Category Archives: Bussiness

Thu hút FDI: những góc khuất nguy hiểm

Chính phủ cần phải có những ứng xử kịp thời với yếu tố quốc tịch trong chiến lược thu hút FDI. Làm như vậy không phải là phân biệt đối xử trong thu hút FDI mà ngược lại, chính ta đang thực hiện những động thái cần thiết để tiến tới một sân chơi bình đẳng.

Thu hút FDI và nguy cơ phân hóa thành hai nửa nền kinh tế

Trong một phân tích trên TBKTSG cách đây hai năm, Giáo sư Trần Văn Thọ đã mở đầu cho những phân tích nguy cơ kinh tế Việt Nam bị phân hóa thành hai nửa: một nửa là khu vực FDI và một nửa là khu vực kinh tế còn lại của doanh nghiệp (DN) nội địa. Các yếu tố chính cho những nhận định trên là chúng ta đang thiếu một chiến lược tổng thể thu hút FDI; chưa có cơ chế phát triển mạnh hình thức liên doanh giữa DN FDI và DN nội địa; thiếu liên kết hàng dọc giữa DN FDI và DN nội địa (DN FDI chủ yếu nhập nguyên liệu và phụ tùng từ nước ngoài thay vì từ các DN trong nước, khiến cho ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta không thể phát triển).

Về mặt lý thuyết, có thể tóm lược kênh truyền dẫn chính để FDI và các công ty đa quốc gia (MNC) tác động đến tăng trưởng kinh tế và các thành quả khác của nước ta là thông qua ba cơ chế: hiệu ứng quy mô, hiệu ứng kỹ thuật, kỹ năng và hiệu ứng cấu trúc. Tất cả các kênh truyền dẫn này đều không thực sự tạo ra hiệu ứng lớn như kỳ vọng ban đầu, thậm chí là gây thất vọng.

Các số liệu thống kê và những phân tích của nhiều chuyên gia sau đó đã ngày càng củng cố thêm rằng giả thuyết nguy cơ hai nửa nền kinh tế ngày càng khó bị bác bỏ.

Có lẽ do không đồng ý với những nhận định trên, hầu hết phản hồi từ các nhà hoạch định chính sách và một số chuyên gia Bộ Khoa học và Công nghệ đã không đi thẳng vào phản bác lập luận này. Thay vào đó, họ chỉ thừa nhận một vài yếu kém trong thu hút FDI và khẳng định FDI vẫn là trụ cột chính trong phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam. Thậm chí trong một hội thảo mới tổ chức ở Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư còn nhấn mạnh, các DN FDI cần phải chia sẻ với DN nội địa, hợp tác, bổ sung để cùng nhau có lợi, lúc ấy mới mong công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển; nếu không, muôn đời công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cũng không phát triển được.

Formosa nói riêng và các DN FDI có quốc tịch Trung Quốc nói chung chính là minh họa rõ nét nhất đóng góp của FDI nhìn từ thể chế kinh tế – chính trị quốc gia của các công ty đa quốc gia đã tác động lan tỏa đến tăng trưởng của Việt Nam ra sao.

Những tranh luận về thu hút FDI ở Việt Nam cũng như ở các nền kinh tế mới nổi luôn diễn ra như vậy. Một phía, các nhà kinh tế đưa ra những cảnh báo về nguy cơ. Phía còn lại, dù thừa nhận tác động lan tỏa yếu của FDI đến nền kinh tế, vẫn viện dẫn những số liệu thống kê tạo công ăn việc làm, bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán, đóng góp vào thu ngân sách, xuất khẩu và tăng trưởng để khẳng định tầm quan trọng của thu hút FDI. Nhưng có đúng là như vậy?

Cách tiếp cận mới: quốc tịch của các MNC và những nguy hiểm tiềm ẩn đến kinh tế, an ninh và quốc phòng

Những lập luận để chứng minh tầm quan trọng của FDI theo cách của các nhà hoạch định chính sách như trên vẫn còn nhiều điểm không thật sự thuyết phục, ít nhất để trả lời cho câu hỏi: vậy giải pháp sắp đến là gì để nâng cao hiệu quả thu hút FDI hoặc cần phải làm gì để nguy cơ nền kinh tế không bị phân hóa. Hoặc sát sườn hơn là phải làm gì với liên tục các thảm họa môi trường từ các DN FDI diễn ra dồn dập thời gian mới đây.

