư tưởng đó mà ngồi yên chờ du học sinh trở về chính là ôm cây đợi thỏ!

Điều thứ hai: Việt Nam cần tiến hành các việc sau: tìm hiểu giá trị chính và nhu cầu chính của nhân tài, du học sinh; xây dựng chính sách thu hút dựa trên hai yếu tố trên sao cho sự thuyết phục thật sự lôi cuốn các du học sinh; xây dựng đội ngũ thuyết phục; xây dựng hệ thống hậu mãi hữu hiệu, nghĩa là làm sao cho nhân tài không chán nản khi đã về làm việc tại Việt Nam (xin mở ngoặc: vẫn biết chán hay không chán là do chính cá nhân. Tuy nhiên chính quyền cần xây dựng trước những điều kiện chung nhất như pháp luật, dịch vụ công ở mức chấp nhận được).

Về các giá trị chính, với nhân tài nói chung, du học sinh thành tài nói riêng, cái căn bản nhất của một xã hội chính là các giá trị đạo đức chứ không phải là địa vị hay tiền của. Do đó, họ rất gắn bó với các giá trị cốt lõi truyền thống của dân tộc và của xã hội văn minh đương đại. Đó là, trung thực, liêm khiết, bình đẳng, công bình, tôn trọng con người, tuân thủ luật pháp.

Và nhu cầu của họ là muốn được đóng góp vào sự tiến bộ và phát triển của xã hội bằng thực tài của mình và được xã hội công nhận. Họ cần sống trong một xã hội văn minh, tiến bộ và muốn con cháu họ được hưởng một nền giáo dục tiến bộ, nhân bản và khai phóng.

Đối chiếu các yếu tố trên sẽ thấy các chính sách trải thảm đỏ đón nhân tài hiện nay chưa đủ sức thuyết phục họ, bởi vì chưa đáp ứng được cái họ cần, họ tôn trọng.

Vì vậy, hãy cùng nhau xây dựng một môi trường trong đó sự tự do học thuật được thúc đẩy và khuyến khích mạnh mẽ, tài năng và đạo đức được tôn trọng và đãi ngộ, chứ không phải lý lịch. Mọi người có cơ hội nghề nghiệp ngang nhau, mọi người có thể tiếp cận bất kỳ vị trí nào trong xã hội để mưu cầu sự phát triển cho riêng mình và thi thố tài năng để phục vụ đất nước.

Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường trong đó tính trung thực được tôn vinh, sự gian dối bị vạch mặt; tính liêm khiết trong giới công quyền được đề cao, sự tham nhũng, lạm quyền bị trừng trị, mọi người và mọi tổ chức bình đẳng trước pháp luật.

 

3 kiểu ứng viên dễ bị loại ngay từ vòng đầu

Có muôn vàn lý do khiến một ứng viên không qua được một, thậm chí tất cả các vòng tuyển dụng của một công ty. Tuy nhiên, chưa nói tới các kỹ năng, kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm làm việc, nếu mắc phải các lỗi cơ bản sau thì bạn sẽ rất khó lọt qua vòng sơ tuyển của nhà tuyển dụng.

Thiếu tự chủ

Một biểu hiện dễ nhận thấy ở ứng viên thiếu tự chủ là tại phần thông tin liên lạc trong CV hay hồ sơ ứng tuyển, thay vì để số điện thoại và email cá nhân, họ lại để lại thông tin liên lạc của người thân, mặc dù trên thực tế họ có sử dụng cả 2 phương tiện liên lạc này.

Một người chưa biết làm chủ cơ hội được làm việc của mình, không sẵn sàng nhận cuộc gọi, email mời tham dự vòng tuyển dụng từ nhà tuyển dụng thì rất khó để nói rằng họ đã thực sự mong muốn được đi làm, hay có thể tự quyết định việc mình muốn làm.

Không quan tâm tới cơ hội của chính mình

Được mời tham gia phỏng vấn tuyển dụng đồng nghĩa với việc bạn đang tới gần hơn với cơ hội của mình, bởi không phải CV hay hồ sơ xin việc nào cũng đủ tiêu chuẩn để qua được khâu xét duyệt trên giấy. Tuy nhiên, có nhiều ứng viên lại để vuột mất cơ hội đi tiếp vào vòng trong chỉ vì khi tiếp xúc với nhà tuyển dụng, họ không thể nhớ chính xác mình đã ứng tuyển vào vị trí gì, không nhớ nổi yêu cầu về công việc mà mình ứng tuyển.
Với kiểu ứng viên đó, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra câu hỏi liệu họ có đủ niềm đam mê với công việc này hay không khi chính bản thân họ không quan tâm một cách đầy đủ tới những gì mình đang làm?

Không sẵn sàng với lựa chọn của mình

Không chắc chắn muốn làm tại vị trí mình đã ứng tuyển, hỏi sang cả vị trí khác và phân vân muốn chuyển sang vị trí khác vì lo sợ không trúng tuyển ở vị trí hiện tại… là những “điểm trừ” mà nhiều người khi đi xin việc mắc phải.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Có phải bạn đang tìm việc chỉ với duy nhất một lý do là bạn cần có một công việc tạm thời, thay vì có đôi chút sự thích thú và mối quan tâm tới nó? Liệu bạn có đủ nhiệt huyết với công việc mà chính bản thân cũng không dám chắc mình yêu thích và hiểu về nó?