Nhiều nghiên cứu gần đây trên thế giới đã hướng vào một cách tiếp cận mới cho các tranh luận này. Theo đó, dòng vốn FDI và các MNC không thể được xem như một thể thuần nhất khi phân tích tác động của chúng đến tăng trưởng kinh tế của nước chủ nhà. Nếu xem dòng vốn FDI như một thể thuần nhất không có sự khác biệt sẽ không thể đánh giá được chính xác đóng góp FDI vào tăng trưởng của một quốc gia. Tức là ta chỉ mới thấy một bức tranh tổng thể FDI và tăng trưởng kinh tế mà không biết được những cấu trúc vi mô nào của các FDI kìm hãm hoặc tạo động lực phát triển.

Để xử lý vấn đề này, các nhà hoạch định chính sách có thể tập trung vào từng dạng đầu tư hay loại nhà đầu tư để xem tác động của từng loại hình FDI đến tăng trưởng kinh tế (thậm chí các đánh giá cơ bản này cũng chưa thấy từ các nhà làm chính sách?). Tuy nhiên các phân tích này cũng chỉ mới giải quyết được đóng góp của FDI vào thành quả của từng ngành công nghiệp mà không chỉ ra được tác động chung đối với toàn bộ nền kinh tế. Một số nghiên cứu đột phá gần đây vì vậy đã hướng đến phân tích quốc tịch gốc của các MNC và FDI.

Áp dụng cách tiếp cận này vào bối cảnh Việt Nam, ta sẽ phần nào nhận rõ được đóng góp của FDI vào tăng trưởng của Việt Nam theo quốc tịch. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào TPP, cách tiếp cận FDI theo nguồn gốc quốc gia của các MNC càng tỏ ra hữu ích; khi mà chính sách thu hút FDI và ứng xử với các MNC từ những quốc gia trong khối TPP, với những luật chơi riêng trong khối, phải khác với các nước như Trung Quốc chẳng hạn. Chúng ta cần phải đánh giá được trong tổng số xuất khẩu, thu ngân sách, việc làm được tạo ra hay tăng trưởng kinh tế thì FDI của quốc gia nào đã tác động thuận lợi hay bất lợi và góp phần bao nhiêu vào trong các thành quả này.

Về lý thuyết, nguồn gốc quốc gia của các MNC có thể tập trung vào các nhóm nhân tố chính là điều kiện thị trường, hệ thống kinh doanh, hành vi quản lý và thể chế ở các quốc gia của các MNC. Rất tiếc là các nhà làm chính sách nước ta chưa có nghiên cứu nào về các nhân tố trên theo nguồn gốc quốc gia của các MNC đã tác động như thế nào đến tăng trưởng (hay kìm hãm) kinh tế ở Việt Nam trong quá trình thu hút FDI. Điều may mắn là các nghiên cứu này lại mang yếu tố định tính nhiều hơn định lượng. Chỉ cần nhìn vào những vụ việc bê bối gần đây trong thu hút FDI, cùng với một vài dẫn chứng và liên hệ thêm ở cấp độ quốc tế, chắc chắn sẽ thấy ngay yếu tố quốc tịch của FDI là quan trọng như thế nào.

Các DN FDI có quốc tịch Trung Quốc nói chung chính là minh họa rõ nét nhất đóng góp của FDI nhìn từ thể chế kinh tế – chính trị quốc gia của các MNC đã tác động lan tỏa đến tăng trưởng của Việt Nam ra sao.
Trong một bài viết mới đây trên TBKTSG, tác giả đã có cảnh báo về đặc thù của MNC và FDI Trung Quốc đến tăng trưởng của Việt Nam (http://www.thesaigontimes.vn/147376/Thien-duong-o-nhiem-tu-FDI-Trung-Quoc.html). Theo đó, yếu tố thể chế lớn nhất, tác động lâu dài, chẳng những đến tăng trưởng mà còn liên quan đến an ninh, quốc phòng và bất ổn xã hội chính là do có gần đến 80% các MNC Trung Quốc có gốc gác là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện đang đầu tư ra nước ngoài. Đã là DNNN thì động cơ của các MNC tuyệt nhiên không bao giờ tuân theo những nguyên lý của một nền kinh tế thị trường khi họ đem FDI ra thế giới.

Đã là các DNNN thì FDI từ các MNC Trung Quốc tiến công vào Việt Nam sẽ tuân theo những chỉ đạo từ chính quyền trung ương Trung Quốc, và đương nhiên sẽ vượt khỏi phạm vi kinh tế thuần túy. Đây có lẽ là gót chân Achilles lớn nhất trong chiến lược thu hút FDI khi ta hầu như bàng quan về quốc tịch của các MNC. Trong khi đây lại là điều mà những lý thuyết mới gần đây về thu hút FDI thừa nhận là yếu tố không thể bỏ qua.

Chẳng hạn, ngày 12-6-2016, Reuters đưa tin các nhà lãnh đạo EU đã có những quan ngại sâu sắc về “an ninh và chính trị” khi ngày càng có nhiều DNNN Trung Quốc mua lại tài sản và liên doanh với các công ty khu vực EU. Lãnh đạo EU tuyên bố đã có những giám sát nghiêm ngặt và sẽ tạo ra những rào cản kỹ thuật đối với các hoạt động của các MNC có gốc gác là các DNNN. Họ làm vậy để ngăn chặn phần nào các vụ thâu tóm, mua tài sản và đầu tư của các DNNN Trung Quốc ở khu vực EU có liên quan đến an ninh và chính trị.

Việc bộc lộ ra những lỗ hổng quá lớn trong thu hút FDI thời gian gần đây cho thấy, trong khi ta vẫn chưa có những giải pháp cần thiết để tránh rơi vào nguy cơ phân hóa nền kinh tế, thì một cú sốc nữa có thể tác động còn khủng khiếp hơn đến kinh tế, an ninh và quốc phòng trong thu hút FDI lại liên quan đến yếu tố quốc gia có FDI đang ồ ạt đổ vào Việt Nam. Trong một phát biểu mới đây, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đã cảnh báo “vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài vấn đề quốc phòng và an ninh”.

Động cơ của các MNC theo từng quốc tịch là gì, có chịu sự lãnh đạo từ chính quyền trung ương tại chính quốc, nguồn gốc của chúng, lý lịch hoạt động, tính minh bạch và giải trình trách nhiệm, các điều kiện tài chính và nhất là tiền sử gây ô nhiễm như thế nào?

Đây là những câu hỏi – vấn đề cấp bách cần sự ứng xử kịp thời của Chính phủ. Đó cũng là cách nhìn nhận lại chính xác đóng góp của FDI theo từng quốc gia để có thêm những chính sách khuyến khích thỏa đáng cho FDI ở vùng lãnh thổ nào đóng góp vào tăng trưởng ở nước ta bền vững nhất. Cách ứng xử và những giải pháp mang tính kỹ thuật của các nhà lãnh đạo EU mới đây đối với các MNC Trung Quốc sẽ là bài học vô cùng đáng giá cho Việt Nam trong việc biên soạn lại cẩm nang những giải pháp thu hút FDI trong thời gian đến.

 

Dìm giá nhau tới chết là chiến thuật rất phổ biến của DN Việt Nam, và đây là hướng dẫn chi tiết để chống lại nó!

Trong trận chiến tranh giành khách hàng, doanh nghiệp sẽ sử dụng đủ loại chiến thuật để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Dần dần, chiến lược cạnh tranh về giá trở thành một vũ khí ưa thích của các nhãn hàng khi muốn loại bỏ đối thủ. Kể từ đây, cuộc chiến giá cả (Price War) chính thức trở thành nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp.

Dìm giá nhau tới chết là chiến thuật rất phổ biến của DN Việt Nam, và đây là hướng dẫn chi tiết để chống lại nó!

Hạ giá thành để thu hút người mua là điều bình thường đối với các thương hiệu, nhưng sự trả đũa liên tiếp của các công ty nhằm hạ giá thành sản phẩm và triệt hạ đối thủ sẽ chỉ dẫn đến suy giảm lợi nhuận trong toàn ngành.

Lấy ví dụ cuộc chiến giá cả năm 1992 giữa các hãng hàng không Mỹ. Trong khi những hãng hàng không như American Airlines, Northwest Airlines và nhiều hãng khác đua nhau từng chút một trong việc cạnh tranh giá vé, lượng người sử dụng dịch vụ vận chuyển này tại Mỹ tăng kỷ lục. Tuy nhiên, điều trớ trêu là khoản lỗ của các công ty hàng không cũng tăng kỷ lục theo.

Một số báo cáo chỉ ra rằng tổng thiệt hại của ngành hàng không Mỹ năm 1992 còn cao hơn tổng lợi nhuận của toàn ngành kể từ khi mới thành lập.

Một cuộc chiến giá cả có thể gây ra các yếu tố tiêu cực về kinh tế cũng như tạo nên tâm lý bi quan cho lợi nhuận của công ty cũng như toàn ngành kinh tế. Cho dù người thắng sau cùng là ai, tình hình của công ty đó chắc chắn sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với trước khi tham chiến.

Tồi tệ hơn, chiến tranh giá cả hiện đang diễn ra khốc liệt dưới cả 2 dạng phổ biến và không phổ biến. Hãy cùng xem xét 2 ví dụ dưới đây:

-Tháng 7/1999, hãng dịch vụ điện thoại đường dài Sprint của Mỹ hạ giá thành gọi đường dài qua đêm xuống 5 cent/phút. Đến tháng 8 cùng năm, hãng đối thủ là MCI cũng hạ giá thành giống như Sprint và đến cuối tháng đó, một công ty đối thủ nữa là AT&T cũng buộc phải hạ giá xuống 7 cent/phút.

Giá cổ phiếu của AT&T giảm 4,7% ngay sau thông báo hạ giá cước trên, còn cổ phiếu MCI giảm 2,5%, cổ phiếu của Sprint giảm 3,8%.

– Thương mại điện tử và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi sự cạnh tranh trong ngành dịch vụ tài chính khi hạ giá thành môi giới cũng như phí dịch vụ. Trong vài năm qua, phí dịch vụ ngành tài chính đã liên tục hạ từ 30 USD xuống 8 USD (số liệu bởi HBR).

Trong ví dụ thứ nhất, rõ ràng là các đối thủ trong ngành điện thoại đường dài đang có cuộc chiến về giá và việc hạ giá cước là vũ khí chính của các công ty nhằm triệt hạ đối phương.

Tại trường hợp này, những yếu tố như chất lượng dịch vụ, giá trị thương hiệu hay những thành phần ngoài giá cả khác không ảnh hưởng nhiều đến cuộc chiến về giá. Hầu như các biện pháp cạnh tranh của những công ty này là hạ giá và tiếp tục hạ giá để trả đũa đối thủ.

Xét ví dụ thứ 2, cuộc chiến giá cả đã diễn ra nhưng theo chiều hướng tinh tế hơn. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và thương mại điện tử đã dẫn thay đổi chi phí dịch vụ của ngành tài chính. Những ông lớn như Merrill Lynch hay American Express nhận ra sự thay đổi này và quyết định tái cơ cấu, đưa dịch vụ điện tử miễn phí vào phục vụ khách hàng cấp cao và hạ phí môi giới.

Rõ ràng, những công ty này chủ động tham gia cuộc chiến giá cả trước sự thay đổi của xu thế thị trường chứ không bị động trả đũa như ví dụ 1. Hơn nữa, ngoài giá cả, chất lượng dịch vụ và danh tiếng cũng có tác động đễn cuộc chiến về giá trong ví dụ thứ 2 hơn.

Hầu hết các nhà quản lý, giám đốc đều sẽ phải tham gia vào một cuộc chiến giá cả trong sự nghiệp của họ. Mỗi lần quyết định giảm giá sản phẩm của bất kỳ công ty lớn nào đều có thể khơi mào nên cuộc chiến về giá khi các đối thủ cạnh tranh đua nhau trả đũa, dẫn đến một đợt hạ giá toàn diện.

Đây là lý do vì sao các nhà quản lý cần cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định giảm giá hoặc trả đũa đối thủ khi bị mất lợi thế về giá.

Phân tích tình hình

Thông thường, chiến tranh giá cả bắt đầu khi một công ty cho rằng mức giá thị trường hiện nay quá cao, hoặc họ có thể chấp nhận bán giá thấp hơn với chi phí nhất định để giành thị phần.

Với lợi thế nhanh chóng, dễ dàng và có thể dừng bất kỳ lúc nào, chiến thuật cạnh tranh về giá đang ngày càng được nhiều nhà quản lý áp dụng với mục đích riêng. Đặc biệt, khi sự kết nối giữa các doanh nghiệp ở mức yếu, một cuộc chiến về giá có thể xảy ra rất dễ dàng và leo thang rất nhanh chóng.

Để đối phó với chúng, nhà quản lý cần phải tìm hiểu động cơ cũng như những tính chất của trận chiến nhằm đưa ra các giải pháp đối phó cũng như trước khi quyết định có tham chiến hay không.

Bước đầu tiên, các nhà quản lý cần phân tích rõ ràng tình hình. Lấy ví dụ một nhà cung cấp địa phương đột nhiên phát hiện đối thủ của họ hạ giá bán thấp hơn chi phí kinh doanh mà công ty này có thể chịu đựng. Mặc dù công ty này có thể hạ giá để trả đũa và chấp nhận chịu thiệt nhằm bảo vệ thị phần nhưng điều này sẽ dẫn đến tình trạng thua lỗ cho doanh nghiệp.

May mắn thay, công ty đã gọi vài cuộc điện thoại và phát hiện ra đối thủ hạ giá tại địa phương nhưng nâng giá ở chỗ khác nhằm triệt hạ công ty và tạo nên chiến tranh giá cả.

Trước tình hình đó, công ty công bố thông tin về việc đối thủ nâng giá ở thị trường khác là để khơi mào chiến tranh giá cả tại khu vực của họ nhằm thu hút sự ủng hộ của người tiêu dùng. Đồng thời công ty cũng kêu gọi sự ủng hộ của người tiêu dùng nhắm chống lại kế hoạch độc chiếm thị trường và cảnh báo nếu người tiêu dùng không can thiệp, động thái giảm giá ngắn hạn sẽ trở thành tăng giá trong dài hạn.

Thông thường, các nhà quản lý cần nhìn nhận và phân tích xu thế của thị trường trước các biến động về giá cả, đồng thời nắm chắc được những nguồn lực mà công ty có để có thể phản ứng lại trước những đợt tấn công về giá của đối thủ.

Hiện có 4 yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến giá cả mà nhà quản lý cần quan tâm. Đầu tiên là yếu tố khách hàng, bao gồm cảm nhận về giá của người tiêu dùng và khả năng thay đổi thị phần nếu giá cả biến động.

Tiếp theo là yếu tố về nội tại công ty, bao gồm cấu trúc chi phí, vốn và chiến thuật kinh doanh của doanh nghiệp. Sau đó là yếu tố về đối thủ, tương tự bao gồm cấu trúc chi phí, vốn và chiến thuật kinh doanh của họ.

Cuối cùng, các giám đốc cần xem xét yếu tố người chơi khác trong toàn ngành. Liệu có đối thủ mới nào sẽ tham chiến hay không? Liệu các công ty khác trong ngành có được lợi khi chiến tranh giá cả xảy ra? Liệu lợi ích của toàn ngành sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu tham chiến?

Khi các doanh nghiệp xem xét kỹ lưỡng các yếu tố trên, họ có thể nhận ra mình có rất nhiều biện pháp để đối phó với một cuộc chiến về giá, bao gồm hòa giải và hợp tác giữa 2 bên, mở rộng chiến trường ra nhiều mặt trận nhằm làm mờ ảnh hưởng của chiến tranh giá cả, hoặc thậm chí rút lui chiến lược để đạt lợi ích to lớn hơn.


Cuộc chiến giá cả giữa 2 đại gia dầu khí là Ả Rập Xê Út và Mỹ đang gây thiệt hại cho cả đôi bên

Cuộc chiến giá cả giữa 2 đại gia dầu khí là Ả Rập Xê Út và Mỹ đang gây thiệt hại cho cả đôi bên

Dừng cuộc chiến trước khi nó bắt đầu

Có nhiều cách để dừng cuộc chiến về giá trước khi nó bắt đầu. Một trong số đó là khiến cho các đối thủ của bạn hiểu rõ chính sách về giá của công ty, hay nói cách khác là tiết lộ cho đối thủ về ý định thật sự trong chiến lược giá thành sản phẩm.

Việc hạ giá của công ty cùng những tuyên bố khuyến mãi, thu hút khách hàng có thể khiến đối thủ lo lắng và gây hiểu lầm rằng bạn đang khơi mào chiến tranh giá cả.

Bằng việc kết nối tốt hơn với các đối thủ cũng như cho họ thấy rõ ý định muốn cạnh tranh bằng các phương thức khác hơn là về giá có thể giúp doanh nghiệp tránh được thảm họa chiến tranh giá cả, vốn bòn rút lợi nhuận của cả 2 bên.

Nếu đổi thủ của bạn hiểu rằng công ty không có ý định khơi mào chiến tranh giá cả và đồng ý rằng cuộc chiến như vậy chỉ gây thiệt cho cả 2, có thể họ sẽ tuân thủ luật chơi.

Ví dụ như chuỗi siêu thị Big Star tại Bắc Carolina- Mỹ tuyên bố sẽ giữ giá ngang hoặc thậm chí cao hơn đối thủ Food Lion. Động thái này khiến cả 2 đối thủ trên thị trường ngừng cạnh tranh về giá. Tuyên bố của Big Star khiến Food Lion nhận ra chiến tranh giá cả không có lợi cho cả đôi bên và chấp nhận cạnh tranh trên phương diện khác.

Kết quả là sau 2 năm, mức giá cân bằng của 79 sản phẩm thông dụng tại Bắc Carolina đã tăng mạnh. Hãng Food Lion đã quyết định ngừng cạnh tranh về giá và thậm chí nâng giá bán ngay sau tuyên bố của Big Star.

Ngoài ra, công ty có thể tiết lộ chi phí sản xuất của mình nhằm cảnh cáo đối thủ về hậu quả khi họ khai chiến về giá, nhưng cách làm này có thể khiến lợi thế về giá của bạn bị ảnh hưởng cũng như tác động phần nào đến uy tín của công ty.

Ví dụ như chuỗi cửa hàng bán thực phẩm Sara Lee nổi tiếng tại Mỹ với chi phí đầu vào vô cùng thấp, nhưng mức giá bán tại các chi nhánh của chuỗi siêu thị này lại khá cao so với nhiều đối thủ. Trong trường hợp chiến tranh giá cả xảy ra, công ty này vẫn đủ khả năng tham chiến và điều này được Sara Lee phổ biến rộng rãi, qua đó cảnh cáo các đối thủ khi họ muốn gây chiến.

Những nhà quản lý của Sara Lee nhận ra rằng động thái giảm giá không phù hợp với chiến lược kinh doanh thiên về thương hiệu của hãng. Vì vậy, thay vì tận dụng chi phí thấp để cạnh tranh về giá, hãng lại dùng yếu tố này như quân bài cảnh cáo các đối thủ trước nguy cơ khơi mào chiến tranh giá cả.

Mặc dù lợi thế về chi phí khiến doanh nghiệp có vị thế tốt hơn trong chiến tranh giá cả về dài hạn, nhưng các công ty cũng nên cân nhắc chiến lược vị thế của mình trước khi tham gia chiến tranh giá cả. Nếu họ thiên về giữ “giá” cho thương hiệu thì giảm giá cạnh tranh không phải quyết định khôn ngoan khi thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng với nhãn hàng cũng như kéo công ty vào cuộc chiến không có lợi nhuận.

Khối lượng tiền trong nền kinh tế Việt Nam tăng đột biến

Tính đến 29/7, khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế tăng đột biến, lên 9,45%. Trong khi đó các năm trước, khối lượng tiền tệ này chỉ tăng trưởng ở mức 6,3% – 7,5%. Cá biệt vào năm 2011, thời điểm lạm phát Việt Nam tăng lên 2 con số, mức tăng này chỉ ở 3,57% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng tiền trong nền kinh tế Việt Nam tăng đột biến

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tình hình huy động tín dụng và tổng phương tiện thanh toán cùng tăng khá cao trong 7 tháng đầu năm nay.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tính đến 29/7, tổng phương tiện thanh toán (M2*) tăng 9,45% so với cùng kỳ.

9,45% là mức tăng trưởng đột biến của M2 trong những năm qua.

Các năm trước, M2 chỉ tăng trưởng ở mức 6,3% – 7,5%. Cá biệt vào năm 2011, thời điểm lạm phát Việt Nam tăng tới gần 19%, mức tăng này chỉ ở 3,57% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh mức tăng đột biến của tổng phương tiện thanh toán, huy động vốn tăng 9,94% (huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%), tín dụng tăng 8,54%.

Thanh khoản của tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm trước; nhà điều hành đã mua được lượng lớn ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối…

Với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra mục tiêu điều hành xuyên suốt kiểm soát lạm phát hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống, với định hướng tín dụng tăng 18%, tăng trưởng phương tiện thanh toán 18-20%.

Để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,7% thì nguồn vốn đầu tư bao gồm rất nhiều nguồn không chỉ nguồn từ ngân hàng mà còn từ nguồn ngân sách nhà nước và nước ngoài. Chính phủ quyết tâm thực hiện tăng trưởng kinh tế 6,7%, và Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân ngân sách nhà nước nên các Bộ ngành đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này.

Nguồn vốn FDI theo số liệu của Bộ kế hoạch đầu tư 7 tháng đầu năm 2016 dòng vốn FDI thực hiện đạt 8,67 tỷ USD Mỹ gần gấp đôi mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Với quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ kinh doanh và tạo môi trường đầu tư thì chắc chắn nguồn vốn đầu tư nước ngoài và đặc biệt là FDI sẽ gia tăng trong thời gian tới.

(*) Trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, theo Tổng cục Thống kê, tổng phương tiện thanh toán (M2) phản ánh khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế tại một thời điểm nhất định, giúp các nhà hoạch định chính sách có thể theo dõi, đánh giá diễn biến khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế, từ đó đưa ra quyết định việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát cung ứng tiền tệ, duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đòi không nổi, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ, khoanh nợ 15.000 tỷ đồng tiền thuế cho DN

Bộ Tài chính đang đề xuất xóa nợ gần 8.000 tỷ đồng và khoanh nợ gần 7.000 tỷ đồng cho một số đối tượng doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đòi không nổi, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ, khoanh nợ 15.000 tỷ đồng tiền thuế cho DN

Ảnh minh họa.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa đính chính lại thông tin xóa nợ, khoanh nợ cho người nộp thuế liên quan đến Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo đó, Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, số tiền đề xuất để xóa nợ, chậm nộp và phạt người nộp thuế là gần 8.000 tỷ đồng chứ không phải là 15.000 tỷ đồng như một số thông tin gần đây.

Con số gần 7.000 tỷ đồng còn lại là số tiền khoanh nợ cho những trường hợp thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh theo đề xuất là 6.731 tỷ đồng, việc khoanh nợ là tạm thời không tính tiền chậm nộp để theo dõi do các đối tượng này gặp khó khăn chứ không phải là xóa nợ.

Trong số 8.000 tỷ đồng xóa nợ, hơn 7.421 tỷ đồng là số nợ, chậm nộp và tiền phạt đề nghị xóa do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2014.

Ngoài ra, hơn 542 tỷ đồng là tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn chi từ ngân sách Nhà nước nhưng chưa được Nhà nước thanh toán.

Những ai được xóa nợ, khoanh nợ?

Theo đề xuất của Tổng cục thuế:

– Xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh thực tế đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh trước ngày 01/01/2014

– Khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh thực tế đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh trong giai đoạn từ 01/01/2014 đến 31/12/2015.

Các đối tượng này được mở rộng hơn so với 3 đối tượng được xóa nợ trước đó. Theo Luật quản lý thuế và Luật quản lý thuế sửa đổi, đối tượng được xóa nợ gồm:

– Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt;

– Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt còn nợ;

– Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc 2 trường hợp trên mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, nhưng không có khả năng thu hồi.

Việc bổ sung đối tượng xóa nợ, khoanh nợ, theo đánh giá của Tổng cục Thuế, do nhiều người nộp thuế kinh doanh thua lỗ, lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, phải ngừng hoạt động hoặc thậm chí giải thể, phá sản nhưng không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục giải thể, phá sản.

Bởi vậy, số nợ thuế đã phát sinh từ trước thời điểm mất khả năng thanh toán bị tính tiền chậm nộp ở mức 0,05%/ngày (18,3%/năm) liên tục tăng thêm trong khi người nộp thuế đã không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoặc đã giải thể, phá sản.

Ngoài ra, nhiều người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời nhưng vẫn bị tính tiền chậm nộp tiền thuế.

Bán bắp nướng, điện thoại cùi, đăng ký kinh doanh ra sao?

Chuyện một người đàn ông sửa chữa điện thoại tại nhà vướng vào những rắc rối pháp lý vì chưa đăng ký kinh doanh làm nhiều người bức xúc và đặt câu hỏi: Bán vài trái bắp, vài bịch yaourt, điện thoại cùi bắp có phải đăng ký?

Bán bắp nướng, điện thoại cùi, đăng ký kinh doanh ra sao?

Anh Tiến lo lắng trước khả năng bị Công an Q.10 xử lý hành vi kinh doanh trái phép điện thoại cũ – Ảnh: A.NHÂN

Làm thế nào để tránh rơi vào tình trạng này? Buôn bán nhỏ lẻ vài trái bắp, vài bịch yaourt tại nhà thì cần đăng ký kinh doanh thế nào?

Khi nào không phải đăng ký kinh doanh?

Theo tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh căn cứ theo nghị định số 39/2007/NĐ-CP gồm nhiều hoạt động như buôn bán rong, buôn bán vặt, nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định hoặc thực hiện các dịch vụ như đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh…

Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại một cách độc lập, th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác cũng được xếp vào loại không phải đăng ký kinh doanh. Như vậy, không phải tất cả các cá nhân hoạt động thương mại đều phải đăng ký kinh doanh.

LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng nhìn chung người dân hiện nay chưa được phổ biến để nắm rõ các quy định pháp luật về trường hợp phải đăng ký kinh doanh, không phải đăng ký kinh doanh.

Đồng tình, LS Nguyễn Đức Chánh nêu quan điểm để quy định pháp luật đi vào cuộc sống, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật quan trọng không kém việc ban hành pháp luật.

“Để tồn tại thực trạng người dân không nắm rõ những quy định pháp luật có một phần lỗi của cơ quan chức năng. Vì vậy, nếu quả thực người dân không biết quy định pháp luật mà vi phạm thì khi xử lý cũng cần giảm nhẹ trách nhiệm cho họ, vì chế tài của pháp luật không chỉ mang tính trừng phạt mà còn mang tính giáo dục”, ông Chánh thẳng thắn.

Xử phạt hành chính cũng cần cân nhắc

LS Lê Quang Vũ (phó trưởng VP Luật Sư Người Nghèo) cho rằng trong trường hợp mua bán điện thoại của anh Dương Trọng Tiến và những trường hợp tương tự khác, chính quyền địa phương có thể kiểm tra hành chính. Nếu phát hiện có vi phạt thì lập biên bản nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính, không nên tổ chức một lượng công an cài người rồi ập vào khám xét thu giữ hàng hóa như đi bắt tội phạm.

Theo LS Nguyễn Đức Chánh, việc áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân cũng cần cân nhắc kỹ càng. Vì đây là những chế tài nặng nhất áp dụng đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật.

Những chế tài này có thể gây ra hậu quả về kinh tế, về quyền tự do thân thể và gánh chịu nhiều hệ lụy khác đối với một con người. Vì vậy, cần xử lý một cách “thấu tình, đạt lý” chứ không nên chỉ nhắm vào những vi phạm cũng như chế tài mà giải quyết.

Bên cạnh đó, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nhấn mạnh những người có thẩm quyền không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm các hành động làm đe dọa, ép người vi phạm thực hiện hành vi theo yêu cầu của mình để nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

“Cần phải có sự khách quan, áp dụng đúng quy định pháp luật trong các trường hợp như nhau, không có sự phân biệt vì bất kỳ lý do nào”- TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.

Nên tư vấn pháp lý cho dân

Theo TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, vụ việc xảy ra đối với người sửa chữa điện thoại nói riêng, và rất nhiều trường hợp tương tự được nêu ra trong thời gian qua là một hồi chuông đối với các cá nhân đang thực hiện hoạt động tương tự.

Người dân nên liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan trợ giúp pháp lý để được tư vấn, hỗ trợ về các thủ tục pháp lý liên quan.

Qua đó, người dân sẽ nắm được cơ bản các quy định của pháp luật, bảo đảm pháp luật được áp dụng vào đời sống của người dân.

Bán hàng qua Facebook không đăng ký kinh doanh có bị phạt?

Hiện nay việc bán hàng qua Facebook khá phổ biến và nhiều người băn khoản không biết bán hàng như thế có vi phạm pháp luật không?

Theo pháp luật hiện hành, Facebook không phải là website thương mại điện tử nên người lập ra trang Facebook của mình không phải thông báo cho Bộ Công thương và cung cấp thông tin như việc lập ra website thương mại điện tử.

Facebook chỉ để quảng cáo hàng hóa dịch vụ, còn việc mua bán, giao hàng, thu tiền vẫn diễn ra như một giao dịch mua bán bình thường nên chịu sự chi phối của luật pháp về kinh doanh thương mại.

Một số trường hợp bị phát hiện từ việc bán hàng qua Facebook rồi bị xử phạt không phải vì bán hàng qua Facebook mà có thể vì không có đăng ký kinh doanh, hàng hóa mua bán là hàng giả, hàng lậu không có hóa đơn chứng từ…

Theo Tuổi trẻ

[hungryfeed url=”http://headhuntvietnam.com/rss.rss” link_target=”_blank” max_items=”20″]